Bộ trưởng Bộ Y tế: “Viện đông nên tai biến nhiều”
Sáng 30/5 tại Hà Nội, tại hội thảo “Tăng cường thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh, đề án 1816 nhằm góp phần giảm quá tải bệnh viện”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã “hâm nóng” hội thảo bằng câu hỏi: “Quá tải là tại người dân hay tại ngành y tế?”.
Tình cảnh quá tải trầm trọng ở các bệnh viện đã vượt quá mức chịu đựng của người bệnh (Ảnh chụp tại BV Nhi TW. Ảnh: Cẩm Quyên)
“Tại cả đôi bên”
Câu hỏi này đã được Bộ trưởng giải đáp trong lúc trao đổi với báo chí bên lề hội thảo. Bà Tiến cho rằng quá tải bệnh viện đến từ cả người dân lẫn ngành y tế.
“Thu nhập của người dân tăng lên, giao thông dễ dàng hơn và người dân có lòng tin ở các bệnh viện tuyến trên nên muốn lên tuyến trên khám bệnh. Còn về phía ngành y tế, do có sự không đồng đều về năng lực cán bộ giữa các tuyến nên Bộ Y tế đã tăng cường năng lực y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện bằng cách chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực và sắp tới là điều chỉnh nghĩa vụ xã hội của cán bộ y tế bằng cách mỗi cán bộ y tế phải có một thời gian làm việc ở tuyến dưới”, bà Tiến cho biết.
Theo đánh giá của bà Tiến, Bộ Y tế có nhiều giải pháp giảm tải, và một trong những giải pháp đó là nâng cao năng lực khám chữa bệnh, nâng cao điều kiện cơ sở vật chất và con người cho tuyến dưới, tập trung trước mắt vào các chuyên khoa như nội, ngoại, ung thư, sản, nhi để người dân yên tâm chữa bệnh ở tuyến dưới để tránh quá tải.
Đây là một trong những bước đi của Bộ Y tế nhằm nâng cao năng lực của cả hệ thống y tế, đảm bảo công bằng trong khám chữa bệnh.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định trong thời gian tới sẽ điều chỉnh một số điểm bất cập trong luật BHYT (như việc đồng chi trả 30% ngay cả khi không có giấy chuyển viện) và điều chỉnh để giá dịch vụ y tế ở các tuyến có thể khác nhau để giảm bớt những điều trị không cần thiết ở tuyến trên.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện hữu nghị Việt – Đức (Hà Nội) cho biết người dân cũng chịu trách nhiệm một phần trong vấn đề quá tải bệnh viện, bởi có khi hắt hơi sổ mũi họ cũng lên tuyến trên.
Tuy nhiên, ông Quyết cũng khẳng định rằng nói một cách công bằng thì hiện nay, đầu tư cho y tế dù đã gia tăng qua các năm nhưng do ngân sách hạn hẹp nên chưa thể tương xứng với nhu cầu ngày càng cao của người dân.
“Do đó, Nhà nước cần đề ra chủ trương, chính sách đúng đắn để huy động các nguồn lực khác trong xã hội. Ví dụ chính sách xã hội hóa (với điều kiện phải làm đúng hướng) đã giúp giải quyết nhiều vấn đề về nguồn lực cho các bệnh viện”, ông Quyết đưa giải pháp.
Video đang HOT
Chính sách luân phiên cán bộ: Bộc lộ nhiều hạn chế
Được xác định là giải pháp có tính tình thế song việc luân phiên cán bộ (theo đề án 1816) kết hợp với đề án triển khai bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện tuyến trên đã giúp tình trạng quá tải phần nào được cải thiện.
Tuy nhiên, tại hội thảo này, nhiều bất cập của chính sách luân phiên cán bộ, triển khai bệnh viện vệ tinh đã được chỉ ra sau thời gian dài thực hiện.
Bác sỹ của bệnh viện Bạch Mai luân phiên hỗ trợ chuyên môn tại bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái theo đề án 1816 của Bộ Y tế (Ảnh: suckhoedoisong)
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, một trong những điểm hạn chế là thời gian luân phiên 3 tháng/cán bộ/lần luân phiên chưa phù hợp với nhu cầu chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới vì có kỹ thuật cần thời gian chuyển giao trên 3 tháng nhưng có kỹ thuật lại dưới 3 tháng, dẫn tới tình trạng đối phó trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, do khảo sát nhu cầu không kỹ nên có hiện tượng cử cán bộ đi luân phiên không phù hợp, gây lãng phí.
Đó là chưa kể đến định mức cử cán bộ đi luân phiên hiện đang gây khó khăn cho các bệnh viện bởi ngay cả khi đầy đủ nhân lực thì các bệnh viện này vốn vẫn quá tải, nay lại thiếu người thì tình trạng này thêm trầm trọng.
Điểm nóng nhất là trang thiết bị thiếu thốn và trình độ hạn chế của bác sỹ tuyến dưới khiến đề án này không phát huy hiệu quả như mong muốn.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện Việt Đức đề xuất nên gộp đề án bệnh viện vệ tinh với đề án luân phiên cán bộ (1816) làm một để phát huy hiệu quả, góp phần làm giảm quá tải bệnh viện.
