Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Sẽ có cơ chế đặc biệt để phát triển vận tải ven biển
Sáng 14/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc phát triển logistics vận tải thủy và ven biển.
Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố.
Ảnh minh họa: Việt Hùng/Vietnam
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ sẽ đề xuất cơ chế đặc biệt để phát triển đội tàu sông pha biển. Theo Bộ trưởng, những năm qua, Bộ Giao thông Vận tải luôn quan tâm đến phát triển vận tải thủy và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy, để tận dụng lợi thế bờ biển dài của đất nước, hệ thống sông, kênh tự nhiên thuận lợi cho phát triển vận tải.
“Vừa qua, khi thực hiện quy hoạch 5 lĩnh vực giao thông vận tải, từ giai đoạn nghiên cứu, Bộ Giao thông Vận tải xác định vận tải thủy là một trong lĩnh vực trọng điểm của quốc gia. Vận tải thủy không chỉ đóng vai trò trung chuyển hàng hóa giữa các cảng thủy và còn kết nối với các cảng biển, cảng nội địa ICD (cảng cạn). Tuy vậy, đến nay vận tải thủy phát triển chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng của đất nước; có sự chênh lệch lớn vận tải thủy phía Nam và phía Bắc”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đặt câu hỏi, tại sao hệ thống đường thủy phía Bắc và phía Nam có những điều kiện tương tự nhưng việc gom hàng xuất nhập khẩu bằng đường thủy ở phía Nam lại cao, đạt hơn 10%, còn phía Bắc mới chỉ 1,8%. Để tăng tỷ lệ này, cần phải có giải pháp, chính sách phát triển vận tải thủy và vận tải ven biển bằng tàu VR-SB (sông pha biển).
Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng đây không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành giao thông vận tải mà của các ngành, địa phương.
Người đứng đầu ngành giao thông vận tải cũng trực tiếp chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: đường thủy còn bị cản trở bởi tĩnh không cầu thấp. Việc đầu tư xây dựng cảng thủy ở các tuyến sông có đê rất khó khăn, phức tạp do quy định của pháp luật đê điều, chính sách đầu tư cảng thủy….
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, tuyến vận tải ven biển bằng tàu VR-SB là loại hình vận tải mà Bộ Giao thông Vận tải sẽ ưu tiên đặc biệt, tiếp tục thúc đẩy phát triển để khai thác thế mạnh của vận tải pha sông biển, ven biển bằng tàu VR-SB.
Video đang HOT
“Sắp tới, chúng tôi sẽ đề xuất cơ chế đặc biệt để phát triển đội tàu VR-SB. Các Cục: Hàng hải Việt Nam, Đường thủy nội địa và Đăng kiểm Việt Nam phải tiếp thu kiến nghị của doanh nghiệp để có những đề xuất, cải tiến quy định về phương tiện vận tải ven biển”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.
Báo cáo tại hội nghị, ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thông tin, Việt Nam có 2.360 sông, kênh có tổng chiều dài khoảng 42.000 km với 9 hệ thống sông lớn đổ ra biển thông qua 120 cửa sông,. Tổng chiều dài đường thủy cả nước đang được quản lý khai thác hơn là 17.000 km.
Từ năm 2015 đến nay, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa, giúp cho vận tải thủy ngày càng có vai trò quan trọng đối với ngành giao thông vận tải. Hiện đã hình thành các 9 hành lang vận tải đường thủy kết nối với nhau và kết nối trực tiếp đến các cảng biển và tuyến vận tải ven biển bằng phương tiện VR-SB.
Ông Thu cho biết, vận tải đường thủy có ưu điểm về giá cước vận chuyển thấp, có độ an toàn cao và ít ảnh hưởng ô nhiễm môi trường. Hiện vận tải thủy chiếm khoảng 19% tổng lượng hàng hóa trong nước. Có nghĩa là 5 tấn hàng lưu thông thì có 1 tấn hàng được chuyển bằng đường thủy.
Cũng theo Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, đường thủy đang gặp nhiều tồn tại hạn chế, bất cập gây cản trở vận tải các tuyến vận tải thủy không đồng cấp, tồn tại các điểm nghẽn và các cầu có tĩnh không thấp như, cầu Đuống, cầu Bình Triệu cũ, cầu Đồng Nai cũ, cầu Sa Đéc…
Phương tiện thủy chủ yếu vẫn là phương tiện loại nhỏ, hoạt động trên tuyến ngắn, năng suất thấp, phương tiện chở hàng tên cả nước mới có 639 chiếc. Việc kết nối giữa vận tải đường thủy với các phương thức vận tải khác, nhất là đường bộ và cảng biển chưa thuận lợi.
