“Bộ trưởng mà chỉ nghĩ chuyện nay mai bỏ phiếu thì không làm được gì”
Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, ở vị trí của ông không thể né tránh báo chí và phải chấp nhận có va đập, đụng chạm trong công việc, còn cứ xuôi chiều mát mái theo kiểu “xuân thu nhị kỳ” thể hiện thì không giải quyết được việc gì…
Trước thềm năm mới 2017, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trao đổi về năm đầu tiên của nhiệm kỳ, chia sẻ những tâm thế cho những nhiệm vụ, đòi hỏi nặng nề hơn thời gian tới.
Quan điểm cửa quyền, hống hách sẽ không ổn
Năm đầu tiên của nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021 đã khép lại với thông điệp đẹp khơi lên về tinh thần xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo, phục vụ. Tinh thần đó được người phát ngôn Chính phủ thể hiện thế nào, thưa Bộ trưởng?
Sau khi Quốc hội bầu Thủ tướng và phê chuẩn các thành viên Chính phủ mới, Chủ tịch nước có quyết định bổ nhiệm, ngay trong phiên họp Chính phủ đầu tiên, Thủ tướng đã đưa ra một thông điệp rất rõ ràng, cụ thể là xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động.
Thủ tướng luôn nhắc nhở anh em văn phòng chúng tôi: “Chúng ta làm gì người dân cũng biết, nên chúng ta phải gương mẫu. Ở bất cứ nơi nào, vị trí nào, lời nói và hành động của các thành viên Chính phủ đều phải gương mẫu vì ở đâu cũng luôn có sự giám sát của người dân, phải luôn đồng hành, chia sẻ với người dân”.
Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: “Tư duy trước đây, cán bộ hiền lành, khéo léo thì phiếu cao bây giờ đã khác hoàn toàn”.
Đánh giá chung tại phiên họp cuối năm của Chính phủ với các địa phương là “niềm tin thị trường, niềm tin xã hội được nâng cao”. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại động lực mạnh mẽ khi khởi đầu nhiệm kỳ có thể bị rơi rớt theo thời gian khi các chính khách không giữ được lời hứa. Ở cương vị một Bộ trưởng, theo ông, làm thế nào để lời hứa của các thành viên Chính phủ được thực hiện triệt để để các chuyển động tích cực ban đầu sẽ tiếp tục theo guồng nhanh dần đều trong suốt nhiệm kỳ?
Hiện tại, kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp với cơ quan điều hành đất nước đã lớn hơn nhiều nhưng bộ máy Chính phủ mới chỉ vận hành 8 tháng, để duy trì được độ bền vững, duy trì chuyển động hiện tại là một quá trình, để xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo không phải một năm, hai năm mà hoàn thành được.
Tôi tin tưởng sự chuyển động thể hiện là với cả hệ thống chính trị từ Đảng đến Nhà nước, Chính phủ. Hiện tại mới ở đầu nhiệm kỳ, thời gian chưa dài nhưng chắc chắn với tinh thần quyết tâm của Thủ tướng, các thành viên Chính phủ sẽ có những hành động rất quyết liệt.
Tiếp xúc với Thủ tướng hàng ngày, Bộ trưởng đã hành động đúng với tinh thần lan toả chuyển động đến từng đơn vị, địa phương, để khắc phục tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, “bắn súng chỉ thiên”?
Là người phụ trách văn phòng, trực tiếp tham mưu, giúp việc cho Thủ tướng, tôi cũng thường xuyên cùng chia sẻ, tâm sự với Thủ tướng, thường là về những tâm tư, tình hình chỗ này chỗ kia có vấn đề, những chuyện nổi lên trong dư luận, báo chí. Từ việc quán cà phê Xin Chào, đến việc một cán bộ Sở Giao thông Hà Nội đánh nữ nhân viên hàng không… Thủ tướng nắm bắt thông tin, chỉ đạo xử lý trên tinh thần như thế.
