Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: Ta không mất điểm đóng quân nào tại Trường Sa
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – Đại tướng Phùng Quang Thanh: “Các điểm đóng quân của ta ở quần đảo Trường Sa vẫn được đảm bảo, không mất điểm nào”.
Chiến tranh, đất nước sẽ hỗn loạn
Theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, trong suốt 5 năm qua, dù thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, Việt Nam cũng đã phải đối diện với những vấn đề ở Biển Đông và một loạt hoạt động diễn biến hòa bình, gây bạo loạn lật đổ cũng diễn biến phức tạp.
“Riêng vụ giàn khoan thì Bộ Chính trị họp đã họp 12 phiên để xử lý, dành rất nhiều thời gian, công sức. Chúng ta đặt ra mục tiêu phải bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc… Đây là mục tiêu mà chúng ta đặt ra, điểm lại có đạt được không? Trong 5 năm qua, chúng ta đã đạt được.
Về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý vẫn bảo vệ tốt, không ai xâm phạm được, các điểm đóng quân của ta ở quần đảo Trường Sa vẫn được đảm bảo, không mất điểm nào”, ông Thanh cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tại khu vực thềm lục địa, chúng ta có các nhà giàn dầu khí, vẫn đảm bảm tốt. Có sửa chữa, nâng cấp, cải tạo mới thêm một số nhà giàn góp phần đảm bảo giữ chủ quyền, không để cho nước ngoài đến đóng xen kẽ vào. Mấy chục giếng khoan dầu vẫn hoạt động tốt, không giếng nào bị ngừng hoạt động.
Đồng thời, khai thác nghề cá của ngư dân trong 200 hải lý vẫn diễn ra bình thường, kết hợp hiệu quả với các hoạt động bảo vệ chủ quyền. Đảo Song Tử Tây cũng có âu tàu, và đang triển khai tiếp ở đảo Đá Tây, đảo Sinh Tồn, Trường Sa Lớn và tiến tới sẽ triển khai một số đảo khác. Tất cả các hoạt động này đều diễn ra hoàn toàn trong vùng lãnh thổ của Việt Nam.
“Nếu không giữ được hòa bình ổn định trên biển thì không thể có tình hình như thế này được. Kinh tế của chúng ta là kinh tế mở, chủ yếu xuất khẩu mỗi năm 150 tỉ đô, nhập khẩu cũng 150 tỉ đô, tổng là 300 tỷ, nếu xảy ra xung đột trên biển thì không thể nào tàu bè nào đi lại được, trên không không thể có máy bay nào đi lại được, làm sao có đóng góp du lịch một năm như thế. Đất nước sẽ hỗn loạn.
Chiến tranh mà xảy ra thì việc di cư ở Việt Nam cũng không kém các nước đâu, nên phải giữ hòa bình ổn định trên biển”, Bộ trưởng Thanh nhấn mạnh.
Đại tướng Phùng Quang Thanh – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. ảnh: Ngọc Quang.
Đối với công tác đối ngoại quân sự và hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn giữ vững đường lối đối ngoại độc lập tự chủ. Đó là nguyên tắc vô cùng quan trọng, nếu nhận thức lệch lạc, đứng về phía nước lớn này mà quay lưng vào nước lớn khác sẽ dẫn đến những hệ quả phức tạp quốc gia, dân tộc.
Video đang HOT
“Trong quan hệ, cần hết sức coi trọng quan hệ với các nước láng giềng có chung biên giới, nhất là quan hệ với Lào, Campuchia. Chúng tôi phải quán triệt cho anh em phải tôn trọng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của bạn. Bạn cũng phải đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ và chúng ta tin tưởng, không nghi ngờ trong quan hệ với nhau.
Cần xác định không thể dùng tư tưởng nước lớn, tư tưởng ban ơn mà chúng ta xác định, giúp bạn là tự giúp mình, mong cho bạn phát triển và tạo điều kiện để giúp bạn trong đào tạo nguồn nhân lực hợp tác biên giới, khắc phục hậu quả chiến tranh, quy tập hài cốt liệt sĩ”, Bộ trưởng Thanh cho hay.
Bảo vệ nghiêm ngặt vùng trời của tổ quốc
Theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, vùng trời của Việt Nam đang được bảo vệ tốt với hàng nghìn chuyến bay quốc tế qua đây. Bộ Quốc phòng cũng đã chủ động báo cáo Thủ tướng cho phép điều chỉnh 23 đường bay.
