Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Giá điện có thể điều chỉnh sau Tết
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết như vậy trong cuộc trao đổi bên lề với báo chí sau cuộc họp của các thành viên tổ công tác liên ngành 4 bộ về điều hành kinh tế vĩ mô.
Giá điện có thể điều chỉnh sau Tết
Cụ thể, Bộ trưởng Vinh cho biết, vấn đề tăng giá điện là vấn đề đã được bàn từ lâu vì giá điện Việt Nam thấp hơn các nước rất nhiều. Yêu cầu tính toán để đảm bảo có lợi nhuận là yêu cầu cần thiết cũng như yêu cầu dần dần giá điện tiệm cận với giá thị trường.
Bộ trưởng Vinh cũng nhấn mạnh: “Điều quan trọng là giá thành phải tính chính xác và công khai, minh bạch”.
Theo Bộ trưởng Vinh, có 2 yếu tố giảm giá thành điện. Một là tiêu hao thất thoát, tổn thất đường dây quá lớn, phải giảm đi để giá thành giảm. Thứ 2 là năng suất lao động trong ngành điện hiện nay đang thấp nên cần phải giảm mạnh.
“Nâng cao năng suất lao động và giảm mạnh tổn thất để có giá thành hợp lý hơn trên cơ sở công khai các chi phí về giá thành của điện để mọi người thấy rằng cái giá này chính xác, không phải đưa các yếu tố vào đây”, Bộ trưởng Vinh nói.
Video đang HOT
Bộ trưởng Vinh phân tích rằng, với biện pháp trên sẽ là cơ sở để nâng giá điện lên cho phù hợp với giá thành, đảm bảo có lãi nhất định để ngành điện có thể tái sản xuất đầu tư mở rộng và có hiệu quả, thu hút được đầu tư từ thành phần kinh tế khác tham gia sản xuất nguồn điện.
Ngoài ra, Bộ trưởng Vinh cũng thông tin, Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đưa ra 3 kịch bản tăng giá điện ở các mức độ cao thấp khác nhau.
Đồng thời cho biết, tổ công tác và Chính phủ chỉ đạo trước mắt từ nay đến Tết chưa bàn đến chuyện tăng giá, mặc dù nhu cầu tăng giá rất rõ ràng, cần thiết, nhất là trong lúc lạm phát đang giảm rất mạnh do giá xăng dầu giảm.
“Việc lựa chọn phương án nào, bao giờ sẽ cân nhắc đến tình hình kinh tế chung, tác động của xăng dầu cũng như các yếu tố cấu thành giá thành sản xuất kinh doanh điện để có quyết định đúng đắn, phù hợp, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng cũng như đảm bảo lợi ích của người sản xuất”, Bộ trưởng Vinh kết luận.
Trước đó, EVN đã trình phương án tăng giá điện với mức tăng dự kiến sẽ khoảng 9,5% so với giá bán hiện hành, từ mức 1.508,85 đồng/kWh lên 1.652,19 đồng/kWh.
Theo NTD
Càng khó khăn, càng phải quyết liệt tái cấu trúc kinh tế
Tái cấu trúc nền kinh tế là quá trình đòi hỏi có thời gian dài thực hiện. Muốn tái cấu trúc thành công thì nước ta phải tạo ra nguồn lực đủ mạnh.
Vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm trong tuần qua là những phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, với nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu về Đề án tái cấu trúc nền kinh tế. Ghi nhận những kết quả ban đầu quan trọng của quá trình tái cơ cấu nhưng nhiều đại biểu và không ít cử tri vẫn lo ngại việc thực hiện Đề án còn chậm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do tính chủ quan, sự thiếu đồng bộ và những lực cản mang tính nội tại của bộ máy doanh nghiệp.
Muốn đưa đất nước vượt qua khó khăn, tái cấu trúc thành công nền kinh tế, phát triển bền vững thì trong hoàn cảnh khó khăn, chúng ta càng phải đồng thuận để tạo ra nguồn lực đủ mạnh.
Muốn tái cấu trúc nền kinh tế thành công, Việt Nam cần phải tạo ra nguồn lực đủ mạnh (ảnh: báo công thương)
Qua 3 năm triển khai, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế của nước ta đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, thể hiện qua 3 lĩnh vực quan trọng là: tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp và tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng. Trong tái cơ cấu đầu tư công, nước ta đã làm được nhiều việc quan trọng, như xây dựng khung pháp lý cho quản lý đầu tư công, xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn, cắt giảm nhiều công trình, dự án chưa thực sự cần thiết...
Việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước tuy có chậm nhưng cũng là nỗ lực lớn đáng ghi nhận, từ 12.000 doanh nghiệp nay chỉ còn 1000 doanh nghiệp. Chúng ta đã thông qua Đề án tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước... Việc tái cấu trúc ngành ngân hàng cũng đạt được những kết quả bước đầu, đã tiến hành xử lý nợ xấu, sát nhập những ngân hàng yếu kém, mạnh tay xử lý một số cá nhân cố ý làm trái pháp luật lũng đoạn thị trường tài chính, lập lại kỷ cương trong hoạt động của các ngân hàng thương mại.
Theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri, Đề án tái cơ cấu nền kinh tế đề cập nhiều lĩnh vực của nền kinh tế với lộ trình thực hiện khá dài, nhưng thiếu lượng hóa mục tiêu, chỉ tiêu của từng năm và từng giai đoạn. Ngay cả báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chưa có cơ sở số liệu để tính phân tích, so sánh thuyết phục. Một khi mục tiêu đặt ra thiếu sự lượng hóa thì việc đánh giá mặt được và chưa được từng giai đoạn của quá trình tái cơ cấu sẽ chung chung, thiếu cơ sở để xác định, ràng buộc trách nhiệm. Vì thế, không ngạc nhiên khi nhiều đại biểu Quốc hội thể hiện nỗi lo lắng về nợ công tăng nhanh và sắp chạm trần, số nợ xấu mới mua được rất ít và mua được rồi cũng chưa bán cho ai. Quá trình cổ phần hóa các Tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, nguồn lực dành cho đầu tư phát triển còn ít.
Tái cấu trúc một nền kinh tế là quá trình đòi hỏi phải có thời gian lâu dài. Cho dù so với kỳ vọng thì tái cơ cấu nền kinh tế thời gian qua tuy chậm, nhưng những kết quả ban đầu cho thấy, chúng ta đang đi đúng hướng. Kết quả đó là nền tảng, tiền đề để thực hiện tái cơ cấu nhanh hơn trong thời gian tới. Không thể nóng vội trong thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, bởi nóng vội rất dễ mắc sai lầm. Nhưng cũng không được trì hoãn, mà cần phải làm đồng bộ và quyết liệt, nhằm huy động tất cả tiềm năng cho sự phát triển đất nước. Trước hết là tiềm năng con người.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh có lý khi cho rằng: "Không đổi mới cán bộ thì không đổi mới được nền kinh tế. Đổi mới doanh nghiệp Nhà nước mà vẫn giữ nguyên những con người đã từng sinh ra, lãnh đạo doanh nghiệp đó thì không ai tự chặt chân mình!"
Phải chăng đó chính là nguyên nhân của tình trạng cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước ì ạch lâu nay, khi không ít lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước cố tình trì hoãn không xây dựng đề án tái cơ cấu.
Dân giàu thì nước mạnh. Doanh nghiệp phát triển thì kinh tế đất nước mới vững bền. Tái cấu trúc doanh nghiệp là xương sống của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Đã đến lúc, chúng ta cần mạnh dạn cắt bỏ những biểu hiện của lợi ích nhóm để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Bên cạnh đó là nâng cao tính công khai, minh bạch, sắp xếp hợp lý bộ máy, nâng cao kỹ năng quản trị doanh nghiệp, chấn chỉnh tình trạng lãi giả lỗ thật, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh.
Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng được Chính phủ xác định là mục tiêu cơ bản, nhằm xây dựng một nền kinh tế chất lượng cao hơn, có tính cạnh tranh và bền vững hơn. Càng khó khăn, càng phải quyết liệt tái cấu trúc. Muốn vậy, cần phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược đã đề ra. Bên cạnh tái cấu trúc, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ thể chế kinh tế, đáp ứng nhu cầu từ thực tiễn cuộc sống, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của công dân và doanh nghiệp./.
Vân Thiêng
Theo_VOV
9 tháng đầu năm, trên 70.000 doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, 9 tháng đầu năm 2014, tình hình kinh tế xã hội của cả nước có chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Song thực tế số doanh nghiệp phải giải thể, phá sản, tạm dừng vì hoạt động khó khăn vẫn tiếp tục tăng mạnh. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang...