Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đổi mới giáo dục không thể vội vàng
“Đổi mới giáo dục không thể làm vội vàng, phải làm bài bản, có lộ trình nhưng phải quyết liệt, mạnh dạn thay đổi những tư duy, cách làm không còn phù hợp để hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh vào chiều ngày 24/6.
Nằm trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Hà Tĩnh, chiều ngày 24/6, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành Hà Tĩnh.
Báo cáo với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại buổi làm việc, ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Kinh tế Hà Tĩnh tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. GRDP bình quân đầu người năm 2015 đạt trên 38,9 triệu đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh báo cáo kết quả đạt được của Hà Tĩnh trong những năm vừa qua
Đến nay toàn tỉnh có 2 khu kinh tế, 19 khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút 446 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn đăng ký trên 49.7000 tỷ đồng và 21 tỷ USD.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng nhanh, năm 2015 đạt hơn 12.121 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2016 thu đạt 3.650 tỷ đồng.
Về vấn đề giáo dục và đào tạo, năm 2013 Hà Tĩnh đã đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Năm 2015 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức 2. Là một trong năm tỉnh có số tiêu chí thi đua dẫn đầu nhiều nhất, tốp 10 tỉnh có tỷ lệ học sinh giỏi quốc gia cao nhất. Nhiều năm liền được Bộ GD&ĐT tặng cờ đơn vị tiêu biểu xuất sắc.
Hà Tĩnh cũng đã triển khai việc quy hoạch lại mạng lưới trường mầm non và phổ thông theo hướng mỗi xã có 1 trường MN công lập, 1 trường TH công lập, đối với THCS thì theo hướng liên xã. Cụ thể có 267 trường Mầm non, trong đó có 164 trường đạt chuẩn; về giáo dục phổ thông có 504 trường, trong đó có 397 trường đạt chuẩn….
Tuy nhiên, ngành Giáo dục Hà Tĩnh cũng đang gặp nhiều khó khăn nhất là về cơ sở vật chất. Hiện nay Hà Tĩnh đang còn thiếu hơn 1000 phòng học, hơn 500 phòng chuyên môn, hơn 600 phòng chức năng…
Đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo vẫn còn nhiều bất cập về số lượng, cơ cấu, bố trí không đều. Chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các vùng, miền, các cấp học, ngành học. Công tác quản lý còn bất cập nhất là trong phân cấp, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đưa ra những giải pháp sắp tới như tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đổi mới trong ngành, áp dụng mô hình mới của Việt Nam tại tất cả các trường. Quy hoạch, phân luồng trong giáo dục. Đồng thời huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa nhà trường – gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh.
Video đang HOT
Tại buổi làm việc chiều nay, Bộ trưởng cũng đã nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của các ngành chức năng Hà Tĩnh:
Ông Hoàng Trung Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh nêu quan điểm: Vấn đề của ngành Giáo dục Hà Tĩnh lúc này cần quan tâm đó là nguồn nhân lực.
Ông Hoàng Trung Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho rằng: “Vấn đề của ngành Giáo dục Hà Tĩnh lúc này cần quan tâm đó là nguồn nhân lực. Phải tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng từ lãnh đạo, trước hết phải đào tạo, bồi dưỡng từ người hiệu trưởng rồi mới đến giáo viên”.
Còn PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh cho biết, nhà trường sẽ tập trung vào những lĩnh vực địa phương có nhiều nhu cầu như nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực cho Khu Kinh tế Vũng Áng.
PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh: Cần chú trọng ngoại ngữ và công nghệ thông tin
“Đào tạo ngoại ngữ và công nghệ thông tin là việc làm cấp bách, có yếu tố quyết định đến sự hội nhập cũng như sự phát triển của trường cũng như tỉnh nhà. Nếu không 5 năm, 10 năm sau các nước Thái Lan, Singapore… sẽ nhảy sang cạnh tranh với ta”, ông Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh.
PGS.TS. Đăng Minh Ât, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt Đức thẳng thắn chia sẻ quan điểm là hiện nay số lượng học đại học quá nhiều, trong khi học nghề lại còn quá ít: “Hiện nay nếu xã hội có đến 80% học Đại học, còn Trung cấp nghề chỉ 15 -20% thì nên kinh tế sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề thứ 2 là trường đại học mở ra quá nhiều, nên quan tâm đến chất lượng, bây giờ người dân vào học đại học quá dễ, có nhiều địa phương có đến 90% con em đi học đại học”.
