Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Làm sao để mạng 4G không chỉ là 3G+
Ngày 15/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng dẫn đầu đoàn kiểm tra Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam ( VNPT). Nhiều vấn đề “ nóng” như xử lý tin nhắn rác, chất lượng mạng 4G, thoái vốn đầu tư ngoài ngành của tập đoàn được đặt ra…
Đã “triệt” 8.000 tin nhắn rác mỗi ngày
Một trong những vấn đề Thủ tướng lưu ý Tổ trưởng tổ công tác trước cuộc làm việc với tập đoàn là trong thời điểm hiện nay, VNPT cần quyết liệt trong xử lý các vấn đề như an toàn, an ninh thông tin, tin nhắn rác, sim rác…
Trao đổi về vấn đề này, Tổng Giám đốc tập đoàn, ông Phạm Đức Long cho biết, vấn nạn sim rác, tin nhắn rác đã được khắc phục, giảm đáng kể. “Nếu trước Tết, trung bình mỗi ngày trong hệ thống VNPT có khoảng 100.000 tin nhắn rác, thì nay chỉ còn khoảng 2.000 tin nhắn trên 30 triệu thuê bao” – ông Long thông tin.
Tập đoàn cũng hết sức cương quyết trong việc xử lý những cá nhân, đơn vị vi phạm trong đăng ký sim rác, như chấm dứt hợp đồng với các doanh nghiệp ủy quyền, khóa các đại lý đăng ký sai, đã điều chuyển 3 giám đốc, hạ lương 18 đơn vị vi phạm…
Về vấn đề đảm bảo an ninh mạng, lãnh đạo VNPT cho biết, tập đoàn đã xây dựng trung tâm an toàn thông tin mạng và sắp tới sẽ triển khai dịch vụ này. Tập đoàn cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, hiện đầu tư cho lĩnh vực này khoảng 600-700 tỷ đồng mỗi năm.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cùng lãnh đạo Bộ Thông tin – Truyền thông, lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính, viễn thông tại buổi làm việc.
Trực tiếp phụ trách lĩnh vực này, Phó Tổng Giám đốc Tô Cường báo cáo thêm, thời gian qua, vấn đề an toàn thông tin trở nên nổi cộm vì những hành vi, những đợt tấn công mạng rất mạnh mẽ liên tiếp xảy ra. Chủ trương của VNPT là xây dựng những cơ sở tại chỗ, tổ chức đến từng đơn vị, để ứng phó.
Qua các đợt tấn công phải đối phó, hệ thống vẫn đứng vững, đảm bảo an toàn cho hoạt động của đơn vị, ông Cường cũng đề xuất cơ quan chủ quản sớm cấp phép để triển khai cung cấp dịch vụ, hỗ trợ xây dựng những trung tâm đủ sức mạnh phòng ngự cho các đối tác bên ngoài tập đoàn, những đơn vị thuê dịch vụ của VNPT.
Mạng 4G không thể chỉ là 3G
Về nội dung kiểm tra những nhiệm vụ tập đoàn chưa hoàn thành, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, theo thống kê, từ đầu năm 2016 tới ngày 5/3/2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao VNPT 111 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 108 nhiệm vụ (đúng hạn 104, quá hạn 4), còn lại 3 nhiệm vụ quá hạn mà chưa hoàn thành.
Video đang HOT
Lãnh đạo VNPT giải trình các lý do, nhất là về công tác thoái vốn, xử lý các doanh nghiệp kém hiệu quả không đạt tiến độ, yêu cầu đề ra là vì khó khăn trong việc thực hiện thoái vốn tại nhiều đơn vị, nhất là những đơn vị nhỏ thuộc khối xây lắp. Ngoài những vướng mắc liên quan tới chính sách như việc bán cổ phần theo lô, còn có những nguyên nhân như thủ tục phá sản các đơn vị yếu kém mất nhiều thời gian. Yêu cầu bảo toàn vốn nhà nước cũng không dễ thực hiện.
Phản biện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm nhận xét, lãnh đạo VNPT tập trung quá nhiều vào các lý do khách quan khi nói về những nhiệm vụ chậm trễ.
“Tôi đồng tình là có lý do khách quan như vướng mắc cơ chế, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo giải quyết như về việc thoái vốn, nhưng các đồng chí cần nghiêm khắc hơn với chính mình, nguyên nhân chủ quan là gì?” – ông Phan Tâm phát biểu.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, VNPT cần tiếp tục tái cơ cấu, đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tái cơ cấu đã đạt được hiệu quả tích cực, nhưng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu vẫn thấp không những so với khu vực mà ngay cả so với trong nước, nguyên nhân sâu xa là chưa tích cực đổi mới, cạnh tranh.
