Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: ‘Cắt giảm giấy phép con có thực chất không hay cắt cái nọ mọc cái kia?’
Khi kiểm tra 4 bộ về việc cắt giảm các thủ tục, điều kiện kinh doanh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng: “Chúng ta đã làm được nhiều việc, nhưng việc cắt giảm có thực chất không hay gom 2 thành 1 hoặc cắt cái nọ mọc cái kia”.
Ngày 16/10, Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra các bộ, ngành trong việc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu và đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh; tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và tình hình chuẩn bị các nội dung báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 tới đây.
Các cơ quan được kiểm tra gồm: Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT, Bộ Thông tin và Truyền thông. Dự kiến ngày 17/10, tổ công tác sẽ tiếp tục làm việc với các bộ khác về vấn đề này.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi kiểm tra 4 bộ về việc cắt giảm các thủ tục, điều kiện kinh doanh. (Ảnh: TTXVN)
Phát biểu tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, tại Hội nghị Trung ương 8 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến yêu cầu cần cải cách hành chính mạnh mẽ hơn, đẩy mạnh sắp xếp bộ máy, cải cách thủ tục, tránh bệnh hình thức. Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/10, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu việc cải cách phải thực chất.
“Cắt giảm điều kiện kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính là vấn đề rất quan trọng. Không phiên họp nào Thủ tướng không nhắc nhở vấn đề này, đồng thời đưa ra rất nhiều văn bản đôn đốc, yêu cầu thực hiện hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh ngiệp, coi đây là dư địa rất quan trọng cho tăng trưởng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Video đang HOT
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, các nghị quyết của Chính phủ đã yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh và 50% các thủ tục, mặt hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, trong tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh, đến nay mới cắt được 1.517 điều kiện. Còn trong 9.926 dòng hàng mới cắt giảm được 1.700 dòng hàng.
“Trước khi đi công tác châu Âu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Tổ công tác đôn đốc, kiểm tra công tác này”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu và cho biết khác với các lần kiểm tra trước, lần này việc kiểm tra sẽ rất cụ thể với 4 bộ.
Ví dụ Bộ GTVT có các phương án đầu tiên về cắt giảm các điều kiện kinh doanh đã hơn 4 tháng với cam kết cắt giảm 56% điều kiện, nhưng đến nay vẫn chưa xong.
“Chúng ta đã làm được nhiều việc, nhưng hôm nay mời nhiều hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia để minh chứng việc cắt giảm có thực chất không hay gom 2 thành 1 hoặc cắt cái nọ mọc cái kia. Tất nhiên tình trạng này nếu có thì cũng là số rất ít, nhưng tinh thần là phải rất minh bạch”, Bộ trưởng Dũng cho biết.
Thông báo về các kết quả đạt được trong kiểm tra chuyên ngành, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết đầu tiên là đã đẩy mạnh quản lý rủi ro, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Điển hình tiêu biểu là Bộ KH&CN đã chuyển 279/299 mặt hàng sang hậu kiểm, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Thứ hai, kết quả đã giảm cơ bản danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành chồng chéo. Năm 2017, các doanh nghiệp mất 30 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng cho kiểm tra chuyên ngành với trên 100.000 mặt hàng phải kiểm tra, nhưng chỉ phát hiện 0,06% số có vi phạm, tức là tỷ lệ rất thấp.
“Trước đây, có mặt hàng do 4 bộ kiểm tra, có mặt hàng do 2, 3 cơ quan trong một bộ kiểm tra, nhưng nay mỗi mặt hàng chỉ giao 1 bộ và 1 đơn vị của bộ, không còn chồng chéo như trước”, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết.
Cùng với đó, các bộ đã ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn các mặt hàng để kiểm tra, phân cấp, công bố rất rõ, “tránh tình trạng kiểm tra không có tiêu chuẩn, quy chuẩn, tức là kiểm tra mò, suy diễn, không minh bạch”.