PGS.TS. Đăng Minh Ât, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt Đứ: Hiện nay số lượng học đại học quá nhiều, trong khi học nghề lại còn quá ít
“Học nghề thì sau khi ra trường có đến 90% học viên xin được việc làm, còn học đại học ra thì thất nghiệp rất nhiều. Ở các nước trên thế giới, công tác đào tạo nghề có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, còn ở ta thì công tác đào tạo là của nhà trường, doanh nghiệp đang đứng ở ngoài và hưởng lợi”.
Tại buổi làm việc, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh uỷ cũng đã nêu lên những thực trạng, tồn tại trong ngành giáo dục tỉnh nhà. Cụ thể là hiện nay thực trạng nhu cầu lao động gắn với nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; công tác phân luồng vẫn còn lúng túng, mô hình tổ chức giáo dục chưa được đa dạng, nên chăng thay thế việc đào tạo mới đội ngũ giáo viên bằng việc đào tạo lại để hạn chế tình trạng thừa giáo viên.
Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy cũng thẳng thắn chỉ ra là hiện nay Hà Tĩnh đang dư thừa hơn 1.000 giáo viên nhưng Trường Đại học Hà Tĩnh vẫn tiếp tục đào tạo sư phạm. Vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị xem xét có thể sẽ dừng đào tạo những mã ngành đang thừa giáo viên.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ghi nhận những kết quả mà ngành giáo dục Hà Tĩnh đã đạt được. Đồng thời ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của các ngành chức năng về vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: “Đổi mới giáo dục không thể như đánh du kích”.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận vào các vấn đề của giáo dục và đào tạo Hà Tĩnh. Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Tỉnh cần mạnh dạn đổi mới, khắc phục những hạn chế, yếu kém để tiến tới sự phát triển vững chắc và thực chất hơn. Đổi mới giáo dục không thể làm vội vàng, phải làm bài bản, có lộ trình nhưng phải quyết liệt, mạnh dạn thay đổi những tư duy, cách làm không còn phù hợp để hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”.
“Trước nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh nói riêng, khu vực Bắc Trung Bộ nói chung, Trường ĐH Hà Tĩnh cần rà soát, sắp xếp lại các ngành, chuyên ngành đào tạo, cương quyết cắt giảm các ngành dư thừa, không gắn với nhu cầu thực tiễn. Nhà trường cần quan tâm tới các ngành mới như kinh tế biển, quản lý môi trường… để giải quyết các vấn đề đang đặt ra đối với Tỉnh. Đồng thời cần liên kết với các trường đại học trong khu vực để tranh thủ kinh nghiệm, công nghệ đào tạo của nước bạn. Bộ trưởng cho rằng: Không nên đào tạo thạc sĩ quá nhiều và không nhất thiết thu hút các trường đại học lớn của Việt Nam vào đây. Nếu nhà trường không kiểm soát thì sẽ trở thành trung tâm đào tạo từ xa của các trường”.
“Về vấn đề quy hoạch, Hà Tĩnh phải có hướng đi cụ thể phù hợp với điều kiện của Tỉnh, gắn kết chặt chẽ giữa nhu cầu đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động. Vấn đề phân luồng đào tạo đang thu hút được sự quan tâm của xã hội. Quan điểm của Bộ là đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở để học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở có thể có định hướng nghề nghiệp tốt hơn. Việc quản lý giáo dục nghề nghiệp cần thống nhất trong cả nước, thống nhất trong toàn hệ thống giáo dục quốc dân để đảm bảo hiệu quả cao hơn.”, Bộ trưởng chỉ rõ.
Về các giải pháp nhằm giúp Hà Tĩnh nâng cao chất lượng giáo viên, đào tạo lại đội ngũ giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết Bộ sẽ rà soát, xem xét để có hướng dẫn chung, đồng thời sẽ dừng mở những mã ngành thừa giáo viên.
