“Bộ trưởng không quyết liệt thì không làm được việc”
“Việc cải cách thủ tục hải quan hoàn toàn có thể làm được, không hề tốn kém tiền bạc mà chỉ đòi hỏi nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm của chúng ta mà thôi. Bộ trưởng mà không quyết liệt thì không làm được” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Ngày 25/3/2015, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Không siết thủ tục chỉ vì 5-10% DN gian lận
Thủ tướng chủ trì phiên họp của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, thực hiện Nghị quyết số 19 năm 2014 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. Tổng hợp các giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách, ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại, tăng cường trang thiết bị, máy móc kỹ thuật v.v… đã giúp đơn giản hóa 41 thủ tục hành chính, bãi bỏ 14 thủ tục; 98% số tờ khai, kim ngạch đã thông quan điện tử; tiếp nhận hơn 31 ngàn hồ sơ điện tử bản lược khai hàng hóa và các chứng từ có liên quan cho phương tiện vận tải biển xuất cảnh, nhập cảnh.
Các cơ quan cũng chính thức triển khai cơ chế một cửa quốc gia tại 12 cảng biển quốc tế từ 11/11/2014 với sự tham gia của 3 Bộ Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương; 1/3 số lượng container luồng đỏ đã được thực hiện soi chiếu bằng hệ thống máy soi hiện đại tại các địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng cho biết kết quả đạt được mới chỉ bước đầu và vẫn còn nhiều tồn tại trong đó nổi lên là số lượng hồ sơ thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia còn hạn chế do đang ở giai đoạn đầu kết nối. Ngoài 3 Bộ Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương, các Bộ, ngành khác vẫn chưa triển khai đầy đủ hệ thống công nghệ thông tin để thực hiện kết nối.
Về công tác kiểm tra hải quan, tỷ lệ kiểm tra hồ sơ, chứng từ (vàng), kiểm tra thực tế hàng hóa (đỏ) còn cao (chiếm hơn 44%) mà nguyên nhân chủ yếu do việc phân luồng kiểm tra bị điều chỉnh bởi 11 luật chuyên ngành của 8 Bộ.
Bên cạnh đó, công tác kiểm dịch, kiểm tra tiêu chuẩn, kiểm tra chất lượng của 8 cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thời gian còn kéo dài.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, thời gian trao đổi, giao lưu hàng hóa qua biên giới của Việt Nam lên đến 21 ngày, trong đó hải quan chiếm 28% (5,88 ngày), còn lại 72% là của các Bộ quản lý chuyên ngành và thời gian ở cảng (15,12 ngày).
Video đang HOT
Bộ Tài chính cho biết, để thực hiện các chỉ tiêu mà Nghị quyết số 19 năm 2015 về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đòi hỏi phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt (năm 2015 phấn đấu thực hiện thời gian hàng hóa xuất nhập khẩu giao lưu qua biên giới tối đa 13 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 14 ngày đối với hàng hóa, nhập khẩu; năm 2016 là 10 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu và 12 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu).
Theo đó, Bộ này cho biết doanh nghiệp phải thực hiện kê khai hải quan điện tử bắt buộc từ 1/1/2015; thực hiện công bố mã số hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam thống nhất (mã H/S); xây dựng Luật thuế xuất nhập khẩu (sửa đổi) theo hướng giảm số lượng mức thuế suất (hiện có 43 mức thuế suất) cũng như chênh lệch giữa các mức thuế (chênh lệch 4-5 lần); thực hiện kết nối cơ chế một cửa quốc gia với các Bộ trước 30/6/2015.
Phát biểu tại cuộc làm việc, ý kiến của các Bộ, ngành, ý kiến của các Phó Thủ tướng Chính phủ đều cho rằng các chỉ tiêu mà Nghị quyết 19 đưa ra liên quan đến lĩnh vực hải quan là hoàn toàn khả thi, tuy nhiên đó mới là những mục tiêu trên văn bản, để có kết quả trong thực tế đòi hỏi phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các Bộ, ngành liên quan và phải thay đổi tư duy quản lý.
