Bộ trưởng Na Uy mất chức vì đi du lịch với bạn gái hoa hậu
Bộ trưởng Thủy sản Na Uy đã phải từ chức vì vi phạm quy định về an ninh trong chuyến du lịch tới Iran cùng với bạn gái cựu hoa hậu kém ông 30 tuổi.
Ông Per Sandberg và bạn gái hoa hậu (Ảnh: Twitter)
Ông Per Sandberg, 58 tuổi, người đứng đầu Bộ Thủy sản Na Uy hôm qua 13/8 đã nộp đơn xin từ chức sau khi thừa nhận đã đi du lịch với bạn gái – cựu hoa hậu Iran Bahareh Letnes, 28 tuổi mà không báo cáo với Thủ tướng. Ngoài ra trong chuyến đi tới Iran, ông Sandberg đã mang theo một chiếc điện thoại công việc là tài sản của chính phủ, dấy lên lo ngại rằng ông có thể bị gián điệp theo dõi dẫn tới rò rỉ thông tin liên quan tới an ninh quốc gia.
Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cho biết bà đã yêu cầu ông Sandberg giao nộp lại điện thoại cho cảnh sát để tiến hành kiểm tra an ninh. Ông Sandberg cũng đồng thời từ chức phó chủ tịch đảng Tiến bộ, đảng đang nằm trong liên minh với đảng của bà Solberg.
“Tôi nghĩ quyết định từ chức của ông ấy là đúng đắn. Ông ấy đã không cân nhắc các hành động có thể liên quan tới vấn đề an ninh”, bà Solberg nhận định.
Cô Letnes, cựu hoa hậu Iran, hiện đang quản lý một công ty xuất khẩu thủy hải sản. Cô là một người nhập cư đã có quốc tịch Na Uy và cho biết cô không có bất cứ liên hệ nào với chính phủ Iran. Cơ quan tình báo Na Uy được cho là đang điều tra các hoạt động của cô.
Cô Letnes từng tham gia nhiều cuộc thi sắc đẹp như hoa hậu Iran 2013, hoa hậu toàn cầu Iran 2014, hoa hậu hòa bình quốc tế Iran 2014, theo trang tin Dagbladet.
Letnes tới Na Uy khi mới 16 tuổi và cô đã bị trả về Iran sau khi nhiều lần bị từ chối đơn xin nhập cư. Sau đó, vì một số nguyên nhân, cô được đưa trở lại Na Uy và hiện đã trở thành công dân của nước bắc Âu.
Thủy hải sản là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 2 của Na Uy sau dầu mỏ.
Video đang HOT
Đức Hoàng
Tổng hợp
Theo Dantri
Na Uy - Đất nước công khai thu nhập của mọi công dân
Tại Na Uy, nơi sự minh bạch được coi trọng, bất cứ ai cũng có thể tra cứu xem người khác được trả lương bao nhiêu, và hiếm khi có các vấn đề phát sinh từ việc này.
(Ảnh minh họa: Getty)
Trong tuần này, các tờ báo ở Anh tỏ ra hứng thú với thông tin về thu nhập của các phát thanh viên nổi tiếng đài BBC, mặc dù mức lương đồng nghiệp của họ bên mảng truyền hình vẫn được giữ kín. Nhưng ở Na Uy, đây không phải điều gì bí mật. Bất cứ ai cũng có thể tra cứu xem người khác được trả lương bao nhiêu, và hiếm khi phát sinh vấn đề nào từ việc này.
Không bí mật về lương
Trước kia, lương của tất cả các công dân Na Uy được công khai trong một cuốn sách. Danh sách về thu nhập, tài sản hiện có và tiền thuế của bất cứ công dân nào đều tìm được dễ dàng trên kệ sách thư viện công cộng. Còn trong thời đại công nghệ trực tuyến ngày nay, muốn tìm thông tin như thế bạn chỉ cần dùng chuột và nhấn vài phím.
Tra cứu trực tuyến bắt đầu mở từ năm 2001 và có tác động tức thời. "Nó đã trở thành sự giải trí của số đông", Tom Staavi, cựu biên tập mảng kinh tế của tạp chí VG cho biết. "Chúng ta dễ dàng biết thu nhập của bạn bè mình chỉ bằng việc vào Facebook rồi đặt chế độ tự động cập nhật thông tin".
Theo Staavi, minh bạch là rất quan trọng, một phần nguyên nhân là do người Na Uy đang phải đóng thuế thu nhập cao - trung bình tới 40,2%, so với 33,3% ở Anh, trong khi con số trung bình của EU là 30,1%.
"Khi bạn phải đóng thuế cao, nhưng nhận ra người khác cũng đang làm như vậy, bạn sẽ cảm thấy mức đó là hợp lý", ông Staavi nói. "Chúng ta nên có trách nhiệm và tin tưởng vào hệ thống thuế cũng như an sinh xã hội".