Theo ông Quyết, do có chung mục đích là chuyển giao công nghệ, kỹ thuật để giảm tải cho tuyến trên nên nếu gộp 2 đề án lại, nguồn kinh phí không còn phân tán mà sẽ được tập trung để mua sắm trang thiết bị cho các bệnh viện, tạo điều kiện để chuyển giao kỹ thuật thành công.
Bởi, có con người mà không có máy móc thì tình trạng “ngồi chơi xơi nước” sẽ còn tiếp diễn.
Về nguồn kinh phí, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết sẽ huy động từ nhiều nguồn (ngân sách, ODA, …) để mua sắm trang thiết bị, máy móc cho các bệnh viện tuyến dưới để khi có bác sỹ tuyến trên về, họ có đầy đủ điều kiện để thực hiện công việc.
Ngoài ra, theo ông Khuê, trong thời gian tới sẽ có một số điều chỉnh để phù hợp với thực tế. Theo đó, thay vì chuyển giao dàn trải sẽ tập trung vào một số chuyên khoa sâu như ung thư, sản, nhi, tim mạch, …
Thay vì quy định 3 tháng/lần/cán bộ thì nay hình thức chuyển giao sẽ chuyển sang chuyển giao trọn gói kỹ thuật (chuyển giao theo kíp, có thể mất 1, 2, 3 hoặc 6 tháng tùy kỹ thuật). Mục đích của việc này là chuyển giao kỹ thuật dứt điểm, sau đó khống chế việc chuyển viện tại các bệnh viện này.
Nhiều tai biến chắc chắn do trình độ kém Cũng tại Hội thảo này, ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện Việt Đức khẳng định đã tìm hiểu rất kỹ và cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến các tai biến nhiều (như các tai biến sản khoa dồn dập trong thời gian qua) là do chất lượng bác sỹ không tốt. “Tôi cho rằng những anh em ở đó (nơi xảy ra sự cố – PV) thì tinh thần, thái độ là tốt nhưng kinh nghiệm, trình độ còn hạn chế. Vì không có kinh nghiệm, trình độ kém nên xử lý nó không nhanh nhạy. Còn về tinh thần, mong muốn thì rất tốt. Những người làm cán bộ y tế không ai muốn điều xấu xảy ra với bệnh nhân”, ông Quyết nói.
Theo Cẩm Quyên
Vietnamnet
Khó triển khai bệnh viện vệ tinh vì bệnh viện thích... quá tải
Trước áp lực quá tải trầm trọng tại các bệnh viện tuyến trên, Sở Y tế TPHCM đã có phương án sử dụng BV tuyến quận, huyện mới sử dụng 50% công suất để làm BV vệ tinh... Tuy nhiên, khó có thể thực hiện phương án này khi nhiều BV tuyến trên vẫn thích... quá tải.
Quá tải trầm trọng tại các BV tuyến trên ở TPHCM. Ảnh: V.T
Ỳ ạch triển khai
Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM TS. BS Nguyễn Tấn Bỉnh, cho biết, toàn thành phố hiện có 13 BV thuộc bộ ngành, 31 BV đa khoa và chuyên khoa thuộc sở, 23 BV quận, huyện, 322 trạm y tế xã, phường. Ngoài ra, số BV ngoài công lập đã lên đến 34 và 13.000 phòng khám đa khoa, chuyên khoa, nhà hộ sinh, y học cổ truyền.
Tổng số giường bệnh của toàn thành phố hiện nay là 31.088. Tính bình quân có 42 giường và 12,2 bác sĩ trên 10.000 dân.
Chỉ tính riêng trong năm 2011, số lượt bệnh nhân đến khám lên đến 30 triệu, trong đó số lượng nội trú gần 1,3 triệu và điều trị ngoại trú gần 5,2 triệu (152% so với kế hoạch đề ra).
Các BV quá tải nặng nhất phải kể đến BV Nhi Đồng 1 (công suất 123%), Từ Dũ: 126,3%, Hùng Vương: 111,4%, Ung bướu: 247%, Chấn thương chỉnh hình: 129,1%. Không chỉ BV chuyên khoa sâu, nhiều BV đa khoa có thương hiệu lớn trực thuộc TPHCM cũng rơi vào cảnh tương tự như: BV Nhân dân 115 (114%), BV Nguyễn Trãi (100%), Nguyễn Tri Phương (101%), Cấp cứu Trưng Vương (104%), Nhân dân Gia Định (106,5%).
Nguyên nhân quá tải theo ông Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM đó là số giường bệnh của TP chưa đáp ứng nhu cầu (dân số tăng, bệnh nhân tăng, số BV không tăng) BV chưa được tái cấu trúc kịp thời, chưa được xây mới nên vẫn còn chật hẹp...
