Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh “nể” trình độ bác sĩ Việt
Chia sẻ với báo giới ngày 9/1, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh được đặt stent mạch vành ngay tại Viện Tim mạch quốc gia.
Theo chia sẻ của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trình độ y tế trong nước ngày càng đi lên, nhiều người nước ngoài chọn Việt Nam làm nơi chữa bệnh, nhiều người có điều kiện ở Việt Nam cũng không còn ra nước ngoài chữa trị.
Nói về ca bệnh mới đây của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Tiến chia sẻ: “Bộ trưởng Bộ Công thương chia sẻ với tôi, lúc chuẩn bị đặt stent mạch vành ông rất sợ đau, còn muốn “xin” được gây mê nhưng không ngờ chỉ sau ít phút các bác sĩ “luồn lách” đã thông báo đặt stent xong. Cuộc đặt stent diễn ra nhanh chóng, bệnh nhân tỉnh táo, khiến bản thân Bộ trưởng Bộ Công thương rất nể trình độ của bác sĩ Việt”.
Hay như một doanh nhân nổi tiếng, thay vì ghép gan ở nước ngoài, ông đã chọn BV Việt Đức với chi phí rẻ bằng 1/10 quốc tế, nhưng tay nghề bác sĩ cao đã giúp ông có một cuộc sống ổn định được 10 năm nay.
Mới đây nhất, tại BV Việt Đức cũng chữa trị khỏi bệnh lý nghiêm trọng cho một người Đài Loan, với chi phí người bệnh vô cùng bất ngờ vì quá rẻ. Quá cảm kích tay nghề, tấm lòng của các y bác sĩ, ông đã ủng hộ số tiền 100 nghìn USD để BV Việt Đức dùng đào tạo cán bộ y tế của BV tại Đài Loan về lĩnh vực ghép tạng.
Bộ trưởng Tiến cho biết, những năm qua, nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam và Việt kiều đã đến Việt Nam khám chữa bệnh. Trong năm 2018 ước tính có khoảng 300.000 người nước ngoài khám chữa bệnh ở Việt Nam, trong đó hơn 57 nghìn người điều trị nội trú. Bệnh nhân người nước ngoài thường lựa chọn các dịch vụ như: Can thiệp tim mạch, nha khoa, ngoại khoa, ung thư và thẩm mỹ vì chi phí rất rẻ trong khi chất lượng điều trị không thua gì các nước.
Việt Nam ngày càng làm chủ nhiều kỹ thuật khó, tay nghề cao, thu hút bệnh nhân nước ngoài sang chữa trị.
Theo Bộ trưởng, thường các dịp lễ Tết, lượng kiều bào, người nước ngoài về Việt Nam ăn Tết, thực hiện các can thiệp thẩm mỹ, nha khoa là rất lớn, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, thu hút bệnh nhân người nước ngoài, bệnh nhân có điều kiện ở Việt Nam không ra nước ngoài chữa trị mà khám chữa bệnh ngay trong nước, Bộ trưởng Y tế yêu cầu các bệnh viện cần nâng cấp chất lượng.
“Cần nâng cấp chất lượng một cách đồng bộ từ tuyến xã, huyện, tỉnh, trung ương. Việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh sẽ được thực hiện toàn diện để kéo những bệnh nhân ở tuyến trung ương có thể về tuyến tỉnh, bệnh nhân tuyến tỉnh về tuyến huyện thay vì phải đổ dồn lên tuyến trên hoặc phải ra nước ngoài trị bệnh.
Đặc biệt, các bệnh viện tuyến TW không được vơ bát bỏ mâm. Tại sao tuyến trung ương lại cứ chữa mấy cái viêm ruột thừa, bó bột, đau bụng, nhức đầu… dẫn đến quá tải, làm mất hết hình ảnh bệnh viện. Như BV Y Dược TP HCM mỗi ngày 6000 – 8000 nghìn khám, bệnh viện quá tải nhếch nhách BV, tôi chỉ đạo dứt khoát xuống 4000, không thể khám đông như vậy.
Các bệnh viện tuyến cuối vẫn cứ loay hoay vì quá tải, tập trung khám bệnh thông thường mỗi ngày 6 – 7 nghìn bệnh nhân, mất hết thời gian. Giờ cần giảm xuống khám 4 nghìn bệnh nhân để tập trung phát triển kĩ thuật cao. Phải lọc bệnh nhân về tuyến xã, huyện, tỉnh. Mổ ruột thừa nhất quyết không mổ tại BV Việt Đức. Khi không phải tập trung quá nhiều thời gian giải quyết bệnh nhân nhẹ, bệnh viện tập trung tăng cường kĩ thuật cao”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chia sẻ mong muốn những người bệnh có tiền không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh nữa. Hiện, Bộ Y tế đang xây dựng các cơ sở khám chữa bệnh hiện đại theo thiết kế nước ngoài như Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2, thậm chí mời chuyên gia nước ngoài theo yêu cầu của người bệnh.
