Bộ trưởng nhận trách nhiệm vì “10 năm chưa làm được gì nhiều”
Với câu hỏi truy vấn đầu tiên nhận được trên “ghế nóng” về việc chậm hình thành thị trường khoa học công nghệ, Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân nhận ngay: “Đây là trách nhiệm của Bộ trưởng khi 10 năm qua chưa làm được gì nhiều để thúc đẩy những tổ chức trung gian hình thành thị trường”.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) đặt câu hỏi đầu tiên, vì sao đến nay nước ta chưa có thị trường khoa học công nghệ (KHCN)? Phải chăng cơ chế phân bố đề tài, nguồn lực khiến cho thị trường chậm hình thành?
Bộ trưởng KH-CN nhận trách nhiệm vì 10 năm chưa làm được gì nhiều… (Ảnh: Việt Hưng)
Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân thừa nhận, so với thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, thị trường giáo dục… thì thị trường KHCN thực sự chậm chân, đi sau. Tuy nhiên, đến nay, cơ bản môi trường pháp lý cho thị trường KHCN đã được hoàn thiện. Hiện chỉ còn một yếu tố để hình thành thị trường là định chế trung giản để nhà khoa học đến được với doanh nghiệp, người sản xuất.
Thiếu các tổ chức môi giới, đánh giá, định giá, kiểm tra, kiểm định nên các nhà khoa học không tìm được địa chỉ đầu tư cho nghiên cứu, áp dụng kết quả nghiên cứu của mình còn các doanh nghiệp cũng phải vật vã tự đi tìm công nghệ, giải pháp của mình.
Dấu hiệu tích cực theo Bộ trưởng KH-CN là mới đây các sàn giao dịch công nghệ, các chợ công nghệ (techmart)… đã hình thành, trở thành nơi để trao đổi, kết nối cung – cầu. Bộ KH-CN cũng đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối như thế ở các địa phương để các nhà khoa học giới thiệu kết quả của mình với người có nhu cầu.
Một điểm khó khăn là các công ty tư nhân chưa chú trọng vấn đề này. Ông Quân cho biết đã đề xuất hình thành một định chế cho hoạt động này.
Ngoài ra, theo người đứng đầu ngành, cơ chế phân bổ kinh phí cũng là một yếu tố làm chậm hình thành thị trường công nghệ. Trong giai đoạn hiện nay, khó khăn về ngân sách, biên chế cũng đã cản trở việc hình thành những yếu tố trung gian thúc đẩy.
“Tuy nhiên tôi cũng nhận thức đây là trách nhiệm của Bộ trưởng KH-CN khi 10 năm qua chưa làm được gì nhiều để thúc đẩy những tổ chức trung gian hình thành thị trường. Tới đây chúng tôi sẽ tập trung vào khâu yếu nhất này” – Bộ trưởng Nguyễn Quân đáp lời đại biểu.
Câu hỏi thứ hai của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề cập tới chuyện các đề tài nghiên cứu hàng năm hầu hết xong rồi để “xếp ngăn kéo”, nghiệm thu trên bàn. 1.300 tỷ đồng mỗi năm rót cho hoạt động nghiên cứu khoa học, theo đó, được đại biểu bình luận là “đầu tư không đúng người, đúng việc”.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, thực ra mỗi năm không chỉ có 1.300 tỷ đồng dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học vì tính ra xấp xỉ 2% ngân sách hàng năm phải tương đương trên dưới 3.000 tỷ đồng dành cho hoạt động này.
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Đề tài “xếp ngăn kéo” cũng có nhiều loại.
Thuật ngữ đề tài “xếp ngăn kéo” thường được nghe, Bộ trưởng Quân giải thích, được chia thành 3 loại.
Loại đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản thì gần như đương nhiên là… xếp ngăn kéo vì đó là những bước đi trước thời đại, cần chờ thời điểm mới ứng dụng được. Ông Quân lấy ví dụ như chất bán dẫn được nghiên cứu thành công tại Mỹ từ rất sớm nhưng cũng phải xếp ngăn kéo đến gần 50 năm sau, khi người Nhật mua lại phát minh và đưa vào sản xuất. Từ đó đến nay thì chất bán dẫn đã mang lại giá trị tới gần 20.000 tỷ USD khi hầu hết các sản phẩm kỹ thuật đều có mặt của loại vật liệu này.