Điều đáng nói, trong khi các BV tuyến trung ương, thành phố đang quá tải, thì nhiều BV tuyến quận/huyện lại chưa sử dụng hết 50% số giường bệnh như quận 2, 7, 9, quận 12... Trước thực tế trên, chờ đợi đến năm 2015, TP mới có thêm 5.000 giường bệnh, ngành y tế đã nhanh chóng đưa ra phương án "chữa cháy" chuyển các BV quận, huyện trở thành BV vệ tinh cho các BV tuyến trên...
Lý thuyết thì thế, tuy nhiên, các BV cả tuyến trên và tuyến dưới đều ỳ ạch, miễn cưỡng triển khai mặc dù trong các cuộc họp các BV đều "kêu la" quá tải cần phải giảm tải nhanh chóng. BV tuyến trên muốn BV tuyến dưới giao hẳn còn BV tuyến dưới lại... dại gì giao hết. Đó là chưa kể đến, nhiều BV tuyến quận, huyện vẫn còn đắn đo có hợp tác hay không?
BV tuyến trên: Muốn lấy trọn, BV tuyến dưới: 1 - 2 khoa!
Tại buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM mới đây, lãnh đạo BV quận 2 cho rằng với 150 giường bệnh, BV vẫn chưa khai thác hết công suất do chưa triển khai được kỹ thuật, chưa có BS giỏi và hơn hết là chưa thu hút được bệnh nhân. Đơn cử như các khoa Nội - Nhi, Phụ sản... vẫn còn lèo tèo lượng bệnh nhân. Trước thực tế trên, BV Ung bướu TPHCM đã kiến nghị với BV quận 2 giao lại khoảng 50 giường bệnh để triển khai khám sàng lọc và chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2 cho rằng: "Đến thời điểm này, kiến nghị của BV Ung bướu đưa ra, BV quận 2 chỉ mới ghi nhận và đang trong giai đoạn bàn bạc thôi chứ chưa làm được. Còn nhiều thủ tục phải bàn". Do đó, theo BS Khanh, nếu thực sự giao cho BV tuyến TP làm cơ sở 2 thì giao 1 hoặc 2 khoa thôi chứ không thể giao hết cả BV...
Theo BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, khi khảo sát tại BV quận 2 và quận 9 cho rằng, nếu BV quận/huyện giao toàn bộ cho BV Ung bướu làm cơ sở 2 thì BV Ung bướu chắc chắn sẽ giảm tải. "Chúng tôi sẽ đưa nhân sự xuống để phát triển nội khoa, xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ...", BS Minh khẳng định. Tuy nhiên, đến thời điểm này, BV Ung bướu vẫn chưa chọn được BV vệ tinh vì nếu các BV quận, huyện giao khoảng 50 - 100 giường tập trung thì BV Ung bướu mới nhận, còn phân tán mỗi nơi vài giường thì rất khó. BS Minh kiến nghị: "BV quận 2 và quận 9rất gần nhau nhưng chỉ sử dụng khoảng 50% công suất thì rất lãng phí. Do đó, các BV gần nhau nên tập trung lại khám bệnh tại một quận cho người dân khu vực hai quận này. BV còn lại dùng làm BV vệ tinh cho Ung bướu là tốt nhất".
Trong khi đó, lãnh đạo BV quận 2 lại cho rằng, không thể giao cả BV được vì quận 2 có số dân đông. Mặt khác, BV quận 2 cũng đang có dự án nâng cấp, sửa chữa, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật để thu hút người bệnh. Còn BS Trần Dư Đông, Giám đốc BV quận 7 lại kiến nghị, thành phố cần phải xem xét cụ thể nên lấy một số khoa, phòng, giường bệnh vì hằng năm BV quận 7 điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân có bệnh mạn tính, bệnh nhân bảo hiểm y tế và bệnh nhân là công nhân...
Giải pháp BV vệ tinh để giảm tải BV hiện là lựa chọn số một mà ngành y tế đưa ra hiện nay. Ông Huỳnh Công Hùng - Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TPHCM cũng cho rằng nếu các BV của thành phố như Chấn thương chỉnh hình, Ung bướu, Nhi Đồng... chờ xây mới rồi mới giảm tải thì phải chờ 2 năm nữa. Ông Hùng kiến nghị: "HĐND thành phố thấy rằng, những BV quận/huyện không làm hết công năng thì nên giao lại cho BV tuyến trên làm cơ sở 2 hoặc chi nhánh để BV tuyến trên chuyển êkíp BSxuống khám và điều trị, đào tạo nhân lực cho BV. Như vậy vừa giải quyết được cả mục tiêu trước mắt và lâu dài". Tuy nhiên, nếu Sở Y tế không đưa ra danh sách BV rõ ràng mà cứ để cho các BV tự thỏa thuận hợp tác thì khó có thể triển khai BV vệ tinh được.
Chúng tôi xin mượn câu nói của ông Phó Chủ tịch UBND TPHCM tại cuộc họp bàn về giảm tải BV mới đây với Bộ Y tế để dẫn chứng việc giảm tải cần phải nhìn ở một góc độ khác đó là nhiều BV thích quá tải để tăng thu nhập: "BV ở VN lúc nào cũng "la" quá tải, nhưng liệu có muốn giảm tải hay không?".
Theo Võ Tuấn
Lao động