Bộ trưởng Bộ NNPTNT: Thị trường EU là tín chỉ chứng minh giá trị nông sản Việt
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, việc thúc đẩy xuất khẩu các nông sản chủ lực sang thị trường châu Âu (EU) không chỉ góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản mà EU còn là tín chỉ chứng minh giá trị nông sản Việt.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, thị trường EU giống như tín chỉ để chứng minh giá trị uy tín nông sản Việt. Ảnh: Trọng Hiếu.
Liên tiếp những ngày đầu tháng 9 đã chứng kiến các lễ xuất khẩu nhiều loại nông sản chủ lực của Việt Nam sang EU sau khi có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA). Bộ trưởng đánh giá như thế nào về cơ hội xuất khẩu nông sản sang EU sau EVFTA?
- Ngay trong quá trình đàm phán ký kết EVFTA, ngành nông nghiệp được xác định là ngành có rất nhiều lợi thế với 3 trụ cột chính. Một là, có thể đẩy mạnh thương mại xuất khẩu nông sản ở một số nhóm mặt hàng đang có lợi thế như tôm, cà phê, trái cây, gạo…
Hai là, thông qua việc thực thi hiệp định, chúng ta có thể tiếp thu các công nghệ chế biến hiện đại của EU thông qua đầu tư FDI.
Ba là, chúng ta có thể nâng cao năng lực quản trị thông qua các chương trình hợp tác đào tạo quản lý, tập huấn; nâng cao kỹ năng phát triển thị trường để cùng nhau phát triển.
Xuất khẩu cà phê sang EU sẽ tăng. Ảnh minh họa: I.T
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được ký kết vào ngày 30/6/2019 tại Hà Nội, đã được Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam thông qua và chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020.
Với 3 lợi thế đó, ngay từ đầu, ngành nông nghiệp đã phối hợp với Bộ Công Thương, các doanh nghiệp và nông dân chuẩn bị tích cực các điều kiện trước khi hiệp định có hiệu lực.
Theo đó, ngành nông nghiệp tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất theo chuỗi liên kết từ khâu tổ chức nguyên liệu, chế biến sâu đến tiêu thụ sản phẩm.
Chính vì vậy, ngay khi hiệp định có hiệu lực, chúng ta đã đón sóng cơ hội này, tập trung đẩy mạnh các đơn hàng xuất khẩu để tận dụng được ưu đãi về hạn ngạch thuế quan. Theo thống kê sơ bộ, chỉ sau 1 tháng thực hiện hiệp định EVFTA, xuất khẩu nông sản sang EU có thể tăng 15 – 17% so với tháng 7/2020.
Video đang HOT
Xin Bộ trưởng cho biết, những mặt hàng nào đang có lợi thế xuất khẩu sang EU hiện nay?
- Ngay trong hôm nay 16/9, Bộ NNPTNT phối hợp với tỉnh Gia Lai tổ chức lễ xuất khẩu cà phê và chanh leo sang EU theo hiệp định EVFTA, ngày 17/9 tại Bến Tre là lễ xuất khẩu trái cây sang thị trường này sau khi được hưởng các ưu đãi về thuế quan.
Trước đó, đã có lễ xuất khẩu tôm sang EU theo EVFTA tại Ninh Thuận. Tôi đánh giá, gạo, tôm, cà phê, trái cây… đang là những mặt hàng có lợi thế của Việt Nam tại thị trường EU.
Cụ thể, với mặt hàng cà phê, chúng ta hoàn toàn có thể gia tăng giá trị vào thị trường EU sau khi thuế suất giảm từ 15% xuống 0%. Trong tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU đạt 76 triệu USD, tăng 34,7% so với tháng 7/2020.
EU cũng là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (trung bình giá trị xuất khẩu cà phê sang EU đạt 1,2 – 1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua).
Gạo Việt xuất khẩu sang châu Âu cũng có những tín hiệu khả quan. Trong gần 1 tháng triển khai EVFTA, những tác động tích cực đã lan tỏa đến ngành gạo xuất khẩu, cụ thể, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng phổ biến từ 80 – 200USD/tấn.