Video đang HOT
Theo Bộ trưởng Y tế, hiện có khoảng 30 – 40% bệnh nhân đang nằm điều trị tại tuyến trung ương không cần điều trị ở đây.
Có đến 35,4% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện. Có 41,5% bệnh nhân đến KCB ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở TYT xã.
Bộ trưởng cũng thừa nhận thực tế hiện nay còn hạn chế ở tuyến y tế cơ sở xã phường, trong khi đó đây là nơi chăm sóc sức khỏe của 70% dân số. “Đơn thuốc ở đây không quá 50 nghìn, chúng tôi đang phấn đấu đơn thuốc ít nhất là 120 nghìn. Các cụ già, bệnh tim mạch, tiểu đường… rất phấn khởi, chỉ muốn được khám gần, chăm sóc ổn định, không phải xếp hàng. Chúng tôi quyết tâm thực hiện mô hình kéo ngược bệnh nhân về các tuyến”, Bộ trưởng chia sẻ.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Bức thư bố bệnh nhi viết về người điều dưỡng gây bão facebook Bộ trưởng Y tế
Người bố có con trai mắc bệnh động kinh gửi tâm thư về nam điều dưỡng nơi con điều trị. Bức thư nhận nhiều chia sẻ ngay khi được đăng tải trên facebook của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.
Cậu con trai 10 tuổi của anh Nguyễn Khắc An (Nghệ An) không may mắc bệnh động kinh. Nhiều năm nay, anh cần mẫn đưa con ra BV Việt Đức để thực hiện thủ thuật điện não đồ video giúp xác định chính xác các cơn động kinh, dạng cơn và vùng não phát ra cơn.
Tuy nhiên đã không dưới 5 lần, 2 bố con đi rồi lại về vì để đo được, bệnh nhi phải ngủ say tự nhiên ít nhất trong 3 tiếng. Lần nào, các bác sĩ cũng thất bại vì cứ bôi keo lên đầu để dán điện cực là cháu tỉnh giấc.
Ngày 2/8 vừa qua, anh An lại tiếp tục đưa con trai đến BV Việt Đức nhập viện. GS Pierre Jallon, Đại sứ quốc tế về bệnh động kinh của Hội chống động kinh Quốc tế trực tiếp thăm khám. Dù vậy, để có chẩn đoán chính xác, bệnh nhi vẫn cần phải đo điện não đồ.
Điều dưỡng Hiếu chăm sóc bệnh nhân tại BV
Rút kinh nghiệm những lần thất bại trước, Hiếu và anh An cùng ngồi trong phòng để đợi đến 12 giờ đêm khi cháu ngủ thật say mới bắt đầu dán điện cực.
Gia đình đã xin bác sĩ đặc cách cho cháu được điện não đồ video vào ban đêm. Trực cùng anh An tại phòng bệnh là nam điều dưỡng tên Hiếu.
Nhổ, kéo dây, bôi keo, kẹp bông và dán lần lượt mấy chục cái điện cực chi chít lên đầu đều không sao, nhưng đến cái kẹp tai cuối cùng... thì cháu bật dậy. Mọi sự công cốc khi đồng hồ điểm 1h sáng.
Anh An nói với Hiếu: "Thôi bạn mệt rồi, về phòng nghỉ đi, mai tính tiếp". Hiếu trả lời: "Ta cố một lần nữa anh".
Cứ thế, 2 anh em vừa chờ vừa nói chuyện để chống ngủ gật. 1h30 sáng, cuộc chiến thứ hai bắt đầu. Lại nhổ, kéo dây, bôi keo, kẹp bông và dán nhưng lần này mới được nửa đầu thì bé bỗng mở mắt thao láo. 2 anh em lại cần mẫn gỡ ra.
Anh An khẩn thiết nói với nam điều dưỡng: "Thôi Hiếu ạ, Hiếu về phòng nghỉ đi" nhưng Hiếu nán lại, nói anh An đưa giường xếp để nằm tạm và sẽ cố thêm lần nữa.
