Bộ trưởng Công an: ‘Giải quyết tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt trên 87%’
Thượng tướng Tô Lâm cho hay trong năm 2018, tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án đạt trên 81%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Quốc hội dành trọn ngày làm việc hôm nay 13/11 để nghe và thảo luận về các báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật…
Trình bày báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay trong năm 2018, các bộ, ngành đã thực hiện nhiều giải pháp, đấu tranh làm giảm hơn 2,7% số vụ phạm pháp hình sự; tỷ lệ điều tra, khám phá trên 81% (vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra); án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng hơn 88,5%; giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt trên 87%…
Bộ trưởng Công an – Thượng tướng Tô Lâm. Ảnh: Võ Hải
Theo Thượng tướng Tô Lâm, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng đạt nhiều kết quả rõ nét, nhất là trong điều tra các vụ án lớn.
Cùng với đó, các lực lượng chức năng đã “đánh đúng, trúng nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia”, như tụ điểm ma tuý tại xã Loóng Luông, Vân Hồ, Mộc Châu, Sơn La…
“Kết quả trên là rất tích cực, trong điều kiện năm 2018 số tin báo, tố giác tội phạm và số vụ án thụ lý đều tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng số cán bộ không tăng”, ông nói.
Gia tăng tội phạm sử dụng công nghệ cao
Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng Công an nói tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Trong đó tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, nhất là làm giả thẻ thanh toán dịch vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán tiền ảo; cờ bạc, cá độ bóng đá trên mạng Internet thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự xã hội tuy giảm 2,72% về số vụ, nhưng tính chất vẫn nghiêm trọng, cường độ bạo lực gia tăng. Hoạt động của các băng, ổ nhóm tội phạm có sự đan xen, gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực, triệt để lợi dụng danh nghĩa các doanh nghiệp để hoạt động phạm tội, nhất là liên quan đến lĩnh vực “tín dụng đen”, kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật… tại nhiều địa phương.
Tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, nhất là “tham nhũng vặt” trong khu vực hành chính, dịch vụ công.
“Các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng tạo ra các “nhóm lợi ích” nhằm thâu tóm đất công; cho vay sai nguyên tắc, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng”, Bộ trưởng Công an đánh giá.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nói công tác quản lý cán bộ trong lực lượng phòng, chống tội phạm vẫn còn sơ hở nên đã để xảy ra một số vụ án có sự tham gia của sỹ quan cấp cao.
“Một số cá nhân, doanh nghiệp đã móc ngoặc với cán bộ có chức vụ, quyền hạn tại địa phương để tạo các “nhóm lợi ích” hoặc lợi dụng công tác nghiệp vụ, các “tổ chức bình phong” nhằm dùng ảnh hưởng để vi phạm pháp luật, gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước”, bà Nga nói.
Video đang HOT
Đáng lưu ý, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nêu, có những vụ liên quan đến một số sỹ quan công an, quân đội, lãnh đạo một số địa phương đã kéo dài trong nhiều năm, nhưng đến nay mới được phát hiện, xử lý, điển hình như vụ Phan Văn Anh Vũ (Vũ “Nhôm”), vụ Đinh Ngọc Hệ (Út “Trọc”)…
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, Thượng tướng Tô Lâm cho hay, cơ quan chức năng sẽ tổ chức nắm, phân tích, dự báo sát tình hình thế giới, khu vực, trong nước; tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tập trung đấu tranh có hiệu quả với tội phạm có tổ chức, nhất là liên quan đến “tín dụng đen”, núp bóng doanh nghiệp; tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm về ma túy…
“Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm; nâng cao tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; thường xuyên thanh tra, kiểm tra phòng ngừa các trường hợp bức cung, nhục hình, bảo đảm không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội”, ông nhấn mạnh.
Ngày 31/10, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chất vấn Bộ trưởng Công an với phản ánh “vi phạm của cơ quan điều tra là rất khủng khiếp, không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho Viện kiểm sát 86%, xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%, vi phạm tống đạt 100%…”.
Tuy nhiên, sau đó Bộ Công an có thông báo cho hay, tính trong 12 tháng báo cáo Quốc hội (từ 1/10/2017 đến 30/9/2018), tổng số tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đã giải quyết là 104.767 (tỷ lệ giải quyết đạt 87,20%).
So với tổng thể chung số tin báo, tố giác tội phạm đã thụ lý giải quyết thì những vi phạm ông Nhưỡng nêu chiếm tỷ lệ rất nhỏ, trong đó số tin báo, tố giác không thụ lý theo đúng quy định của Cơ quan điều tra là 82/118.731 tin, chiếm tỷ lệ 0,07%.
Anh Minh
Theo VNE
ĐB Lưu Bình Nhưỡng: 'Lỗi của tôi một phần thì cũng có một phần lỗi của đồng chí trưởng ngành'
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, trong câu chuyện lùm xùm giữa ông và Bộ Công an, "lỗi của tôi một phần, thì cũng một phần lỗi thuộc về đồng chí trưởng ngành".
