Bộ trưởng nhận khuyết điểm vì chậm hỗ trợ những “hai lúa” làm khoa học
Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân đăng đàn chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời”, nói về cơ chế hỗ trợ tài chính với các nhà sáng chế, nhà khoa học không chuyên – những “hai lúa” làm máy bay, chế tạo thiết giáp đúng dịp kỷ niệm ngày Khoa học-Công nghệ Việt Nam 18/5.
Sự kiện này cũng diễn ra ngay sau việc lần đầu tiên Bộ KH&CN tổ chức chương trình gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên nghiệp (ngày 12/5) vừa qua.
Gửi đến các nhà khoa học, cả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, trong cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân ngày 18/5, Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng bày tỏ mong muốn nhận được nhiều sản phẩm khoa học từ kết quả nghiên cứu của các viện, các trường, và cả từ những người lao động, những nhà sáng chế không chuyên nghiệp trong cả nước.
Nói về vai trò của những người làm khoa học không chuyên, ông Quân khẳng định, quan điểm của Đảng và Nhà nước là luôn luôn tôn trọng và đánh giá rất cao những sáng kiến của người dân.
“Trong chiến tranh, chúng ta có chiến tranh nhân dân, có bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Trong khoa học chúng tôi cũng có quan điểm như vậy. Các nhà khoa học từ các viện, trường giải quyết các vấn đề lớn của đất nước, những vấn đề mang tầm vĩ mô, mang tính then chốt. Những nhà khoa học không chuyên là những người trực tiếp lao động hàng ngày nên họ thấy được cái gì là cần, là tốt cho họ” – Bộ trưởng KH-CN so sánh “thế trận” khoa học ngày nay với thế trận chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân.
Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân.
Bộ trưởng dẫn chứng về sự thành công, khả năng sáng tạo của những kỹ sư nông dân trong việc cải biến máy móc nhà nông. Thực tế, ngay cả máy móc của các nước tiên tiến đưa sang Việt Nam không phải cái nào cũng phù hợp với điều kiện Việt Nam và người dân đã cải tiến máy gieo hạt của nước ngoài, trở thành sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, thậm chí có thể thương mại hóa rất tốt trên thị trường.
Ông Quân phân tích, những người có sáng kiến cải tiến, những người làm khoa học không chuyên làm ra sản phẩm, trước hết phục vụ bản thân, gia đình và cộng đồng xung quanh mình. Rất nhiều người cũng đã thương mại hóa thành công, đưa sản phẩm thành hàng hóa trên thị trường, trở nên thành đạt và giàu có nhờ sức sáng tạo của cá nhân mình.
Chiếc máy gieo hạt của nhà sáng chế không chuyên ở phía Nam như Bộ trưởng KH-CN đề cập đã được sản xuất và tiêu thụ tới nửa triệu sản phẩm. “Tức là, nửa triệu gia đình, hộ nông dân đang sử dụng máy gieo hạt này bởi tính ứng dụng cao, giá thành hợp lý” – ông Quân đánh giá hiệu quả kinh tế- xã hội là rất lớn mang lại từ những “hai lúa” làm khoa học này.
Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tiến hành nghiên cứu, đánh giá tổng thể những sáng kiến không chuyên như vậy.
Nói về cuộc gặp mặt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các nhà sáng chế không chuyên mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh, sự có mặt của Thủ tướng là sự động viên rất lớn với anh em. Trong cuộc gặp mặt, Thủ tướng giao cho các bộ, ngành, cơ quan của Chính phủ phải có hỗ trợ thiết thực nhất cho bà con nông dân nói riêng và những người làm sáng chế không chuyên nói chung.
Ông Quân chân thành: “Điều quan trọng nhất là chúng ta phải có căn cứ pháp lý và hệ thống chính sách đồng bộ. Đến giờ phút này, chúng tôi cũng nhận khuyết điểm là chưa làm tốt điều này”.
Video đang HOT
Sau Nghị định về Ban hành điều lệ sáng kiến năm 2012, việc xây dựng thông tư hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ cho bà con bị kéo dài, tới nay vẫn chưa ban hành được. Người đứng đầu Bộ KH&CN cho biết, Bộ đã gửi tới 63 nhà sáng chế không chuyên dự thảo cuối cùng của thông tư hướng dẫn về hỗ trợ tài chính cho bà con. Trên cơ sở ý kiến của các nhà sáng chế, Bộ sẽ hoàn thiện thông tư này và cùng các bộ, ngành liên quan ban hành trong thời gian sớm nhất.
Về khó khăn lớn nhất – nguồn vốn đối với những “nhà khoa học nông dân”, những người thực sự “tay không bắt giặc”, Bộ trưởng Nguyễn Quân nêu chính sách để hỗ trợ cho các nhà khoa học tay ngang theo hướng sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước. Vấn đề này đã được thể hiện trong dự thảo thông tư đang lấy ý kiến bà con.
Ngoài qua, để không quá lệ thuộc vào nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, để huy động nguồn đầu tư của xã hội, chủ yếu từ DN, ông Quân phân tích, Những sáng kiến của người dân phải làm xuất phát từ thực tiễn của sản xuất, đồng thời đáp ứng lợi nhuận của DN vì thực tế, DN chỉ đầu tư khi nhìn thấy lợi nhuận.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã thành lập các quỹ phát triển KHCN ở các địa phương, bộ ngành và quan trọng hơn cả là quỹ phát triển KHCN của các DN.
“Chúng tôi cũng mong bà con khi có sáng chế, sáng kiến cải tiến khoa học, kỹ thuật thì cần nghiên cứu ngay là sẽ được sử dụng để làm gì, có đáp ứng được nhu cầu thị trường địa phương hay không. Yếu tố quan trọng không kém là mẫu mã phải phong phú, hấp dẫn, giá thành phải hợp lý” – Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.
P.Thảo
Theo Dantri
Bác Hồ đã chọn đúng những vị trí lãnh đạo
"Cụ Hồ nhìn xa chiến lược phát triển của Đảng, của đất nước sau đó mới lắp những người đáp ứng được yêu cầu, phù hợp quãng thời gian đó..." - GS. Mạch Quang Thắng, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phân tích trong cuộc trò chuyện với PV Dân trí.
Qua nghiên cứu, GS. thấy quan điểm dùng người và lựa chọn cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào?
Theo tôi quan điểm nhân sự của Bác Hồ rất đơn giản và ai cũng có thể hiểu được: Vừa có đức, vừa có tài. Điều đó nghĩa là có tài mà không có đức cũng không được, còn có đức mà không có tài thì không làm được việc. Đức - tài là chỉnh thể hai trong một, nếu đánh giá người này, bổ nhiệm người kia mà chỉ xét một mặt thôi không được.
Đồng chí Lê Duẩn báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình cách mạng miền Nam (1957). Ảnh tư liệu, Báo Nhân dân
Ngay sau Cách mạng Tháng 8/1945, Bác cho phát đi thông báo: Nước nhà cần kiến thiết, do vậy cần nhân tài. Bấy lâu nay, Chính phủ không nghe thấy hết, không nhìn rõ hết cho nên chưa sử dụng được nhiều người tài. Vì vậy, lúc đó Bác viết thư gửi cho các địa phương, phát hiện ai có tài gì thì gửi cho Chính phủ xem xét tin dùng.
Quan điểm của Bác rất hay nhưng ngay sau đó bao nhiêu việc bề bộn như Pháp lấn miền Nam, miền Bắc quân Tưởng vào, nạn đói đang "ngàn cân treo sợi tóc", rồi 19/12 bùng nổ kháng chiến nên dự định đó không được thực thi...
Đi vào trường hợp cụ thể, giới nghiên cứu đã nói rất nhiều về việc bác Hồ chọn một người vốn là thầy giáo dạy sử là người đứng đầu Quân đội Việt Nam, tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo quan điểm của GS tại sao Bác Hồ lại quyết định như vậy, trong khi có có những ứng viên khác cũng rất sáng giá?
