Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện: ‘Đặt nền móng cho văn hoá ở thời đại mới’
Nhân dịp Xuân mới 2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã dành thời gian trả lời phỏng vấn báo Đại Đoàn kết về những kết quả của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong năm vừa qua.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.
PV: Thưa Bộ trưởng, trong không khí xuân mới, Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm về những điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2018?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Có thể nói năm 2018 là một năm nhiều dấu ấn đối với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với khởi đầu là đội U23 Việt Nam giành Huy chương Bạc Giải bóng đá U23 châu Á và vào những ngày cuối cùng của năm, đội Tuyển bóng đá Việt Nam đã xuất sắc giành Cup Vô địch Giải AFF Cup – một món quà vô cùng quý giá dành tặng người hâm mộ sau 10 năm mong đợi. Các hoạt động thể thao từ quần chúng tới thể thao thành tích cao đều đạt được những thành tích nổi bật, Đại hội Thể dục thể thao các cấp và Đại hội Thể thao toàn quốc VIII được tổ chức thành công đã khép lại một chu kỳ phát triển khá ấn tượng của thể thao Việt Nam.
Du lịch tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2018 đạt gần 15,5 triệu lượt, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2017, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 620.000 tỷ đồng. Những con số này đang góp phần khẳng định Việt Nam đang và sẽ là một điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện, là tiền đề để du lịch Việt Nam phấn đấu mục tiêu định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ở lĩnh vực văn hóa, công tác quản lý lễ hội ngày một nề nếp hơn, các biểu hiện thương mại hóa lễ hội, lợi dụng lễ hội để trục lợi đã giảm. Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cũng đang có những chuyển biến tích cực, nhan sắc Việt Nam cũng khẳng định vị thế trên đấu trường sắc đẹp quốc tế. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa có nhiều đổi mới, tạo sự lan tỏa, thẩm thấu vào các mặt của đời sống xã hội. Việc thực hiện các giải pháp về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện được triển khai sâu rộng ở cơ sở, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Bên cạnh những kết quả nổi bật đó, trong năm qua, nhiều lần Bộ trưởng cũng chia sẻ những trăn trở về vấn đề xuống cấp đạo đức xã hội. Phải chăng đây cũng là một trong những hạn chế, tồn tại của ngành?
- Trong Nghị quyết số 33-NQ/TƯ đã nêu rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng”. Và thực tế chúng ta cũng có thể thấy, biểu hiện của sự tha hóa len lỏi ở nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh trong đời sống xã hội với các mức độ khác nhau. Đây là hệ quả của rất nhiều yếu tố tác động: từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và của các phương tiện truyền thông mới; những bất cập về thể chế, cơ chế, đi kèm với những yếu kém trong thực thi pháp luật, quản lý xã hội; một số nơi các cấp uỷ Đảng, chính quyền, người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức tới việc bồi dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống, nâng cao văn hóa ứng xử.
Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chưa gương mẫu; việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật vào công tác quản lý nhà nước nói chung còn nhiều hạn chế. Chưa thực sự gắn kết hiệu quả giữa vận động, giáo dục với thực thi pháp luật; việc đầu tư nguồn lực (cả về nhân lực và tài chính) của Nhà nước và xã hội cho việc xây dựng đạo đức, lối sống chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, chưa tạo được sức đề kháng đủ để ngăn chặn hiệu quả sự tác động tiêu cực; sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội chưa đồng bộ. Chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống; chưa nhận thức rõ vai trò của gia đình trong việc hình thành nhân cách của mỗi người.
Do vậy, chống xuống cấp đạo đức, lối sống phải là công việc của cả hệ thống chính trị, phải có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả và cộng đồng trách nhiệm của tất cả các cấp, các Bộ, ngành, địa phương, gia đình, trường học và toàn xã hội. Trong đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Video đang HOT
Như vậy, trong phạm vi chức năng của ngành, đối với vấn đề xuống cấp đạo đức xã hội, ngành sẽ có những giải pháp cụ thể như thế nào?
- Để ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức xã hội hiện nay, trước hết cần phải giải quyết cho được tận gốc 6 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như tôi đã nói ở trên, và cần cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, từng gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang tập trung thực hiện một số giải pháp như tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết số 33-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Bên cạnh đó, ngành sẽ đẩy mạnh xây dựng đạo đức, lối sống mới thông qua xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, nâng cao hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phát huy sứ mệnh của văn học nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sĩ đối với xây dựng đạo đức, nâng cao văn hóa ứng xử, tăng cường phối hợp liên ngành trong xây dựng đạo đức, lối sống như: phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, phát huy hiệu quả phối hợp giáo dục của 3 môi trường “gia đình – nhà trường – xã hội”, tiếp tục thí điểm thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”. Xây dựng và ban hành các bộ tiêu chí đạo đức, quy tắc ứng xử phù hợp với từng lĩnh vực như: du lịch, đào tạo, văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp… Cùng với đó, ngành cũng sẽ làm tốt hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm, kiên quyết chấn chỉnh, xử lý các vi phạm trong các lĩnh vực quản lý của ngành.
