Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: “Nếu co mình lại, không dám làm gì thì cũng không được”
Nhân dịp Tết Dương lịch 2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trao đổi với báo chí về công việc tất bật một năm qua.
Phải tạo được sự đồng thuận
- Thưa Bộ trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chia sẻ có rất nhiều khó khăn để đạt được thành tích trong năm 2018. Là người theo sát Thủ tướng, Bộ trưởng có thể chia sẻ những khó khăn nào ông nhớ nhất?
Thủ tướng ngoài tâm huyết, trách nhiệm còn rất trí tuệ, xử lý vấn đề rất thông minh, rất khéo dịch chuyển. Tôi cho rằng vẫn phải giữ nguyên tắc là bám vào quy định của pháp luật. Nhưng trong thực tiễn điều hành của Chính phủ, Thủ tướng đòi hỏi cần phải có sự quyết đoán, vì thực tiễn như vậy nhưng Luật chưa theo kịp. Quyết đoán nhưng phải tạo sự đồng thuận trong Chính phủ và các Bộ, ngành. Theo tôi, vấn đề tạo sự đồng thuận đó là vấn đề khó nhất.
Thứ hai, vừa qua Việt Nam rất thành công tạo ra cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, nếu không có cơ chế đủ mạnh thì không thu hút được sự tham gia của tư nhân, tiến độ giải ngân chậm, vướng mắc đầu tư công khó khăn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Nam Nguyễn
- Theo tiêu chí được Chính phủ thống nhất thì Bộ trưởng đánh giá bộ, ngành, địa phương nào hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ?
Đánh giá về toàn diện thì báo chí hơn chúng tôi, nhưng các Bộ ngành địa phương đều quyết tâm rất cao, hoàn thành với các mức độ khác nhau. Có địa phương có lợi thế nhưng người đứng đầu hoặc bộ máy không đoàn kết thì không tạo được dư địa tăng trưởng mới.
Nhưng có những địa phương thay đổi hẳn chiến lược tăng trưởng, như Quảng Ninh trước đây chỉ dựa vào khai thác than, khi chuyển tăng trưởng thì khác.
Nếu mình không gương mẫu, báo chí và người dân sẽ đưa lên
Video đang HOT
- Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn trong đó có các thành viên Chính phủ, ông cảm nhận như thế nào về kết quả đó? Nó tạo sự khuyến khích, nhắc nhở các bộ trưởng để có điều chỉnh vượt bậc hơn?
Phiếu tín nhiệm Quốc hội vừa rồi rất khách quan, đánh giá rất công tâm, cũng rất thực chất. Lần đầu tiên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phải trả lời chất vấn trước Quốc hội. Người ta không hỏi thì sẽ chẳng biết mình làm cái gì mà tôi cũng sòng phẳng trả lời luôn.
Mình cũng phải thấy rằng, đánh giá sự cố gắng của mình thì cũng mừng. Còn những phiếu tín nhiệm, tín nhiệm thấp thì mình cũng phải cố gắng thôi. Đây là thước đo rất quan trọng để làm sao mình làm tốt hơn chứ không phải vì thế mà nghĩ mình làm thế này mà người ta không nhìn thấy mà tự ái thì không được. Chuyện đó là bình thường.
Mà tôi cho rằng đánh giá đó rất công tâm vì ở chỗ này mình làm được, chỗ khác mình làm chưa được, cho nên càng phải cố gắng rèn giũa tốt hơn thôi.
- Vừa rồi, Trung ương ban hành nghị định nêu gương, theo Bộ trưởng, một Chính phủ nêu gương thì đòi hỏi phải làm gì? Bản thân Bộ trưởng là Ủy viên Trung ương thì sẽ thực hiện quy định nêu gương như thế nào?
Tôi cho là trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, đặc biệt là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương là rất quan trọng, rất hay, nó mang tính giáo dục, mang tính tự giác. Nêu gương mang tính tự giác, mỗi người phải tự soi xét mình. Vị trí càng cao thì tính nêu gương càng phải tốt hơn, sáng hơn, tự giác hơn.
Với tư cách là thành viên Chính phủ thì tôi cho là đầu tiên phải làm theo chức trách được giao và phải làm tốt. Phải rèn luyện cá nhân, bản thân đồng thời phải hoàn thành chức trách, trách nhiệm. Cái gì giao thì phải làm đàng hoàng, làm tốt để cùng nhau xây dựng một Chính phủ tốt.
Ví dụ, những chỉ thị tham mưu thì phải mang tính mạnh mẽ như tham mưu ban hành Chỉ thị 34 liên quan đến Tết, tất cả cái gì liên quan đến chỉ đạo thì phải gương mẫu, không đi xe công vào chùa chiền miếu mạo là mình không được đi. Nếu mình không gương mẫu thì báo chí, người dân sẽ đưa lên. Mỗi người dân là một phóng viên báo chí. Đi đâu cũng có người dân biết, giám sát hết.
Nhưng ở đây, nếu co mình lại, không dám làm gì thì cũng không được. Yêu cầu là phải quyết liệt, phải hành động, cơ quan tham mưu mà không dám đề xuất những hành động mà chỉ rụt rè nếu Thủ tướng đồng ý thì cũng không được. Rất nhiều trường hợp, tôi phải báo cáo Thủ tướng, nếu sai thì tôi phải chịu trách nhiệm, chứ đâu đơn giản.
