Bộ trưởng GTVT: “Tôi đo gang tay cũng phạt được xe quá tải”
“Nếu tôi là công an, tôi đo gang tay cũng có thể phạt được xe vi phạm. Các anh đừng làm phức tạp chuyện này lên…”, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa bày tỏ quan điểm khi đối chất với Cục trưởng Cục CSGT về căn cứ xử phạt xe quá tải.
“Biến dạng” xe sau đăng kiểm để… chở quá tải (!)
Tại cuộc họp Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chiều 30/11, vấn đề xe quá tải tái diễn do một số địa phương “lơi tay” và vi phạm xe quá tải ngày càng tinh vi. Nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp cần thiết là phải tăng cường xử phạt mạnh tay hơn nữa để dẹp “vấn nạn” này.
Ông Lê Đình Thọ – Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) – cho biết: Lúc xe đưa đi đăng kiểm thì rất đẹp, nhưng ra khỏi trạm đăng kiểm ra đường là có vấn đề, chủ xe thay toàn bộ từ thùng tới logo. Tờ kiểm định xe đã có hình ảnh nhưng ra đường chạy xe lại là hình ảnh khác. Đề nghị lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra kiểm soát.
“Xe đưa vào đăng kiểm là có ảnh chụp, vì thế khi kiểm tra xe trên đường chỉ cần lấy ảnh đối chiếu là ra ngay vi phạm và xử phạt. Nếu theo Nghị định 46 mà xử phạt đầy đủ các hành vi về tải trọng phương tiện và trật tự an toàn giao thông thì không xe nào dám vi phạm nữa” – Thứ trưởng Thọ cho hay.
Cuộc họp thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chiều 30/11 đặt ra vấn đề tái diễn xe quá tải quá khổ
Về vấn đề này, Thiếu tướng Trần Sơn Hà – Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an – lý giải: “Khi quay phim, chụp ảnh thì những thiết bị này đều phải được kiểm định rồi mới được sử dụng. Để xác lập biên bản vi phạm và sử dụng hình ảnh làm chứng cứ thì thiết bị ghi lại hình ảnh đó phải được kiểm định”.
Lúc này, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa nêu quan điểm, trong giấy đăng kiểm cấp có chứng nhận đăng kiểm kèm theo hình ảnh xe khi đăng kiểm, khi bắt giữa xe thì chỉ cần đối chiếu hình ảnh khác nhau nhìn là ra vi phạm ngay và xử phạt.
Video đang HOT
Trước ý kiến của Bộ trưởng, ông Trần Sơn Hà phân bua: “Đó là mình nhìn và mình nói với nhau như thế, nhưng khi xác lập biên bản và một hành vi vi phạm lý thì cần phải cân đong đo đếm, phải kiểm định lại thiết bị chụp ảnh”.
“Tôi không nghĩ làm gì tới mức người làm công quyền mà nhìn một hai cái ảnh lại không xác định được để xử phạt” – Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh. Nhưng, Cục trưởng CSGT cho rằng “phải căn cứ vào Luật, chứ không thể bảo trông nó giống nhau hay khác nhau”.
Nếu Bộ trưởng là công an?
Với sự giải thích có phần khó hiểu của ông Trần Sơn Hà về vấn đề rất đơn giản được đặt ra, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng: “Vấn đề là nếu chỉ có anh và họ thì mới bảo không được, nhưng có người thứ 3 chứng kiến thì không vấn đề gì cả”.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng căn cứ vào hình ảnh xe đăng kiểm, lực lượng CSGT có thể xác định và xử lý ngay được xe vi phạm trên đường (ảnh: Công Bính)
“Tôi nghĩ các anh không thể máy móc kiểu đó được. Thậm chí, nếu tôi là công an phạt, tôi đo gang tay cũng có thể phạt được xe vi phạm. Các anh đừng làm phức tạp chuyện này lên. Một cái ô tô khi đăng kiểm đã có ảnh chụp rất cẩn thận để làm bằng chứng, có lẽ chỉ Việt Nam mới phải có ảnh như vậy. Khi có ảnh và chứng nhận đăng kiểm thùng xe kích thước 50cm, nhưng thực tế chủ xe cơi nới lên 1m, việc này đối chiếu hình ảnh là có thể xử lý được ngay tại hiện trường. Việc sử dụng hình ảnh đăng kiểm khác với việc dùng hình ảnh ghi lại trên đường” – Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói.
Tới đây, Cục trưởng Trần Sơn Hà tiếp tục phân bua: Dừng phương tiện khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, nhưng việc kiểm tra chỉ thông qua 4 loại giấy tờ, cũng không phải chỗ nào cũng dừng xe được, sẽ gây ùn tắc giao thông, chưa kể dừng xe lung tung báo chí lại la lên.
Bộ trưởng GTVT đáp lại: “ Sao anh lại giở luật lúc nào là lúc anh thổi còi? Ở đây là chuyện khi phát hiện xe có dấu hiệu vi phạm và thổi còi yêu cầu dừng xe, lúc này đề nghị kết hợp xử lý vi phạm quá khổ quá tải tại chỗ căn cứ theo hình ảnh đăng kiểm, chỉ như vậy thôi”.
Dù hết thời gian của cuộc họp, nhưng việc thống nhất sử dụng hình ảnh đăng kiểm để xử lý xe vi phạm quá tải trên đường vẫn không được lãnh đạo 2 đơn vị thống nhất, Cục trưởng Cục CSGT Trần Sơn Hà nói bâng quơ: “Các anh ra đường mới thấy nó phức tạp thế nào chứ không đơn giản như ngồi đây đâu”, còn Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa thì… thở dài!