Thưa Bộ trưởng, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, với cương vị là tư lệnh của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với nhiều lĩnh vực quan trọng và nhạy cảm, ông có tâm sự gì về ghế nóng của mình trong năm qua?
- Khi Bác Hồ nói “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” với ý nghĩa là văn hóa phải được coi trọng hàng đầu, có vai trò quan trọng nhất, định hướng sự phát triển của đất nước, với tư cách là người đứng đầu ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tôi càng ngày càng thấm thía hơn câu nói trên của Bác. Đầu tiên là văn hóa, và xét cho đến cùng, mọi sự phát triển đều hướng đến thước đo giá trị của văn hóa. Đây là một trong những lý do tại sao UNESCO nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa trong phát triển bền vững.
Ở đây chúng ta cũng cần thấy rằng, văn hóa tồn tại ở tất cả mọi nơi, văn hóa liên quan đến những giá trị cao đẹp, chuẩn mực đạo đức của con người và xã hội nên văn hóa luôn luôn nhạy cảm. Những vấn đề văn hóa, dù có thể chưa biết kết quả trước – sau thế nào, cũng nhận được sự quan tâm của xã hội. Kèm với đó, sự thay đổi của điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội cũng tác động rất lớn đến văn hóa, khiến văn hóa phải thích nghi, biến đổi để phù hợp với bối cảnh. Và cũng chính vì vậy, những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật gặp rất nhiều khó khăn.
Bộ trưởng có kỳ vọng như thế nào về bước phát triển của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong năm mới 2019?
- Năm 2019 là năm cuối cùng thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2009. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các bộ ngành và địa phương tiến hành tổng kết Chiến lược này, từ đó, xác định các bước triển khai tiếp theo. Tôi kỳ vọng nhiều vào những tác động tích cực từ các chính sách, phong trào, hoạt động văn hóa đối với vấn đề đạo đức xã hội.
Chúng ta đã triển khai nhiều phong trào người tốt, việc tốt, có thêm những chính sách đãi ngộ văn nghệ sĩ, nghệ nhân, đi kèm với những chấn chỉnh trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Những chính sách, hoạt động đó đang dần dần đi vào đời sống và lan tỏa để trở thành những giá trị, chuẩn mực, tấm gương tốt cho toàn xã hội. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng là cơ hội để biến khát vọng tăng cường sức mạnh của dân tộc từ văn hóa thành sự thật. Văn hóa có tiềm năng kinh tế và đang chứng minh tiềm năng đó. Phát triển kinh tế từ văn hóa, từ sáng tạo chính là cách phát triển bền vững nhất.
Những chiến công vang dội của thể thao trong năm 2018 cũng là tiền đề để cho chúng ta mong đợi những thành công tiếp theo trong năm 2019, đặc biệt là SEA Games vào dịp cuối năm.
Du lịch Việt Nam đã và đang khẳng định được vị thế. Sự ổn định chính trị, vẻ đẹp của văn hóa, con người cộng với những nỗ lực của những người làm du lịch sẽ giúp cho chúng ta không chỉ đạt được những giải thưởng du lịch quốc tế uy tín, mà thực sự, đạt được giải thưởng từ chính tình cảm của các du khách. Tôi tin tưởng du lịch trong năm 2019 sẽ tiếp tục có những bước tăng trưởng ấn tượng.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Cẩm Thúy – Hoàng Minh (thực hiện)
Theo Daioanket
Bộ trưởng Văn hoá: "Nếu có nhiệm kỳ sau, tôi vẫn bị chất vấn về đạo đức xuống cấp"
"Từ trước đến nay, cứ nói đến đạo đức là các cơ quan nói đã giao cho ngành Văn hoá rồi. Với tư tưởng cứ vứt ra và bảo "đó là việc của các anh, hãy làm đi" như vậy vấn đề xuống cấp đạo đức này còn chưa khắc phục được, thì có đến nhiệm kỳ sau tôi vẫn sẽ bị chất vấn tiếp" - Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện than.
Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện: "Sự xuống cấp của đạo đức xã hội đến trước hết từ các ngành kinh tế".
