Bộ trưởng Bộ Y tế: Người trở về từ các địa phương phía Nam cần thực hiện nghiêm giám sát, theo dõi, khai báo y tế
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung, miền Bắc (từ tỉnh Phú Yên trở ra) số ca mắc mới COVID-19 trong tuần hầu hết giảm so với tuần trước đó.
Tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh bùng phát là hiện hữu do người trở về địa phương có lịch sử đi lại, trở về từ các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, cần thực hiện nghiêm các biện pháp giám sát, theo dõi và khai báo y tế.
Sáng 15/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với 27 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam từ Phú Yên đến Cà Mau về công tác phòng chống dịch bệnh.
Cùng dự Hội nghị tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành và lãnh đạo các Bộ, cơ quan. Lãnh đạo các tỉnh, thành phố dự Hội nghị tại các điểm cầu địa phương.
Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ các tỉnh khu vực phía Nam, nhất là TP. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang có diễn biến dịch bệnh rất phức tạp.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung. Đánh giá sát tình hình diễn biến hiện nay, dự báo tình hình sắp tới; đánh giá những kết quả đạt được, những việc chưa làm được khi tiến hành các nhiệm vụ, giải pháp thời gian qua; phân tích các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra các bài học kinh nghiệm có thể nhân rộng, phổ biến, học tập để làm tốt hơn trong thời gian tới.
Từ dự báo tình hình đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, bổ sung các quy định, quy chế, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm trọng điểm, tổ chức thực hiện hiệu quả, bảo đảm các điều kiện, phối hợp giữa các lực lượng, các địa phương nhịp nhàng, hiệu quả, tránh trùng lặp, tránh bỏ sót. Thủ tướng đề nghị trên cơ sở thực tiễn, các đại biểu chia sẻ các kinh nghiệm làm được và chưa làm được; nêu các đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành.
“Tinh thần là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân là trên hết, trước hết, các tỉnh đang có dịch phải ưu tiên số 1 cho việc kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh; những nơi an toàn, điều kiện cho phép thì phải tổ chức sản xuất thật tốt để thực hiện mục tiêu kép”, Thủ tướng nêu rõ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tình hình dịch bệnh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Nam đang có diễn biến phức tạp
Video đang HOT
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đợt dịch thứ 4 đã ghi nhận 34.582 ca, trong đó có 33.909 ca trong nước (98%), 7.547 người đã khỏi bệnh (22%), 100 ca tử vong. Có 11 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 7 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát.
Trong tuần, cả nước ghi nhận thêm 8.187 ca mắc mới tại 34 tỉnh, thành phố. Các tỉnh có số mắc tăng cao so với tuần trước: TP. Hồ Chí Minh (tăng 6.338 ca), Bình Dương (458), Tiền Giang (280), Đồng Nai (222), Đồng Tháp (161), Long An (129), Khánh Hòa (117), Vĩnh Long (114).
Nhận định tình hình, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết dịch bệnh trên thế giới đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực; đã xuất hiện các biến chủng mới được cảnh báo nguy hiểm hơn; nguy cơ bùng phát dịch là hiện hữu, kể cả tại các quốc gia đã đạt được độ bao phủ tiêm chủng cao. Trong nước, dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đợt dịch này với biến chủng Delta có khả năng lây lan rất nhanh, đã được ghi nhận tại 58/63 tỉnh, thành phố.
TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Nam đang có diễn biến phức tạp với số ca mắc liên tục gia tăng. Do dịch bệnh đã lây lan rộng trên địa bàn, nhiều ổ dịch xảy ra tại các khu chợ đầu mối, khu công nghiệp, khu dân cư đông người nên trong vài ngày tới, tại TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao, trước khi ổn định và từng bước kiểm soát tình hình khi hết thời gian thực hiện Chỉ thị 16.
Các tỉnh, thành phố khác tiếp giáp với TP. Hồ Chí Minh và các địa phương thuộc khu vực phía Nam (Bình Dương, Long An, Đồng Nai…) cũng tiếp tục ghi nhận nhiều ca mắc mới.
Các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung, miền Bắc (từ tỉnh Phú Yên trở ra) số ca mắc mới trong tuần hầu hết giảm so với tuần trước đó. Tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh bùng phát là hiện hữu do người trở về địa phương có lịch sử đi lại, trở về từ các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, cần thực hiện nghiêm các biện pháp giám sát, theo dõi và khai báo y tế.
Rút ngắn thời gian điều trị tại cơ sở y tế đối với người bệnh không có triệu chứng
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ ngành, địa phương tiếp tục tập trung lực lượng để hỗ trợ dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Bộ Y tế điều động lực lượng cán bộ y tế, tình nguyện viên (khoảng 10.000 người), với 24 đoàn hỗ trợ các quận huyện tại TP. Hồ Chí Minh để khẩn trương triển khai các biện pháp chống dịch.
Bộ đã ban hành hướng dẫn giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, quản lý điều trị bệnh nhân COVID-19, trong đó giảm thời gian cách ly y tế từ 21 ngày xuống 14 ngày cho các đối tượng F1 và người nhập cảnh; hướng dẫn tạm thời cách ly y tế tại nhà phòng, chống dịch COVID-19 cho đối tượng F1.
Tính đến ngày 13/7/2021, cả nước đã thực hiện xét nghiệm RT-PCR cho 14.249.918 lượt người. Trong đó, từ 29/4/2021 đã thực hiện xét nghiệm RT-PCR cho 10.722.979 lượt người.
Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn về công tác xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2, trong đó hướng dẫn thực hiện cả hai phương pháp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm RT-PCR; thực hiện gộp mẫu theo nhóm, hộ gia đình và thí điểm gộp mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh.