Thứ ba, kết quả này đã đẩy mạnh việc công nhận lẫn nhau, công nhận kết quả kiểm tra của các đơn vị, đối tác nước ngoài. Cùng với đó, kết quả rất quan trọng là đã đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động kiểm tra, có cả các doanh nghiệp tư nhân tham gia, như Bộ NN&PTNT đã ủy quyền cho 14 đơn vị kiểm tra chất lượng phân bón, Bộ Công Thương chỉ định 11 đơn vị kiểm tra về an toàn thực phẩm với hàng hóa nhập khẩu. Đây là tiến bộ lớn vì trước đây, nhiều trường hợp doanh nghiệp phải “từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam” chỉ để làm thủ tục kiểm tra.
Thứ tư, hầu hết danh mục hàng hóa được ban hành gắn với mã HS. Đây là kết quả có được gắn liền với sự quyết liệt của Bộ Tài chính, việc thực hiện cơ chế một cửa, thủ tục điện tử. Nhiều trường hợp được miễn kiểm tra về an toàn thực phẩm.
Thứ năm, nhiều bộ đã tích cực điện tử hóa thủ tục kiểm tra, tích cực tham gia cơ chế một cửa, đạt nhiều tiến bộ rất tốt. Mặc dù vẫn còn chưa thông chỗ này chỗ khác nhưng đã dần dần khắc phục.
Thứ sáu, số tờ khai hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành đã giảm, nếu năm 2015 tỷ lệ kiện hàng phải làm tờ khai lên tới 30% thì năm 2017 đã giảm còn 19,4%. “Ví dụ, khi Chính phủ ban hành Nghị định 116 về kinh doanh ô tô thì cơ quan hải quan đã rất đổi mới, vận dụng linh hoạt để 200 xe, 400 xe cũng coi là một kiện hàng, còn như trước đây nếu lượng xe quá 2 con số là phải khai sang tờ khác”, Bộ trưởng cho biết.
Tổ công tác ghi nhận 7 bộ đã vượt chỉ tiêu được Chính phủ giao trong đơn giản hóa, cắt giảm các dòng hàng phải kiểm tra. Đó là Bộ Công Thương đã cắt giảm 402/702 dòng hàng, Bộ TT&TT cắt giảm 89/146 dòng hàng, Bộ LĐTB&XH cắt giảm 33/33 dòng hàng, Bộ KH&CN cắt giảm 22/24 dòng hàng, Bộ GTVT cắt giảm 80/134 dòng hàng, Bộ Xây dựng cắt giảm 33/64 dòng hàng, Bộ TN&MT cắt giảm 38/74 dòng hàng.
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng chỉ ra có những bộ còn rất nhiều dòng hàng chưa cắt giảm, cần tiếp tục cắt giảm, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và y tế. Tuy nhiên, việc này cần lưu ý đây là hệ quả từ nhiều nhiệm kỳ trước, cần có thời gian để xử lý, hiện Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế đang rất tích cực triển khai.
MINH KHÁNH
Theo VTC
Thoái vốn tại CTCP Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về thoái vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam.
Thủ tướng đồng ý cho Đài Truyền hình Việt Nam thoái vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam. Ảnh Internet
Thủ tướng Chính phủ đồng ý Đài Truyền hình Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước thoái vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam, bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, hiệu quả, không để thất thoát vốn nhà nước.
Đài Truyền hình Việt Nam trao đổi với các đối tác, đề xuất cụ thể tỷ lệ thoái vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư nghiên cứu, triển khai dự án Tháp Truyền hình Việt Nam thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật và các thủ tục về đất đai có liên quan theo đúng quy định.
Theo Danviet
Huế xây dựng chính quyền điện tử thế nào? Một ban chỉ đạo vừa được thành lập ở Huế với mục đích đề xuất, nghiên cứu xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số. Ngày 9/10, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh này vừa ký quyết...