“Chúng ta cần nhất quán quan điểm là cải cách là vì sự thông thoáng, vì số đông doanh nghiệp làm ăn chân chính, vì nền kinh tế đất nước chứ không chỉ vì 5-10% số doanh nghiệp vi phạm, buôn lậu, gian lận thương mại mà siết tất cả lại” – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo các Bộ Công Thương, Giao thông Vận tải, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an đều nhất trí với các đề xuất mà Bộ Tài chính đưa ra đồng thời cam kết tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng áp dụng công nghệ thông tin và kết nối với Cơ chế một cửa quốc gia nhằm giảm ít nhất 1 nửa thời gian thực hiện thủ tục hành chính chuyên ngành của Bộ, ngành mình.
Cải cách – không được “đánh trống bỏ dùi”
Thủ tướng: “Thủ tục thông thoáng nhưng không được giảm hiệu lực quản lý”.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng cải cách thể chế, trong đó có cải cách thủ tục hành chính là một trong những đột phá chiến lược. Cải cách không chỉ là đòi hỏi khi nền kinh tế, đất nước đang hội nhập sâu rộng và phải tuân thủ thông lệ quốc tế mà cải cách còn là yêu cầu, đòi hỏi của người dân, doanh nghiệp trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho làm ăn, kinh doanh, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, thương mại, du lịch. Do đó, cải cách thủ tục hành chính về hải quan là một trong những lĩnh vực quan trọng vì liên quan đến một lượng hàng hóa xuất nhập khẩu trị giá 300 tỷ USD và trên 8 triệu lượt khách du lịch, nhà đầu tư, doanh nhân đến Việt Nam mỗi năm.
“Những kết quả vừa qua mới chỉ là bước đầu, có tiến bộ nhưng chỉ so với chính chúng ta thì không được. Chúng ta không được phép hài lòng, thỏa mãn hay dừng lại mà phải tiếp tục làm tốt hơn nữa. Chúng ta hoàn toàn có thể làm được, không hề tốn kém tiền bạc mà chỉ đòi hỏi nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm của chúng ta mà thôi” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu và nhấn mạnh rằng đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong năm 2015 và những năm tới.
Với tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tất cả các Bộ, ngành, nhất là người đứng đầu, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần tập trung chỉ đạo, quyết tâm triển khai để không những đạt mà còn vượt các chỉ tiêu mà Nghị quyết 19 của Chính phủ đã đề ra. Từng Bộ, ngành cần xây dựng chương trình, kế hoạch, đưa ra mục tiêu cụ thể, có kiểm tra, giám sát thực hiện và đích thân Bộ trưởng chỉ đạo trực tiếp.
“Bộ trưởng mà không quyết liệt thì không làm được” – Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng thủ tục nằm ngay trong những văn bản pháp lý hiện hành do đó các Bộ, ngành và Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát đồng thời lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp để kiến nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ các thủ tục, quy định, quy trình gây phiền hà, không cần thiết với tinh thần cải cách là vì lợi chung của đất nước; tạo sự thông thoáng, thuận lợi nhất cho dân, cho doanh nghiệp và phù hợp với thông lệ quốc tế.
“Tạo thuận lợi, thông thoáng phải gắn với quản lý tốt chứ không phải cải cách là làm suy giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý.
Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan phải tăng cường phối hợp đồng thời hết sức chú ý đến khâu kiểm tra, giám sát, cho phép người dân, doanh nghiệp và báo chí giám sát và công khai mọi nỗ lực, kết quả cũng như những tồn tại, hạn chế trong cải cách thủ tục hành chính; thẳng thắn phê phán tổ chức, cá nhân nào không chấp hành hay chấp hành không tốt Nghị quyết 19.
“Không đánh trống bỏ dùi. Năm 2015 phải có chuyển biến thực sự, phải biến các mục tiêu trên văn bản thành kết quả cụ thể trong thực tế”- Thủ tướng dứt khoát.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, tiếp sau đây, trực tiếp Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng cũng sẽ có các cuộc làm việc với các Bộ, ngành liên quan nhằm kiểm tra việc cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, bảo hiểm xã hội, đăng ký kinh doanh, phá sản doanh nghiệp, cấp phép xây dựng.
P.Thảo
Theo Dantri
Bộ trưởng Văn hóa "vi hành" kiểm tra công tác tổ chức lễ hội
Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư và Công điện của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý lễ hội năm 2015, ngay những ngày đầu xuân mới Ất Mùi, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã trực tiếp đi thị sát, kiểm tra công tác tổ chức Lễ hội tại một số địa phương.