"Nói thế nhưng không ai ngủ được cả, trong căn phòng rộng chừng 6 mét vuông ấy, cả 2 lại thức chờ. Nóng, chật và không có ai cả, cả 2 vận quần đùi cho tiện, thú thực lúc ấy không thấy có bất kỳ một khoảng cách nào giữa người nhà bệnh nhân và cán bộ bệnh viện nữa", anh An chia sẻ.
2h45, cuộc chiến thứ 3 bắt đầu, Hiếu lại rón rén dán từng cái. Ơn giời lần này thành công. Cả 2 anh em ngồi đợi máy chạy đến 5h sáng để in lấy kết quả.
"Hiếu cười như thể vừa chính phục được đỉnh Everest vậy. Thương và cảm phục bạn ấy quá. Tôi bỏ chút quà gọi là cảm ơn nhưng Hiếu kiên quyết từ chối. Hiếu nói: &'Anh cứ cầm đi, anh còn nhiều việc phải lo cho cháu, em không nhận đâu anh ơi", anh An xúc động chia sẻ.
Nhờ có kết quả điện não nên con trai anh An đã được thăm khám và kết luận. Dù nhận được cái lắc đầu của GS Pierre, dù phía trước còn nhiều chông gai nhưng khi chia tay, Hiếu vẫn động viên: "Cố lên anh nhé!".
Anh An tâm sự, cả đời gắn với bệnh viện nhưng chưa bao giờ gặp được một người nào tốt hơn Hiếu.
Cảm động trước sự tận tuỵ không biết mệt mỏi của điều dưỡng Hiếu, anh An đã gửi một bức thư ngỏ đến Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến như một lời tri ân.
"Những nỗ lực của ngành y thời gian qua là không thể phủ nhận. Nhưng ước gì có nhiều hơn những người như Hiếu. Có tiền chúng ta có thể sắm thiết bị máy móc hiện đại, có tiền chúng ta cũng có thể nâng cao trình độ chuyên môn nhưng y đức thì phải chắt chiu từ những tấm gương như là Hiếu phải không chị", anh An gửi gắm đến Bộ trưởng Kim Tiến.
Bức thư này sau đó cũng đã được fanpage của Bộ trưởng Kim Tiến đăng tải lại, nhận được rất nhiều lượt chia sẻ.
Qua tìm hiểu, điều dưỡng Hiếu tên thật là Nguyễn Đức Hiếu, 24 tuổi, hiện đang là điều dưỡng tại khoa Nội hồi sức thần kinh, BV Việt Đức.
Dưới đây là toàn bộ nội dung thư ngỏ:
"Thưa Bộ trưởng,
Tôi biết những dòng này khó đến được với Bộ trưởng, lịch trình công việc dày đặc của một vị Bộ trưởng không cho phép tâm sự của tôi len vào, tất nhiên rồi. Vâng, tôi không dám nhân lên sự bận rộn của Bộ trưởng, đây chỉ là một dòng trạng thái thiên về cảm xúc cá nhân trên facebook thôi.
Con trai tôi 10 tuổi, nhập viện Việt Đức hôm 2/8, Giáo sư Pierre Jallon đã trực tiếp khám cho cháu.
Trước khi được tiếp xúc với chuyên gia hàng đầu thế giới Pierre Jallon, cháu đã phải mấy lần ra BV Việt Đức để thực hiện thủ thuật điện não đồ video. Bộ trưởng biết rồi đấy, với cái này thì bé nhà tôi phải ngủ say tự nhiên ít nhất trong 3 tiếng đồng hồ. Không dưới 5 lần các bác sĩ thất bại vì cứ bôi keo lên đầu để dán điện cực thì cháu nó lại thức. Hôm mùng 2 tôi cho cháu được nhập viện để xin các bác sĩ đặc cách cho cháu được điện não đồ video vào ban đêm (khi cháu đã ngủ thật say).
