Bộ trưởng Công thương bị truy về quy hoạch thủy điện
Dù đang đi công tác nước ngoài nhưng Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vẫn nhận được nhiều chất vấn của đại biểu về quy hoạch thủy điện. Có đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm của vị “tư lệnh ngành” này.
Mở đầu phiên chất vấn sáng nay, 19/11, đại biểu Nguyễn Thái Học cho biết, ở kỳ họp thứ 3 và 4, Nghị quyết của Quốc hội đều yêu cầu Bộ Công thương ban hành chính sách cho đồng bào nghèo vùng tái định cư thủy điện trong năm 2013, tuy nhiên, Bộ vẫn chưa có chính sách nào cho người dân.
“Đáng buồn hơn, tại kỳ họp này, khi tôi chất vấn bằng văn bản, Bộ Công thương lại cho rằng đây là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp. Không hài lòng, lần thứ hai tôi gửi chất vấn tới Bộ trưởng Công thương, và câu trả lời vẫn là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp. Đề nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm của Bộ Công thương”, đại biểu Học nêu kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Thái Học chất vấn về trách nhiệm của Bộ trưởng Công thương.
Chia sẻ khó khăn với người dân vùng lũ, đại biểu Nguyễn Văn Phúc nhắc lại thực tế, khi kỳ họp khai mạc, người dân miền Trung đang phải đối phó với bão lũ và giờ phút này “bà con ở Nam Trung Bộ đang khốn khổ vì ngập lụt”. Rồi ông kiến nghị Quốc hội cần có giải pháp căn cơ để giảm thiệt hại về người và tài sản bởi năm nào các vùng này cũng xảy ra bão lũ làm cho đời sống người dân nghèo đi.
Dẫn lại thống kê của Bộ Nông nghiệp rằng mỗi năm bão lũ làm thiệt hại 1/5 GDP, ông Phúc thay mặt cử tri kiến nghị cần quy hoạch lại vùng nông thôn, miền núi thường xuyên bị bão lũ, quy hoạch lại hệ thống thủy điện, thủy lợi.
“Không thể chấp nhận được việc xả lũ mà chính quyền địa phương và người dân không biết. Phải điều tra, xử lý hình sự, không thể để hàng chục người chết như thế, bao nhiêu tài sản bị thiệt hại mà không ai bị xử lý”, ông Phúc thẳng thắn và đề nghị cần điều tra, xử lý nghiêm các vụ phá rừng và làm nhà tránh lũ cho người dân.
Bức xúc trước thực trạng “chúng ta ngồi đây, đồng bào miền Trung đang sống trong lũ”, đại biểu Đỗ Văn Đương khẳng định, nguyên nhân là do thủy điện.
“Thủy điện giữ nước lại để kiếm vài tỷ đồng, trong khi lũ về thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Sao không xả nước từ trước khi bão về? Nếu thủy điện nào không làm thì có thể truy trách nhiệm. Vì lợi ích nhỏ của thủy điện mà để thiệt hại lớn thế là không được”, ông Đương nhấn mạnh.
Video đang HOT
Về chính sách đồng bào nghèo tái định cư, Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát trả lời ngắn gọn rằng sẽ phối hợp với Bộ Công thương để sớm ban hành chính sách. Còn những vấn đề khác, ông Phát sẽ giải trình ở phiên chất vấn chiều cùng ngày.
Do Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đang công tác nước ngoài nên Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải được chủ tọa phiên chất vấn đề nghị trả lời các vấn đề liên quan đến quy hoạch thủy điện và chính sách cho đồng bào tái định cư thủy điện.
Trước đó, thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội sau các kỳ họp thứ 3, 4, 5.
Theo Phó thủ tướng, đến nay, các nội dung Nghị quyết của Quốc hội đã cơ bản được thực hiện nghiêm túc, từng bước đạt kết quả quan trọng. Tuy nhiên, có nhiều nội dung cần phải có thời gian, nguồn lực và tiếp tục thực hiện kiên trì như: quản lý và sử dụng đất đai; xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; quản lý thủy điện; tiêu thụ nông sản; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; quá tải bệnh viện, y đức, an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng chống tham nhũng, xử lý khiếu kiện đông người, trật tự an toàn giao thông…
“Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có việc đã có kết quả bước đầu, song có việc phải tiếp tục thực hiện, Chính phủ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và nhân dân cả nước”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết thúc phần báo cáo của mình.
42 nghìn tỷ nợ đọng xây dựng
Sau giải lao, các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản. Đại biểu Nguyễn Thành Tâm cho biết, kỳ họp trước, ông đã chất vấn Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư về các quy định chi ngân sách và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức để xảy ra nợ đọng song ông chưa nhận được trả lời. Ông băn khoăn liệu rằng trách nhiệm cá nhân đã bị khỏa lấp và yêu cầu làm rõ trách nhiệm tham mưu của Bộ trưởng.
Tương tự, đại biểu Đỗ Văn Đương yêu cầu Bộ Kế hoạch Đầu tư thống kê bao nhiêu dự án đầu tư bị bỏ hoang.
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, số nợ xây dựng cơ bản luôn thay đổi vì công trình được nhà nước trả dần. Năm 2010 đã có thống kê nợ đọng xây dựng là 85.000 tỷ đồng song hiện nay đã giảm xuống còn 42.000 tỷ đồng. Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ khi yêu cầu cấp thẩm quyền không ký đầu tư nếu không tìm được vốn, dự án phải thẩm định có đủ tiền mới ký quyết định. Do vậy, thời gian qua tỷ lệ dự án mới khởi công rất thấp.
Tái chất vấn, hai đại biểu Đỗ Văn Đương và Nguyễn Thành Tâm vẫn yêu cầu Bộ trưởng Bùi Quang Vinh làm rõ trách nhiệm và số các dự án đầu tư không hiệu quả.
Theo Bộ trưởng Vinh, đánh giá các công trình không hiệu quả, lãng phí là rất khó vì thường phải thanh tra và cần thời gian mới đánh giá được. Nếu có kết quả, Bộ trưởng sẽ báo cáo lại cho đại biểu.
Về trách nhiệm của cá nhân để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư cho rằng, trong tài liệu gửi đại biểu, cơ quan này có kẹp vào đó các báo cáo kiểm điểm của địa phương và các bộ, song có rất ít người nhận trách nhiệm hoặc nhận chung chung, ít trường hợp có địa chỉ cụ thể. Báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ cũng kiểm điểm trách nhiệm Chính phủ, bộ ngành, địa phương vì quyết định công trình song không căn cứ nguồn lực, không làm kế hoạch 5 năm…
“Chúng tôi sẽ làm hết mình song chuyển biến phụ thuộc các địa phương”, Bộ trưởng Vinh khẳng định.
Theo VNE
Thủ tướng đồng ý mới được làm thủy điện
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã nhấn mạnh như vậy tại phiên thảo luận của Quốc hội "Quy hoạch thủy điện" chiều qua 13.11.
Thủy điện xả lũ - Ảnh: Diệp Đức Minh
Bộ trưởng cho biết, từ 2006 trở lại đây, theo phân cấp tất cả các thủy điện nhỏ đều giao cho các địa phương phê duyệt quy hoạch, các địa phương có tham khảo ý kiến của các bộ, ngành nhưng quyết định phê duyệt vẫn là của địa phương. Trong tổng số các dự án thủy điện nhỏ đã được quy hoạch thì 65% là do các địa phương phê duyệt quy hoạch.
"Do vậy, những điều mà chúng ta đang nói đây là chúng ta đang nói về chúng ta chứ không phải nói về Chính phủ hay bộ ngành nào. Thủ tướng Chính phủ vừa có yêu cầu, từ nay trở đi, tất cả các dự án thủy điện không phân biệt quy mô khi quyết định đầu tư và trước khi khởi công đều phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nếu Thủ tướng đồng ý mới được khởi công", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Vỡ đập, động đất, phá rừng...
Thảo luận trước đó, đa số các đại biểu (ĐB) đều bày tỏ bức xúc về việc có tới hơn 66% diện tích đất rừng bị mất bởi việc xây dựng các công trình thủy điện chưa được trồng lại theo quy định.
ĐB Danh Út (Kiên Giang) cho rằng, thực tế có chuyện lợi dụng làm thủy điện để phá rừng. Ông đề nghị: Chính phủ cần làm rõ vì sao phần lớn các dự án thủy điện hiện nay không trồng rừng, có dự án giải thích không trồng rừng vì không có đất nhưng có nơi có đất cũng không trồng. "Vì sao làm thủy điện gần 20 năm mà mãi đến năm 2013 Bộ NN-PTNT mới quy định về trồng rừng?", ĐB Út nêu vấn đề.
Chưa bao giờ mối nguy cơ từ các công trình thủy điện vừa và nhỏ lại phát lộ nhiều như lúc này, xảy ra nhiều sự cố về con người về tài sản, hoa màu, phá vỡ cân bằng sinh thái... nhưng không ai chịu trách nhiệm. ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) chỉ ra rằng: Quá trình vận hành thủy điện ở nhiều địa phương cho thấy, nhiều chủ đầu tư chỉ quan tâm tới lợi nhuận mà không quan tâm tới trách nhiệm và nghĩa vụ đã cam kết.
ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) cho rằng, hiện tượng lũ tăng bất thường, vỡ đập, động đất, phá rừng biến đổi hình thái sinh thái... là do kết quả tất yếu của việc tăng trưởng nóng về thủy điện hơn 10 năm gần đây. "Sự dễ dàng, buông lỏng quản lý trong việc phê duyệt quy hoạch thủy điện đã bắt cả môi trường tự nhiên và người dân gánh chịu thảm họa do sự cố thủy điện gây ra", ĐB Hoàng nói.
Nhường đất cho thủy điện, hơn 40 năm vẫn chưa có điện
ĐB Nguyễn Công Bình (Yên Bái) cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá toàn diện, nhất là việc ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân sau khi nhường đất để xây dựng các công trình thủy điện còn rất mờ nhạt. Ông dẫn chứng, cách đây hơn 40 năm, 5 vạn dân đã phải di chuyển nhường gần 20.000 ha đất để xây dựng thủy điện Thác Bạc (Yên Bái). Nhưng đến nay vẫn còn hơn 1 vạn dân vẫn chưa có điện. "Người dân hỏi nhau rồi hỏi ĐBQH là bao giờ thôn bản mình có điện. Dân nhường đất để làm ra điện nhưng hơn 40 năm vẫn chưa có điện là thực tế không thể chấp nhận", ông Bình bức xúc.
Từ thực tế hơn 65.000 hộ với trên 300.000 nhân khẩu phải di dời để nhường nơi ở của mình cho công trình thủy điện là nguyên nhân chính gây ra nghèo đói và di cư tự do vì nơi ở mới không đảm bảo, ĐB Danh Út đề nghị: "Cần có số liệu cụ thể hơn, làm thủy điện đã có bao nhiêu khu tái định cư đảm bảo được đời sống của người dân được bằng và tốt hơn nơi ở cũ".
ĐB Nguyễn Thái Học chỉ trích gay gắt việc tập trung quá đà và phát triển thủy điện trong một thời gian dài dẫn đến hậu quả là đầu tư thủy điện thành một phong trào. Điều đáng quan tâm là hàng loạt vi phạm lại không được phát hiện hoặc nếu có phát hiện thì cũng không bị xử lý. "Điều này khiến người dân bức xúc cho rằng, các công trình thủy điện có những đặc quyền đặc lợi khác thường nên không bị xem xét xử lý vi phạm", ĐB Học nói.
ĐB Danh Út đặt câu hỏi: "Vì sao hơn 424 dự án bị loại ra trước đó đều thẩm định tác động môi trường tốt nay lại loại vì không tốt cho môi trường?". ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị xác định rõ một số bộ ngành, địa phương liên quan chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm được giao trong tham mưu, thẩm định, phê duyệt quy hoạch.
ĐB Huỳnh Minh Hoàng đề nghị ra nghị quyết về kết quả rà soát chứ không chấp nhận nghị quyết thừa nhận quy hoạch thủy điện, bổ sung loại bỏ những thủy điện nhỏ, tạo lợi nhuận không bao nhiêu nhưng gây ra hệ lụy lớn cho xã hội.
Với tỷ lệ phiếu thuận lần lượt là 84,54% và 85,75%, hôm qua QH đã phê chuẩn ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh giữ chức Phó thủ tướng Chính phủ, với tỷ lệ phiếu thuận đạt trên 84% tổng số ĐBQH. Cùng ngày, Thủ tướng cũng đã có tờ trình đề nghị QH phê chuẩn ông Nguyễn Văn Nên, Phó ban Tuyên giáo T.Ư giữ chức Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Kết quả bỏ phiếu phê chuẩn sẽ được công bố sáng nay, 14.11.
Theo TNO
Chất vấn phải ưu tiên vấn đề bức xúc Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, khi chọn bộ trưởng chất vấn, cần ưu tiên vấn đề nóng, dư luận đang có nhiều bức xúc. - Tại phiên chất vấn của kỳ họp này có nhiều vị "tư lệnh" lĩnh vực "nóng" lại...