Video đang HOT
Vụ cô nhân viên hàng không bị đánh, sau khi có chỉ đạo xử lý, có người còn điện cho tôi than: “Anh ơi việc nhỏ như thế mà Thủ tướng cũng chỉ đạo, tham mưu thế nào?”. Tôi đáp lại, đừng có nói việc nhỏ hay to. Nếu trường hợp người bị đánh là mẹ/chị/em mình thì mình nghĩ việc đó nhỏ hay to, có khi mình la làng lên ngay ấy chứ. Đây là chuyện ứng xử, văn hoá của công chức, chưa biết đúng sai, việc đánh một phụ nữ là không được. Dư luận phản ánh như thế mà người đứng đầu Chính phủ không chỉ đạo thì có thể chuyện này người ta thấy “phạm” được thì chuyện khác cũng làm được, xã hội sẽ thiếu sự công bằng, kỷ cương.
Vậy nên cũng giống vụ quán cà phê Xin Chào đó, đừng đặt vấn đề to hay nhỏ, việc liên quan đến quyền lợi của người dân thì việc nhỏ cũng là chuyện lớn cần làm ngay. Tôi vẫn nói với các anh em là mình giải quyết bất cứ công việc gì thì phải đứng trên cương vị của người trong hoàn cảnh đó để giải quyết thì mới thấu hiểu được, còn nếu đứng trên quan điểm cửa quyền, hống hách thì không ổn.
Làm việc có va đập, đụng chạm…
Chỉ số tín nhiệm của Chính phủ cũng như của cá nhân ông được đánh giá cao trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, thể hiện cụ thể trong lần phê chuẩn thứ 2 tại Quốc hội tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, đợt đánh giá tín nhiệm tiếp theo giữa nhiệm kỳ cũng không còn xa nữa. Bộ trưởng có tin tưởng vào kết quả đánh giá tín nhiệm sắp tới?
Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã giao nhiệm vụ thì mình làm hết mình chứ không đơn thuần vì kết quả phiếu tốt hay không. Khi làm việc quyết liệt, chắc chắn sẽ có đụng chạm mà trong hoàn cảnh nào, trong bộ máy nào cũng cần những ngọn cờ, những người làm việc không ai dám làm.
Làm Bộ trưởng mà chỉ nghĩ chuyện nay mai bỏ phiếu thì sẽ không thể làm được gì. Người dân tinh lắm, sẽ biết hết nên tốt nhất là sống và làm việc bằng cái tâm của mình, không nên “đánh võng”. Bền vững hay không là phải từ thực tâm, từ tâm huyết và khát vọng chứ nếu cứ xuôi chiều mát mái theo kiểu “xuân thu nhị kỳ” thể hiện thì không giải quyết được việc gì.
Thủ tướng vẫn nhắc nhở chúng tôi, các tổng tư lệnh ngành phải đoàn kết, phải mạnh, làm việc quyết liệt, xốc vác, không né tránh trên cái gốc là hành động hiệu quả, trách nhiệm, vì dân…
Bản thân tôi, ngày 9/4 được phê chuẩn chức danh, được Chủ tịch nước quyết định bổ nhiệm, ngày 10/4 tôi nhận trả lời phỏng vấn báo chí. Khi đó tôi cũng lo lắm chứ vì vừa từ địa phương lên, làm không được thì sẽ làm mang tiếng lãnh đạo là chọn người không chuẩn. Nhưng đã được phân vào vị trí nào thì phải làm đúng chức năng, làm đúng vai của mình, không né tránh.
Tôi vẫn nói với anh em cán bộ luân chuyển: “Ông sống ổn định ở nơi luân chuyển, không làm gì thì chỉ được điểm 2 thôi, nhưng nếu làm vì sự phát triển chung mà có va đập, đụng chạm thì mới “ghi điểm” được với người dân”.
Tư duy trước đây, cán bộ hiền lành, khéo léo thì phiếu cao bây giờ đã khác hoàn toàn. Ông không làm, không năng động, không va chạm gì thì phiếu không cao đâu. Còn ông đi đứng nghiêm trang, làm đứng đắn, gương mẫu thì chắc chắn có phiếu, dù làm quyết liệt, va chạm, người ta sẽ nghĩ dù ông “nói năng to nhưng tâm tốt”. Đánh giá cán bộ bây giờ là bằng công việc, hiệu quả chứ không đánh giá bằng cảm tính nữa đâu.
Có ý kiến cho rằng, chưa bao giờ cái ghế Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lại “ nóng” như nhiệm kỳ này. Bộ trưởng cảm nhận sức nóng này như thế nào, có khi nào ông bị “ngợp”?