Có những việc Thủ tướng băn khoăn, yêu cầu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho ý kiến thì tôi phải có báo cáo riêng. Cách làm của Thủ tướng chặt chẽ lắm, cái gì là cá nhân, cái gì là tập thể, Thủ tướng nêu đích danh luôn.
Quy định nêu gương trong thời điểm quy hoạch cấp chiến lược rất quan trọng
- Quy định của Trung ương có quy định, không để người thân, vợ con sống xa hoa, lãng phí. Bộ trưởng có quy nghĩ gì về quy định này?
Quy định này rất đúng. Xa hoa lãng phí nghĩa là tiêu pha lãng phí không cần thiết thì cũng không nên.
Còn gia đình có điều kiện thì có thể dùng những đồ tốt cho gia đình, phục vụ cho gia đình. Xa hoa lãng phí là không tiết kiệm, phô trương, lợi dụng.
- Quy định nêu gương có ý nghĩa như thế nào trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay, nhất là trong thời điểm Trung ương đang quy hoạch cán bộ vào Ban chấp hành Trung ương khóa mới, thưa Bộ trưởng?
Chính phủ nhiệm kỳ này ban hành nhiều chương trình hành động để thực hiện các nghị quyết Trung ương, đặc biệt là nghị quyết Trung ương 4 khóa 11, 12, chống các tư tưởng thoái hóa, biến chất. Trong khi, vấn đề chấn chỉnh công tác cán bộ, nâng cao chất lượng cán bộ công chức của cả hệ thống chính trị thì quy định nêu gương có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.
Nhiệm kỳ này ban hành rất nhiều quy định của Đảng, tính rất dài hơi, ngay cả quy hoạch cấp chiến lược nhiệm kỳ này làm bài bản hơn, nét hơn, minh bạch hơn, đặc biệt là nghiêm cấm chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch được thực hiện rất nghiêm.
Theo tôi, quy định nêu gương trong thời điểm quy hoạch cấp chiến lược rất quan trọng vì nó sẽ tạo ra sự tự giác và sự giám sát của người dân, cộng đồng dân cư rất rõ, nếu anh không nêu gương việc này sẽ công khai mọi người đều biết.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Thái Linh (lược ghi)
Theo Tổ Quốc
Hà Giang cần sớm khắc phục nợ đọng xây dựng cơ bản
Sáng 25/12, Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Nội vụ dẫn đầu làm việc với UBND tỉnh Hà Giang, kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo, nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Tổ công tác của Thủ tướng do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa làm việc với UBND tỉnh Hà Giang
Mở đầu buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dự Hội nghị T.Ư 9 khai mạc sáng 25/12, nên ông được giao nhiệm vụ dẫn đầu đoàn công tác lên Hà Giang. Những nội dung làm việc với UBND tỉnh Hà Giang sẽ được tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.
Theo báo cáo, tính đến hết ngày 15/11/2018, tỉnh Hà Giang nhận được 170 nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trên hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu, trong đó 54 nhiệm vụ đã hoàn thành, 116 nhiệm vụ trong hạn đang triển khai thực hiện; không có nhiệm vụ quá hạn chưa triển khai.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết, Hà Giang là một tỉnh nghèo, chi ngân sách hàng năm chủ yếu dựa vào ngân sách T.Ư cấp, trong khi đó nhu cầu đầu tư lớn, nguồn vốn đầu tư cấp hàng năm còn ít, không kịp thời, không đáp ứng nhu cầu vốn của đề án, dự án, dẫn đến tiến độ triển khai chậm. Đặc biệt, theo ông Sơn, văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách của các bộ ngành ban hành chưa kịp thời, kinh phí quản lý các chương trình, chính sách còn hạn chế...gây nhiều khó khăn cho tỉnh.
Nợ đọng xây dựng cơ bản lớn
Góp ý tại buổi làm việc, đại diện Bộ Tài chính nêu rõ, vấn đề của Hà Giang phải giải quyết là tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản rất lớn. Việc xây dựng các hồ treo giải quyết nước sạch cho bà con vùng cao cần tiếp tục đẩy nhanh triển khai, phối hợp với các bộ, ngành để xử lý. Một số đại biểu cũng cho rằng, Hà Giang cần phát huy thế mạnh về cảnh đẹp trên địa bàn, khai thác về du lịch, làm sao thu hút khách du lịch nhiều hơn. Phát triển hệ thống đường giao thông liên tỉnh, liên huyện, liên thôn, liên kết vùng, khắc phục tư duy cục bộ.
Ông Vũ Thiện Vương, Phó Vụ trưởng Vụ tổng hợp Văn phòng Chính phủ cho rằng, Hà Giang là vùng phên giậu của đất nước, có vai trò quan trọng, đặc biệt là gìn giữ biên cương. Làm sao phải vừa phát triển được kinh tế, vừa đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, trong thời gian tới, Hà Giang sẽ khắc phục những khó khăn, hạn chế, xin ý kiến các bộ, ngành T.Ư để giải quyết một số khó khăn, tồn tại về nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng giao thông, làm hồ treo giải quyết nhu cầu nước sạch cho bà con các huyện vùng cao...
TRƯỜNG PHONG - XUÂN ÂN
Theo TPO
Tập đoàn EVN lỗ hơn 2.200 tỷ đồng, kịch bản nào cho giá điện 2019? Đại diện Bộ Công Thương thông tin, năm 2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam- EVN lỗ hơn 2.200 tỷ đồng. Trong khi đó, các phương án về cung ứng điện năm 2019 cho thấy, sẽ không lo thiếu điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ chiều 3-12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ...