Bộ trưởng Công an: ‘Oan sai là đáng tiếc’
Bộ trưởng Trần Đại Quang cho rằng, nếu xảy ra oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn cần phải điều tra nguyên nhân, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân các cơ quan tố tụng.
Bên lề Quốc hội ngày 5/11, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã có văn bản trả lời để nêu quan điểm về vụ ông Nguyễn Thanh Chấn. Bộ trưởng Quang cho hay, trong quá trình thi hành án, phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn kêu oan, Ban giám thị trại giam đã chuyển đơn của phạm nhân đến Viện KSND tối cao và TAND tối cao xem xét theo thẩm quyền.
“Tôi được biết, các cơ quan chức năng đã nghiêm túc xem xét, điều tra, xác minh và ngày 4/11 Viện KSND tối cao đã có quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội để chờ đưa ra xét xử theo thủ tục tái thẩm. Đây là việc làm cần thiết và đúng đắn”, Bộ trưởng Công an cho biết.
Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang bên hành lang Quốc hội. Ảnh: N.Hưng.
Theo Bộ trưởng Công an, quá trình điều tra, truy tố, xét xử đòi hỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật phải tuân thủ nguyên tắc “trọng chứng hơn trọng cung”; mỗi chứng cứ đều được điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và hội thẩm kiểm tra, xem xét, đánh giá đảm bảo khách quan, toàn diện về tất cả các tình tiết của vụ án theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Trong các giai đoạn tố tụng hình sự, kể cả ở giai đoạn thi hành án, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có trách nhiệm phát hiện và khắc phục kịp thời những sai sót, vi phạm, nhất là oan, sai.
“Quy định của pháp luật tố tụng hình sự rất chặt chẽ, đầy đủ và cụ thể cho nên nếu để xảy ra oan, sai thì đó là điều rất đáng tiếc”, người đứng đầu Bộ Công an nói.
Video đang HOT
Theo Bộ trưởng, sắp tới TAND tối cao sẽ xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự tái thẩm. Nếu tòa án kết luận phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn bị oan, thì phải kịp thời minh oan, khôi phục đầy đủ quyền lợi hợp pháp, bồi thường cho người bị kết tội oan; điều tra xử lý nghiêm người phạm tội.
Về trách nhiệm của các cơ quan tố tụng khi để xảy ra án oan, Bộ trưởng Trần Đại Quang nêu rõ: “Phải điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến oan, sai, xác định trách nhiệm, xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân thuộc cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử oan đối với ông Chấn theo quy định của pháp luật”.
Về phía ngành, Đại tướng Quang khẳng định, Bộ Công an đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ về các tình tiết có liên quan đến vụ án để xử lý, đảm bảo đúng pháp luật.
Ngày 15/8/2003, chị Nguyễn Thị Hoan bị giết hại tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Ngày 17/8/2003, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố vụ án Giết người Ngày 30/8/2003, Nguyễn Thanh Chấn, trú cùng thôn với nạn nhân, bị công an triệu tập. Ngày 29/9/2003, Nguyễn Thanh Chấn bị khởi tố bị can, tạm giam về tội Giết người. Ngày 3/12/2003, công an hoàn tất kết luận điều tra vụ án Ngày 10/2/2004, VKSND tỉnh Bắc Giang ra cáo trạng truy tố Nguyễn Thanh Chấn về hành vi giết người có tính chất côn đồ Ngày 26/3/2004, TAND tỉnh Bắc Giang tuyên Nguyễn Thanh Chấn phạm tội Giết người, án tù chung thân Ngày 26-27/7/2004, TAND Tối cao tuyên y án sơ thẩm, bác kháng cáo kêu oan của bị cáo. Bản án phúc thẩm có hiệu lực. Ngày 5/7/2013, bà Nguyễn Thị Chiến (vợ Nguyễn Thanh Chấn) có đơn kêu oan gửi đến Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cho rằng thủ phạm giết người là Lý Nguyễn Chung. Ngày 25/10/2013, Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, khai nhận hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan để cướp tài sản Ngày 29/10/2013, VKSND Tối cao khởi tố vụ án hình sự Giết người, cướp tài sản; khởi tố bị can với Chung về hai hành vi này. Cuối tháng 10, bố của Chung là Lý Văn Chúc bị bắt khẩn cấp về hành vi đe dọa giết nhân chứng của vụ án. Ngày 4/11/2013, ông Chấn được tạm đình chỉ thi hành án, trở về.
Nguyễn Hưng
Theo VNE
Vỏ bọc 10 năm của nghi phạm Lý Nguyễn Chung
Sau 10 năm gây ra thảm án giết cô láng giềng ở Bắc Giang, Lý Nguyễn Chung đào thoát và tạo được cho mình vỏ bọc an toàn trong vai một công dân mẫu mực, một người chồng, người cha tốt giữa Tây Nguyên.
Người chồng mẫu mực
Đã 10 ngày trôi qua kể từ khi Lý Nguyễn Chung (SN 1988, quê Lộc Bình, Lạng Sơn) ra đầu thú, gia đình Chung và bà con thôn Đoàn Kết, xã Ea Kmút (huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk) vẫn chưa hết bàng hoàng trước thông tin Chung đầu thú về hành vi giết người, cướp của tại thôn Me (xã Nghĩa Chung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang).
Chiều 5/11, PV Tiền Phong có mặt tại gia đình chị T.T.A.V vợ của Chung tại thôn Đoàn Kết, chứng kiến khung cảnh buồn bã, nặng nề bao trùm. Chị V. thất thần mang bụng bầu ngồi ở góc nhà ôm con gái, rơi nước mắt kể, khi mấy cán bộ công an vào thông báo chồng chị là đối tượng giết người, cướp của trong một vụ án xảy ra cách đây 10 năm, chị như sét đánh ngang tai.
V. rưng rức kể, đầu năm 2010, chị buôn bán trái cây ở thị trấn Ea Knốp (huyện Ea Kar) thì gặp Chung thường chạy xe chở trái cây đi bỏ mối cho các điểm bán lẻ. Thấy anh thiệt thà, siêng năng chị đem lòng thương, đến cuối năm thì cưới rồi đến ở với nhau trong căn nhà nhỏ được người khác cho ở nhờ. V. không có nghề nghiệp, một mình Chung bươn chải lo cuộc sống gia đình.
Nghi phạm Lý Nguyễn Chung trong ngày cưới (Ảnh do gia đình Chung cung cấp).
Năm 2011 vợ chồng Chung quay về thôn Đoàn Kết mua nhà. Khi con gái đầu lòng chào đời, Chung đặt tên con mang ý nghĩa yên bình. Tiếng cười tràn ngập căn nhà nhỏ cũng là lúc nỗi lo cơm áo thêm trĩu nặng. "Anh ấy động viên em cứ ở nhà chăm con, anh sẽ làm việc để đảm bảo cuộc sống gia đình. Ai thuê gì anh cũng làm, không bao giờ than thở hay rầy la vợ con nửa lời. Đôi khi anh còn khóc, bảo thiếu việc làm, lo vợ con sẽ đói khổ" - chị V. kể.
Bữa cơm chan nước mắt
Vẫn theo chị V., mới đây thấy căn nhà nhỏ dột nát, vợ sắp sinh đứa con thứ hai, Chung vay tiền sửa nhà. Làm ngày làm đêm, vợ khuyên nghỉ ngơi, Chung gạt đi: "Anh phải làm nhà xong trước lúc em sinh, để em và con ở ngoài trời anh không đành lòng". Đầu tháng 8, ngôi nhà hoàn thành cũng là lúc cạn tiền. Chung xếp đồ nói đi Gia Lai chạy xe thuê để kiếm tiền trả nợ và lo cho vợ sinh. Chung đi biệt luôn từ đó!