Tiếp thu các ý kiến này, Tổng Giám đốc Phạm Đức Long cho biết, VNPT đang thuê 4 nhà tư vấn hàng đầu thế giới để xây dựng chiến lược phát triển trong giai đoạn mới và sẽ trình trong thời gian tới.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng – Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đánh giá VNPT đã giải trình nghiêm túc, cầu thị, thẳng thắn, trách nhiệm về các vấn đề đặt ra, các nhiệm vụ chậm trễ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị VNPT hết sức quan tâm, triển khai quyết liệt, hiệu quả những nhiệm vụ liên quan tới tái cơ cấu, thoái vốn ngoài ngành, đặc biệt, muốn thoái vốn được thì phải nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị, không thoái vốn bằng mọi giá.
“Trong tái cơ cấu, thoái vốn, cần có lộ trình, giải pháp, kế hoạch cụ thể, làm sao không có lợi ích nhóm, tham nhũng, mang lại lợi ích cao nhất cho nhà nước, người lao động”, Bộ trưởng trao đổi.
Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng cũng khẳng định, các bộ ngành, VPCP sẽ hết sức hỗ trợ Tập đoàn, các khó khăn vướng mắc phải sớm được phát hiện để tháo gỡ cho doanh nghiệp. VNPT cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo theo hướng một tập đoàn mạnh về công nghệ thông tin, chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước.
“Làm sao mạng 4G phải ra 4G, được người tiêu dùng đánh giá tốt như yêu cầu của Thủ tướng, không phải chỉ là 3G ” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
P.Thảo
Theo Dantri
Bộ trưởng Y tế: Sẽ có 2 ứng viên cho vị trí Thứ trưởng đang khuyết
Làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng trong buổi kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ Y tế ngày 18/10, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, quy trình chọn Thứ trưởng cho vị trí đang khuyết ở Bộ đảm bảo minh bạch, chặt chẽ.
Chọn Thứ trưởng = 3 vòng bỏ phiếu
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định quy trình bổ nhiệm cán bộ, từ cấp cục, vụ tới cấp Thứ trưởng đều dân chủ, minh bạch, chặt chẽ.
Trước đó, bắt đầu buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt một chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ với Bộ Y tế là cần xem xét lại công tác cán bộ, quan tâm vấn đề đoàn kết trong nội bộ khi đã có những thông tin, phản ánh không hay liên quan đến việc kiện toàn bộ máy nhân sự lãnh đạo bộ này.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, quy trình bổ nhiệm cán bộ, từ cấp trưởng, phó các cục, vụ, đơn vị tại Bộ hết sức chặt chẽ, công khai, dân chủ, minh bạch và tương đối thận trọng, căn cứ trên quyết định của Ban chấp hành TƯ và Bộ Nội vụ. Các vị trí cấp trưởng, phó cục, vụ đều phải qua quy trình 2 vòng lấy phiếu vô định rồi Ban cán sự Đảng Bộ mới duyệt.
Cụ thể về công tác kiện toàn vị trí một Thứ trưởng đang còn khuyết, người đứng đầu Bộ Y tế cho biết, ở cấp này, sau lấy phiếu vô định, Bộ còn xin ý kiến, lấy phiếu thăm dò tín nhiệm tại 63 Sở Y tế các tỉnh thành. Như vậy là có 3 vòng bỏ phiếu, một vòng trong phạm vi các cán bộ chủ chốt, một vòng trong Thường vụ Đảng uỷ và một vòng trong Ban Cán sự Đảng Bộ để chọn ra 2 ứng viên. Sau đó, trước Ban Cán sự Đảng Bộ, mỗi ứng viên được yêu cầu trình bày 15 phút rồi Ban Cán sự mới bỏ phiếu quyết định.
Về những trường hợp cụ thể có thông tin "ì xèo" vừa qua như việc bổ nhiệm Giám đốc các bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Tiệp, Bệnh viện Mắt Trung ương, Bộ trưởng Y tế giải thích.