Các doanh nghiệp vận tải thủy hầu hết là tư nhân, phát triển tự phát, manh mún, năng lực tài chính thấp và phương tiện cũ; chưa có chính sách hỗ trợ để thúc đẩy vận tải hàng container bằng đường thủy nội địa.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc trong kinh doanh vận tải thủy là kết cấu hạ tầng luồng tuyến, cảng, bến thủy còn nhiều hạn chế, thiếu chính sách ưu đãi đầu tư phát triển.
Trong đó, theo ông Phạm Quốc Long, Chủ tịch Hiệp hội đại lý môi giới và dịch vụ hàng hải, một trong những khó khăn cho vận tải thủy là quy định của Hải Phòng và Tp. Hồ Chí Minh về thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển. Điều này làm tăng gánh nặng cho chủ hàng, không khuyến khích được vận tải thủy phát triển theo tinh thần của Chỉ thị số 37/CT-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Bảo đảm vận chuyển hàng hóa thông suốt
Chiều 23/7, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức cuộc họp giao ban trực tuyến về vận chuyển hàng hóa với Sở Giao thông vận tải 63 tỉnh, thành phố.
Doanh nghiệp vận tải được cấp thẻ nhận diện để vận chuyển hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh và ngược lại. Ảnh: TTXVN
Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh đến việc ngành giao thông vận tải phải đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa được thông suốt.
Báo cáo tại cuộc họp, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá chung về tình hình giao thông tại các chốt kiểm dịch trên các tuyến quốc lộ, cao tốc và các chốt trên các tuyến đường đến TP Hồ Chí Minh trong hai ngày 22,23/7 cơ bản thông thoáng, không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Tình hình giao thông tại các chốt kiểm dịch tại Hà Nội và Hải Phòng cũng không xảy ra ùn tắc. Đặc biệt, không phát sinh điểm ùn tắc nghiêm trọng trên phạm vi cả nước.
Về vận tải hàng hóa theo "luồng xanh" đường thủy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đến nay, không phát sinh khó khăn, vướng mắc. Đối với trạm thu phí BOT, theo chỉ đạo đến ngày 23/7, đã có 23 trạm thực hiện việc dừng thu phí để hỗ trợ phòng, chống dịch.
Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, tình hình giao thông trên địa bàn Thành phố và cửa ngõ ổn định, lưu lượng giảm 70% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, sản lượng hàng hóa qua các cảng thủy nội địa, cảng hàng hóa giảm khoảng 1 - 2%. Vận tải hàng hóa thông thoáng, đáp ứng nhu cầu sản xuất và nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân. Đến nay, TP Hồ Chí Minh chỉ còn cấp QR Code cho các phương tiện vận tải lưu thông đi qua và đi đến Thành phố.
Tại Thủ đô, theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, tình hình giao thông ổn định. Tuy nhiên, khi thành phố áp dụng Công điện 16/CĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có hiện tượng lúng túng khi phân loại khách để tổ chức cách ly y tế bắt buộc do nhiều khách đi về địa phương khác...
Thành phố Hà Nội đề nghị các địa phương sẵn sàng đón công dân từ vùng dịch về, phải thống nhất với địa phương trong khu vực đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các điều kiện liên quan, đối tượng, phương án di chuyển; có thể thông qua các hãng hàng không, cảng hàng không nơi đi để nắm bắt thông tin chuyến bay, số lượng khách có nhu cầu về địa phương từ vùng dịch. Trên cơ sở đó, tỉnh chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) kết nối, rà soát, thống kê danh sách người về địa phương qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài để chủ động bố trí phương tiện, phương án đón và cách ly theo quy định của địa phương mình...
Theo báo cáo của các Sở Giao thông vận tải, lũy kế tính đến ngày 23/7, đã cấp QR Code lưu thông "luồng xanh" cho 42.817 xe. Tuy nhiên, theo phản ánh vẫn còn tình trạng một số địa phương như Đồng Tháp, Vĩnh Long và Long An khi xe ngoại tỉnh qua chốt có mã QR Code vẫn kiểm tra giấy xét nghiệm còn hiệu lực đối với lái xe và người phục vụ theo xe khi vào địa phương, mặc dù Bộ Y tế đã có hướng dẫn mới là không kiểm tra giấy xét nghiệm COVID-19 đối với các tỉnh, thành phố đang cùng áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong thời gian 2 ngày qua, Bộ Giao thông vận tải và trực tiếp Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục chuyên ngành đã tập trung hướng dẫn, đôn đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố khẩn trương nghiên cứu, lập phương án tổ chức giao thông cho các phương tiện lưu thông tại địa phương mình và quá cảnh qua các tỉnh, thành phố trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19 có áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg. Bên cạnh đó, hướng dẫn một số nội dung liên quan đến quản lý phương tiện, người lái xe, tổ chức vận tải và việc áp dụng "luồng xanh" vận tải, các quy định của Bộ Y tế.
Đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho các đơn vị vận tải truy cập, sử dụng phần mềm để đăng ký cấp giấy nhận diện phương tiện có mã QR Code; yêu cầu Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố bố trí cán bộ thường trực để tiếp nhận đăng ký và cấp mã QR Code. Mặt khác, thực hiện kiểm tra, giải quyết ngay việc cấp mã cho toàn bộ phương tiện đã cung cấp đủ thông tin hợp lệ trên phần mềm, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp được giải quyết nhanh chóng, kịp thời và công khai, minh bạch trong các quy trình.
Sáng 23/7, Bộ Giao thông vận tải và Uỷ ban an toàn giao thông Quốc gia đã tổ chức đoàn kiểm tra về phòng, chống dịch COVID-19 tại cảng Tân Vũ, cảng Hoàng Diệu (Hải Phòng). Kết quả kiểm tra cho thấy, việc phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện khá chặt chẽ theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế; thủ tục kiểm tra nhanh gọn nên các chốt ra vào cảng không bị ùn tắc. Các nhân viên làm việc tại cảng được xét nghiệm SARS-COV-2 thường xuyên theo quy định. Các lái xe ra vào cảng phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 mới được lưu thông. Các đơn vị này đã bố trí điểm tập kết cho lái xe, đồng thời, có lực lượng y tế kiểm tra test nhanh cho các lái xe và nhân viên tại cảng.
Tổ công tác đặc biệt và 4 tổ kiểm tra của Bộ Giao thông vận tải trong thời gian qua vẫn tích cực kiểm tra tình hình thực hiện các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp vận tải; các đầu mối xuất, nhập khẩu hàng hóa tại các cảng, bến hàng hải, đường thủy nội địa khu vực phía Nam.
Đối với các chốt kiểm soát dịch trên quốc lộ, Bộ Giao thông vận tải cho hay, qua kiểm tra xác suất 19 trường hợp có mã nhận dạng QR Code, các tài xế và người đi cùng trên xe đều có xét nghiệm âm tính theo quy định.
Việc phòng, chống dich tại các khu vực bến cảng được thực hiện khá chặt chẽ, cụ thể như: Các nhân viên làm việc tại cảng được xét nghiệm SARS-COV-2 thường xuyên theo quy định, khi có kết quả âm tính mới được đi làm. Các lái xe ra vào cảng phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 mới được lưu thông. Các thủy thủ trên tàu khi cập bến không vào cảng, chỉ có một người vào làm thủ tục thì phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2. Ở cảng bố trí luồng riêng và kiểm soát dịch từ lái xe; có lực lượng y tế kiểm tra test nhanh cho các lái xe nhận hàng và nhân viên tại cảng. Một số cảng khi xe vào cảng được xịt khử khuẩn.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho hay, hiện nay, Bộ Công Thương đã cam kết đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã cam kết về việc đảm bảo lương thực, thực phẩm, rau quả... cung cấp cho nhân dân. Vì vậy, ngành giao thông vận tải phải đảm bảo việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa đến các tỉnh đang có dịch.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các tỉnh, thành phố bám sát các hướng dẫn mới của Bộ Y tế để áp dụng thống nhất trong kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận tải hàng hóa đã có QR Code, giấy xét nghiệm của lái xe khi lưu thông qua các chốt theo nguyên tắc kiểm tra ngẫu nhiên, tiền kiểm, hậu kiểm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu các địa phương phải sử dụng phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để quản lý, cấp giấy thông hành "luồng xanh" (qua mã QR Code) cho các doanh nghiệp và phương tiện có nhu cầu; tổ chức thực hiện liên tục, nhanh chóng và thuận tiện, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tiêu cực.
Để tránh bị động và phát sinh ùn tắc kéo dài nghiêm trọng, Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương khác trên cả nước (ngoài 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội), khi áp dụng các quy định phòng, chống dịch có ảnh hưởng đến hoạt động vận tải, cần phải có sự chuẩn bị trước, thông báo, tuyên truyền rộng rãi để các đối tượng liên quan biết và chủ động thực hiện.
Báo cáo Quốc hội tiến độ thực hiện cao tốc Bắc - Nam phía Đông Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa ký báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn La...