Trong sáng nay (26/2), Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đến kiểm tra đột xuất công tác tổ chức Lễ hội tại tỉnh Ninh Bình. Bộ trưởng đã đi kiểm tra công tác tổ chức Lễ hội tại Di tích đền thờ Vua Đinh - Vua Lê, Khu Du lịch văn hóa tâm linh chùa Bái Đính, Quần thể khu du lịch Tràng An.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh kiểm tra tại quần thể khu du lịch Tràng An.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh và đoàn công tác đã đi thị sát, kiểm tra công tác tổ chức, đón tiếp du khách, vệ sinh môi trường, công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các lễ hội. Qua khảo sát thực tế và lắng nghe ý kiến của cán bộ, nhân dân tại các điểm đến tổ chức lễ hội, Bộ trưởng đã ghi nhận những ưu điểm, kết quả bước đầu đạt được của tỉnh Ninh Bình trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Dù là chuyến công tác đột xuất nhưng Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hết sức ấn tượng về những gì được chứng kiến: từ công tác tổ chức đón tiếp du khách đến thăm quan, vệ sinh xung quanh cho đến nơi thờ tự, du khách đến tham quan đã giảm các hiện tượng bỏ tiền lẻ vào tượng Phật, tình trạng ăn xin ở các lễ hội đã giảm hẳn; Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đặc biệt ấn tượng khi trò chuyện với du khách đến thăm các khu du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, du khách được biết đến Ninh Bình "thông qua sự kiện đón Bằng của UNESCO ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An". Bộ trưởng cho rằng Ninh Bình cần nắm bắt thời cơ này để giới thiệu, quảng bá những giá trị tiêu biểu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An; những tiềm năng du lịch của tỉnh Ninh Bình; thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với Quần thể Danh thắng Tràng An - Ninh Bình.
Bộ trưởng tự tay nhặt những tờ tiền du khách đặt không đúng chỗ để cho vào hòm công đức.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh lưu ý, để chuẩn bị tốt cho mùa lễ hội 2015, tỉnh Ninh Bình cần phải chủ động hơn nữa, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xư ly kịp thời mọi tình huống có thể xảy ra trong lễ hội. Ban quản ly các khu di tích không được để các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam xuất hiện trong các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật Di sản văn hoá. Bên canh đo, xư ly triệt để, không được để diễn ra tình trạng đổi tiền lẻ ở các khu di tích, lễ hội. Không được để xảy ra các biến tướng, mê tín dị đoan trong khu vực di tích.
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh yêu cầu Ban Tổ chức lễ hội thực hiện nghiêm Chỉ thị của Ban Bí thư và Công điện của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý lễ hội; việc tổ chức lễ hội ở Ninh Bình cũng như các địa phương khác phải bảo đảm tiết kiệm, tránh phô trương, lãng phí; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và thực hiện nếp sống văn minh; các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi tiêu cực tại các lễ hội, các điểm tham quan du lịch.
Bộ trưởng chào đón du khách nước ngoài tới thăm khu du lịch Tràng An.
Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh, trong Công điện của Thủ tướng đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau Tết nêu rõ "Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công. Cán bộ, công chức không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ theo chức trách, nhiệm vụ được giao", Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cũng như các địa phương khác cần thực hiện nghiêm công điện này, đồng thời chỉ đạo cán bộ, đảng viên chấp hành các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; xử lý nghiêm đối với cán bộ, đảng viên vi phạm.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, ngay sau khi có Chỉ thị của Ban Bí thư và Công điện của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý lễ hội năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản đề nghị Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các sở, ban, ngành trên địa bàn triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị và Công điện. Bộ trưởng yêu cầu, Thanh tra Bộ VH - TT & DL phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các địa phương trong quá trình tổ chức cũng như quản lý lễ hội; thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất tại các lễ hội, tiến hành ghi âm, chụp ảnh làm bằng chứng để xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm.
Liêm Nguyễn
Theo Dantri
Làm ra 1,6 tỷ USD/ngày: Nhân viên hải quan không màng? Nếu giảm thời gian thông quan 1 ngày, nền kinh tế sẽ tiết kiệm được 1,6 tỷ USD. Lợi ích đó đã được đo đếm, nhưng thực tế, ách tắc hàng hóa vẫn thường xảy ra và DN luôn phải chịu sức ép tứ bề vì thủ tục nhiêu khê. Làm ra 1,6 tỷ USD/ngày: Nhân viên hải quan không màng? Qua cửa...