Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: “Sẽ dẹp nạn “chặt chém” du khách”
Thừa nhận nạn “chặt chém” khách du lịch đang gây nhức nhối dư luận, một số địa phương có những “điểm đen” về du lịch, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cam kết sẽ có những biện pháp cấp bách, quyết liệt xử lý vấn nạn này.
Tại phiên trả lời chất vấn sáng nay, 13/6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã phải đối mặt với nhiều vấn đề đang nổi cộm trong dư luận. “ Nóng” nhất vẫn là lĩnh vực du lịch với nhiều chất vấn cụ thể và sắc bén của các đại biểu Quốc hội.
Xoay quanh vấn nạn “chặt chém” khách du lịch và những giải pháp cụ thể để khắc phục những yếu kém, cải thiện hình ảnh du lịch Việt Nam; đại biểu Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh) hỏi: “Nhìn vào toàn thể nền kinh tế 2012, ngành du lịch góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây có sự bất cập ảnh hưởng đến ngành du lịch quốc gia. Ở một số địa phương có hiện tượng chèo kéo, đeo bám, “chặt chém” đối với khách du lịch trong nước cũng như khách du lịch nước ngoài. Trong khi đó, sản phẩm du lịch kém chất lượng và không thu hút, khiến lượng khách du lịch vào nước ta bị sụt giảm. Bộ trưởng đánh giá thế nào về những bất cập trên và giải pháp để khắc phục?”
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đối diện với nhiều vấn đề “nóng” trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch tại phiên chất vấn sáng nay, ngày 13/6 (Ảnh: Việt Hưng)
Đại biểu Lê Trọng Sang (TP. Hồ Chí Minh) thắc mắc về vấn đề lượng khách du lịch sụt giảm: “Trong năm 2012, tỷ lệ khách du lịch nước ngoài quay trở lại Việt Nam lần hai chỉ 18%. Gần như là lượng khách du lịch một đi không trở lại, vì sao?”. Trong khi đại biểu Đào Xuân Yên (Thanh Hóa) lại “xoáy” vào biện pháp xử lý chưa đủ cứng rắn của cơ quan chức năng nên tình trạng “chặt chém” trong ngành du lịch vẫn tiếp diễn…
Trước chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thừa nhận nạn “chặt chém” khách du lịch ngày càng lộ rõ và tác động tiêu cực đến hình ảnh người dân Việt Nam trong mắt khách du lịch quốc tế. “Tình trạng chặt chém du khách, ăn xin, giá niêm yết không công khai…khiến cho du khách có cái nhìn khác. Vừa rồi, tại hội nghị trực tuyến về cải thiện môi trường du lịch Việt Nam, sáng 6/6, tại Hà Nội, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có chỉ đạo về vấn đề này và hội nghị có nêu giải pháp khắc phục 7 vấn nạn của du lịch Việt Nam”, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói.
Video đang HOT
Thừa nhận có tình trạng “chặt chém” du khách, ông Hoàng Tuấn Anh cũng nêu những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do: Sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan chức năng chưa tốt; việc kiểm tra, giám sát những điểm du lịch có nguy cơ mất trật tự, chặt chém du khách làm chưa tốt; các văn bản liên quan để xử lý vi phạm, các mức độ xử phạm chưa đầy đủ. Ông Hoàng Tuấn Anh khẳng định, bài học kinh nghiệm về quản lý điểm đến đã được rút ra ở Đà Nẵng, Nha Trang, Khánh Hòa, Bình Thuận… Và sắp tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ báo cáo Chính phủ về việc ra nghị định tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm.
Cũng liên quan đến các giải pháp khắc phục những vấn nạn nhức nhối trong ngành du lịch của Việt Nam, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết: “Hiện các địa phương có các “điểm đen” về du lịch, chúng tôi đề nghị lắp camerra và đường dây nóng để khách du lịch thông tin. Việc “chặt chém” cần xem xét lại ý thức người dân ở đó thế nào, công tác quản lý ra sao? Điển hình như tỉnh Thanh Hóa vừa rồi có chiến dịch “bàn tay thép”, họ có đường dây nóng của công an, quản lý thị trường, có Hiệp hội chống chặt chém… nếu có gì xảy ra thì du khách gọi điện để chống “chặt chém”"
“Chúng tôi luôn muốn giữ hình ảnh Việt Nam tốt đẹp trong con mắt du khách và sẽ quyết liệt dẹp trừ nạn “chặt chém” này”, ông khẳng định.
Đại biểu Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh) cũng “hiến kế” cho Bộ trưởng: “Một số cử tri ở một số địa phương đề nghị thành lập cánh sát du lịch để bảo vệ hoạt động của ngành du lịch được coi là ngành “công nghiệp không khói”, Bộ trưởng nghĩ sao về điều này?”.