Loại đề tài thứ 2 phải xếp ngăn kéo là những đề tài ứng dụng mà kèm theo nó phải là hoạt động đầu tư, muốn trở thành sản phẩm được thương mại hoá thì phải được doanh nghiệp vào cuộc. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp của Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ nên hoạt động đầu tư KHCN chưa hiệu quả.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng xác nhận “có một số đề tài xếp ngăn kéo thực sự, tức là nghiên cứu xong rồi không ứng dụng được thật, nghiên cứu theo sở thích của người làm khoa học, không xuất phát từ thực tiễn, từ đòi hỏi của sản xuất và kinh doanh”.
Với nhóm này, Luật KHCN 2013 đã có những nội dung quan trọng để khắc phục tình trạng này khi đề ra cơ chế “đặt hàng” nghiên cứu khoa học chứ không để nhà khoa học nghiên cứu theo sở thích, theo cảm tính của mình. Bộ KHCN cũng yêu cầu cơ quan đề xuất đặt hàng là khi nghiên cứu thành công thì phải sử dụng kết quả nghiên cứu.
Video đang HOT
Với câu hỏi “bao giờ chấm dứt tình trạng đề tài nghiên cứu xếp ngăn kéo này”, Bộ trưởng Nguyễn Quân đáp: “Nếu thực hiện nghiêm luật KHCN 2013, sẽ không còn những đề tài xếp ngăn kéo nữa”.
Việc trả lời chất vấn lần này là một dịp đặc biệt vì 4 nhiệm kỳ qua Bộ không có đại diện ở Quốc hội nên chúng tôi ít có cơ hội tham gia vào hoạt động nghị trường. Tôi xác định đây là một thách thức rất lớn với cá nhân vì KHCN luôn được coi là quốc sách hàng đầu, được kỳ vọng nhiều sẽ trở thành động lực của đổi mới, trọng tâm của công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong khi đó, những kiến thức nhận thức của tôi còn rất hạn hẹp nên có thể không đáp ứng hết, không thoả mãn được các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, tôi vẫn nhận thức đây là là cơ hội để Quốc hội và cử tri cả nước biết những việc chúng tôi đang làm, những thách thức chúng tôi phải trải qua và qua việc chất vấn chúng tôi tiếp tục xác định những việc mình phải khắc phục, hoàn thiện để đóng góp hơn nữa cho đất nước.
P.Thảo
Theo Dantri
Nhóm đối thoại giáo dục đưa ra hướng cải cách giáo dục đại học ở Việt Nam
Nhóm Đối thoại giáo dục Việt Nam (VED) do GS Ngô Bảo Châu chủ trì vừa có bản tổng kết nghiên cứu khoa học và ước vọng về một nền đại học Việt Nam lành mạnh và tiến bộ. Bản tổng kết này đã gửi tới lãnh đạo có thẩm quyền.
Quan điểm chung của nhóm Đối thoại giáo dục là: Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam cần được cải cách cơ bản và sâu sắc ngay từ nguyên lý và quy tắc tổ chức; không thể chỉ thay đổi một vài chi tiết. Cải cách cơ bản và sâu sắc là một quá trình lâu dài và liên tục, không phải là một đơn thuốc có tính công phạt. Mô hình dài hạn cần hướng tới là mô hình của các nước đã phát triển, nhưng cũng cần lưu ý tới những đặc thù của đại học Việt nam để xây dựng một lộ trình cải cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, tự chủ đại học là một động lực rất lớn của quá trình cải cách. Vấn đề cần suy nghĩ là hình thành khung pháp lý, thiết kế qui tắc quản lý nhà nước và quản trị nội bộ, những thành tố làm nên nội dung của khái niệm "tự chủ đại học".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thân mật tiếp Giáo sư Ngô Bảo Châu và Nhóm đối thoại giáo dục năm 2014
Nhóm đối thoại đã đưa ra 5 đề mục cải cách đại học Việt Nam, cụ thể:
Giao đại học về địa phương có khả năng tự chủ ngân sách.
Phân tích về mô hình này tại Việt Nam, nhóm đối thoại giáo dục cho rằng, các trường đại học công lập thuộc sở hữu toàn dân, được nhà nước đại diện làm chủ sở hữu. Cần phân biệt trách nhiệm điều tiết ở tầm quốc gia với trách nhiệm làm "chủ" từng trường đại học. Định chế được uỷ thác trách nhiệm làm chủ một đại học phải hoạt động toàn tâm toàn ý vì sự phát triển, vì lợi ích riêng của trường mình, trong khi Bộ giáo dục và đào tạo có trách nhiệm điều tiết để đảm bảo sự phát triển chung. Theo một nghĩa nào đó, hơn 330 trường đại học và cao đẳng công lập ở Việt nam chưa có "chủ" thực sự.
