Bộ trưởng dầu mỏ Libya “đào tẩu”
Bộ trưởng dầu mỏ Libya Shukri Ghanem đã rời quốc gia này, giữa những tin tức cho rằng ông đã đào tẩu. BBC dẫn lời các quan chức chính quyền Tunisia nói ông Ghanem đã sang Tunisia bằng đường bộ trước khi ra đảo Djerba, ngoài khơi Địa Trung Hải.
Ông Shukri Ghanem – Ảnh: Getty Images
Một người phát ngôn của lực lượng nổi dậy Libya nói với BBC rằng ông Ghanem đã đào tẩu và hiện đang trên đường đến một nước châu Âu. Chính quyền Libya thì giải thích ông Ghanem có công tác chính thức ở Tunisia, nhưng Tripoli không còn giữ được liên lạc với ông. Nếu tin tức về việc ông Ghanem trở giáo được xác nhận, đó sẽ là nhân vật cấp cao nhất trong chính quyền Libya đào tẩu kể từ khi cựu ngoại trưởng Libya Moussa Koussa bỏ sang Anh vào tháng 3.
Video đang HOT
Kể từ khi cuộc xung đột vũ trang ở Libya bắt đầu vào tháng 2, một số nhân vật cấp cao trong chính phủ đã rời bỏ lực lượng chính quyền, bao gồm ngoại trưởng Moussa Koussa, bộ trưởng nội vụ Abdul Fattah Younis, bộ trưởng tư pháp Mustafa Abdel Jalil và một số đại sứ tại các nước.
Trong một diễn biến khác, “Chính phủ Canada đã tiến hành các bước trục xuất năm nhà ngoại giao làm việc ở Đại sứ quán Libya tại Ottawa. Những hoạt động của năm nhà ngoại giao này tại Libya được coi là không đúng đắn và không phù hợp với các chức năng ngoại giao bình thường”, CNN dẫn lời một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Canada. Ottawa vẫn chưa cắt đứt quan hệ ngoại giao với Libya và đại sứ quán của nước này ở Canada vẫn mở cửa bình thường. Canada là nước tham gia khá tích cực vào các đợt không kích Libya của NATO.
Cũng trong ngày 17-5, Moscow Times dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói đoàn đại biểu của chính phủ Muammar Gaddafi đang thăm Matxcơva đã khẳng định với phía Nga rằng nhà lãnh đạo Libya sẵn sàng tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về đất nước Bắc Phi này nếu như NATO ngừng không kích.
Ông Lavrov nhắc lại lập trường của Nga rằng việc NATO đánh bom Libya “vượt ra ngoài các mục tiêu của nghị quyết (của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc)”, nhưng ông cũng nói Nga sẽ không nhận vai trò trung gian cho cuộc xung đột, mà nên để cho Liên Hiệp Quốc và Liên minh châu Phi.
Theo Tuổi trẻ
Trung Quốc 'bênh' Iran, Triều Tiên
Trung Quốc đang bị phương Tây nghi ngờ "tiếp tay" cho các phi vụ trao đổi công nghệ sản xuất tên lửa đạn đạo giữa Triều Tiên và Iran.
Hãng tin Reuters dẫn lời báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết, trao đổi công nghệ tên lửa là vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Báo cáo được đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nhằm siết chặt lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng sau khi tiến hành hai vụ thử tên lửa hồi năm 2006 và 2009.
Báo cáo cũng cho biết: "Các hạng mục liên quan đến tên lửa đạn đạo như vũ khí, các nhiên liệu cần thiết bị nghi là đã được trao đổi giữa Triều Tiên và Iran trong các chuyến bay của hãng hàng không Air Koryo và Iran Air".
Theo Reuters, bản báo cáo tuy không "chỉ đích danh" Trung Quốc, song nêu rõ Triều Tiên và Iran tiến hành trao đổi công nghệ tên lửa bất hợp pháp qua một quốc gia láng giềng thứ ba, sát biên giới Triều Tiên. Một số nhà ngoại giao giấu tên của Liên Hiệp Quốc tiết lộ với Reuters, quốc gia láng giềng đó chính là Trung Quốc.
Một nước thứ ba giúp Triều Tiên và Iran trao đổi công nghệ tên lửa.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, bản báo cáo trên chưa nhận được sự phê duyệt chính thức của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc; đồng thời khẳng định, Bắc Kinh luôn tuân thủ nghiêm ngặt các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc bao gồm một lệnh cấm trao đổi, mua bán công nghệ hạt nhân và tên lửa cũng như cấm vận vũ khí với Triều Tiên.Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Jiang Yu khẳng định: "Tôi không đưa ra bất kỳ bình luận gì về những nguồn tin thiếu căn cứ như vậy. Bắc Kinh luôn trách nhiệm và tuân thủ nghiêm ngặt lệnh trừng phạt của Hội đồng bảo an".
Trước đây, Trung Quốc cũng từng phản đối việc phổ biến các báo cáo của ủy ban chuyên gia về Triều Tiên và Sudan. Trước đó, vào tuần trước, Nga cũng có động thái tương tự trước một bản báo cáo của Hội đồng bảo an về Iran.
Trung Quốc được xem là đối tác tích cực hỗ trợ Triều Tiên trong vấn đề ngoại giao và phát triển kinh tế, là thị trường tiêu thụ dầu mỏ lớn của Iran. Mặt khác, nước này cũng nỗ lực ngăn chặn "tham vọng" hạt nhân của Triều Tiên và góp phần thúc đẩy nghị quyết trừng phạt của Hội đồng bảo an sớm được thực thi.
Theo Báo Đất Việt