Chỉ đến khi công an tìm tới nhà, V. mới hay chồng bị tình nghi từng gây trọng án. Chung điện về, V. động viên chồng đầu thú. Chung bảo vào tù lúc này thì không ai trả nợ, không ai lo cho vợ con. V. năn nỉ mãi, Chung đành chấp nhận.
Ngày 25/10, V. cùng một số người thân trong gia đình hẹn gặp Chung ở huyện lân cận Krông Năng để đưa ra đầu thú. Tổ điều tra viên của Viện KSNDTC cho phép Chung được ăn bữa cơm cuối với vợ con và gia đình. Chung hỏi V.: "Em có hận anh không?" V. nấc nghẹn: "Em thương anh không hết sao lại hận?". Chung móc trong túi ra 3 triệu đồng đưa cho vợ: "Tiền anh làm thuê, em cầm về tiết kiệm để dành sinh con".
"Chung sống với nhau mấy năm trời, không bao giờ tôi dám nghĩ anh có thể gây ra tội tày đình như vậy. Anh là lao động chính trong gia đình nay bị bắt, nội thì xa, ngoại thì nghèo tôi chưa biết làm sao để nuôi con" - chị V. nức nở.
Sống chung với "sát thủ" 6 năm
Năm 2004, qua giới thiệu của một số người bà con, ông Nguyễn Văn Sự ở thôn Đoàn Kết nhận Chung vào làm thuê. Do nhà vừa kinh doanh vật liệu xây dựng và sản xuất cà phê nên gia đình ông cần lao động thường xuyên. Cẩn thận, ông bắt Chung xuất trình đầy đủ giấy tờ tuỳ thân, bố mẹ của Chung ngoài quê cũng điện vào xin cho con được làm việc nên ông giữ Chung ở lại làm trong nhà.
Trong 6 năm làm việc trong nhà ông, Chung luôn siêng năng, thật thà. "Gia đình buôn bán nên nhiều khi tiền bạc cứ để trên bàn nhưng Chung không mảy may đếm xỉa. Nhiều khi giao tiền và xe cho nó đi nhận hàng, mua bán hết bao nhiêu nó đều về báo lại đầy đủ. Cho tiền nhiều khi nó cũng không lấy vì nó nói con chẳng xài tiền. Nó không ham nhậu nhẹt, chỉ mê mỗi xem bóng đá" - anh Nguyễn Văn Đợi con trai ông Sự cho biết.
Cũng theo người nhà ông Sự, Chung cũng rất quan tâm lo lắng cho gia đình mình ngoài Bắc. Khi gia đình có việc cần, Chung đều ứng tiền để gửi về hoặc trực tiếp về nhà để lo việc gia đình. "Nghe tin Chung là thủ phạm, gia đình tôi ai cũng bàng hoàng" - anh Đợi nói.
Ông Văn Công An, Trưởng thôn Đoàn Kết cho biết, năm 2004 Chung đến tạm trú tại thôn, đến năm 2008 nhập hộ khẩu. Chung là người siêng năng công việc, sống hòa thuận với hàng xóm...
Tổ điều tra viên của Viện KSNDTC cho phép Chung được ăn bữa cơm cuối với vợ con. Chung hỏi V. "Em có hận anh không?". V. nấc nghẹn "Em thương anh không hết sao lại hận?". Chung móc túi, đưa 3 triệu đồng cho vợ: "Tiền anh làm thuê, em cầm về tiết kiệm để dành sinh con".
Theo Vạn Tiếp
Chủ tịch nước: Khẩn trương minh oan, đền bù cho người chịu án oan 10 năm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa có ý kiến yêu cầu thủ trưởng các cơ quan tố tụng chỉ đạo giải quyết theo đúng qui định pháp luật; khẩn trương minh oan, đền bù, khôi phục quyền lợi hợp pháp đối với ông Nguyễn Thanh Chấn sau khi báo chí đưa thông tin. Phó Chủ nhiệm thường trực Văn Phòng Chủ tịch...