Bộ trưởng nói “mất bằng lái xe phải thi lại”, ĐBQH phản ứng thế nào?
Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Sỹ Cương, việc người bị mất giấy phép lái xe (hay còn gọi bằng lái) phải thi lại không làm cho tay lái của họ được tử tế hơn.
Để người điều khiển ô tô có tay lái tốt nó nằm ở những khâu khác, trong đó quan trọng nhất là công tác đào tạo.
Đê xuất được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu ra đã gây xôn xao dư luận (ảnh quochoi.vn)
Hôm qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trong phiên giải trình tại Ủy ban Tư pháp Quốc hội có nói “Chúng tôi cũng đề xuất phương án, tất cả những người mất bằng lái xe phải thi lại để tránh tình trạng lợi dụng việc này xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3″. Ý kiến này của Bộ trưởng Thể đã gây xôn xao dư luận.
Mất bằng lái phải thi lại không làm cho tay lái tử tế hơn
Trao đổi với PV Dân Việt, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nói: Tôi cho rằng đề xuất người mất bằng lái xe phải thi lại là không hợp lý. Bởi vì bằng lái xe cũng giống như các giấy tờ tùy thân khác như chứng minh nhân dân, bằng tốt nghiệp, việc người đang sở hữu không may bị mất hoặc bị thất lạc không tìm lại được đó là chuyện bình thường. Cần phải căn cứ vào hồ sơ gốc để cấp lại chứ sao lại yêu cầu người làm mất phải thi lại.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (VNN).
“Đề xuất như vậy cũng không góp phần làm giảm tai nạn giao thông, cũng không phải là giải pháp để chống bằng lái xe giả, hay chống việc lợi dụng báo mất để được cấp thêm 2 – 3 bằng lái. Vấn đề ở đây cần phải thấy rõ là công tác quản lý cấp bằng lái xe và việc người có bằng lái bị mất là khác nhau. Việc người bị mất bằng lái xe phải thi lại không làm cho tay lái của họ được tử tế hơn. Để người điều khiển ô tô có tay lái tốt nó nằm ở những khâu khác, trong đó quan trọng nhất là công tác đào tạo”, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương nói.
TS Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, đề xuất người mất bằng lái xe phải thi lại là không hợp lý. Mất bằng lái xe có những trường hợp xuất phát từ nguyên nhân bất khả kháng, như mất cắp, đi vào vùng thiên tai không may mưa lũ cuốn trôi. Việc mất bằng lái xe và chuyện cấp lại không liên quan gì đến hành vi vi phạm pháp luật về giao thông.
Video đang HOT
TS Nguyễn Đình Quyền (ảnh IT).
“Tất cả chính sách pháp luật phải có đạo lý. Ví dụ một người luôn chấp hành pháp luật giao thông tốt nhưng vì lý do bất khả kháng nào đó như bị mất cắp giấy tờ trong đó có bằng lái xe thì việc cấp lại cho họ là bình thường. Việc đưa ra quy định người bị mất bằng lái xe phải thi lại là không nên khi bằng đó vẫn còn có giá trị”, TS Nguyễn Đình Quyền nói và cho biết thêm, người dân so sánh nếu mất bằng tốt nghiệp đại học, trung học… mà cũng yêu cầu học lại thì sẽ là chuyện phi thực tế.
Pháp luật phải phản ánh đúng các quy luật khách quan
Vẫn theo TS Nguyễn Đình Quyền, việc mất bằng lái xe với chuyện chống nạn bằng lái xe giả hay việc lợi dụng để cấp thêm 2 -3 bằng không liên quan gì đến nhau. Tất cả bằng lái xe cấp ra đều có nguồn gốc, mất giấy tờ đó có nghĩa người chủ nhân không còn cái trong tay, nhưng đằng sau đó vẫn còn hồ sơ gốc, chẳng hạn học thời gian nào, thi ngày nào, ngày nào cấp bằng lái. Hiện nay công nghệ hiện đại những thông tin đó đều được cơ sở đào tạo lái xe lưu trong dữ liệu điện tử.
“Việc chống tội phạm vi phạm pháp luật về an toàn giao thông cần quyết liệt, nhưng cần phải dựa trên nguyên lý về lý luận pháp luật, không phải quyết liệt mà đưa ra những quy định không phù hợp thực tiễn. Mặc dù pháp luật là do ý chí con người đặt ra nhưng nó phải phản ánh đúng các quy luật khách quan”, TS Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (ảnh quochoi.vn).
Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), ý kiến nêu ra của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể xuất phát từ ý tốt để khắc phục tình trạng lợi dụng cấp lại bằng lái.
“Cần phải lưu ý để có quy định chặt chẽ từ việc đào tạo, cấp bằng lại. Bằng lái xe bị mất nhưng vẫn còn trong thời hạn, thì phải căn cứ vào hồ sơ gốc để cấp lại. Bởi việc mất bằng lái xe không phải do người đó vi phạm về thủ tục cấp mà có thể vì lý do bất khả kháng như mất trộm. Tùy từng tình huống để xử lý, làm sao phù hợp quyền lợi của người dân cũng như đảm bảo quản lý chặt chẽ của cơ quan nhà nước. Tránh tình trạng người không đủ điều kiện cấp bằng lái vẫn được cấp, người điều khiển ô tô không đủ trình độ lái xe vẫn ra đường rồi gây tai nạn thương tâm cho người dân”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói
Theo Danviet
Bộ trưởng GTVT đề xuất quy định 'làm mất bằng lái xe phải thi lại'
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề xuất quy định "làm mất bằng lái xe phải thi lại" nhằm tránh tình trạng một số trường hợp lợi dụng việc cấp lại bằng lái để "xin thêm".
Sáng 6/3, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể dự phiên giải trình tại Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm ATGT đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018, đầu năm 2019 và giải pháp trong thời gian tới.
Báo cáo của đại diện Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã nêu ra nhiều vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT, cụ thể là tình trạng tiêu cực, "mua bằng" tại các cơ sở sát hạch, cấp bằng lái xe và việc xử lý tài xế gây tai nạn giao thông.
Xiết chặt việc đào tạo, cấp bằng lái xe
Về công tác đào tạo sát hạch lái xe, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đã tham mưu Chính phủ cuối năm 2018 ban hành Nghị định 138 về trách nhiệm của các cơ sở đào tạo cấp giấy phép lái xe.
"Đây là loại hình đào tạo đặc biệt, cần xử lý nghiêm một số cơ sở đào tạo để bảo đảm các cơ sở khác phải có điều chỉnh để nâng cao chất lượng đào tạo. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với Bộ Công an để liên kết, cung cấp thông tin, những trường hợp bằng giả, vi phạm", ông Thể nhận định.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Ngọc Duy.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng đang yêu cầu các cơ sở thay đổi nội dung giảng dạy, tăng cường giám sát chất lượng giảng dạy, tăng cường kiểm tra các tình huống tập lái xe trên sa hình.
Ông Thể cho biết sẽ đề xuất quy định thí sinh vi phạm một số lỗi nghiêm trọng sẽ đánh rớt ngay như: Vượt đèn đỏ đường sắt hoặc vi phạm trên đường đèo.
"Chúng tôi đã điều chỉnh lại Nghị định, thông tư, yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát. Nếu phát hiện những vụ việc liên quan đến các trung tâm thì đề nghị cơ quan pháp luật xử lý thật nghiêm. Những cơ sở vi phạm có thể thu hồi giấy phép vĩnh viễn để bảo đảm tính răn đe", lãnh đạo Bộ GTVT chia sẻ.
Hiện, theo số liệu Bộ GTVT nắm được của các cơ sở đào tạo bằng lái, cứ 100 người thi thì chỉ xét 58% trúng tuyển, còn hơn 40% phải thi lại lần 2, lần 3.
"Chúng tôi cũng đề xuất phương án ai mất bằng lái xe sẽ phải thi lại toàn bộ để tránh tình trạng nêu lý do xin đổi. Có những trường hợp vi phạm ở miền núi, ở chỗ chúng ta không quản lý được, họ lại lợi dụng để có thêm bằng lái thứ 2, thứ 3 để hoạt động kinh doanh", ông Thể nói.
Điều chỉnh luật GTĐB theo hướng răn đe hơn
Nói về tình trạng tai nạn giao thông nghiêm trọng và việc quản lý tài xế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể mong muốn tới đây sẽ điều chỉnh luật giao thông đường bộ và các nghị định theo hướng đảm bảo sức răn đe, để người dân ý thức được việc chấp hành giao thông.
Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng kéo dài từ cuối năm 2018 đến đầu 2019 có nguyên nhân chủ yếu từ lỗi chủ quan của tài xế. Ảnh: Giáp Hồ.
"Một số vụ tai nạn giao thông cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Như việc sử dụng ma tuý là vi phạm pháp luật, những lái xe đã vi phạm pháp luật thì không đủ tư cách, đạo đức để được lao động như một công dân bình thường", ông nói.
Một vấn đề được lãnh đạo ngành giao thông nhắc lại là việc xử lý lái xe phải đi kèm với xử lý cái gốc là doanh nghiệp thuê lái xe. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm ký hợp đồng và giám sát. Khi để lái xe sử dụng ma tuý gây tai nạn nghiêm trọng thì phải truy cứu trách nhiệm của doanh nghiệp.
"Tôi nghĩ nếu chúng ta hoàn chỉnh được thể chế, bảo đảm nghiêm minh thì chỉ cần làm vài vụ thôi, ý thức xã hội sẽ không như hiện nay", ông Thể nhấn mạnh.
Theo Danviet
Lãnh đạo Công an, Giao thông giải trình chuyện cán bộ tiêu cực, lái xe hút ma túy Tại sao, bằng mắt thường có thể phát hiện xe vận chuyển quá tải, nhưng thực tế các xe này vẫn vận chuyển trót lọt? Sao chỉ đến khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng ở Long An, Hải Dương do lái xe sử dụng ma tuý, hoạt động kiểm soát với lái xe đường dài...