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ với báo chí bên lề Quốc hội ẢNH NGỌC THẮNG
Bên lề Quốc hội sáng 9.11, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đã chia sẻ với báo chí xoay quanh tranh luận về tỷ lệ vi phạm của Cơ quan điều tra Bộ Công an mà ông đã chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm trên hội trường.
Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Đảng đoàn Quốc hội đã giao Ban Dân nguyện làm việc với ông và tại buổi làm việc hôm qua (8.11) đã thống nhất ông có quyền sử dụng bất kỳ hình thức nào để làm rõ câu chuyện .
"Khi người ta đang hiểu lầm về câu chuyện ấy, hiểu lầm cả về tôi và hiểu lầm cả về ngành công an, thì tôi đã phải làm cho rõ. Đấy là một giải pháp. Tôi cũng đã trao đổi cả với anh em báo chí khác và ĐBQH thì tôi cũng đã trao đổi lại với họ cho rõ ràng", ĐB Nhưỡng nói về những phản hồi của mình trên báo chí và trên mạng xã hội xung quanh câu chuyện.
Theo ĐB Nhưỡng: "(Cuộc làm việc) hôm qua đã thống nhất một điều, tôi có thể tiếp tục sử dụng bất kỳ hình thức nào để làm rõ câu chuyện. Nếu các bạn (tức báo chí - phóng viên) thấy cần thiết giúp tôi và giúp Bộ Công an làm rõ câu chuyện này, để nghị trường này là nghị trường thống nhất, để không bị kẻ xấu lợi dụng, thì các bạn cứ làm. Đây không phải là giúp cho cá nhân tôi, mà giúp cho cả Quốc hội, cả Chính phủ, cả ngành Công an và giúp cho cử tri hiểu một cách đầy đủ. Tâm của tôi là tâm sáng. Tôi không có bất cứ một tâm địa gì!".
Bài viết của ông trên facebook cũng gây sự chú ý rất lớn. Ông có thể nói gì về việc mình sử dụng mạng xã hội này để nói lại câu chuyện?
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Sau khi có sự việc đó thì trên facebook có rất nhiều câu chuyện khác nhau và rất nhiều hành vi thiếu văn hóa. Họ thiếu văn hóa với cả nhà nước, cả công an và cả cá nhân tôi.
Tôi cũng suy nghĩ mất 2 đêm, nếu mình không lên tiếng mà giải thích cho rõ vấn đề này (thì không được). (Trong bài viết trên facebook) tôi cũng giải thích rất rõ tôi so sánh con số nào; mong mọi người khi lên facebook, dùng phương tiện 4.0 này, thì phải tỏ rõ mình là một người lịch sự, phải đặt lợi ích của nhà nước, của cơ quan nhà nước, của Quốc hội lên trên, đừng vì một câu chuyện cá nhân; đề nghị các bạn chia sẻ ủng hộ vấn đề chúng tôi đang hoạt động.
Chúng tôi không kêu gọi chống ai, cũng không kêu gọi mọi người ủng hộ cho cá nhân tôi. Tôi chỉ muốn trần tình cho mọi người hiểu và tôi chỉ có 1 bài facebook duy nhất.
Nhưng bài viết trên facebook của ông dường như không được Bộ Công an nhìn nhận như một hành động thiện chí?
Việc nhìn nhận là câu chuyện không ai bắt buộc họ được. Đấy là một điều đáng tiếc. Hành động của tôi là đầy thiện chí, đầy tâm huyết và cực kỳ nhân văn.
Tôi xin nói với các bạn, tôi là một người lính, tôi là một người thầy và trong lực lượng công an cũng có nhiều người là học trò của tôi, tôi yêu quý họ.
Tôi cũng đã được nhiều người trong ngành công an gặp gỡ, điện thoại, trực tiếp chia sẻ về việc này, cho nên, tôi thấy mình làm gì phải vì cái chung và từ hôm đó tôi cũng dừng lại, không viết thêm bất cứ một bài nào cả.
Tôi cho rằng, một văn bản pháp luật 2 người đọc hiểu 2 cách khác nhau là điều bình thường, nên mới có chuyện ở tòa này áp dụng thế này, ở tòa khác áp dụng khác. Thế thì câu chuyện mọi người hiểu về cái đó thế nào thì là tùy. Nhưng rất tiếc có người lợi dụng lòng tốt đó của tôi để xoay ra một cái khác.
Nhưng tôi khẳng định rằng, đến thời điểm này, 80 - 85% người trong số đó hầu như chia sẻ và ủng hộ cá nhân tôi. Và đến ngày hôm nay, thấy anh em báo lại là hơn 18.000 người ủng hộ quan điểm của anh. Đây không phải là ủng hộ tôi mà ủng hộ lẽ phải, vì tôi có nặn ra bất cứ một cái gì đâu?
Ông suy nghĩ thế nào về việc ĐBQH dùng mạng xã hội để tương tác với cử tri về công việc của mình?