Hiện tại, một số đại học Việt nam đã có hội đồng trường, nhưng số lượng ít và những hội đồng đang tồn tại chủ yếu chỉ có chức năng tham vấn. Trên thực tế, ít người biết đến sự tồn tại của các hội đồng trường.
Nhóm đối thoại cho rằng thay cho các hội đồng trường có vai trò tham vấn, các trường đại học cần có hội đồng uỷ thác (hay còn gọi hội đồng tín thác - board of trustees) với quyền lực tương tự như hội đồng quản trị của các doanh nghiệp. Địa phương và các bộ ngành liên quan thực hiện quyền và trách nhiệm làm "chủ" của mình thông qua hội đồng uỷ thác. Mọi quyết định quan trọng trong đó có việc chỉ định ban giám hiệu trường và đề ra những phương hướng chính sách lớn liên quan đến quyền lợi và sự phát triển của trường phải được thực hiện trong các cuộc họp của hội đồng uỷ thác.
Việc thành lập hội đồng uỷ thác và thiết lập cơ cấu của nó gắn liền với việc nhà nước phân quyền làm "chủ" đại học cho địa phương và các bộ, ngành liên quan. Chỉ những định chế có lợi ích gắn chặt với định mệnh của một trường đại học mới thực hiện tốt vai trò làm "chủ".
Việc giao đại học về địa phương có thể bắt đầu từ các tỉnh thành phố có khả năng tự chủ ngân sách. Có thể xem xét việc cho phép địa phương trích lập quỹ hỗ trợ giáo dục đại học từ khoản ngân sách địa phương phải chuyển về trung ương nếu địa phương cam kết bảo trợ tài chính cho đại học mình làm chủ. Khi ấy, trách nhiệm đảm bảo tài chính cho việc vận hành trường của nhà nước sẽ giảm bớt một cách tương ứng.
Tăng đầu tư toàn xã hội vào hệ thống đại học
Nhóm nghiên cứu đưa ra Ba thách thức tài chính lớn trong giáo dục đại học Việt Nam hiện nay là:
Các trường đại học thiếu kinh phí một cách trầm trọng.
Thứ nhất, do mức đầu tư của nhà nước cho các trường công còn rất thấp.
Thứ hai, mức học phí cho các trường công cũng rất thấp.
Thứ ba, các nguồn thu khác như nguồn thu từ dịch vụ, nguồn thu từ dịch vụ khoa học, công nghệ, từ viện trợ, tài trợ, hiến tặng cũng quá thấp, trung bình chỉ khoảng 3% tổng nguồn thu hiện nay của các trường đại học Việt Nam.
Hệ quả của các vấn đề nêu trên là chất lượng đào tạo suy giảm, cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu và xuống cấp, các trường phải tăng số lượng sinh viên và mở rộng các hệ đào tạo phi chính quy làm giảng viên quá tải, không còn đủ thời gian dành cho nghiên cứu khoa học.
Nhóm đối thoại khuyến nghị:
Cải cách tài chính cho hệ thống các trường đại học Việt Nam cần tập trung vào ba lĩnh vực ưu tiên sau: Tăng đầu tư toàn xã hội vào hệ thống đại học, bao gồm cả tài trợ từ ngân sách lẫn đóng góp của xã hội; Tự chủ tài chính cho các đại học; Thay đổi cách phân bổ ngân sách cho từng trường.
Cần lưu ý rằng tăng tự chủ không có nghĩa là Nhà nước giảm hỗ trợ cho giáo dục đại học. Ngược lại, Nhà nước cần ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực này, nhất là ưu tiên đầu tư về nghiên cứu khoa học, vì đây là đối tượng đầu tư quan trọng trong sự phát triển lâu dài của Việt Nam. Tăng tự chủ là một phương thức giúp nhà nước phân bổ ngân sách hỗ trợ cho đại học một cách hiệu quả hơn thay vì cào bằng, hay theo những chỉ tiêu có thể bàn cãi.
Cơ chế thị trường cần được coi là động lực mạnh mẽ nhất để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, huy động nguồn thu và sử dụng nguồn lực hiệu quả. Dùng thị trường làm động lực có nghĩa là tăng tự chủ, tạo điều kiện cho các trường (công và tư) cạnh tranh với nhau về chất lượng giáo dục, mức học phí, và số lượng tuyển sinh, và qua đó, phục vụ xã hội tốt hơn.