Cứ sẵn sàng đón nhận thôi. Việc nắm bắt, tổng hợp thông tin thường xuyên một năm qua giúp mình nhận thức, hiểu biết thêm rất nhiều. Ai biết được sẽ có một sự cố như Formosa, ai biết được những thép Thái Nguyên, sợi Đình Vũ… ở đâu, Hà Nam chúng tôi làm gì có (trước khi nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ – ông Mai Tiến Dũng là Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam – PV), nhưng việc ở văn phòng là như thế, phải chịu xem báo chí, học hỏi, tìm hiểu thêm để nắm bắt công việc.
Thực ra, cũng may cho tôi vì có cơ quan giúp việc tốt nên khi trả lời báo chí thì cũng vững tin vì ở vị trí công tác này, không thể né tránh được, đằng nào cũng phải trả lời. Mà vì mình ở vào vị trí có trách nhiệm, anh có có tin thì cũng mới hỏi, không ai hỏi gì mới ngại vì khi đó người ta nghĩ, chắc hỏi ông này cũng chẳng giải quyết được việc gì (cười)…
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
P.Thảo
Theo Dantri
Thủ tướng muốn nghe phản biện trực tiếp từ các nhà khoa học
Thời gian qua, các viện nghiên cứu chỉ báo cáo, đề xuất lên các bộ, cơ quan chủ quản. Thủ tướng yêu cầu tìm cách thức huy động nguồn lực tri thức này, không để một đội ngũ trí thức đông như vậy mà không tham mưu trực tiếp cho Thủ tướng...
Thông tin từ Văn phòng Chính phủ (VPCP), chiều 10/11, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các Viện nghiên cứu kinh tế - xã hội trực thuộc các bộ, các trường đại học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin phục vụ công tác tham mưu, đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.
"Thủ tướng muốn nắm thông tin nhanh nhất, chính thức nhất, trực tiếp nhất từ các nhà khoa học, kể cả các ý kiến phản biện khác nhau", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho hay.
Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ làm việc với lãnh đạo các Viện nghiên cứu kinh tế-xã hội.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đánh giá trong thời gian qua, nhiều nghiên cứu và kiến nghị của các viện đã được đánh giá là sâu sắc, kịp thời và rất cơ bản, được Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu và đưa vào thực tiễn điều hành.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, sự phối hợp, cơ chế trao đổi thông tin, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế xã hội của các viện nghiên cứu với Chính phủ, Thủ tướng và các cơ quan thuộc Chính phủ có vai trò rất quan trọng và cần được kết nối theo hướng trực tiếp hơn.
"Thời gian qua, các viện chỉ báo cáo, đề xuất lên các bộ, lên các cơ quan chủ quản. Thủ tướng yêu cầu phải có cách thức như thế nào để huy động nguồn lực tri thức này, không thể để một đội ngũ trí thức đông như vậy mà không tham mưu trực tiếp cho Thủ tướng, cho Chính phủ. Khi có kết quả nghiên cứu, có thể gửi trực tiếp tới Thủ tướng để xem xét, cân nhắc, đánh giá, xử lý mọi vấn đề, đồng thời gửi các Bộ trưởng", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Trên tinh thần đó, Bộ trưởng đề nghị các viện nghiên cứu chủ động hơn nữa trong công tác nghiên cứu, đề xuất kịp thời các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô. Các hướng nghiên cứu cần thể hiện tầm nhìn chiến lược, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu các vấn đề dài hạn, trung hạn và trước mắt, giữa tình hình quốc tế và bối cảnh trong nước.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng truyền đạt yêu cầu của Thủ tướng viện nghiên cứu đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, chú trọng kết hợp giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu triển khai, dự báo xu hướng phát triển, cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận cho việc hoạch định, xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới.
Các viện là cầu nối, kênh thông tin quan trọng, chính thống trong việc công bố, phổ biến các kết quả nghiên cứu, đánh giá độc lập, có tính xây dựng về hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách của Nhà nước tới cộng đồng khoa học và nhân dân để tạo sự đồng thuận, tin tưởng của xã hội đối với quá trình triển khai các chính sách phát triển kinh tế-xã hội.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tùy trường hợp có thể tổ chức để Thủ tướng trực tiếp gặp, nghe ý kiến của nhà khoa học cụ thể.