Xin thưa rằng, khi chúng tôi bắt đầu vào làm ĐBQH có tập huấn thì người ta nói rằng phải sử dụng báo chí và cả mạng xã hội để tương tác.
Ông có nói rằng các phản ứng của ông là "trần tình" lại câu chuyện và chất vấn trên hội trường của ông là không gãy góc. Vậy xin ông nói lại đâu là điểm không gãy góc để dẫn đến toàn bộ sự không hiểu nhau này?
Nếu tôi nói như thế này: Trong so sánh vi phạm pháp luật của các cơ quan tư pháp, giữa cơ quan điều tra của Bộ Công an với cơ quan điều tra của Viện kiểm sát tối cao và các cơ quan điều tra khác được giao thực hiện một số nhiệm vụ điều tra, thì vi phạm của cơ quan điều tra của Bộ Công an là cao nhất. Bởi vì không có thời gian (để tôi nói được đầy đủ như thế), tôi chất vấn một lúc 3 bộ trưởng.
Nghĩa là từ "khủng khiếp" ông sẽ thay bằng "là cao nhất"?
Đúng vậy. Nếu tôi nói như thế. Nhưng tôi cũng nói với các bạn là trong các câu chuyện bình thường tôi cũng hay dùng từ "khiếp thật", "khủng khiếp thật".
Ông đã nói lẽ ra Bộ trưởng Tô Lâm nên phản hồi lại chất vấn của ông ngay trên hội trường thì câu chuyện sẽ không như hiện nay?
Không phải lẽ ra, mà theo khoản 3 điều 15 của luật Giám sát (luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân - phóng viên) thì người được chất vấn phải trả lời. Thứ hai, các ĐB không được phép chất vấn lẫn nhau. Đây là giám sát của Quốc hội đối với đối tượng giám sát, cho nên ĐB này nhảy bổ vào mà chất vấn người khác là không đúng. Thứ 2 là không ai có quyền công bố tài liệu mật trên hội trường.
Tôi cũng xin trở lại là nếu tôi nói là cao nhất thì đã không có chuyện gì xảy ra hết và tôi nói là cao nhất là không sai một chút nào luôn.
Ông có nghĩ là vì số lượng vụ án cơ quan điều tra của Công an phải thụ lý nhiều hơn rất nhiều lần các cơ quan điều tra khác, nên số lượng vi phạm của họ cũng nhiều hơn?
Tôi không nói về câu chuyện đó. Tôi không bàn về câu chuyện ấy. Đừng đưa câu chuyện ấy áp đặt sang đây. Một cái đĩa và một cái chén thì đừng nên áp đặt vào với nhau.
Tôi không phủ nhận câu chuyện ấy và không phủ nhận công lao của ngành công an. Câu đầu tiên tôi nói là tôi hoàn toàn ủng hộ một cuộc cách mạng trong ngành công an. Chính bản thân tôi nhiều lần lên ANTV để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chuyển 25.000 chiến sĩ về cơ sở - tôi là một trong những người ủng hộ quyết liệt.
Như vậy, áp lực thời gian là nguồn cơn của câu chuyện?
Nói đúng câu chuyện áp lực thời gian, hoàn toàn chính xác. Các ĐB khi phát biểu thỉnh thoảng lại nhìn lên màn hình, thực sự rất áp lực. Một phút, hai phút ở đây là khủng khiếp. Làm thế nào đây để nói hết, nói đầy đủ mà không bị hớ? Tôi khẳng định không một ĐB nào không áp lực về câu chuyện này.
Thế nên mới cần nếu bộ trưởng thấy thế thì bộ trưởng lập tức phản hồi lại ngay để tôi nói lại thì có phải tốt không? Tại sao đồng chí dừng ở mức ấy đến tận thời điểm này để thành ra câu chuyện nói trên? Tôi nói lỗi của tôi một phần, thì cũng phải một phần lỗi ở đồng chí trưởng ngành. Đồng chí đã không thực hiện trách nhiệm của đồng chí theo luật, để câu chuyện xảy ra như thế.
Ông nghĩ câu chuyện này sẽ kết thúc ở đâu?
Kết thúc ở chỗ mọi người phải hiểu và tôn trọng lẫn nhau và phải đặt tất cả trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân, trước cử tri cả nước, không nên vì tự ái hay vì câu chuyện nào làm ảnh hưởng đến cái chung và ảnh hưởng đến từng con người.
Tôi nghĩ rằng, chúng ta không được phép làm tổn thương cá nhân, tổn thương nhà nước.
Xin cảm ơn ông!
Theo TNO
"Còn thời gian tôi sẽ tranh luận với Bộ trưởng vụ gian lận điểm thi" Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, câu hỏi bà gửi đến Bộ trưởng Bộ Công an về đẩy nhanh điều tra những vụ gian lận điểm thi là sự gửi gắm của nhiều cử tri. Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (ảnh VNN). Đánh giá về...