Bộ trưởng Bộ TT&TT: Xử lý nghiêm báo chí vòi vĩnh, đánh hội đồng
“Tình trạng báo chí vòi vĩnh, ăn tiền doanh nghiệp, đánh đấm hội đồng, lên đồng tập thể chưa có dấu hiệu giảm. Một số cơ quan báo chí và nhà báo vi phạm pháp luật, trái đạo đức nghề nghiệp gây tác hại xấu đến người làm báo chân chính. Có nhà báo nhắn tin cho tôi rằng giờ đi đâu cũng xấu hổ khi phải xưng danh nhà báo” – Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2017.
Sáng nay (14.7), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2017.
Chấn chỉnh các hành vi sai phạm trong hoạt động báo chí
Tại hội nghị, Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn đánh giá, trong 6 tháng đầu năm công tác quản lý Nhà nước (QLNN) trên các lĩnh vực TT&TT tiếp tục được duy trì tốt, góp phần xây dựng Chính phủ và hệ thống hành chính liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh các kết quả đạt được cũng như những vấn đề còn tồn tại trong hoạt động báo chí, xuất bản, thông tin điện tử.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, 6 tháng đầu năm các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại đã thông tin, tuyên truyền tốt, phản ánh đầy đủ, chính xác và kịp thời quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo…
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, quản lý các cơ quan báo chí tại các điểm nóng ở một số địa phương trên cả nước, các thông tin, diễn biến phức tạp liên quan đến các mặt đời sống, kinh tế, xã hội, chính trị,… đã được Bộ TT&TT thực hiện quyết liệt, hiệu quả.
Video đang HOT
Bộ trưởng cho rằng, thời gian gần đây nhiều phóng viên, cơ quan báo chí có những dấu hiệu sai phạm đã bị xử lý nghiêm. Điều này thể hiện sự quyết tâm và cố gắng của Bộ TT&TT trong việc làm lành mạnh hóa lĩnh vực báo chí tại Việt Nam.
“Tuy vậy, tình trạng báo chí vòi vĩnh, ăn tiền doanh nghiệp, đánh đấm hội đồng, lên đồng tập thể chưa có dấu hiệu giảm. Một số cơ quan báo chí và nhà báo vi phạm pháp luật, trái đạo đức nghề nghiệp gây tác hại xấu đến vai trò, uy tín của người làm báo chân chính, làm suy giảm lòng tin của công chúng với báo chí. Có nhà báo nhắn tin cho tôi rằng giờ đi đâu cũng xấu hổ khi phải xưng danh nhà báo” – Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.
Xử nghiêm các trang tin rút tít phản cảm
Tại hội nghị, người đứng đầu Bộ TT&TT đã thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, trong đó có những hạn chế kéo dài. Điển hình như tình trạng báo chí bị thương mại hóa với việc đăng tải thông tin, hình ảnh giật gân, câu khách, thiếu văn hóa, thiếu nhân văn và phản giáo dục. Nhiều trang thông tin điện tử có bài viết, clip mang tính chất cổ xúy, đưa thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam.
Quang cảnh hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2017.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử phải kiểm tra, xử lý nghiêm những trang tin rút tít phản cảm, nhẫn tâm, vô đạo đức.
“Những sai phạm đó chưa được xử lý kịp thời, nghiêm minh. Tới đây phải xử lý kịp thời, trong đó có cả những trang chỉ chuyên đưa lại thông tin” – Bộ trưởng TT&TT khẳng định.
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, trước mắt Bộ sẽ rà soát xử lý 23 trang tin có nhiều dấu hiệu sai phạm mà Cục đã tổng hợp. Nếu phát hiện sai phạm, sẽ buộc các trang này phải thay đổi tên gọi để tránh tình trạng lập lờ giữa trang thông tin điện tử với báo điện tử.
Một số nội dung đáng chú ý khác trong các lĩnh vực TT&TT cũng đã được Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo tại hội nghị.
Cụ thể, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng. Tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, cải cách hành chính và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thực thi nhiệm vụ.
Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm quy định của Luật Báo chí. 6 tháng cuối năm phải quản lý chặt chẽ các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, tăng cường công tác quản lý nhà nước về vấn đề bản quyền và công tác quản lý nhà nước đối với các cơ quan thông tấn, báo chí, hoạt động thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại.
Bên cạnh đó, tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là việc triển khai thực hiện kế hoạch KT-XH 5 năm giai đoạn 2016-2020, công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đấu tranh chống lại các thông tin xuyên tạc, chống phá từ các thế lực thù địch.
Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng từ Trung ương đến địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trên tất cả các lĩnh vực TTTT, đặc biệt là lĩnh vực báo chí, xuất bản, viễn thông, thông tin điện tử, Internet.
Tính đến tháng 6.2017, số lượng cơ quan báo, tạp chí in đã được cấp phép là 982 cơ quan. Trong đó báo in là 193 cơ quan; Tạp chí là 639 cơ quan. Số lượng cơ quan báo điện tử đã được cấp phép là 150 cơ quan, có 17.297 nhà báo được cấp Thẻ nhà báo.
Theo Danviet
Xuất hiện "liên minh báo chí" nhũng nhiễu doanh nghiệp
Bộ Thông tin & Truyền thông vừa cho biết đã xuất hiện hiện tượng một số nhà báo, phóng viên liên kết thành những "liên minh báo chí" hoặc nhóm phóng viên lấy danh nghĩa cùng đi tác nghiệp nhưng thực chất là để nhũng nhiễu các doanh nghiệp.
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo vừa ký Công văn số 2411/BTTTT-CBC về việc chấn chỉnh hoạt động của các Văn phòng đại diện và phóng viên thường trú của cơ quan báo chí.
Công văn nêu rõ, thời gian qua, nhìn chung hoạt động của các Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí tại các địa phương đã tuân thủ đúng quy định của Luật Báo chí; chủ động, tích cực bám sát địa bàn, nắm bắt thông tin kịp thời, đưa tin đầy đủ và toàn diện những sự kiện thời sự, chính trị, kinh tế, xã hội của các địa phương.
Tuy nhiên, công văn nhấn mạnh, bên cạnh đó vẫn còn nhiều trường hợp, do buông lỏng vai trò, trách nhiệm chỉ đạo, quản lý của một số cơ quan chủ quản, báo chí, thiếu quan tâm giáo dục đạo đức nghề nghiệp với phóng viên thường trú và cộng tác viên; không có quy chế quản lý, giám sát chặt chẽ... dẫn đến tình trạng một số văn phòng đại diện và phóng viên thường trú không đủ điều kiện hoạt động; hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích.
Theo công văn, một số cơ quan báo chí buông lỏng công tác quản lý đối với nhà báo, phóng viên và cộng tác viên, không cấp kinh phí hoạt động, không trả lương cho phóng viên, cộng tác viên nhưng vẫn khoán doanh thu quảng cáo.
Điều này đã dẫn đến tình trạng các phóng viên tự sử dụng cộng tác viên và cấu kết với một số đối tượng nhằm sách nhiễu doanh nghiệp để vòi vĩnh, ép ký hợp đồng quảng cáo...
Theo đó, đã xuất hiện hiện tượng một số nhà báo, phóng viên liên kết thành những "liên minh báo chí" hoặc nhóm phóng viên lấy danh nghĩa cùng đi tác nghiệp nhưng thực chất là để nhũng nhiễu doanh nghiệp.
Công văn chỉ rõ, nội dung thông tin trên báo chí do văn phòng đại diện, phóng viên thường trú thực hiện chủ yếu tập trung khai thác các vấn đề tiêu cực, mặt trái, vướng mắc của địa phương, đơn vị trong triển khai các nhiệm vụ kinh tế-xã hội; các vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng...
Thậm chí, một số văn phòng đại diện, phóng viên thường trú hoạt động tác nghiệp không đúng quy định pháp luật về báo chí, đưa thông tin thiếu tinh xây dựng, thông tin sai sự thật, vi phạm đạo đức nghê nghiệp của người làm báo, gây phiền hà sách nhiễu đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, gây bức xúc trong dư luận. Điều này làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của đội ngũ các nhà báo chân chính, gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương.
Trước thực tế trên, Bộ TT&TT yêu cầu các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú thuộc quyền, bảo đảm hoạt động đúng quy định của pháp luật về báo chí và quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Bộ TT&TT yêu cầu các Sở Thông tin & Truyền thông địa phương tổ chức kiểm tra, hướng dẫn văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn thực hiện đúng các thủ tục đăng ký hoạt động theo quy định. Cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ, hoặc báo cáo đột xuất về tình hình hoạt động của các Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú để Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh theo quy định của pháp luật.
Theo Khôi Linh (Dân Trí)
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Viettel luôn đặt lợi ích quốc gia, lợi ích nhân dân lên trên Coi viễn thông, CNTT là huyết mạch cho sự phát triển của đất nước trong bối cảnh cách mạng 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ trong mọi mặt của đời sống, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đánh giá cao dấu ấn của Viettel trong hoạt động nghiên cứu, phát triển, bên cạnh kết quả kinh doanh ấn tượng. Bộ trưởng Thông...