Hiện đang cách ly 270.665 người, trong đó 3.564 người cách ly tại cơ sở y tế, 77.435 người cách ly tại cơ sở tập trung và 189.666 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Tổ chức phân loại, thu dung, phân tuyến điều trị từ tuyến cơ sở tới các bệnh viện tuyến cuối; cập nhật, hoàn thiện phác đồ điều trị, tổ chức tập huấn và triển khai mạng lưới trực tuyến tại Bộ Y tế để chỉ đạo chuyên môn, điều phối, hỗ trợ điều trị cho các bệnh viện đang điều trị người bệnh COVID-19. Hỗ trợ các địa phương xây dựng phương án, triển khai thiết lập bệnh viện dã chiến, chuẩn bị cơ sở vật chất để sẵn sàng thành lập bệnh viện dã chiến phục vụ chống dịch.
Nhằm giảm tình trạng quá tải cho các cơ sở y tế đang điều trị người bệnh COVID-19 tại một số địa phương có số lượng người bệnh và nhu cầu điều trị tăng cao (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương…), Bộ Y tế ban hành hướng dẫn mới về quản lý điều trị ca bệnh (F0), trong đó rút ngắn thời gian điều trị tại cơ sở y tế đối với người bệnh không có triệu chứng, ca bệnh phát hiện tại cộng đồng không có triệu chứng lâm sàng, người bệnh đã đủ tiêu chuẩn xuất viện; khi đảm bảo các chỉ số về lây nhiễm và đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly, theo dõi tại nơi lưu trú. Hiện đang điều trị 26.935 người bệnh.
Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo lưu thông hàng hóa cho các tỉnh khu vực phía Nam. Triển khai các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội tại các tỉnh đang có dịch.
Pfizer cam kết cung ứng bổ sung 20 triệu liều vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 12-18 tuổi
Tại cuộc làm việc trực tuyến với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long sáng 14/7, phía Pfizer cam kết đảm bảo cung ứng 20 triệu liều vắc xin COVID-19 Pfizer trong quý IV/2021 để Việt Nam kịp thời triển khai tiêm chủng.
Sáng ngày 14/7, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế đã có cuộc làm việc trực tuyến với ông John Paul Pullicino- Tổng giám đốc Công ty TNHH Pfizer Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trong cuộc làm việc trực tuyến với lãnh đạo Pfizer Việt Nam sáng 14/7 Ảnh: Trần Minh
Tại cuộc họp, Bộ Y tế đã thoả thuận, đàm phán ban đầu với Pfizer về việc cung ứng, bổ sung cho Việt Nam 20 triệu liều vắc xin COVID-19 để tiêm chủng cho trẻ em từ 12 -18 tuổi. Việt Nam hiện có khoảng 9 triệu trẻ em trong độ tuổi này.
Phía Pfizer cam kết đảm bảo cung ứng 20 triệu liều vắc xin này trong quý IV/2021 để Việt Nam kịp thời triển khai tiêm chủng. Bộ Y tế đánh giá đây là tín hiệu tốt trong tình hình hiện nay.
Thông tin từ cuộc họp cũng cho biết, Pfizer sẽ cung ứng cho Việt Nam khoảng 1 triệu liều vắc xin COVID-19 trong tháng 7; 3,4 triệu liều trong 2 tháng 8 và 9. Tiếp đó, khoảng 27 triệu liều vắc xin còn lại sẽ được cung ứng trong quý IV/2021.
Như vậy, cùng với 20 triệu liều vắc xin COVID-19 bổ sung để tiêm cho trẻ em, tổng cộng trong quý IV/2021, Pfizer sẽ cung ứng khoảng 47 triệu liều vắc xin COVID-19 cho Việt Nam.
Các điểm cầu kết nối tại buổi làm việc trực tuyến giữa Bộ Y tế và Pfizer Ảnh:Trần Minh
Với lượng vắc xin COVID-19 cung ứng nhiều trong quý IV rất lớn, Bộ Y tế đề nghị Pfizer sớm cung ứng đủ 31 triệu liều vaccine trong hợp đồng đã ký kết ngay trong quý III/2021 để đáp ứng nhu cầu hiện nay, đồng thời giảm tải cho công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19 trong quý IV/2021.
Cũng tại cuộc họp, hai bên đã trao đổi về dự kiến kế hoạch cung ứng vắc xin COVID-19 của Pfizer trong năm 2022 và vấn đề chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cho Việt Nam hoặc đặt nhà máy sản xuất vắc xin COVID-19 tại Việt Nam.
Đại diện Pfizer cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực để sớm có vắc xin COVID-19 ưu tiên cung ứng cho Việt Nam trong bối cảnh khan hiếm vắc xin trên toàn cầu theo đúng tiến độ trong thoả thuận đã ký kết; tiếp tục nghiên cứu về sử dụng vắc xin COVID-19 cho trẻ ở lứa tuổi nhỏ hơn và phụ nữ có thai.
Hai bên cũng phối hợp chặt chẽ trong việc đảm bảo vắc xin COVID-19 được sử dụng hiệu quả nhất tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và các đại biểu tại điểm cầu Bộ Y tế Ảnh:Trần Minh
Phía Pfizer sẽ tiếp tục thảo luận về đề xuất của Bộ Y tế trong chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin COVID-19 hoặc đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam và phản hồi thông tin trong thời gian sớm nhất.
Bộ trưởng Bộ Y tế "hiệu triệu" toàn ngành sẵn sàng lên đường hỗ trợ các địa phương chống dịch COVID-19 Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi mỗi cá nhân, tập thể trong ngành y tế tiếp tục chung sức, đồng lòng với bản lĩnh, kiến thức, y đức của người thầy thuốc sẵn sàng tình nguyện, lên đường tham gia hỗ trợ các địa phương để chống dịch COVID-19 Trong thư...