Nói như TS. Vũ Viết Ngoạn, Thủ tướng muốn huy động đội ngũ trí thức với tinh thần "hiền tài là nguyên khí quốc gia". "Các bộ thì đương nhiên phải tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng. Tôi hiểu là Thủ tướng muốn có ý kiến tư vấn trực tiếp từ đội ngũ các nhà khoa học, mà trước hết là các viện, với tính chất tương đối độc lập", ông Ngoạn nói.
Ý kiến đại biểu dự buổi làm việc đều đánh giá rất cao chủ trương này của Thủ tướng, khẳng định điều này cũng là mong muốn, nguyện vọng, cũng là cơ hội của các viện nghiên cứu.
"Dù mỗi cấp đều có vai trò trong việc sử dụng các kết quả nghiên cứu, nhưng được góp ý trực tiếp với Thủ tướng vẫn là mong muốn của chúng tôi và đây cũng là động lực để anh em khoa học làm việc tốt hơn", TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phát biểu.
TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, cơ chế Viện báo cáo trực tiếp Thủ tướng sẽ khiến các bộ phải nỗ lực nhiều hơn. Ông nêu thực tế, lâu nay, các nghiên cứu chỉ được truyền tải gián tiếp tới Chính phủ, Thủ tướng thông qua các hội thảo, báo chí. Ngược lại các viện cũng chỉ nắm được thông tin về "đề bài" của Chính phủ, về những vấn đề kinh tế-xã hội thông qua báo chí. "Sắp tới, chúng tôi sẽ gửi ngay 3 báo cáo nghiên cứu về nợ xấu, lạm phát và tăng trưởng", ông cho biết.
Lãnh đạo các viện đã nêu nhiều ý kiến về cơ chế cụ thể, như việc Chính phủ "đặt hàng", ra "đề bài" như thế nào, các viện nghiên cứu tiếp cận số liệu, thông tin chính sách từ các cơ quan chức năng ra sao. Cùng với đó, phải có bộ phận thường trực để tổng hợp, sàng lọc các ý kiến, các kết quả nghiên cứu...
GS. Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Kinh tế Việt Nam cùng nhiều đại biểu đề nghị các báo cáo gửi Chính phủ, Thủ tướng phải chấp nhận các ý kiến đa dạng, đa chiều, tôn trọng các ý kiến khác biệt.
Một vấn đề nổi lên được các nhà khoa học tập trung mổ xẻ là cơ chế báo cáo. Theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, trong nhiều trường hợp, các viện nghiên cứu thuộc các Bộ đề xuất giải pháp trên tinh thần khách quan, khoa học, nhưng đơn vị trực tiếp xây dựng chính sách lại bị tác động bởi lợi ích cục bộ, muốn giữ cơ chế "xin-cho". Nhưng các Viện cũng băn khoăn về mặt thẩm quyền khi trực tiếp báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng.
Trả lời các vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết sẽ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế cụ thể, giải quyết các vướng mắc, như cho phép các Viện được tiếp cận thông tin từ các cơ quan chức năng và được báo cáo trực tiếp Thủ tướng, Chính phủ. Đồng thời, sẽ tham mưu cho Thủ tướng thành lập bộ phận thường trực để tham gia ra "đề bài", tổng hợp, sàng lọc các kết quả nghiên cứu. Cùng với đó, sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, có thể gặp gỡ, làm việc trực tiếp với các nhà khoa học về các vấn đề cụ thể.
"Các nhà khoa học, các viện làm việc trên tinh thần khách quan, khoa học, không liên quan tới lợi ích, nhưng nếu các bộ không có tư tưởng đổi mới thì các kết quả nghiên cứu sẽ khó mà truyền tải trực tiếp tới Thủ tướng. Đây là buổi làm việc mở đầu cho việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp lắng nghe các nhà khoa học", Bộ trưởng khẳng định.
Theo Dantri
Vụ ông Vũ Huy Hoàng: Sẽ xử lý đúng người, đúng sai phạm Trước ý kiến của báo chí, dư luận đặt vấn đề khởi tố vụ việc liên quan đến bổ nhiệm cán bộ của ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết sẽ làm theo quy định của Điều lệ Đảng và pháp luật. - Ảnh: Bảo Trân Tại buổi họp báo Chính phủ thường...