Việc bổ nhiệm những chức danh này chậm trễ do bản thân các bệnh viện này không tìm ra được ai hơn ai sau nhiều vòng lấy phiếu. Các bệnh viện sau đó đã đề nghị Bộ quyết định giúp. Bộ Y tế khi đó dự định thi tuyển giữa các ứng viên "ngang tài ngang sức" nhưng xin đề án thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó yêu cầu chờ có hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương. Việc chờ quy trình như này mất hơn 1 năm.
Đến Chính phủ khoá mới, Bộ trưởng Y tế tiếp tục xin ý kiến và được đồng ý để làm quy trình bổ nhiệm giám đốc cho 3 bệnh viện này thì cán bộ được chủ trương điều động từ bệnh viện Việt Đức sang làm Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị lại không "thuận", viết tâm thư gửi lên. Giải quyết việc này khiến công tác bổ nhiệm các chức danh nói trên tiếp tục chậm lại.
Về thông tin tố cáo Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Phạm Văn Tác về việc bổ nhiệm lãnh đạo bệnh viện Mắt Trung ương, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo, Bộ Y tế đã lập đoàn thanh tra. Đoàn đã làm các quy trình nhưng chưa ra kết luận thì lại có đoàn thanh tra của Đảng uỷ Khối các cơ quan TƯ cùng vào cuộc nên Bộ muốn chờ kết luận của cơ quan này.
Nhận định chung, Bộ trưởng Tiến khái quát, Bộ Y tế cho rằng, nội dung tố cáo không có chứng cứ.
"Để tồn dư quỹ bảo hiểm y tế là có tội với dân"
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng tại cuộc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ Y tế.
Về vấn đề có hiện tượng lợi dụng, ảnh hưởng xấu đến chính sách bảo hiểm y tế mà Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đề cập, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Vụ trưởng Vụ pháp chế Nguyễn Huy Quang giải trình thêm.
Ông Quang khẳng định không chuyện việc lạm dụng dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm y tế vì thực tế quỹ bảo hiểm y tế hiện vẫn đang kết dư. Năm nay, do nhiều yếu tố, quỹ bảo hiểm có hiện tượng bội chi (do điều chỉnh viện phí, do mở rộng nhóm các kỹ thuật cao được chi trả bảo hiểm...) nhưng số này thấp hơn nhiều số kết dư, không có nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm trong ngắn hạn.
Nghe báo cáo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng không tán thành. Ông nhấn mạnh: "Để kết dư tiền bảo hiểm y tế là có tội với người dân vì điều đó có nghĩa người nộp tiền mua bảo hiểm nhưng khi điều trị bệnh lại phải bỏ tiền túi ra nhiều. Người dân sẽ không an tâm, không tin tưởng vào việc tham gia bảo hiểm. Khi ở địa phương, tôi cắt hết thi đua những người để kết dư quỹ bảo hiểm y tế".
Tán thành quan điểm này, Bộ trưởng Y tế cũng khẳng định, phải đặt quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế lên trên hết, không để người dân nộp tiền mà không được hưởng dịch vụ tương xứng.
Tại cuộc kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác cũng "truy" Vụ trưởng Vụ Tài chính Bộ Y tế về việc tiền rót về cho dự án trọng điểm xây dựng 5 bệnh viện vệ tinh nhằm giảm tải cho những bệnh viện lớn ở TƯ.
"Có tiền mà không thể giải ngân được, khó khăn chính từ chỗ này. Ban Quản lý dự án cũng nói khó lấy tiền từ chỗ Vụ Tài chính Bộ nhất. Kiểu này thì xây xong bệnh viện cả năm sau chắc cũng chưa thể đi vào hoạt động được vì lại còn quy trình đấu thầu thiết bị không đơn giản gì tiếp nối nữa. Trách nhiệm này là của Bộ Y tế" - Bộ trưởng Dũng nói.
Bộ trưởng Y tế xác nhận, có hiện tượng giải ngân chậm, nhà thầu phải thi công khối lượng công việc lớn mà không lấy được tiền, nhà thầu được thanh toán rất thấp so với khối lượng công việc nên "ta thán". Vấn đề này cần sớm khắc phục.
P.Thảo
Theo Dantri
"Nước mắm hoá chất": Phụ gia pha chế đảm bảo thì vẫn an toàn? Khủng hoảng vệ sinh an toàn thực phẩm với liên tiếp chuyện nước giải khát nhiễm chì, chất cấm trôi nổi được dùng sản xuất thức ăn chăn nuôi, nước mắm toàn hoá chất... lại trở thành câu chuyện "nóng" tại cuộc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng, Chính phủ giao Bộ Y tế của Tổ công tác của Thủ...