Bộ trưởng Công an Tô Lâm: “Không phải tách luật, chia quyền”
Đại tướng Tô Lâm khẳng định điều này khi báo cáo giải trình một số vấn đề về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trước Quốc hội.
Chiều 16/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ý kiến đại biểu Quốc hội vẫn khác nhau về việc có nên từ Luật Giao thông đường bộ hiện hành để xây dựng thành 2 luật là Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trước băn khoăn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, xuất phát từ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Bộ Công an với trách nhiệm quản lý Nhà nước về trật tự an toàn xã hội thì Chính phủ xác định đó là trách nhiệm của Bộ Công an, là bộ phận của trật tự an toàn xã hội nói chung.
Chính vì vậy, Chính phủ và UBTVQH và các cơ quan của Quốc hội đồng ý đề xuất xây dựng luật này. Báo cáo tác động, báo cáo đề xuất và dự thảo luật nói rất rõ trách nhiệm này của Bộ Công an.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết việc xây dựng và trình dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được sự nhất trí rất cao trong Chính phủ, đặc biệt giữa Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải
Video đang HOT
“Trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là của Bộ Công an như một bộ phận của đảm bảo trật tự, an toàn xã hội” – Đại tướng Tô Lâm khẳng định và cho biết nếu Quốc hội đồng ý ban hành luật và giao trách nhiệm cho Bộ Công an thì đảm bảo không tăng biên chế, không lãng phí, không tăng thủ tục hành chính.
“Chúng tôi thảo luận rất kỹ trong tập thể Đảng uỷ Công an Trung ương và cơ quan chuyên trách là sẵn sàng nhận trách nhiệm trước Đảng, trước Nhà nước, trước Quốc hội và Nhân dân về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông” – ông Tô Lâm nói.
Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho rằng, thực tế không phải là tách luật mà quá trình làm luật và sự phát triển chung thì các quy định ngày càng đi vào lĩnh vực cụ thể, quy định chi tiết, nhất là vấn đề liên quan quyền con người, quyền công dân. Thực tế có những luật ban đầu chỉ có 1 luật nhưng sau phát triển lên thành nhiều luật như Luật Đầu tư nay có Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật đối tác công tư; hay Luật Khiếu nại tố cáo thành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.
“Nhiều luật chuyên ngành đi vào chi tiết chứ đây không phải là tách luật, chia quyền” – Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.
Đại tướng Tô Lâm cũng cho biết, luật này cần phải tuyên truyền đến toàn xã hội, từ em nhỏ đến người già phải được tuyên truyền; người tham gia giao thông thì phải học, phải thi nghiêm túc nên có ý kiến đề nghị soạn thảo phải dễ hiểu, dễ nhớ, dễ học, ngắn gọn, dễ triển khai thực hiện vì nếu dài thì khó học, khó triển khai. Do đó, nếu nội dụng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để chung với hạ tầng giao thông và các vấn đề khác nữa thì quá dài.
“Hai luật này được UBTVQH, Chính phủ, thành viên Chính phủ, cơ quan thẩm định và đặc biệt Bộ Công an và Bộ GTVT nhất trí cao, đảm bảo không làm ảnh hưởng lẫn nhau, không vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật” – Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định và cho biết Ban soạn thảo sẽ tiếp thu nhiêm túc các ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.
Thanh tra giao thông sẽ không được dừng xe trên đường
Sau một số lần điều chỉnh, bổ sung, dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ được trình Quốc hội tuần này.
Thông tin trên báo Tiền phong, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (C08, Bộ Công an) - cơ quan xây dựng dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho biết, một trong những điểm mới của luật là đối với công tác tuần tra, xử lý vi phạm trên đường, thay vì hai lực lượng gồm CSGT và thanh tra giao thông được phép dừng xe kiểm tra như hiện nay, luật chỉ quy định một lực lượng là CSGT.
Để mang lại hiệu quả tích cực trong công tác tuần tra, kiểm soát giao thông trên đường khi CSGT là lực lượng chính, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết, sắp tới Cục Cảnh sát giao thông sẽ tham mưu Bộ Công an thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về việc áp dụng thang điểm cho bằng lái và sẽ trừ dần khi tài xế vi phạm thay vì tạm giữ nhiều hiện nay.
CSGT là lực lượng chịu trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông đường bộ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, vỉ phạm pháp luật khác của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật.
Theo ông Bình, hiện nay công tác xử phạt vi phạm giao thông đang áp dụng quá nhiều hành vi vi phạm, riêng Nghị định 100 có tới 2.803 hành vi xử phạt, trong đó hành vi vi phạm dẫn đến tước bằng lái xe tạm thời là 985 hành vi - chiếm 33% các lỗi vi phạm.
"Việc tước bằng lái xe nhiều là không cần thiết, vì sau đó khi xin lại bằng, tài xế-lái xe vẫn xem như chưa vi phạm gì. Vì vậy thời gian tới cần có quy định chặt việc này theo hướng không cần giữ bằng nhưng tài xế cứ vi phạm là bị trừ điểm trên bằng lái, bị trừ nhiều người vi phạm sẽ bị từ chối thi lại hoặc thu hồi bằng lái vĩnh viễn", ông Bình thông tin.
Việc quy định chỉ có một lực lượng là CSGT được dừng xe kiểm tra như trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được cho là để giải quyết vấn đề bất cập hiện nay có nhiều lực lượng cùng ra đường thực hiện tuần tra, kiểm soát, kiểm tra, xử lý vi phạm, gây chồng chéo nhiệm vụ với lực lượng CSGT
Thực tế thời gian qua, Thanh tra giao thông đường bộ cũng ra đường dừng phương tiện để kiểm tra, xử lý vi phạm gây chồng chéo nhiệm vụ với lực lượng CSGT, trong khi hiệu quả xử lý vi phạm không cao.
Theo báo cáo 8 tháng năm 2020, Thanh tra giao thông xử lý 28.558 trường hợp (xử lý vi phạm quá tải 5.881 trường hợp). Trong khi đó, trong 8 tháng, lực lượng CSGT đã xử lý 2.573.546 trường hợp vi phạm, trong đó xử lý vi phạm nồng độ cồn: 118.916 trường hợp, xử lý xe quá tải: 25.202 trường hợp, xử lý ma túy: 865 trường ho ưpj (trong đó lái xe ô tô khách, ô tô tải, vận tải container vi phạm chiếm 0,14 %).
Luật Giao thông đường bộ sửa đổi: Lùi sang Quốc hội khóa 15 xem xét? Những tràng pháo tay nổi lên khi đại biểu Quốc hội đề nghị xin ý kiến về việc có nên tách Luật Giao thông đường bộ ra làm hai luật hay không, rồi mới quyết định có nên cho ý kiến về dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ hay không. Đề nghị lùi sang Quốc hội...