Bộ trưởng: Có nạn “chặt chém” du khách
Bộ trưởng VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh thừa nhận, thời gian qua, tình trạng đeo bám, chặt chém khách du lịch đã ảnh hưởng xấu tới ấn tượng của khách du lịch nước ngoài về Việt Nam.
Tại phiên chất vấn sáng 13/6, nhiều đại biểu QH chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hoàng Tuấn Anh về tình trạng đeo bám, chặt chém khách du lịch.
Đại biểu Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh) đặt vấn đề: Một số địa phương có biểu hiện chèo kéo, đeo bám, “chặt chém” khách du lịch. Đại biểu Đào Xuân Yên (Thanh Hóa) cũng cho rằng, hiện tượng này làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam.
Bộ trưởng VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thừa nhận đây là tình trạng gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bộ trưởng cũng cho biết, thời gian qua, hiện tượng đeo bám, chặt chém khách du lịch cũng như giá cả sản phẩm, dịch vụ du lịch quá cao so với thực tế đã gây ấn tượng xấu trong mắt du khách nước ngoài. Nguyên nhân là do sự phối hợp liên ngành, kiểm tra giám sát các điểm có nguy cơ “chặt chém” chưa tốt; các văn bản liên quan để xử lý chưa đầy đủ, mức độ xử phạt còn nhẹ…
Để khắc phục tình trạng trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân vừa chỉ đạo giải quyết những vấn đề ảnh hưởng lớn tới hình ảnh du lịch Việt Nam.
Video đang HOT
Bộ trưởng VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh cho biết, tình trạng đeo bám, “chặt chém” khách du lịch phải được loại bỏ. Sản phẩm, đồ ăn uống du lịch phải được niêm yết giá công khai. Các địa phương sẽ phải tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân đối với các hoạt động du lịch.
Đội quân bán hàng rong ở Hồ Gươm luôn đeo bám khách Tây để “chặt chém”
Đại biểu Nguyễn Hoài Phương hỏi Bộ trưởng: “Một số ý kiến cho rằng nên lập cảnh sát du lịch. Bộ trưởng nghĩ sao?”.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh xin ghi nhận ý kiến này. Ông cũng cho biết thêm, ông đã gặp Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang. Đại tướng cho biết sẽ suy nghĩ việc này và xin ý kiến Thủ tướng.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, trong lúc chưa có, tôi đề nghị cảnh sát trật tự cùng tham gia bảo vệ du khách. Ở TP Hồ Chí Minh có lực lượng thanh niên xung phong tham gia bảo vệ trong 30 điểm nóng về du lịch. Ngoài ra, các tỉnh nên đầu tư lắp hệ thống camera để giám sát hoạt động du lịch.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, một số nước như: Campuchia, Malaysia, Thái lan, Indonesia, Ai cập… đã thành lập cảnh sát du lịch tập trung ở các điểm du lịch trọng điểm.
Theo 24h
Hà Nội kiến nghị thành lập lực lượng cảnh sát du lịch
"Bất lực" trước tình trạng "chặt chém" du khách nước ngoài liên tục diễn ra trên địa bàn thành phố, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã kiến nghị đơn vị chức năng thành lập lực lượng cảnh sát du lịch ở những trung tâm lớn.
Để bảo đảm an toàn cho du khách, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã triển khai việc quản lý an ninh trong khách sạn, khu nghỉ dưỡng, các cơ sở lưu trú. Tuy nhiên, việc triển khai còn gặp khó khăn như chưa có các điều khoản pháp luật quy định cụ thể về hành vi vi phạm và chế tài xử lý; chưa có chính sách, biện pháp phù hợp nhằm hỗ trợ, nâng cao hiệu quả quản lý và xử lý các vi phạm.
Hiện tượng chèo kéo du khách nước ngoài rất phổ biến ở Hà Nội
"Ngành du lịch không đủ thẩm quyền, năng lực xử lý tình trạng đeo bám, "chặt chém" du khách. Trong khi đó lực lượng chức năng dường như vẫn xem nhẹ chuyện này. Theo tôi chỉ có cảnh sát du lịch mới có thể ngăn ngừa tất cả các hiện tượng ở xã hội xâm hại đến du khách", Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội Mai Tiến Dũng nói.
Theo ông Dũng những vấn đề liên quan đến sự an toàn của du khách, riêng ngành du lịch không thể đứng ra giải quyết hết được. Ngược lại khi động đến du khách là động đến ngành du lịch, động đến hình ảnh quốc gia.
"Nhiều lúc chúng tôi cũng cảm thấy bất lực khi ngăn chặn tình trạng chặt chém du khách. Ví như khi bắt gặp người bán hàng chèo kéo du khách ở giữa đường chúng tôi cũng không có đủ thẩm quyền để vào cuộc giải quyết. Còn nếu gọi điện cho nơi này nơi kia đến xử lý thì sự việc cũng đã an bài", ông Mai Tiến Dũng nêu.
Chính vì lý do đó, ông Dũng tha thiết đơn vị chức năng thành lập lực lượng cảnh sát du lịch để "giúp sức" làm đẹp hành ảnh của Thủ đô.
Trước đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng có công văn đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Công an thành phố, quận Hoàn Kiếm và các đơn vị liên quan xử lý nghiêm khắc đối tượng chèo kéo, lừa đảo du khách.
Sở này đề nghị UBND Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Công an Thành phố, quận Hoàn Kiếm và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra tại các điểm tham quan, lưu trú của khách du lịch. Từ đó lực lượng chức năng kịp thời xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân có hành vi lừa đảo, chèo kéo, đeo bám, chặt chém, trộm cắp đối với du khách.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho rằng, thành phố nên có chế tài xử phạt theo hướng tăng nặng hơn cũng như các biện pháp quyết liệt hơn đối với các đối tượng "chặt chém" du khách. Đồng thời, Hà Nội cũng cần huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch (đặc biệt là khu vực phố cổ quận Hoàn Kiếm) nhằm góp phần khôi phục lại hình ảnh tốt đẹp của du lịch Thủ đô trong mắt bạn bè quốc tế.
Theo Dantri
Đi bar, khách Tây về nhà còn độc... quần chíp Nhiều cú lừa ngoạn mục tại các quán bar, các chợ, hay ngoài đường ở Việt Nam khiến không ít khách du lịch nước ngoài hú hồn và... chạy mất dép. Du khách nước ngoài thường được khuyến cáo không nên mang theo những tài sản có giá trị ở bên người khi đi trên đường. Có thâm niên lâu năm trong nghề...