Song song, Chính phủ cần can thiệp để giảm thiểu các khiếm khuyết chính sau của thị trường: Bất công bằng trong giáo dục: chỉ người giàu mới đủ tiền đi học; Thiếu thông tin về chất lượng của các trường để người đi học lựa chọn đúng đắn; Các trường chỉ tập trung đào tạo theo nhu cầu của thị trường, và xem nhẹ những ngành có lợi ích lâu dài cho xã hội.
Nhóm đối thoại kiến nghị: Giảm số môn bắt buộc, giảm số giờ lên lớp cho sinh viên
Chất lượng giáo dục đại học công bố hàng năm
Nhóm đối thoại cho rằng, có bốn công cụ đảm bảo chất lượng chính như sau: Kiểm định chất lượng, công khai thông tin chất lượng, xếp hạng và đối sánh.
Đối chiếu với hệ thống đảm bảo chất lượng ở nước ta hiện nay, có thể thấy mặc dù cả bốn công cụ trên đều đã được triển khai, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề.
Theo nhóm đối thoại, để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, áp dụng đồng bộ cả 4 công cụ của đảm bảo chất lượng kể trên là một điều cần làm. Theo đó, giao cho một tổ chức độc lập tiến hành việc thu thập thông tin chất lượng giáo dục đại học và công bố hàng năm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các trường đại học, cao đẳng có nghĩa vụ phối hợp với tổ chức nói trên trong quá trình thu thập dữ liệu.
Có thể tham khảo từ các nước đã áp dụng trước đó như Mỹ, Anh, Hàn Quốc để thiết lập bộ chỉ số thông tin chất lượng. Bộ thông tin chỉ số có thể bao gồm: mức độ hài lòng của sinh viên sau tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên có việc làm 12 tháng sau tốt nghiệp, thu nhập trung bình của sinh viên sau tốt nghiệp ...
Tuy vậy, trong điều kiện nguồn lực hữu hạn, nhà nước nên tập trung vào hai công cụ kiểm định chất lượng và công khai thông tin chất lượng hơn vì tính khả thi, và tính phổ dụng (có thể cho toàn bộ hệ thống giáo dục đại học) cao hơn.
Giảm số môn bắt buộc, giảm số giờ lên lớp.
Nhóm đối thoại cho rằng vấn đề nổi cộm nhất trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy ở đại học Việt nam là sự ưu tiên dành cho số lượng thay cho chất lượng.
Vấn đề này thể hiện trên nhiều bình diện khác nhau, đó là khả năng nghiên cứu khoa học; Tài trợ nghiên cứu khoa học của nhà nước; Môi trường trao đổi và hợp tác; Số môn học và số giờ lên lớp bởi về số lượng, học trình ở đại học Việt Nam nặng hơn nhiều so với đại học ở các nước tiên tiến.
Để lấy ví dụ, số môn học toán ở ĐHQGTPHCM nhiều gấp hai số môn học toán ở Đại học Chicago. Tại ĐHKHXHNV, sinh viên phải hoàn thành 60 môn học trong 7 học kỳ, trong khi trung bình sinh viên ở đại học Mỹ trung bình học 4 môn một học kỳ. Nhìn chung, sinh viên Việt nam học nhiều môn hơn, nhưng vì ít làm đề án, bài tập nên mức độ hiểu biết không sâu, kỹ năng tự học và nghiên cứu còn rất yếu so với sinh viên ở các nước phát triển.
Vì số lượng môn học quá nhiều (và một phần vì lý do thu nhập), số lượng giờ đứng lớp của giảng viên hiện tại là quá lớn. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng công tác nghiên cứu khoa học và hướng dẫn sinh viên tìm tòi khám phá...
Khuyến nghị: Giảm số môn bắt buộc, giảm số giờ lên lớp. Tăng số giờ thực tập, thực hành, làm đề tài và làm bài tập. Khuyến khích việc sử dụng trực tiếp học liệu do các trường đại học tiên tiến cung cấp để giảng viên giảm giờ dạy, tăng giờ hướng dẫn thực hành và làm bài tập.
Lấy trình độ nghiên cứu khoa học làm ưu tiên hàng đầu cho việc tuyển chọn giảng viên. Thiết lập một số vị trí với điều kiện làm việc và đãi ngộ đặc biệt để tạo ra những đầu tầu trong nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng. Thiết lập cơ chế tài chính để hỗ trợ chi phí cho các nhà khoa học nước ngoài sang Việt Nam làm việc.
Bên cạnh đó, tài trợ nghiên cứu khoa học của nhà nước; tạo môi trường trao đổi và hợp tác.
Năm 2014, Nhóm đối thoại giáo dục đã tổ chức hội thảo với chủ đề " Đối thoại giáo dục VN: Cải cách giáo dục ĐH" có sự hiện diện của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân, lãnh đạo Bộ GD-ĐT và các nhà giáo dục, đại diện các trường ĐH, CĐ, các doanh nhân.
Thiết lập nghị trường giảng viên
Nhóm đối thoại cho rằng, uy tín của các trường đại học trong xã hội không chỉ phụ thuộc vào tiềm năng tài chính và chất lượng nghiên cứu khoa học và giảng dạy mà còn phụ thuộc vào các định chế dân chủ nội bộ, cũng như khả năng duy trì đạo đức và tự do trong học thuật. Bản thân chất lượng nghiên cứu khoa học và giảng dạy cũng bị chi phối bởi khả năng duy trì đạo đức và tự do trong học thuật. Môi trường học tập và nghiên cứu khoa học trong các trường đại học có lành mạnh hay không phụ thuộc vào tính minh bạch của các định chế dân chủ nội bộ.
Nhóm đối thoại khuyến nghị: Thiết lập nghị trường giảng viên (Faculty Senate) với vai trò tham vấn mọi vấn đề liên quan đến giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong trường. Nghị trường giảng viên có thể đưa ra tiếng nói chung của giảng viên đối với các hiện tượng vi phạm đạo đức khoa học hoặc tự do học thuật. Nghị trường giảng viên bầu ra đại diện để tham vấn ban giám hiệu nhà trường.
Thiết lập nghị trường sinh viên (Student Senate) với vai trò tham vấn mọi vấn đề liên quan đến học tập và đời sống sinh viên. Nghị trường sinh viên bầu đại diện của mình để tham vấn ban giám hiệu nhà trường.
Thiết lập các ủy ban thông qua đó giảng viên có thể tham vấn trực tiếp cho Ban giám hiệu. Trong số những ủy ban như thế có thể kể đến: ủy ban kế hoạch, ủy ban tuyển dụng, ủy ban đề bạt, ủy ban đánh giá thường niên ... Ban giám hiệu giao cho các uỷ ban nhiệm vụ tham vấn về những vấn đề cụ thể.
Mỗi trường đại học có quy chế nội bộ để điều tiết quan hệ giữa hội đồng uỷ thác, ban giám hiệu, nghị trường giảng viên, nghị trường sinh viên và các uỷ ban, phù hợp với quy chế chung của nhà nước.
Các trường đại học được tự chủ trong việc thiết lập ưu tiên trong nghiên cứu khoa học và học trình giảng dạy.
Nhóm Đối thoại giáo dục gồm: Trần Ngọc Anh (Đại học Indiana, Hoa Kỳ); Đỗ Quốc Anh (Học viện Nghiên cứu Chính trị Sciences Po, Paris, Pháp); Vũ Thành Tự Anh (Đại học Princeton, Hoa Kỳ và Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, Việt Nam); Ngô Bảo Châu (Đại học Chicago, Hoa Kỳ và Viện nghiên cứu cao cấp về toán, Việt Nam); Lê Hồng Giang (Sydney); Phạm Hùng Hiệp (Đại học Văn Hoá Trung Hoa, Đài Loan) ; Ngô Quang Hưng (Đại học bang New York ở Buffalo, Hoa Kỳ); Phạm Ngọc Thắng (Hà Nội); Phạm Hữu Tiệp (Đại học Arizona, Hoa Kỳ); Trịnh Hữu Tuệ (Đại học Wisconsin tại Milwaukee, Hoa Kỳ); Vũ Hà Văn (Đại học Yale, Hoa Kỳ); Nguyễn Phương Văn (TPHCM).
Hồng Hạnh ( lược ghi)
Theo Dantri
Kinh hoàng vụ hai anh em bị giang hồ Hải Phòng truy sát tại quán nhậu Hơn mười đối tượng côn đồ đi trên 7 xe máy, tay cầm mã tấu, dao phóng lợn lao vào đâm thấu phổi người em, anh trai nạn nhân lao vào can ngăn cũng bị chém vào cả vùng cổ lẫn vùng đầu. Đằng sau vụ truy sát kinh hoàng này là những uẩn khúc cần làm rõ... Bị hàng chục côn đồ...