Trước hiện tượng thừa số lượng giáo viên nhưng chất lượng vẫn chưa đáp ứng, Bộ trưởng Nhạ gợi ý “Các trường công lập không nên mở rộng thêm biên chế mà thực hiện theo cơ chế hợp đồng. Số đang biên chế tới đây sẽ áp dụng chuẩn giáo viên để đánh giá, phân loại, có lộ trình phù hợp để tinh giản những trường hợp không đáp ứng được yêu cầu. Cần tuyển mới những giáo viên có trình độ tốt, phù hợp với yêu cầu đổi mới, như vậy mới tạo ra sự cạnh tranh, tránh tình trạng đã vào được là ở mãi”.
Về vấn đề học phí, Bộ trưởng đề nghị “tính đúng, tính đủ” học phí. Bộ trưởng nhấn mạnh: “giá học phí phù hợp với chất lượng, tức là đã có chủ trương, Hà Tĩnh chủ động thực hiện cho phù hợp mà thôi”.
Với các trường đại học và cao đẳng chuyên nghiệp, cơ cấu ngành đào tạo cần bám sát nhu cầu thực tiễn, đặc biệt là các nhu cầu của các doanh nghiệp trong khu kinh tế Vũng Áng, tăng cường phối hợp với doanh nghiệp và hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo. Bộ trưởng cũng đánh giá cao mô hình thí điểm dạy trung cấp nghề cho học sinh THPT của tỉnh Hà Tĩnh. Bộ trưởng đề nghị Tỉnh cần đẩy mạnh xã hội hoá đào tạo nghề.
Xuân Sinh
Theo Dantri
Xây dựng bệnh viện theo hướng xanh - sạch - đẹp
Theo tiêu chí chất lượng bệnh viện do Bộ Y tế ban hành, người bệnh được sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ và đầy đủ các phương tiện là một trong những yêu cầu để chấm điểm bệnh viện. Cơ sở y tế đạt điểm tối đa là những nơi có nhà vệ sinh có giấy vệ sinh, bồn rửa tay, nước rửa tay, xà-phòng, dung dịch sát khuẩn, gương, bảo đảm sạch sẽ, ít nhất một nhà vệ sinh cho 7 đến 11 giường bệnh, ghi nhật ký các giờ làm vệ sinh... Nhưng với hàng loạt các tiêu chí đó, không nhiều bệnh viện ở Việt Nam đạt được điểm tối đa. Trong khi thực tế việc sử dụng các nhà vệ sinh là nhu cầu sinh hoạt cá nhân tối thiểu và các phương tiện vệ sinh không bảo đảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.
Khảo sát thực tế ở rất nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội, việc vào nhà vệ sinh luôn là nỗi khiếp sợ của không ít người. Trừ những tòa nhà mới được xây dựng, khu vực vệ sinh ở những bệnh viện cũ thường có diện tích hẹp, thiết bị xuống cấp, hư hỏng nhưng ít được sửa chữa, trong khi đó số lượng người sử dụng nhiều. Đáng chú ý, một phần không nhỏ người bệnh, người nhà người bệnh ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường không tốt, cho nên dù được quét dọn thường xuyên dẫn đến nhà vệ sinh vẫn bẩn. Thống kê của một số bệnh viện, số lượng người bệnh gấp hàng chục lần khả năng đáp ứng của bệnh viện... Điều này phần nào lý giải vì sao đến nay cả nước mới có hai bệnh viện tư nhân đạt chứng chỉ quốc tế về chất lượng.
Trong cuộc khảo sát về cấp nước và vệ sinh trong các cơ sở y tế năm 2015 do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) tiến hành trên các bệnh viện các tuyến theo vùng sinh thái đã phát hiện nhiều vấn đề bất cập và hạn chế. Nhà vệ sinh các bệnh viện nhất là khu vực dành cho người bệnh và các khu vệ sinh chung còn bẩn, thiếu nước, thiếu xà-phòng rửa tay, dây đọng nước, bệ xí bị vỡ, hư hỏng không được sửa chữa và nhất là mùi hôi nặng nề do lượng người dùng nhiều, không được xử lý kịp thời. Một số bệnh viện, các nhà vệ sinh bị khóa cửa do không có người lau dọn. Nguyên nhân có thể do vấn đề này chưa được các nhà quản lý quan tâm đúng mức, thiếu sự tổ chức và quản lý hợp lý, thiếu kỹ năng và ý thức trong bảo quản và sử dụng của cả nhân viên y tế và người bệnh, người dân. Việc thiếu nguồn lực bao gồm nhân lực và kinh phí cũng là một rào cản trong thực hiện tốt công tác vệ sinh bệnh viện.