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Bộ trưởng GTVT: "Nói vui một câu là vài nghìn tỷ ngay!"
"Các hãng hô khẩu hiệu tăng tải để phục vụ hành khách nhưng không phải thế. Cơ sở hạ tầng không đáp ứng được nhưng cứ cho tăng chuyến thoải mái rồi lại đối xử với hành khách không ra gì. Đây không phải việc lâu dài mà phải giải quyết trước mắt, mỗi cái lâu dài cũng vài nghìn tỷ, nói vui một câu là vài nghìn tỷ ngay".
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chiều 30/11.
Theo kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán 2017, các hãng hàng không tăng tải 1.285 chuyến bay, trong đó 90% đi đến Tân Sơn Nhất với 1.168 chuyến. Dù 76% số lượng chuyến bay đến Tân Sơn Nhất được cấp giờ thấp điểm 23h đêm đên 7h sáng, nhưng vẫn làm tăng áp lực lên sân bay vốn đang quá tải và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được.
Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết, vấn đề tắc nghẽn của Tân Sơn Nhất đã triển khai những giải pháp trước mắt, trung hạn và lâu dài. Trước mắt đã lắp thêm các máy soi an ninh; quản lý bay áp dụng 2 phương thức mới là đường bay song song Bắc - Nam và điều hành tại Tân Sơn Nhất, 2 phương thức này đã giảm áp lực và tắc nghẽn trên trời 24%, tuy nhiên giảm được áp lực trên trời nhưng dưới đất hạ tầng vẫn chưa thông.
Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh nêu vấn về sản lượng hành khách của Tân Sơn Nhất năm 2016 ước đạt 32 triệu lượt, so với công suất thiết kế là 25 triệu lượt hành khách, chiếm 40% tổng sản lượng khai thác của toàn thị trường, vì vậy tắc nghẽn của Tân Sơn Nhất ảnh hưởng tới toàn thị trường.
Sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải, việc các hãng tăng chuyến càng gấy áp lực lớn hơn cho sân bay này
Trước tình hình này, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng quá tải của Tân Sơn Nhất do hạ tầng yếu kém nhưng cũng có vai trò của Cục Hàng không. Công suất thiết kế sân bay Tân Sơn Nhất là 25 triệu hành khách nhưng nay đã tăng lên 32 triệu, trong 32 triệu lượt khách này có câu chuyện cấp phép bay, cấp chuyến bay. Không thể để các hãng muốn tăng chuyến là cho tăng, đừng thấy tăng trưởng như thế là vỗ tay theo. Ở đây Cục Hàng không phải siết lại, cấp phép bay phải xem lại, phải có trách nhiệm. Ở các nước xin cấp phép được chuyến bay thì rất khó khăn nhưng ta thì rất thoải mái.
"Tết này các hãng hô khẩu hiệu tăng tải để phục vụ hành khách nhưng không phải thế, các hãng cứ tăng số lượng máy bay lên rồi lại kêu chuyện nọ chuyện kia. Trong khi đó điều kiện cơ sở hạ tầng không đáp ứng được nhưng cứ cho tăng chuyến thoải mái rồi lại đối xử với hành khách không ra gì. Vấn đề này phải xem lại! Đây không phải việc lâu dài mà phải giải quyết trước mắt, mỗi cái lâu dài cũng vài nghìn tỷ, nói vui một cái là vài nghìn tỷ ngay" - Bộ trưởng Nghĩa nói.
Người đứng đầu ngành giao thông vận tải cũng "mổ xẻ" kế hoạch thực hiện 38-40 chuyến bay/giờ tại Tân Sơn Nhất, nhưng điều hành bay tới 45-50 chuyến là do tăng chuyến, khi đó có 5-10 chuyến "lượn ngắm bầu trời" gây bức xúc cho hành khách và gây lãng phí! Chúng ta đang dồn rất nhiều thứ lên hành khách.
"Không chỉ ở điểm đến Tân Sơn Nhất mà điểm cất cánh cũng phải lường trước. Đừng kiểu muốn cho khách vui là đưa bằng được lên máy bay cho xong việc, ra đến đường lăn cứ chạy túc tắc mãi, rồi để đỡ sốt ruột thì cứ cho bay đã rồi tính sau, đến khi hạ cánh lại là nhiều chuyện khác dồn lên hành khách. Ngoài việc tập trung nâng cao chất lượng phục vụ hành khách nhưng phải trên cơ sở phù hợp" - Bộ trưởng Nghĩa nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nghĩa, có câu chuyện là phí ở sân bay không được tăng, cứ phải rẻ và rẻ nhất khu vực, hàng không bây giờ là lựa chọn số 1 của người Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế như hiện nay là vô cùng bất hợp lý.
"Chuyện hàng không "vét" hết khách của đường sắt thì chỉ có ở Việt Nam, nhiều khi chúng ta cứ coi trọng thành tích nên mới bị lệch lạc đi. Trong giai đoạn Tết này, cần điều tiết các phương thức vận tải khác nhau chứ không phải cơ hội cho hàng không tăng chuyến, còn các loại hình vận tải khác có khả năng nhưng khó khăn về lượng khách" - Bộ trưởng Nghĩa cho biết.
Châu Như Quỳnh
The Dantri
Tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân số 1 gây tử vong ở người trẻ Tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân số 1 gây tử vong cho những người trẻ trên toàn cầu. Tại Việt Nam, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 kéo giảm số thương vong vì tai nạn giao thông còn 50% so với năm 2010. Hội nghị cấp cao đối tác an toàn giao thông đường bộ tại Việt Nam...