“Trước đây để tránh các khu vực không quân huấn luyện thì các chuyến bay dân sự phải bay dài hơn, tốn kém hơn, nay điều chỉnh lại giúp bay ngắn hơn. Tiết kiệm mỗi năm 40.000 giờ bay cho các chuyến bay dân dụng nói chung. Chúng tôi cũng chủ động báo cáo với Thủ tướng có ba sân bay dùng chung là sân bay Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Đà Nẵng, mỗi sân bay có một sư đoàn không quân, nay điều chỉnh đi chỗ khác để dùng cho dân sự”, ông Thanh thông tin.
Về tình hình biên giới Việt – Trung, theo ông Thanh, hai bên đã cắm mốc; phối hợp tuần tra bảo vệ chủ quyền của mỗi bên, bảo vệ an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, chống vượt biên trái phép.
Quan hệ biên giới là rất tốt, thật sự hòa bình, hữu nghị, ổn định hợp tác, cùng nhau phát triển chung”, ông Thanh cho biết.
Đối với biên giới Việt – Lào, các cột mốc đã tăng dày hơn và ổn định. Tuy nhiên, biên giới Việt Nam – Campuchia thì hiện còn 7 điểm nữa mới hoàn thành phân mốc cắm giới.
Ông Thanh cho hay: “Hiện 7 điểm này có ý kiến khác nhau, Bộ Chính trị đã giao cho Chính phủ, đoàn đàm phán cấp Chính phủ đẩy nhanh tiến độ đàm phán để tiến hành phân giới, cắm mốc trên thực địa để trở thành biên giới hữu nghị ổn định. Sau sẽ tiến tới đàm phán để phân định trên biển. Ta và Campuchia chưa phân định biên giới biển.
Ta và Campuchia khi đàm phán đều trên cơ sở luật pháp quốc tế, những hiệp định mà hai bên đã ký kết, và cũng phải dùng bản đồ Bonne mà hai bên đã thống nhất. Vừa rồi đảng đối lập ở Campuchia đã tố cáo Chính phủ dùng bản đồ không đúng, vì Chính phủ Campuchia đã mượn bản đồ của Pháp, của Liên Hiệp Quốc về đối chiếu thì thấy khớp 100%. Campuchia đã xử lý vấn đề theo luật pháp Campuchia.
Trên vịnh Bắc bộ, hải quân và cảnh sát biển của ta và Trung Quốc thường xuyên tuần tra chung để đảm bảo an ninh trật tự. Chúng ta cũng đã tuần tra chung với Campuchia và Thái Lan, tới đây đang đàm phán để tuần tra chung với Malaysia, Philippines…”.
Về công nghiệp quốc phòng, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết, cơ bản sản xuất được các loại vũ khí, trang thiết bị cho cấp sư đoàn bộ binh trở xuống. Nhà nước đã đầu tư và chỉ đạo xây dựng công nghiệp quốc phòng tiến tới sản xuất được các loại trang bị, vũ khí cho quân đội. Đóng được các loại tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu pháo, tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư, tàu tuần tiễu; sản xuất được các loại thuốc phóng, thuốc nổ, các loại súng bộ binh, súng chống tăng…
Ông Thanh nói rằng, nếu phụ thuộc vào bên ngoài thì khi có diễn biến xấu dù có tiền cũng không mua được, đồng thời dẫn ra thí dụ: “Nga và Ukraine có trục trặc thì ảnh hưởng đến chúng ta. Vì có những mặt hàng ta đặt mua của Nga, nhưng không phải Nga làm trọn gói mà có những cái đặt ở Ukraine, cho nên nếu Ukraine không cung cấp cho Nga nữa thì ảnh hưởng đến ta”.
Trong quan hệ hợp tác, theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, phải hết sức chú ý quan hệ với các nước lớn, đặc biệt là xử lý quan hệ với Trung Quốc và Mỹ.
Ông Thanh nêu quan điểm: “Về an ninh của nước ta, quan hệ với Trung Quốc, Hoa Kỳ là hết sức quan trọng, nếu mà quan hệ hữu nghị tốt với cả hai nước thì chúng ta sẽ giữ được thế cân bằng, giữ quan hệ độc lập, tự chủ, không đi với nước lớn này để chống lại nước lớn khác. Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc lợi dụng lãnh thổ địa bàn của chúng ta để làm phương hại đến láng giềng an ninh trong khu vực
Chúng ta phải giữ được trong ấm ngoài êm. Bên trong mà ổn định, đoàn kết, thống nhất, không để xảy ra điểm nóng, không có biểu tình, không có bạo loạn, không có ly khai, không có khủng bố, không có xảy ra những xung đột sắc tộc, tôn giáo, không phải dùng đến lực lượng chức năng để giải quyết thì bên ngoài không có cớ gì để can thiệp vào.