Đêm 2/8 kỹ thuật viên trực tên là Hiếu. Thú thực với Bộ trưởng, cả đời tôi gắn với bệnh viện nhưng chưa bao giờ gặp được một người nào tốt hơn Hiếu. Rút kinh nghiệm những lần thất bại trước, tôi và Hiếu ngồi riêng trong phòng điện não đợi đến 12 giờ đêm khi cháu ngủ thật say mới bắt đầu nhẹ nhàng dán điện cực. Nhổ, kéo dây, bôi keo, kẹp bông và dán lần lượt mấy chục cái điện cực chi chít lên đầu không sao cả, nhưng đến cái kẹp tai cuối cùng thì. Oái, cháu bật dậy. Thế là công cốc, lúc ấy tròn 1 giờ sáng. Tôi nói với Hiếu, "thôi bạn mệt rồi, về phòng nghỉ đi, mai ta tính tiếp". Hiếu trả lời "Ta cố một lần nữa anh". Hai anh em lại vừa chờ vừa nói chuyện để chống ngủ gật. 1h30 sáng, cuộc chiến thứ hai bắt đầu. Lại nhổ, kéo dây, bôi keo, kẹp bông và dán lần này thì chưa đến cái kẹp tai, mới được nửa đầu thì cu cậu bỗng mở mắt thao láo. Hai anh em lại lúc cúc gỡ ra. Em khẩn thiết nói với Hiếu "Thôi Hiếu ạ, Hiếu về phòng nghỉ đi".
Hiếu đưa cho tôi mượn một chiếc giường xếp và nói "bây giờ thay nhau, cố thêm một lần nữa". Nói thế nhưng không ai ngủ được cả, trong căn phòng rộng chừng 6 mét vuông ấy bọn tôi lại thức chờ. Nóng, chật và không có ai cả, bọn tôi vận quần đùi cho tiện, thú thực lúc ấy tôi chả thấy có bất kỳ một khoảng cách nào giữa người nhà bệnh nhân và cán bộ bệnh viện nữa.
3 giờ kém 15 cuộc chiến thứ 3 bắt đầu, lần này bọn tôi kẹp 2 tai trước dán keo điện cực sau, tôi và Hiếu lại rón rén từng sợi một, ơn giời lần này thành công. Ngồi đợi máy chạy đến 5 giờ sáng. Hiếu thay đồ, xuống máy in kết quả. Hiếu cười như thể vừa chính phục được đỉnh Everest vậy. Thương và cảm phục bạn ấy quá, tôi bỏ chút quà gọi là cảm ơn, nhưng Hiếu kiên quyết từ chối. Hiếu nói, "Anh cứ cầm đi, anh còn nhiều việc phải lo cho cháu, em không nhận đâu anh ơi".
Nhờ kết quả điện não nên cháu đã được thăm khám và kết luận.
Tôi biết bệnh tình con em không đơn giản, chiều hôm qua tôi vẫn đủ bình tĩnh để nói một câu bằng tiếng Anh cảm ơn cho dù nhận được cái lắc đầu của giáo sư Pierre Jallon.
Chia tay, Hiếu động viên tôi "Cố lên anh nhé".
Thưa Bộ trưởng, tôi hay nghe ca nhạc trên mạng, nhưng đến lúc này chỉ có hai bài hát thực sự làm tôi tan chảy đó là "Vết thù trên lưng ngựa hoang" do Chu Hoàng Tuấn cùng Thanh Điền thể hiện và bài "Người con gái sông La" do Bộ trưởng trực tiếp hát tặng nữ anh hùng La Thị Tám tại nhà riêng.
Cả hai đều hát mộc, không sân khấu, không ánh đèn và chỉ được quay bằng điện thoại di động nhưng nó diết da chạm đến tận cùng cảm xúc. Ở đời đôi khi là vậy, không cần chi to tát hoành tráng cả. Hiếu cũng vậy, một cậu con trai 9x, không chức vụ gì, không màu mè hoành tráng mà thật đáng yêu, đáng trân trọng.
Những nỗ lực của ngành y thời gian qua là không thể phủ nhận. Nhưng ước gì có nhiều hơn những người như Hiếu. Có tiền chúng ta có thể sắm thiết bị máy móc hiện đại, có tiền chúng ta cũng có thể nâng cao trình độ chuyên môn, nhưng y đức thì phải chắt chiu từ những tấm gương như là Hiếu phải không thưa Bộ trưởng.
Cảm ơn Bộ trưởng, cảm ơn Hiếu, cảm ơn giáo sư Pierre Jallon, tiến sĩ Tuấn và khoa Nội thần kinh, BV Việt Đức.
Tôi
Nguyễn Khắc An".
Theo vietnamnet.vn
Đã tiêm vaccine hay thuốc vào người chắc chắn có phản ứng Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ, tất cả các loại vaccine, kể cả thuốc điều trị đã tiêm vào người thì chắc chắn có tỷ lệ phản ứng từ nhẹ cho đến nặng nhưng chúng ta cần đưa trẻ đi tiêm chủng vì tỷ lệ tai biến rất hạn chế. Tiêm vaccine cho trẻ nhỏ tại Trạm Y tế Phú Nghĩa Ngày...