Hồ sơ cho thấy năm 2015, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg có thu nhập 1.573.544 kroner (151.001 USD), giá trị tài sản tích lũy là 2.054.896 kroner (197.179 USD) và đã đóng 677.459 kroner (65.011 USD) tiền thuế)
Hiếm khi chuyện công khai thu nhập gây ra sự ganh tỵ, vì hầu hết mọi người đều biết mức lương của đồng nghiệp. Ở Na Uy, lương thưởng trong nhiều lĩnh vực được xác định thông qua các thoả ước lao động tập thể, và khoảng cách thu nhập tương đối thấp.
Chênh lệch thu nhập nam-nữ cũng thấp, theo các tiêu chuẩn quốc tế. Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp Na Uy ở vị trí thứ 5 trên 144 quốc gia về vấn đề bình đẳng tiền lương trong những công việc tương tự nhau.
Ngừng tra cứu ẩn danh
Vì vậy những số liệu hiển thị trên Facebook có thể không khiến người ta ngạc nhiên. Nhưng rồi Tom Staavi và những người khác đã vận động được chính phủ ban hành chính sách mới, khiến mọi người phải cân nhắc trước khi "soi" tiền lương của bạn bè, hàng xóm hoặc đồng nghiệp. Hiện nay, mọi người đều phải đăng nhập bằng số ID (nhận dạng cá nhân) của mình để truy cập vào dữ liệu trên trang web của cơ quan thuế, và trong ba năm vừa qua mọi người không thể tra cứu thông tin ẩn danh nữa.
Hans Christian Holte, lãnh đạo cơ quan quản lý thuế của Na Uy giải thích: "Kể từ năm 2014, bạn có thể nhìn thấy tên những người tra cứu thông tin về mình. Vì thế chúng tôi đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể, chỉ còn khoảng một phần mười so với trước kia."
Có khoảng 3 triệu người đóng thuế tại Na Uy, trong tổng dân số 5,2 triệu. Cơ quan thuế cho biết 16,5 triệu lượt tìm kiếm đã diễn ra trong năm trước khi các quy định hạn chế được đưa ra. Hiện nay chỉ còn khoảng 2 triệu lượt.
Trong một cuộc khảo sát gần đây, 92% người nói rằng họ sẽ không tìm kiếm thông tin về thu nhập của bạn bè, gia đình hay người quen.
Nelly Bjorge, ở Oslo, nói: "Trước đây tôi cũng từng tra cứu nhưng giờ thì không, vì nó hiển thị với người đó rằng bạn đã làm như vậy. Tôi từng khá tò mò về hàng xóm, người nổi tiếng và các thành viên hoàng gia. Việc tìm hiểu xem những người giàu có gian lận hay không là điều tốt, nhưng bạn không phải lúc nào cũng biết vì họ có nhiều cách để giảm thu nhập".
Kể từ năm 1814, mọi công dân Na Uy đều có thể xem thu nhập và mức thuế của người khác
Và mặc dù người dân phần lớn tán thành sự minh bạch đó thì việc công khai số liệu cũng có một số ảnh hưởng tiêu cực.
Hege Glad là giáo viên ở Fredrikstad, phía Nam Oslo. Cô nhớ lại rằng khi còn bé, người lớn thường xếp hàng ở thư viện để đọc những cuốn sách liệt kê thu nhập "to và dày" được xuất bản hàng năm. Cha cô đã sốc sau khi biết rằng người hàng xóm khá giả của mình, bằng một cách nào đó được liệt kê là thu nhập thấp, không có tài sản tích cóp và chỉ phải đóng một khoản thuế nhỏ. Cũng đã có chuyện học sinh nhà nghèo bị bắt nạt tại trường, do bạn bè cùng lớp biết gia đình họ thu nhập thấp.
Quy định chấm dứt tìm kiếm ẩn danh phần nào đã khiến các tội phạm - những kẻ tìm kiếm những người giàu có - thấy nản lòng. Nhưng chính sách mới hoàn toàn không cản trở việc công dân tố giác với cơ quan chức năng khi nghi ngờ.
"Chúng tôi muốn được mọi người trợ giúp điều tra việc khai báo gian lận thuế. Từ đó đến nay, số ý kiến đóng góp vẫn không có dấu hiệu giảm", Hans Christian Holte, lãnh đạo cơ quan quản lý thuế của Na Uy, nói.
Đỗ Anh
Theo BBC
Tổng thống Putin và "duyên nợ" với 4 đời Tổng thống Mỹ Kể từ lần đầu tiên nhậm chức tổng thống Nga vào thập niên 2000, ông Vladimir Putin đã tiến hành các cuộc gặp với những người đồng cấp Mỹ trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy quan hệ song phương thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh. Tháng 11/1999 Ông Putin và ông Clinton gặp nhau đầu thập niên 2000 (Ảnh: AP) Sau khi...