Nếu nội bộ đất nước để xảy ra bạo loạn, biểu tình, ly khai, xảy ra tổ chức đối lập, để xảy ra lực lượng vũ trang đối lập, mà lại phải dùng lực lượng chức năng trấn áp, để xảy ra thương vong, đổ máu thì bên ngoài sẽ lấy cớ vi phạm dân chủ, nhân quyền, dùng biện pháp này, biện pháp khác chia rẽ nội bộ, thừa cơ đó lật đổ chế độ. Nếu mất Đảng, mất chế độ thì biển đảo cũng mất”.
Ngọc Quang
Theo giaoduc
Quân nhân chuyên nghiệp có thể phục vụ tại ngũ thêm 5 năm
Quân nhân chuyên nghiệp được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ từ 1 năm đến 5 năm, nhưng không quá 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ.
Chiều 21/10, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh trình Dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng trước Quốc hội.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh.
Bộ trưởng cho biết, theo quy định hiện hành, quân nhân chuyên nghiệp tại ngũ đến 50 tuổi nên sẽ không đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng mức lương hưu 75%, ảnh hưởng lớn đến tâm tư, nguyện vọng, đời sống và chất lượng xây dựng quân đội.
Vì vậy, dự án Luật quy định hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp theo cấp bậc quân hàm. Theo đó, cấp uý quân nhân chuyên nghiệp tại ngũ đến năm 52 tuổi; 54 tuổi với thiếu tá, trung tá và 56 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ thượng tá.
Hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp đảm nhiệm các chức danh: chiến đấu viên, đặc công, trinh sát đặc nhiệm, chống khủng bố, thợ lặn, tiêu binh danh dự, vận động viên thể dục thể thao là 35 tuổi; phục vụ trên tàu ngầm, kíp xe tăng, thiết giáp, diễn viên múa là 40 tuổi. Khi hết hạn tuổi phục vụ được đào tạo, bồi dưỡng và được bố trí đảm nhiệm chức danh khác phù hợp với yêu cầu của quân đội.
Khi quân đội có nhu cầu, quân nhân chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ bậc cao hoặc được cấp có thẩm quyền công nhận đạt danh hiệu giỏi; đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khoẻ và tự nguyện thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ từ 1 năm đến 5 năm, nhưng không quá 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết uỷ ban cơ bản tán thành với quy định hạn tuổi phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp như dự thảo Luật. Quy định như trên sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, tránh lãng phí nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao và phù hợp với tính chất công việc.
Theo dự thảo luật, tiền lương của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng được xác định theo chức danh, trình độ đào tạo phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội là ngành lao động đặc biệt; được hưởng các loại phụ cấp và các chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; được thuê nhà ở công vụ.
Đồng tình với quy định trên, Uỷ ban Quốc phòng An ninh đề nghị đánh giá chính sách tiền lương hiện hành để xác định chế độ tiền lương phù hợp với tình hình mới. Cụ thể là xác định rõ nguyên tắc xếp lương, trả lương cho các đối tượng, như xếp lương theo trình độ đào tạo (đại học, trung cấp, sơ cấp), làm công việc thuộc nhóm nào thì xếp lương theo trình độ đó, xếp theo vị trí công việc...
Uỷ ban cũng góp ý nguyên tắc trả lương phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ và nguồn trả lương (từ ngân sách nhà nước cấp hoặc hỗ trợ và từ các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật).
"Đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp quân đội hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, ngoài tiền lương theo kết quả sản xuất kinh doanh cần xác định rõ các khoản được ngân sách nhà nước bảo đảm như quân trang, chữa bệnh, chính sách nghỉ chờ hưu...", ông Nguyễn Kim Khoa nhấn mạnh.
Theo Dự thảo luât, đối tượng tuyển chọn, tuyển dụng làm quân nhân chuyên nghiệp bao gồm: Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam khi chức vụ đảm nhiệm không còn nhu cầu bố trí sĩ quan, nếu có nguyện vọng và đủ điều kiện thì được xét chuyển; Hạ sĩ quan, binh sĩ hết thời hạn phục vụ tại ngũ; Công nhân, viên chức quốc phòng khi đảm nhiệm chức danh có diện bố trí là quân nhân chuyên nghiệp.
Khi quân đội có nhu cầu, công dân Việt Nam có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khoẻ, lý lịch rõ ràng và tự nguyện phục vụ; có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp; được đào tạo, bồi dưỡng chương trình quân sự đều có thể được tuyển dụng.
"Công dân tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc tại các cơ sở giáo dục đào tạo được tuyển dụng thông qua xét tuyển", Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho hay.
Hoàng Thuỳ
Theo VNE
Thủ tướng thăm Đại tướng Lê Đức Anh Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son đã tới thăm nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh tại nhà riêng. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trân trọng chúc...