Rau, quả tươi Việt Nam cũng được đánh giá đã và đang rộng cửa vào EU kể từ ngày 1/8 vừa qua. Hiện EU là thị trường xuất khẩu thứ tư của rau, quả Việt Nam, với nền tảng sẵn có này cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong EVFTA đang tiếp sức để giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với các đối thủ.
Đặt biệt, giá trị xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam sang EU trong tháng 8/2020 ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước.
Riêng đối với ngành thủy sản, việc xóa bỏ thuế quan trong EVFTA kỳ vọng tạo ra cơ hội to lớn cho xuất khẩu thủy sản. EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn.
Tận dụng tốt lợi thế này, từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến tham quan nhà máy chế biến tôm của Tập đoàn Thông Thuận tại Ninh Thuận. Ảnh: D.V
Để tận dụng tốt các lợi thế từ thị trường EU, theo Bộ trưởng chúng ta cần phải ưu tiên những giải pháp gì?
- Đúng là thị trường EU đang mở ra những cánh cửa vô cùng rộng lớn cho nông sản Việt nhưng để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường này, việc tổ chức lại sản xuất theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc là vô cùng quan trọng.
Thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục phối hợp các doanh nghiệp khuyến khích doanh nghiệp tập trung các đơn hàng cho những ngành hàng có lợi thế như rau, quả, thủy sản, nhóm sản phẩm cây cây nghiệp (chè, cà phê, hạt điều); tập trung đẩy nhanh hơn sản xuất theo chuỗi, kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, cần chuẩn bị tốt kỹ năng thương mại để tận dụng các lợi thế.
Song song đó, trong dài hạn, cần có các giải pháp căn cơ, bền vững để đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi, liên kết chặt chẽ với nông dân, hình thành quy trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu, chế biến, thương mại.
Chúng ta phải xác định, với thị trường EU, chúng ta không chỉ khai thác giá trị tuyệt đối của xuất khẩu mà còn thông qua thị trường này làm tín chỉ để chứng minh trình độ sản xuất của nông dân Việt Nam, hàng Việt Nam có thể đi đến bất kỳ nơi nào trên thế giới, từ đó mở rộng dung lượng thị trường.
Năm nay, Bộ NNPTNT đặt mục tiêu xuất khẩu nông sản đạt 41 tỷ USD. Với lợi thế từ thị trường EU, theo Bộ trưởng chúng ta có thể đạt được mục tiêu này?
- Cũng như các ngành kinh tế khác, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt mục tiêu kép, vừa chống dịch Covid-19 thắng lợi vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, xuất khẩu.
Theo đánh giá, kết quả xuất khẩu nông sản 8 tháng năm 2020 rất tích cực, khi EVFTA có hiệu lực, chúng tôi xác định đây là một trong những dư địa tập trung đột phá.
Với những tín hiệu tích cực từ thị trường EU, cộng với tín hiệu từ các thị trường khác, chúng tôi kỳ vọng sẽ đạt được chỉ tiêu tích cực nhất trong hoàn cảnh khó khăn nhất.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Thấy tiếc vì "soi kính hiển vi" mới có một ít lợn sữa, trứng muối xuất khẩu
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết sau hơn 10 năm triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi đã đạt được thành tựu to lớn, tăng trưởng rất nhanh, tuy nhiên đây đó vẫn có lúc phải giải cứu vì không liên kết chuỗi.
Dù là nước xuất khẩu nông sản, nhưng buồn là phải soi kính hiển vi mới thấy sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu như vậy tại hội nghị Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040 tổ chức tại Hà Nội sáng nay (15/9). Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030 tầm nhìn 2040, do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì. Ảnh: Trọng Hiếu
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết trong giai đoạn 2008 - 2018, sản lượng thịt các loại tăng 1,5 lần (từ 3,6 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn), trứng tăng 2,3 lần đạt 11,6 tỉ quả; sữa tươi tăng 3,6 lần lên 936,7 nghìn tấn; thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng 2,4 lần.
"Cùng với trồng trọt, chăn nuôi đã tạo sinh kế cho 6-6,5 triệu hộ trong số 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn. Hẳn Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng còn nhớ, trước đây kĩ sư ra trường tiêu chuẩn được 4 lạng thịt, cho đến hôm nay chăn nuôi đã có bước tiến vượt bậc, hình thành hệ sinh thái bền vững theo hướng hiện đại" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ví von.