Thời điểm đó đã có nhiều nhà quân sự giỏi lắm, trong đó có người học ở trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc), nhưng Bác Hồ lại chọn ông Võ Nguyên Giáp - người không học trường quân sự nào làm người đứng đầu quân đội Việt Nam. Ông Giáp được phong tướng 4 sao từ tháng giêng năm 1948, khi mới 37 tuổi. Sau này, nhiều người đã hỏi trực tiếp ông Giáp vấn đề đó. Ông cũng trả lời thật: "Cái này phải hỏi cụ Hồ, chứ tôi làm sao biết được".
Theo tôi suy luận thì ông Giáp có những tố chất làm nên một nhà chỉ huy chiến lược quân sự. Nhìn tư chất của ông Giáp thấy được một người thư sinh, một học sinh giỏi đi dạy sử. Việc dạy sử bình thường thì không thấy gì gắn nhiều lắm với cách làm quân sự của ông Giáp. Nhưng có lẽ riêng cụ Hồ lại nhìn ra một tư chất nào đó của ông Giáp nên mới cử phụ trách quốc phòng. Những trận đánh lớn đều có bàn tay, khối óc của ông Giáp, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ, điều đó cho thấy rõ kết quả cuối cùng là cách dùng người của Bác rất đúng.
Trong một bài trả lời phỏng vấn mới đây, TS. Lê Kiên Thành (con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn) có nói về việc năm 1957 Bác Hồ triệu tập ông Lê Duẩn từ chiến trường miền Nam ra và sau đó ông Lê Duẩn được bầu làm Bí thư Thứ nhất Trung ương Đảng. Ông Lê Kiên Thành có nói rằng, cho đến cuối đời, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng không biết vì sao mình được lựa chọn, trong khi thời điểm đó xung quanh Bác Hồ cũng có rất nhiều người tài. GS có ý kiến gì về lựa chọn đó của Bác Hồ?
Năm 1957, khi miền Bắc không thiếu người tài... tại sao Bác lại gọi ông Lê Duẩn từ rừng U Minh ra làm Tổng Bí thư. Cụ Hồ chọn như vậy vì ông Lê Duẩn là người nắm rất sâu, rất kỹ nên có khả năng giải quyết được vấn đề miền Nam.
Theo Hiệp định Giơnevơ năm 1954, lực lượng của chúng ta có cuộc tập kết lớn ở Cà Mau để ra ngoài Bắc. Ông Lê Duẩn cũng lên tàu, nhưng ngay tối hôm đó, ông Duẩn lách xuống một con xuồng nhỏ, trở lại bờ. Thời điểm đó, ông Duẩn nhắn các đồng chí ra Bắc rằng, báo cáo với Bác Hồ là 20 năm chứ không phải 2 năm mới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mà quả nhiên điều đó đúng, 21 năm sau chúng ta mới giải phóng.
Lúc đó, ai bảo ông Duẩn ở lại miền Nam chứ. Ông cứ ra Bắc cho an thân thì sao. Thế nhưng, đây là người nắm tình hình rất kỹ, có bản lĩnh, trách nhiệm rất cao nên ở lại miền Nam.
Tôi đưa ví dụ về hành động cụ thể của ông Duẩn như vậy là để thấy rằng việc Bác Hồ chọn Lê Duẩn thời điểm đó là có lý. Mà quả nhiên quyết định đó được hiện thực qua việc ông lãnh đạo kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Có người nói giá như ông Duẩn nên thế này, nên thế nọ ở một số việc... Thế nhưng chuyện con người, một trăm điều đúng thì có vài điều chưa hợp với thực tế là chuyện bình thường. Nhìn tổng thể, việc Bác Hồ chọn ông Duẩn là quyết định đúng.
Theo GS. Mạch Quang Thắng, Bác Hồ đã chọn đúng những vị trí lãnh đạo
Việc Bác Hồ chọn bác sĩ Trần Duy Hưng làm Chủ tịch Hà Nội cũng để lại một giai thoại, thưa GS.?
Khi hòa bình lập lại, ông Trần Duy Hưng được chọn làm Chủ tịch Hà Nội. Lúc đó ông Trần Duy Hưng toát mồ hôi chạy đến gặp Bác, xin không đảm nhiệm việc đó vì nghĩ mình không làm được.