Chia sẻ về điều này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Ai cập, Ấn độ, Philippines và một vài nước khác có mô hình cảnh sát du lịch. “Ngày hôm qua chúng tôi đã gặp Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang để hỏi ý kiến về việc này. Bộ trưởng có trả lời, đây là ý tưởng cần suy nghĩ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, khi chưa có mô hình cảnh sát du lịch, đề nghị cảnh sát trật tự tham gia cùng chúng tôi trong việc bảo vệ du khách”, ông Hoàng Tuấn Anh cho hay.
Nạn chèo kéo, đeo bám du khách khiến hình ảnh Việt Nam bớt đẹp trong mắt khách quốc tế (Ảnh: Hữu Nghị)
Về câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) rằng Du lịch Việt Nam trong thời gian qua phát triển, tuy nhiên chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có. Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cũng chỉ ra, Việt Nam có 9 địa điểm di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa, di sản thiên nhiên song xếp hạng về du lịch trên thế giới nhưng chỉ đứng thứ 80, trong khi Thái Lan và Indonesia có ít di sản hơn lại đứng thứ 30-40.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng rốt ráo nhấn mạnh vào ý của đại biểu Nguyễn Thanh Hải: Liệu, đến năm 2020, du lịch Việt Nam có sánh tầm du lịch với Thái Lan, hay và Indonesia hay không?
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh lấy dẫn chứng ở Malaysia, Singapore số lượng khách sạn cao cấp nhiều hơn ở ta rất nhiều (Việt Nam có khoảng 575 khách sạn từ 5 sao đến 3 sao), sức quảng bá của họ tốt hơn cũng như có hàng trăm điểm đến và đội bay. Trong khi, Việt Nam chỉ mới mở 30 điểm đến.
Bộ trưởng nhìn nhận, muốn du lịch Việt Nam sánh tầm du lịch nước bạn thì chúng ta phải nỗ lực thật nhiều, nâng cao chất lượng dịch vụ- chất lượng điểm đến, đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, bảo tồn di tích lịch sử, đẩy mạnh việc quảng bá…. Ông Hoàng Tuấn Anh cũng thắng thắn, thừa nhận rằng dù cho đến năm 2020, du lịch Việt Nam chưa thể bắt kịp du lịch nước bạn và với thực trạng du lịch hiện nay thì phải “liệu cơm gắp mắm”!
Theo Dantri
Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông ra khỏi danh sách chất vấn
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, các đại biểu đã chọn 3 Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, L Đ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh và Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn kỳ này.
Đây là 4 trong số 5 vị trong danh sách chất vấn Đoàn thư ký kỳ họp đưa ra trước đó để xin ý kiến các đại biểu. Bộ trưởng Thông tin - Truyền Thông Nguyễn Bắc Son là vị thứ 5 được gợi ý chất vấn các đại biểu đã thống nhất chưa "duyệt" đăng đàn tại kỳ họp này.
Tổng hợp ý kiến các đại biểu chiều qua, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình là 2 vị trưởng ngành nhận ít phiếu yêu cầu chất vấn của các đại biểu Quốc hội nhất trong danh sách 5 người Đoàn thư ký đưa ra. Sau khi cân nhắc, để đảm bảo tiêu chí nội dung chất vấn hài hòa giữa các vấn đề kinh tế, xã hội, nội chính... Viện trưởng VKSND tối cao được chọn.
Bộ trưởng Cao Đức Phát và Phạm Thị Hải Chuyền đã được chọn trả lời chất vấn kỳ này (ảnh: Việt Hưng).
Theo nội dung Đoàn thư ký xin ý kiến trước đó, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát sẽ giải trình 3 nhóm vấn đề, gồm biện pháp khắc phục, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp gắn với giải quyết việc làm, tăng xuất khẩu nông sản; cơ chế, chính sách hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; và công tác quản lý nhà nước về vấn đề giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi để hạn chế tiêu cực và thúc đẩy sản xuất.
Bộ trưởng LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền sẽ giải trình các giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề giai đoạn 2011 - 2015; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn.
Bộ trưởng VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh sẽ trả lời chất vấn về tăng cường quản lý nhà nước để tạo sự chuyển biến về văn hóa, tạo động lực phát triển đất nước, khắc phục những tồn tại về sự "xuống cấp" đạo đức, văn hóa trong xã hội; biện pháp khắc phục những hạn chế trong công tác bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa gắn với du lịch; lễ hội tràn lan gây lãng phí...
Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình sẽ phải làm rõ thực trạng công tác thực hành quyền công tố, kiểm soát các hoạt động tư pháp trong thời gian qua; biện pháp tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công tố...
Phiên chất vấn sẽ bắt đầu từ chiều thứ 4 (12/6) đến hết ngày thứ 6 (14/6) tới.
Theo Dantri
4 Bộ trưởng được đề xuất trả lời chất vấn tuần tới Đoàn thư ký kỳ họp vừa gửi tới các đại biểu danh sách các bộ trưởng được đề xuất trả lời chất vấn. Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son. Danh sách cụ thể Đoàn Thư ký chuyển tới đại biểu, ngoài 4 Bộ trưởng...