Bộ trưởng NNPTNT: Nông nghiệp Huế cần gắn với ẩm thực cung đình
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đưa ra nhiều định hướng để tỉnh Thừa Thiên- Huế phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả cao.
Ngày 29/7, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế tổ chức hội nghị thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp với chủ đề “Nông nghiệp Thừa Thiên- Huế phát triển bền vững, an toàn, ứng dụng công nghệ cao”.
Ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, những năm qua, Thừa Thiên – Huế đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ phát triển, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện lĩnh vực này của tỉnh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng; tái cơ cấu ngành và sản phẩm chủ lực còn chậm, công tác xúc tiến thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa được đẩy mạnh.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị.
Theo ông Thọ, để khắc phục những hạn chế trên, tỉnh đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, giá trị cao; xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ và chú trọng đào tạo nhân lực tay nghề cao…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Thừa Thiên- Huế là địa phương có lợi thế đặc biệt bởi những đặc điểm về địa lý, lịch sử, các di sản văn hóa. Tài nguyên thiên nhiên lớn, giàu tính đa dạng sinh học giúp tỉnh phát triển ngành kinh tế nông nghiệp đa dạng, hướng đến văn hóa du lịch, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam nói chung và Thừa Thiên- Huế nói riêng không cần một nền nông nghiệp phát triển tốc độ quá nhanh, giá trị tài nguyên lớn nhất, bền vững nhất của Thừa Thiên- Huế là đa dạng sinh học, bản sắc văn hóa, đây là những thứ Huế có mà nơi khác không có.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế Phan Ngọc Thọ phát biểu tại hội nghị.
Video đang HOT
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Thừa Thiên- Huế phải xây dựng một nền nông nghiệp đa dạng. “63 tỉnh, thành của Việt Nam bình quân chỉ có 3 lập địa, Thừa Thiên – Huế còn có thêm thế lập địa khác là hệ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai rộng 22.000ha, có đầy đủ điều kiện phát triển một ngành kinh tế nông nghiệp đa dạng…”- Bộ trưởng nói.
Hướng thứ hai Bộ trưởng đưa ra là tỉnh cần xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ. Huế có ẩm thực cung đình, ẩm thực chay, ẩm thực đại trà đều là tinh túy nhất, nên không lí do gì mà không làm nền nông nghiệp hữu cơ. Thứ ba là tỉnh phải phát triển nền nông nghiệp đặc sản. Thứ tư là phát triển một nền nông nghiệp hướng đến văn hóa du lịch, trong đó văn hóa đưa lên đầu.
“Tiếp đến là phát triển một nền nông nghiệp làm sao bốn mùa có lễ hội. Mùa nào cũng có lễ hội lớn trong từng tiểu vùng, từng xã từng vùng có lễ hội. Như vậy mới nhuần nhuyễn giữa sản xuất nông nghiệp và ẩm thực với di sản văn hóa phi vật thể…”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay.
Ba định hướng còn lại cho nông nghiệp Thừa Thiên- Huế Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đưa ra là phát triển nền nông nghiệp phục vụ chính cho chuỗi ẩm thực; nền nông nghiệp phải gắn với kinh tế nông thôn; chủ nhân nền nông nghiệp là người dân phải thừa hưởng thành quả nền nông nghiệp đó.
Tại hội nghị, GS.TS Đỗ Năng Vịnh ( Viện Di truyền nông nghiệp- Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đề xuất Thừa Thiên- Huế cần phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng sinh học, quay vòng sinh thái bền vững, hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sinh thái tuần hoàn, bền vững để trở thành điểm du lịch hàng đầu trong khu vực.
“Đối với Thừa Thiên- Huế, nông nghiệp sinh thái công nghệ cao là cơ hội thoát khổ, thoát nghèo và làm giàu bền vững cho nông dân. Đặc biệt với vị trí địa lý, chính trị quan trọng, nông nghiệp tỉnh còn tạo ra sức mạnh phòng thủ và an ninh quốc phòng quốc gia. Chính vì thế, hợp tác phát triển nông nghiệp với Thừa Thiên- Huế là trách nhiệm và vinh dự đối với các nhà khoa học”- GS.TS Đỗ Năng Vịnh phân tích.
Theo Danviet
Họp Hội ND TP.HCM: "Bí bách" xây công trình phụ trên đất nông nghiệp
Mới đây, trong chuyến đi công tác các tỉnh phía Nam, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định đã làm việc với Hội Nông dân TP.HCM về hình tình 6 tháng đầu năm. Tình hình nông dân xây công trình phụ trên đất nông nghiệp tại TP đã làm "nóng" buổi làm việc.
