Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm về những sai phạm thi THPT quốc gia
“Xảy ra sai phạm thì phải xử lý nghiêm nhưng không vì sai phạm ấy mà phủ nhận toàn bộ kết quả của kỳ thi. Trước các sai phạm xảy ra tại một số địa phương, với trách nhiệm của mình, tôi xin nhận trách nhiệm” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại cuộc họp Chính phủ hôm nay, 1/8.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Từ đầu đã có ý kiến lo ngại “thi chung” sẽ đua thành tích
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, thay mặt Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo về tình hình tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và việc xử lý tiêu cực trong khâu chấm thi ở một số địa phương.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo là một trong 9 nhóm nhiệm vụ mà Nghị quyết Trung ương 29 đặt ra để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Thực hiện Nghị quyết 29, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động (Nghị quyết 44), trong đó xác định “Đổi mới việc tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh CĐ, ĐH tiến tới tổ chức một kỳ thi chung, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề và đại học, cao đẳng…”.
Về kỳ thi chung “2 trong 1″, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải thích, ban đầu, có ý kiến đề xuất vẫn tổ chức thi nhưng thi tốt nghiệp THPT giao cho các địa phương tổ chức, thi ĐH, CĐ giao cho các trường ĐH, CĐ tổ chức. Phương án này cũng được cân nhắc nhiều, tuy nhiên, nếu giao hoàn toàn cho các địa phương tổ chức thi tốt nghiệp THPT thì với bệnh thành tích, kết quả thi sẽ không công bằng khi tỉnh này ra đề dễ, tỉnh kia ra đề khó, địa phương này coi lỏng, địa phương khác coi chặt. Còn để các trường ĐH, CĐ tự tổ chức thi thì Bộ đã khuyến khích nhưng thực tế rất ít trường thực hiện được vì tốn kém nguồn lực và chi phí, hơn nữa tình trạng luyện thi, dạy thêm học thêm tràn lan rất dễ xuất hiện trở lại.
Cuối cùng, phần lớn các ý kiến đã thống nhất tổ chức một kỳ thi quốc gia vừa bảo đảm mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ. Bộ đã báo cáo và được Chính phủ đồng ý. Phương án này đã kế thừa được những ưu điểm và kết quả đạt được, khắc phục những bất cập của các kỳ thi trước đó, bảo đảm tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, không gây xáo trộn cho giáo viên và học sinh, phù hợp với Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong các năm 2015, 2016, 2017, Kỳ thi được tổ chức và rút kinh nghiệm qua từng năm nên ngày càng hoàn thiện. Từ năm 2017, Kỳ thi được tổ chức ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do sở GD&ĐT chủ trì, các trường ĐH, CĐ phối hợp, hỗ trợ tổ chức thi; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức thi và xét tuyển ĐH, CĐ. Đặc biệt, áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan với hầu hết các bài thi (trừ môn Ngữ văn); bảo đảm mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng; kết quả làm bài của thí sinh được chấm bằng máy quét với phần mềm máy tính.
Khi đưa ra phương án thi trắc nghiệm (trừ môn Ngữ văn) cũng có nhiều ý kiến khác nhau nhưng cuối cùng cũng đã đi đến thống nhất thi trắc nghiệm là phù hợp vì đây là kỳ thi đánh giá trên diện rộng nên yêu cầu cao nhất là bảo đảm tính khách quan, trung thực, hạn chế học lệnh, học tủ, quay cóp, gian lận trong thi cử.
Phát huy kết quả đã đạt được qua 3 năm đổi mới thi và tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giữ ổn định phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2017 cho năm 2018 và các năm tiếp theo, với những điều chỉnh kỹ thuật trên cơ sở rút kinh nghiệm tổ chức thi và tuyển sinh từng năm, cho đến khi áp dụng đầy đủ chương trình giáo dục phổ thông mới. Qua 4 năm thực hiện, nhất là 2 năm gần đây, Kỳ thi đã đáp ứng yêu cầu gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, tiết kiệm, giảm áp lực cho thí sinh, gia đình và xã hội.
Video đang HOT
Về vụ việc xảy ra tại Hà Giang, Sơn La vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá là những sai phạm rất nghiêm trọng. Bộ đã báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xử lý vụ việc trên tinh thần nghiêm túc, kiên quyết, kịp thời, xử lý nghiêm minh các cá nhân vi phạm theo đúng quy chế thi và các quy định pháp luật hiện hành.