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 30/10, đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) đề nghị Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao & Du lịch cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng với hiện tượng xuống cấp trầm trọng của đạo đức xã hội vừa qua.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhận định, đây là câu hỏi quan trọng và cũng rất khó, để thực hiện cần thời gian lâu dài. Tại kỳ họp trước, ông Thiện đã từng trả lời câu hỏi này nhưng từ đó đến nay biểu hiện xuống cấp của đạo đức vẫn phức tạp. Đạo đức nghề nghiệp sa sút, đạo đức công vụ, đạo đức chính trị xuống cấp...
Là cơ quan được giao tham mưu cho Chính phủ xây dựng con người mới, khắc phục những biểu hiện xuống cấp đạo đức của con người, xã hội này, sau khi có Nghị quyết 33 năm 2014 của Quốc hội, Bộ Văn hoá đã ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh việc quản lý lễ hội, xét tặng danh hiệu gia đình văn hoá, thôn bản văn hoá, nâng cao hiệu quả của các thiết chế văn hoá như sinh hoạt cộng đồng, phát huy sứ mệnh của văn học nghệ thuật, của các nghệ sĩ để hướng tới đời sống chân thiện mỹ, đấu tranh với những biểu hiện xuống cấp đạo đức.
"Tuy nhiên, qua các biện pháp này, chúng tôi nhận thấy, như Bác Hồ nói, vì lợi ích trăm năm trồng người, để có sự thay đổi tích cực về vấn đề này cần nhiều thời gian hơn. Việc này xét cho cùng cái gốc vẫn là kinh tế nên nếu bỏ qua kinh tế thì không xử lý được. Nếu để một mình ngành văn hoá cứ loay hoay thế này, kinh tế rất thấp thì rất khó" - Bộ trưởng Văn hoá than.
Đạo đức xuống cấp đến từ các ngành kinh tế (!?)
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn tranh luận lại quan điểm của Bộ trưởng Văn hoá rằng xuống cấp đạo đức, cái gốc vẫn là do kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) tranh luận với Bộ trưởng Văn hoá. Ông xác nhận quy luật "phú quý sinh lễ nghĩa", nhưng điều đó không có nghĩa tiền có thể mua được văn hoá, được đạo đức. Tại sao thời gian trước, kinh tế đất nước chưa phát triển, đời sống còn nhiều khó khăn nhưng cuộc sống xã hội rất bình yên, con người hiền hoà, hạnh phúc?
Theo ông Tuấn, yếu tố đầu tiên hình thành nhân cách, đạo đức của một con người chính là trong gia đình, sau đó đến môi trường nhà trường. Tiền nhân đã tổng kết "tiên học lễ, hậu học văn". Hiện việc học "văn", dạy kiến thức văn hoá được đề cao quá mức mà coi nhẹ việc học "lễ". Theo đại biểu, đây chính là nguyên nhân đầu tiên khiến đạo đức xuống cấp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét, đây là vấn đề thú vị để tranh luận, xem kinh tế đi trước hay đạo đức, văn hoá cần chú trọng đầu tiên. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời câu hỏi này bằng văn bản.
Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao & Du lịch cũng giơ biển xin tranh luận với đại biểu. Đứng lên phát biểu, ông nhận xét, quan điểm của đại biểu Tuấn rất đúng. Ông không phản đối, chỉ muốn giải thích thêm.
Ông Thiện nói lại: "Từ trước đến nay, cứ nói đến đạo đức là các cơ quan nói đã giao cho ngành Văn hoá rồi. Với tư tưởng như thế, cứ vứt ra và bảo "đó là việc của các anh, hãy làm đi" như vậy vấn đề xuống cấp đạo đức này còn chưa khắc phục được. Việc này cần cả xã hội vào cuộc. Sự xuống cấp của đạo đức xã hội đến trước hết từ các ngành kinh tế. Vậy nên cứ giao cho Bộ Văn hoá loay hoay thì không giải quyết được".
Bộ trưởng Văn hoá bức xúc dẫn chứng, sự đầu tư của các địa phương dành cho ngành Văn hoá rất thấp. Ông Thiện nêu ví dụ, kinh phí cấp cho việc bảo tồn di tích văn hoá, 3 năm qua chỉ vỏn vẹn 7,3 tỷ đồng.
"Nếu cứ tiếp tục thế này thì có nhiệm kỳ sau tôi vẫn bị chất vấn tiếp" - Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao & Du lịch thở dài.
P.Thảo
Theo Dantri
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện làm Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSUT lần thứ 9 Thủ tướng Chính phủ vừa Quyết định thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSUT) lần thứ 9. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện làm Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSUT lần thứ 9. Ảnh: PV Theo quyết định, Bộ trưởng Bộ Văn hoá...