Môi trường bệnh viện xanh - sạch - đẹp vốn là những phần không thể thiếu trong tiêu chí quản lý chất lượng, trong đó có thể kể đến những điều bắt buộc phải có như nhà vệ sinh sạch, hệ thống xử lý nước thải, rác thải y tế. Khi các yếu tố chất lượng khám, chữa bệnh; tinh thần thái độ phục vụ ngày càng được nâng cao thì các bệnh viện phải quan tâm giải quyết đến vấn đề vệ sinh bệnh viện. Tại Hội nghị câu lạc bộ giám đốc bệnh viện mới đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các bệnh viện phải đổi mới toàn diện theo hướng xanh - sạch - đẹp, bắt đầu từ việc làm sạch nhà vệ sinh. Người đứng đầu ngành y tế đã chỉ rõ: Một trong những nguyên nhân khiến người bệnh ra nước ngoài điều trị là vì nơi đó xanh - sạch - đẹp từ ga trải giường, chỗ ăn uống, nhất là nhà vệ sinh. Trên cơ sở đó, tới đây ngành y tế sẽ xây dựng và triển khai đề án bệnh viện xanh - sạch - đẹp. Ở đó, bệnh viện phải là nơi sạch nhất, không thể để nhà vệ sinh bẩn được, chỗ rửa tay phải có xà-phòng, khuôn viên phải có cây xanh, phòng bệnh không thể trải ga cũ, nhàu nhĩ được.
Để thay đổi bộ mặt bệnh viện công, ngoài việc yêu cầu đổi mới mô hình quản lý, các cơ sở tập trung nâng cao chất lượng bệnh viện. Một bệnh viện sạch không chỉ là ở nhà vệ sinh, sân vườn... mà còn cả trong những vấn đề liên quan đến công tác chuyên môn, nhất là khâu xử lý nước thải, rác thải y tế và kiểm soát nhiễm khuẩn.
Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới theo mô hình xanh - sạch - đẹp, lãnh đạo nhiều bệnh viện cho rằng sẽ làm được nhưng cần thời gian. Với các khu nhà mới hoặc bệnh viện cơ sở hai được đầu tư mới thì xây công viên, bãi cỏ, vườn hoa... trong khuôn viên là "chuyện nhỏ". Còn đối với những bệnh viện cũ, nhất là những cơ sở nội đô, nằm ở những khu vực "tấc đất tấc vàng" thì đó là chuyện rất khó khăn. Tại đây, giường cho người bệnh còn đang thiếu, phòng làm việc cho hàng chục nhân viên cũng chỉ 20, 30 m2, cả trăm con người chung nhau một nhà vệ sinh thì lấy đâu ra chỗ trồng cây xanh, làm vườn hoa? Hai khó khăn chính mà các bệnh viện đang "vướng" là người bệnh quá đông và nhiều khu nhà trong bệnh viện đã cũ, trong khi việc cải tạo, xây dựng thêm còn phụ thuộc vào vấn đề kinh phí. Tuy nhiên, nhà có thể cũ nhưng chắc chắn là phải giữ sạch sẽ vì điều này còn liên quan đến công tác chuyên môn.
Đã đến lúc chính các nhà quản lý bệnh viện cần nhận thức rõ rằng vệ sinh và nhà vệ sinh bệnh viện là một trong những khía cạnh quan trọng, cần được ưu tiên trong nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại cơ sở mình. Từ đó có các quy định, hướng dẫn cụ thể về thực hiện vệ sinh trong cơ sở y tế; đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra các bệnh viện nhằm bảo đảm tốt việc thực thi các quy định, hướng dẫn; đẩy mạnh việc truyền thông, nâng cao năng lực và nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi của các nhà quản lý bệnh viện, nhân viên y tế và chính những người bệnh, người dân về quản lý, sử dụng, bảo quản, duy trì vệ sinh bệnh viện.
Minh Hoàng
Theo_Báo Nhân Dân
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Kiểm tra độ tin cậy của phần mềm xét tuyển đại học Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa có Chỉ thị về tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016 đối với các cơ sở giáo dục đại học. Rà soát tổng thể kế hoạch triển khai Kỳ thi THPT quốc gia Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu các đại học, học...