“Ở đây chúng tôi nói rõ, xảy ra sai phạm thì phải xử lý nghiêm nhưng không vì sai phạm ấy mà phủ nhận toàn bộ kết quả của kỳ thi và vội vàng đề nghị xóa bỏ kỳ thi này như một số ý kiến đặt ra. Trước các sai phạm xảy ra tại một số địa phương, với trách nhiệm của mình, tôi xin nhận trách nhiệm”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu.
Hoàn thiện để kỳ thi năm tới tốt hơn
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ đã nghiêm túc rà soát và nhận thấy một số hạn chế, thiếu sót trong công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 như sau: Đề thi chưa thật sự phù hợp với yêu cầu của thi THPT, trong đề thi có những câu hỏi có độ khó cao; phần mềm chấm trắc nghiệm còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi; công tác thanh kiểm tra, giám sát của Bộ GD&ĐT đối với các địa phương đã được tăng cường hơn nhưng vẫn còn sơ hở, chưa sâu sát.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng trong việc phát huy ưu điểm của kỳ thi THPT quốc gia những năm vừa qua, tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của Kỳ thi THPT quốc gia, đồng thời tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và xã hội, Bộ sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm, phát huy những ưu điểm, đề ra giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập, trong đó: Tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi phù hợp, đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của Kỳ thi THPT quốc gia. Hoàn thiện phần mềm chấm thi theo hướng tăng cường tính bảo mật, ngăn ngừa nguy cơ gian lận trong chấm thi. Cải tiến phương thức tổ chức chấm thi, trong đó xem xét chấm tập trung theo các cụm để nâng cao tính trung thực, khách quan trong khâu chấm thi. Quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, các trường đại học, của các cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi; tăng cường vai trò giám sát, thanh, kiểm tra của Bộ GD&ĐT đối với các Hội đồng thi.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Quốc hội đang tiến hành sửa 2 luật (Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học), vấn đề thi và tuyển sinh cũng được đặt ra, nhưng như đã phân tích ở trên, việc bỏ thi THPT quốc gia ở thời điểm này là không nên. Bộ sẽ nghiên cứu thấu đáo nhưng quan điểm của Bộ việc bỏ thi THPT quốc gia trong những năm tới là chưa thể thực hiện được. Tuy nhiên, Bộ sẽ cố gắng để kỳ thi này bảo đảm thực chất hơn, đánh giá đúng chất lượng giáo dục của các địa phương.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện để kỳ thi THPT quốc gia những năm tới được tổ chức tốt hơn”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ.
P.Thảo
Theo Dantri
Sửa đổi thi THPT từ 2019: Lập nhóm giải thử đề, chấm thi tập trung
Buổi đối thoại giữa các chuyên gia giáo dục và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ xoay quanh những vấn đề của giáo dục Việt Nam, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Ngày 30.7, được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tạo điều kiện và chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi trao đổi với nhiều chuyên gia giáo dục hàng đầu trong nước về các vấn đề nóng của giáo dục trong thời gian vừa qua như chất lượng kỳ thi THPT, phương pháp tổ chức thi, gian lận thi cử diễn ra tại Hà Giang, Sơn La... cũng như phương hướng tổ chức kỳ thi THPT trong các năm tiếp theo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp.
Theo chia sẻ của TS Toán học Lê Thống Nhất, chuyên gia trực tiếp tham gia buổi làm việc, cả 2 phiên trao đổi đã diễn ra cởi mở, thẳng thắn xoay quanh nhiều vấn đề được cho là "nóng" của giáo dục Việt Nam như: Đề thi THPT quốc gia 2018 được đánh già là khó và quá khó đối với học sinh, không chỉ trong môn Toán, Tiếng Anh hay tổ hợp Khoa học tự nhiên mà kể cả môn Ngữ văn và Lịch sử; tỷ lệ tốt nghiệp cả nước quá cao mặc dù điểm thi THPT được cho là thấp; những "kẽ hở" về bảo mật quá trình tổ chức thi và chấm thi trắc nghiệm tạo điều kiện cho gian lận; ngân hàng đề thi chưa chất lượng; chất lượng đào tạo tại một số trường đại học còn thấp...
TS Lê Thống Nhất chia sẻ ý kiến góp ý với Bộ GD-ĐT.