Bên cạnh đó, trong 10 năm qua chúng ta cũng đã hoàn thành khung pháp luật cho ngành chăn nuôi, cụ thể là đã ban hành Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, là cơ sở pháp lí vận hành ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn còn một số tồn tại. Trong đó vấn đề lưu ý nhất là 100 triệu tấn phế thải từ chăn nuôi, phải ra tiền chứ sao lại để ô nhiễm? Chúng ta hướng đến mục tiêu xuất khẩu, thì trước hết phải tự sửa làm thật tốt vấn đề này.
Thời gian vừa qua, tốc độ phát triển ngành chăn nuôi rất nhanh nhưng mất cân đối, thịt lợn chiếm tới 70% cơ cấu rổ thực phẩm. Trước đây là hợp lý nhưng bây giờ không hợp lý nữa, vì mức thu nhập bình quân người dân từ chỗ chỉ 400 USD/người/năm thì bây giờ tăng lên 3.000 USD/năm, đòi hỏi thực phẩm phải khác trước, tính toán lại.
"Tính toán lại thì phải đảm bảo 3 khâu quan trọng nhất, đó là sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Nhưng bây giờ chúng ta mới làm được khâu sản xuất, còn chế biến thì lõm bõm lắm. Vẫn chủ yếu là lò giết mổ thủ công, tiêu thụ ở chợ truyền thống, các nhà máy hiện đại chế biến rất ít, kể cả chuỗi gà" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trọng Hiếu
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, khâu tổ chức thị trường sản phẩm chăn nuôi cũng còn yếu, tiêu thụ chợ nông thôn là chính, có tăng trưởng nhưng đây đó vẫn xảy ra chuyện giải cứu vì sản xuất tốt nhưng không liền hoàn chuỗi.
"Mục tiêu đưa chăn nuôi là ngành chính, nhưng xuất khẩu còn rất khiêm tốn. Soi kính hiển vi mới nhìn thấy một ít lợn sữa, trứng muối, thịt gà..., dù nước ta là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu. Trước những hạn chế đó, Bộ NNPTNT đã báo cáo xây dựng một chiến lược chăn nuôi mới có tầm nhìn xa hơn" - Bộ trưởng Cường nói.
Theo đó, chiến lược sẽ khắc phục những tồn tại căn cốt, tổ chức lại chăn nuôi, xác định những định hướng lớn cho phát triển, lấy 3 trục: Kinh tế, môi trường, an sinh là hiệu quả bền vững của mục tiêu chăn nuôi.
Xác định lại cơ cấu, nhìn ra điểm yếu rồi thì sẽ không còn chuyện 70% thịt lợn trong cơ cấu rổ thực phẩm nữa mà phải tăng thịt gia cầm, thịt bò, thay đổi kết cấu ngành hàng phù hợp nhu cầu thị trường. Chăn nuôi phải trở thành ngành kinh tế hiện đại, đồng bộ tất cả các khâu, chăn nuôi phải đi đầu trong kinh tế tuần hoàn, 100 triệu tấn chất thải phải áp dụng công nghệ mới nhất để biến thành phân bón, sử dụng cho cây trồng...
"Đồng thời, lấy mục tiêu xuất khẩu, coi đây là áp lực cần thiết để buộc chúng ta phải làm tốt. Mà để làm được, phải tận dụng yếu tố thời đại công nghệ 4.0, đa dạng sinh thái, đặc biệt là cả 3 khu vực Nhà nước, doanh nghiệp, người dân phải cùng vào cuộc" - vị tư lệnh ngành nông nghiệp nói thêm.
Xuất khẩu cà phê sang EU sau khi có EVFTA có gì khác? EU sẽ xóa bỏ thuế cho toàn bộ các sản phẩm cà phê chưa rang hoặc đã rang, giảm từ 7 - 11% xuống 0%; các loại cà phê chế biến giảm từ 9 - 12% xuống còn 0% vào thời điểm EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Vào ngày 16/9/2020, lễ xuất khẩu cà phê đi châu Âu theo Hiệp định...