Lúc đó Bác Hồ bảo ông Trần Duy Hưng cứ làm đi. Ông Trần Duy Hưng vẫn băn khoăn rằng: "Cháu chưa một giờ nào học về việc làm Chủ tịch cả thì làm sao làm được". Bác đáp lại rằng: "Bác cũng chưa được học làm Chủ tịch nước. Bác làm Chủ tịch nước, chú làm Chủ tịch Hà Nội. Chú ơi, hai bác cháu ta đều làm Chủ tịch nhưng hai bác cháu ta đều làm đầy tớ cho dân đấy". Câu ấy nói ấy của Bác được ông Trần Duy Hưng mang đi đến suốt đời và truyền lại cho các thế hệ sau.
Và đó cũng là một lựa chọn thành công của Bác?
Đúng như vậy! Một người không qua đào tạo bài bản về quản lý hành chính, thế nhưng ông Trần Duy Hưng quản lý Thủ đô rất tuyệt vời. Làm được điều đó bởi ông Trần Duy Hưng luôn nhớ lời cụ Hồ: làm đầy tớ cho dân, học dân và tận tụy với dân.
Nhiều người không phải là đảng viên cũng được Bác Hồ lựa chọn vào ví trị lãnh đạo như trường hợp ông Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Giáo dục thì sao, thưa GS.?
Ông Nguyễn Văn Huyên làm Tiến sĩ dân tộc học rất đặc biệt đó là tự vào bảo tàng lấy tư liệu, nghiên cứu viết luận án. Về tính cách của ông Huyên cũng rất trung thực, nền nã nên phù hợp với việc làm quản lý giáo dục nước nhà.
Từ những trường hợp cụ thể như vậy, GS. đánh giá thế nào về tư duy lựa chọn cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh?
Cụ Hồ thành công trong việc chọn nhân sự là do cụ có năng khiếu chọn người, dùng người vào từng vị trí cụ thể. Năng khiếu đó rất cần cho người hoạt động chính trị. Cùng đó, cụ nhìn xa chiến lược phát triển của Đảng, của đất nước sau đó mới lắp những người đáp ứng được yêu cầu, phù hợp quãng thời gian đó.
Tuy nhiên, để được cả triệu người hưởng ứng bằng cái tâm, cái tài, phải thấy rõ cụ Hồ là người có năng khiếu chọn người, dùng người và uy tín lãnh đạo. Trong đó, năng khiếu là cái có sẵn trong con người Cụ, còn uy tín được tích lũy cả một quá trình, ngay từ cái tên Nguyễn Ái Quốc sáng ngời bên trời Âu bao nhiêu năm. Cụ Hồ là một người lãnh tụ trước khi có chức vụ. Cụ được mọi người công nhận là lãnh tụ của mình, lãnh tụ của dân tộc, lãnh tụ của Đảng, trước khi có chức vụ vào tháng 2/1951, được bầu làm Chủ tịch Đảng.
Từ quan điểm lựa chọn cán bộ của Bác Hồ như vậy gắn với phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tiêu chuẩn nhân sự Trung ương khóa tới, GS. có ý kiến gì?
Trước hết tôi rất đồng ý với ý kiến của một cử tri Hà Nội, đó là những điều Tổng Bí thư nêu ra rất là đúng, rất hay. Thế nhưng vấn đề còn lại, cơ bản nhất đó là có làm được hay không. Còn về cụ Hồ rất chú trọng vấn đề thực hiện, nếu kế hoạch chỉ 10 phần, thực hiện phải 20-30 phần. Biến những điều rất hay đó trong kế hoạch thành hiện thực cuộc sống...
Xin cảm ơn ông!
Cấn Cường - Quang Phong (Thực hiện)
Theo dantri
4 nhà khoa học xuất sắc nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu Sáng 16/5, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015 cho 4 nhà khoa học xuất sắc. Đặc biệt, trong 4 người nhận giải thưởng năm nay có 1 nhà khoa học trẻ - đó là PGS.TSKH Phạm Hoàng Hiệp, người được công nhận chức danh PGS trẻ nhất VN năm 29 tuổi....