Đặc biệt, buổi thảo luận thông tin, phương hướng tổ chức thi THPT những năm 2019, 2020 là thực hiện một kỳ thi THPT quốc gia với mục đích chính là công nhận và cấp bằng tốt nghiệp THPT, ổn định môn thi và hình thức thi như đã thông báo trước đây. Bộ GD-ĐT cần bám sát mục tiêu này trong các khâu của kỳ thi, đặc biệt về đề thi và chấm thi trắc nghiệm.
Nghiên cứu trên tiến tới đánh giá chính xác trình độ học sinh, thí sinh có thể thi trên máy tính với ngân hàng đề thi tốt đảm bảo với một thí sinh dù ngẫu nhiên gặp đề nào cũng phải có kết quả như nhau về đánh giá năng lực. Các trung tâm khảo thí độc lập cũng có thể được xây dựng để tổ chức thi nhiều lần trong năm, cấp chứng chỉ đủ uy tín để các trường đại học, học viện tin tưởng chọn là một trong những điều kiện tiên quyết trong những yêu cầu tuyển sinh của mình.
Các trường đại học, học viện, cao đẳng có phương án tuyển sinh tự chủ của mình, không bắt buộc dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Buổi thảo luận cũng đi tới thống nhất không gọi kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi "2 trong 1" vì dễ dẫn tới hiểu sai về mục đích của kỳ thi. Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường đại học tự tổ chức kỳ thi đầu vào của mình. Điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ là một yếu tố để bổ sung cho hồ sơ của thí sinh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cảm ơn các chuyên gia giáo dục đã đồng hành cùng Bộ GD-ĐT.
Trước những chia sẻ hết sức thẳng thắn từ phía các chuyên gia và Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trao đổi cởi mở với các đại biểu trong cuộc họp chính thức. Trong thời gian nghỉ trưa, Bộ trưởng cũng tranh thủ trao đổi với cá nhân và một số nhóm.
"Những thiếu sót mà Bộ GD-ĐT xin chịu trách nhiệm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018: Đề thi chưa phù hợp với kỳ thi THPT quốc gia (đề khó so với yêu cầu của thi THPT). Việc phản biện đề tuy có làm nhưng chất lượng chưa cao. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm còn bộc lộ nhiều điểm yếu. Quy trình chấm thi giao cho địa phương tuy có giám sát nhưng vẫn có thể gian lận", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.
Bộ trưởng cho biết, đây là những điều cần sửa ngay để đảm bảo chất lượng và công bằng ở kỳ thi năm tới:
- Xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm theo chuẩn, đúng quy trình và đảm bảo bám sát yêu cầu của kỳ thi là chủ yếu xét tốt nghiệp THPT. Thực hiện việc phản biện đề thi chất lượng hơn, trong đó phải có nhóm độc lập giải thử đề thi để đánh giá mức độ của đề thi có phù hợp với thời gian thi hay không.
- Tổ chức chấm thi tập trung theo các cụm thi. Trong đó, những công đoạn quan trọng sẽ do các cán bộ ở trường đại học, học viện thực hiện. Nghiên cứu việc chấm thi môn Ngữ văn cũng theo hình thức này, các tổ chấm thi không biết bài thi của địa phương nào.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã cảm ơn các chuyên gia về việc trao đổi, làm rõ những điều đã đạt được, những ưu điểm của kỳ thi và đặc biệt là những thiếu sót của Bộ GD-ĐT trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Ông Nhạ cũng mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự góp ý, giúp sức của các chuyên gia cùng cộng đồng quan tâm tới giáo dục.
Tham dự cuộc trao đổi cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có:
- GS Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch Nước, hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.
- GS Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
- Lãnh đạo của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Thăng Long.
- Một số chuyên gia đã từng có ý kiến phân tích về kỳ thi như: GS Nguyễn Minh Thuyết; đại biểu Quốc hội Bùi Thị An; GS Phạm Tất Dong; GS Nguyễn Lân Dũng; nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; TS Lê Trường Tùng; TS Quách Tuấn Ngọc; TS Lê Thống Nhất; TS Lương Hoài Nam và một số chuyên gia giáo dục.
Về phía Bộ GD-ĐT có Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng.
Theo Damviet
Bê bối điểm thi - vẫn vắng lời xin lỗi của quan chức Đã nửa tháng trôi qua, kể từ khi vụ bê bối điểm thi ở Hà Giang bị vỡ lở, gây rúng động đối với toàn xã hội, nhưng cho đến nay, cả người đứng đầu Bộ Giáo dục Đào tạo, lẫn Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, dù đã có nhiều phát ngôn trước công luận, nhưng vẫn quyết không đưa ra lời...