Hơn một nửa lãnh đạo hội các địa phương tại cuộc họp đã phản ánh tình trạng bức bách trong làm nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng HTX kiểu mới nhưng nông dân không được xây dựng nhà màng, nhà lưới, modul... trên đất nông nghiệp.
Bà Trần Thị Thanh Thúy- Chủ tịch HND huyện Nhà Bè, đang phát biểu về nhu cầu nông dân cần xây công trình phụ trên đất nông nghiệp trên địa bàn.
Theo ông Võ Thanh Bình - Chủ tịch HND huyện Hóc Môn, huyện đang đẩy mạnh mô hình nông nghiệp đô thị, công nghệ cao, như: trồng rau, nuôi bò sữa..., nhưng nông dân không được xây dựng công trình phụ trên đất nông nghiệp.
"Làm sao vận động nông dân vô HTX, THT, xây dựng mô hình công nghệ cao nếu không được xây dựng những công trình phụ hỗ trợ?", ông Bình đặt vấn đề.
Là địa phương cũng gặp tình trạng này, ông Mai Ngươn Khánh - Phó Chủ tịch HND huyện Bình Chánh chia sẻ, hiện trên địa bàn có hàng trăm trường hợp nông dân xây dựng công trình phụ trên đất nông nghiệp sai quy định.
"Rất nhiều trường hợp vi phạm nhưng chưa biết xử lý ra sao", ông Khánh thổ lộ.
Anh Nguyễn Văn Dũng (xã Tân Nhựt, Bình Chánh) - một nông dân đang canh tác rau hữu cơ cho biết, hiện anh rất cần xây nhà sơ chế mới thay cho nhà sơ chế cũ để đúng tiêu chuẩn làm sản phẩm hữu cơ, nhưng lại vướng quy định xây công trình phụ trên đất nông nghiệp.
"Bây giờ, hệ thống siêu thị tôi đang cung cấp hàng nông sản hữu cơ có yêu cầu làm nhà sơ chế mới cho phù hợp, đúng quy chuẩn, quy định, nhưng tôi biết làm sao khi xin phép xây dựng nhưng chính quyền không cho", anh bức xúc chia sẻ.
Một lãnh đạo huyện cho biết, khuyến khích bà con nông dân đầu tư nuôi tôm công nghệ cao mà không cho xây dựng nhà lưới, modul... là không thực tế.
Một khu nhà kính trồng rau thủy canh ở Củ Chi được xây dựng trên đất nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo này, hiện huyện đang siết chặt tình hình xây dựng công trình phụ trên đất nông nghiệp sau thời gian buông lỏng.
"Biết là nhu cầu bức bách, thiết thực của nông dân, nhưng không thể làm khác và phải siết lại vì sai phạm Luật Xây dựng, Luật Đất đai", vị này nói.
Ông Khánh cho biết thêm, còn nguyên nhân nữa là do nông dân cố tình "biến tướng" khi đã xây dựng công trình phụ.
"Khi xây dựng nhà xưởng, nhà sơ chế xong, một số người dân lại không làm đúng chức năng, mà chuyển sang nhà xưởng công nghiệp", ông thông tin.
Phó Chủ tịch HND TP Đoàn Văn Thanh thông tin, UBND TP.HCM đang tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc việc nông dân xây dựng công trình phụ trên đất nông nghiệp để thúc đẩy việc xây dựng HTX, THT, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng đô thị, công nghệ cao... trên địa bàn TP.
Trước đó, Sở Xây dựng TP đã công văn xin ý kiến của Bộ Xây dựng về việc xây dựng công trình phụ trên đất nông nghiệp ở TP.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP cũng đã có văn bản tham mưu UBND TP về việc thí điểm xây dựng công trình phụ trên đất nông nghiệp ở huyện Củ Chi, Cần Giờ nhưng mọi việc vẫn chưa được triển khai.
Nhiều HTX nông nghiệp công nghệ cao ở TP chưa thể xây dựng nhà sơ chế hợp chuẩn do vướng quy định đất nông nghiệp.
Theo Sở Xây dựng, 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn TP có hơn 1.600 trường hợp vi phạm xây dựng liên quan đến công trình phụ trên đất nông nghiệp, như: nhà lưới, nhà kính, kho, xưởng, chuồng trại chăn nuôi...
Theo Danviet
"Mắt thần" giám sát đô thị thông minh ở TT-Huế hoạt động ra sao? Điểm đáng chú ý của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên- Huế là việc giám sát bằng hệ thống camera- phương tiện được ví như "mắt thần". Chiều 23/7, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế tổ chức họp báo về Hội nghị xúc tiến đầu tư công nghệ thông tin và công bố dịch vụ Trung tâm...