Bộ trưởng Công an đề nghị giữ nguyên đối tượng cảnh vệ
Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung, thay đổi một số đối tượng cảnh vệ trong dự thảo Luật Cảnh vệ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, trong điều kiện ổn định về chính trị hiện nay thì trước mắt chưa nên bổ sung hoặc thay đổi.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải đáp băn khoăn của đại biểu Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn)
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt ban soạn thảo, chiều 21/11, Thượng tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an đã tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh dự thảo Luật Cảnh vệ.
Theo dự thảo luật, đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Cụ thể là Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Uỷ viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng.
“Một số đại biểu có đề nghị bổ sung, thay đổi một số đối tượng nhưng ban soạn thảo thấy rằng trong điều kiện ổn định về chính trị hiện nay của đất nước, trước mắt chưa nên bổ sung hoặc thay đổi như ý kiến đại biểu. Đề xuất này cũng đã được tổng kết thực tiễn trước khi xây dựng dự thảo luật. Trong trường hợp nếu cần bổ sung, thay đổi đối tượng cảnh vệ sẽ thực hiện theo khoản 5 điều 10 dự thảo luật (căn cứ vào yêu cầu chính trị, an ninh trong từng giai đoạn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh hoặc bổ sung đối tượng cảnh vệ và biện pháp cảnh vệ đối với các đối tượng- PV)”- ông Lâm nói.
Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung một số mục tiêu cơ quan cấp tỉnh nằm trong phạm vi của đối tượng cảnh vệ, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, việc bảo vệ trụ sở các cơ quan này đã được lực lượng cảnh sát bảo vệ hoặc các lực lượng chuyên trách khác đảm nhiệm. Đây cũng là mục tiêu quan trọng nhưng không phải đối tượng cảnh vệ, không phải mục tiêu cảnh vệ.
Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc mục tiêu cảnh vệ ở một số khu vực trọng yếu như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Quảng trưởng Ba Đình, đài tưởng niệm… Tuy nhiên, ông Lâm khẳng định: “Đây là nơi người dân có thể đến tham quan, là những khu vực có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng, trung tâm chính trị – văn hóa Ba Đình là mục tiêu đối tượng xấu thường tìm cách xâm phạm nhằm gây bất ổn về an ninh quốc gia và trên thực tế các địa điểm này đã được triển khai thực hiện hoặc phối hợp thục hiện công tác cảnh vệ theo Pháp lệnh chứ không phải như ý kiến một số đại biểu nói rằng nếu quy định như vậy sẽ không có lực lượng đảm nhiệm. Thực tế đây là đối tượng cảnh vệ đã được triển khai. Vì vậy, thừa kế quy định của Pháp lệnh Cảnh vệ, đề nghị tiếp tục quy định những khu vực này là đối tượng cảnh vệ”.
Đối với ý kiến đề nghị bỏ khoản 5 điều 10 của dự thảo về việc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh bổ sung đối tượng cảnh vệ, biện pháp cảnh vệ, ban soạn thảo thấy rằng trong điều kiện nhất định, khi tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có thay đổi, làm xuất hiện yêu cầu phải có những biện pháp cảnh vệ với những đối tượng nhất định mà Luật Cảnh vệ chưa quy định thì cần kịp thời báo cáo để bổ sung nên đề nghị nên giữ nguyên.
Video đang HOT
Đề nghị giữ nguyên phụ cấp đặc thù
Theo Thượng tướng Tô Lâm, thực tiễn công tác cảnh vệ mang tính đặc thù chuyên biệt, luôn phải chủ động thực hiện nhiệm vụ độc lập, thường xuyên phải làm việc ngoài giờ, không kể ngày đêm với nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe, thậm chí hi sinh cả tính mạng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ, nên để động viên cán bộ chiên sỹ cảnh vệ, pháp luật đã quy định được hưởng phụ cấp ưu đãi.
“Để phù hợp thực tiễn và kế thừa quy định của pháp luật, đề nghị tiếp tục giữ nguyên quy định về phụ cấp đặc thù như dự thảo luật”- ông nói.
Thế Kha
Theo Dantri
Cảnh vệ được quyền nổ súng không cần cảnh báo khi bảo vệ yếu nhân?
"Theo dự luật Cảnh vệ, lực lượng cảnh vệ có quyền nổ súng không cảnh báo, nhưng lại có thêm phần mở đóng ngoặc là trừ trường hợp mối đe doạ là phụ nữ và trẻ em... Đối tượng nào cũng có thể là mối nguy hại đến yếu nhân..." - Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt đề nghị đại biểu Quốc hội thảo luận kỹ về quy định này.
Chiều 9/11, Quốc hội dành thời gian thảo luận tại tổ về dự án Luật Cảnh vệ.
Bày tỏ thống nhất với đa phần các quy định được nêu trong dự thảo luật, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Công Hồng góp ý thêm, luật nên quy định, điều chỉnh với toàn bộ hoạt động cảnh vệ trên lãnh thổ Việt Nam và hoạt động của lực lượng cảnh vệ Việt Nam ở nước ngoài.
Theo đại biểu Hồng, quy định như dự thảo chưa bao hàm hết toàn bộ hoạt động của lực lượng này, đặc biệt trong hội nhập quốc tế như hiện nay, sẽ có nhiều nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu các tổ chức quốc tế sang tham dự các sự kiện tại Việt Nam và có lực lượng cảnh vệ của họ đi kèm.
Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh đề nghị thảo luận kỹ để "giải mã" thoả đáng quy định về việc nổ súng của lực lượng cảnh vệ khi làm nhiệm vụ bảo vệ yếu nhân.
Ông Hồng dẫn chứng sự kiện Tổng thống Mỹ Obama đến Việt Nam, có cả một bộ máy sang bảo vệ. Vậy việc sử dụng vũ khí, phương tiện của lực lượng cảnh vệ nước ngoài sẽ do văn bản nào điều chỉnh - đại biểu băn khoăn.
Ngoài ra, ông Hồng cũng nhấn mạnh, hoạt động của lực lượng cảnh vệ bảo vệ lãnh đạo đất nước đi công tác nước ngoài hiện cũng chưa có trong phạm vi điều chỉnh của luật. Đại biểu cho rằng, có thể quy định các đối tượng này bằng một nguyên tắc chung là hoạt động phải tuân thủ các cam kết của Việt Nam với các nước và các văn bản khác liên quan.
Đại biểu Đặng Xuân Phương (Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp) đề nghị bổ sung thêm quy định về các sự kiện đặc biệt quan trọng được áp dụng chế độ cảnh vệ đối với Đại hội Đảng của lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân. Ông Phương phân tích, hiện Tổng Bí thư, Chủ tịch nước... đều đã tham gia Đảng ủy Công an Trung ương và là những lãnh đạo chủ chốt sẽ có mặt trong các sự kiện này.
Đại biểu Phương cũng cho rằng, cảnh vệ là lực lượng đặc thù, làm nhiệm vụ rất vất vả, nên chế độ chính sách phải có những ưu đãi phù hợp, kể cả trang phục, để thể hiện được uy lực riêng.
Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt đề nghị các đại biểu quan tâm thảo luận sâu thêm một số vấn đề như thẩm quyền nổ súng của lực lượng cảnh vệ.
"Quyền nổ súng của cảnh vệ khác với Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ mà Quốc hội đã thảo luận. Theo dự luật, lực lượng cảnh vệ có quyền nổ súng không cảnh báo, nhưng lại có thêm phần mở đóng ngoặc là trừ trường hợp mối đe doạ là phụ nữ và trẻ em... Đối tượng nào cũng có thể là mối nguy hại đến yếu nhân.
Ví dụ như Mỹ, chỉ cần xâm nhập Nhà trắng là lực lượng cảnh vệ có quyền tiêu diệt, không cần phải cảnh báo, phải hỏi ai. Tất nhiên, quy định đó hai mặt, một mặt, điều đó đặt ra yêu cầu người trang bị súng phải đàng hoàng, chững chạc, điêu luyện, có kiến thức, bản lĩnh kinh nghiệm để xét ai đáng bắn, ai không đáng bắn, khi nào bắn, khi nào không bắn. Nhưng ngược lại, giữa ranh giới cần bắn và không cần bắn phải rõ ràng. Khi trao quyền quá lớn mà không kiểm soát quyền lực ấy thì dễ lạm quyền; còn ngược lại, chần chừ trong quyết định thì cũng mất thời cơ" - ông Võ Trọng Việt nói.
Ngoài ra, ông Võ Trọng Việt cũng lưu ý về quyền trưng mua, trưng dụng tài sản của lực lượng cảnh vệ.
Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh phân tích: "Hiện chỉ có một số Bộ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh có quyền này, nhưng quy định cụ thể không đưa vào luật thì anh em cảnh vệ không phát huy được công việc của mình, ví dụ như trưng dụng cái xe (khi truy đuổi) mà không được quyền là không được. Ta phải nghiên cứu để giải mã vấn đề này, sao để quy định không trái với luật trưng mua, trưng dụng mà phát huy được nhiệm vụ bảo vệ lãnh đạo Đảng và Nhà nước".
Ngoài ra, về tổ chức của lực lượng cảnh vệ, một số quan điểm cho rằng chỉ bố trí ở trung ương. Tuy nhiên, ông Võ Trọng Việt nêu ra thực tế có huy động anh em công an các tỉnh thành tham gia công tác này, nhưng không được hưởng chế độ như cảnh vệ dù làm việc như cảnh vệ.
"Nếu tổ chức ở địa phương thì phình biên chế, nhưng nếu không tổ chức chế độ chính sách cho anh em như thế nào? Chính sách của anh em cảnh vệ tuân thủ Luật Công an nhân dân và Quân đội nhân dân, nhưng cũng phải có phụ cấp riêng, bởi đây là lực lượng vừa bảo vệ vừa phục vụ" - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh nêu vấn đề.
Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án luật này trước khi thông qua vào kỳ họp sau.
Trước đó, Tờ trình về dự án luật do Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ban hành luật, bởi sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như việc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới đã đặt ra các yêu cầu mới với lực lượng này.
Hiến pháp năm 2013 quy định: "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật" và tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở trong nước và trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, khủng bố có xu hướng gia tăng và việc đất nước đang trong quá trình hội nhập quốc tế cũng khiến yêu cầu đối với công tác cảnh vệ ngày càng nặng nề và phức tạp hơn, cần có các quy định cụ thể tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn.
P.Thảo
Theo Dantri
Bộ trưởng Công Thương: 7-10 ngày nữa có kết luận vụ "nước mắm nhiễm asen" Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 24/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, sau khoảng 7-10 ngày nữa đoàn thanh tra liên ngành sẽ làm rõ việc công bố thông tin về nước mắm nhiễm asen của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) có phù hợp, đúng với...