Bộ trưởng 2 lần nhận tín nhiệm “báo động” – quyết định thuộc Đảng
“Có một số Bộ trưởng đã có nhiều cố gắng sau lần lấy phiếu đầu tiên nhưng vẫn chưa có kết quả cao trong lần lấy phiếu vừa qua. Việc điều chuyển, thay đổi vị trí công tác đối với những chức danh này hay không phụ thuộc cơ quan của Đảng”…
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi trong cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 8 của Quốc hội chiều tối 28/11.
Kết quả sau cùng với việc sửa Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt của nhà nước do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo hướng giảm tần suất lấy phiếu từ định kỳ hàng năm xuống 1 lần/nhiệm kỳ, giữ nguyên 3 mức đánh giá tín nhiệm tiếp tục nhận nhiều quan tâm của báo giới, dư luận.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo sau lễ bế mạc kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.
Một băn khoăn được gửi tới Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc là kết quả tổng hợp ý kiến kiến nghị cử tri cho thấy, tại 13 tỉnh thành cử tri có ý kiến về việc sửa Nghị quyết 35 đều thể hiện nguyện vọng duy trì ít nhất 2 lần lấy phiếu/nhiệm kỳ, thiết kế phiếu tín nhiệm với 2 mức đánh giá, khác với phương án quyết định của Quốc hội khi thông qua Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 35.
“Vậy kết quả hơn 81% đại biểu tán thành thông qua Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm (sửa đổi) của Quốc hội hôm nay có phản ánh đúng, phù hợp với nguyện vọng, ý chí của cử tri?” – đây là câu hỏi báo giới đặt ra với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận, trong quá trình thảo luận về việc sửa Nghị quyết 35 tại hội trường cũng còn ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau. 6/6 đại biểu phát biểu trên hội trường cho là nên lấy 2 lần/nhiệm kỳ. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội giải thích, các đại biểu khác chưa phát biểu hoàn toàn có thể là những ý kiến đồng tình với phương án như dự thảo Nghị quyết sửa đổi đề ra.
“Và kết quả biểu quyết với hơn 81% đại biểu tán thành việc lấy phiếu 1 lần/nhiệm kỳ, đánh giá tín nhiệm ở 3 mức hôm nay đã thể hiện điều đó” – ông Phúc nhấn mạnh.
Nói thêm về vấn đề phiếu tín nhiệm phân làm 2 mức hay 3 mức, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhắc lại nguyên tắc lấy phiếu để thăm dò tín nhiệm đối với những cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý. Việc này nhằm phục vụ việc phân công, điều chuyển, luân chuyển cán bộ cũng như để chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ sau. Theo đó, việc lấy phiếu ở 3 mức sẽ giúp có nhiều lựa chọn, đánh giá cụ thể hơn đối với cán bộ chứ không hướng tới mục đích xử lý cán bộ.
“Khi tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng sẽ trao đổi vấn đề này, để giải thích với cử tri điều đó và tôi tin cử tri sẽ hiểu, thông cảm” – ông Nguyễn Hạnh Phúc đáp.
Video đang HOT
Một câu hỏi khác đặt ra cho Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc lấy phiếu tại nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII cho thấy có những Bộ trưởng đã 2 lần liên tiếp nhận kết quả đánh giá tín nhiệm “báo động”, có cơ chế điều chuyển, thay đổi vị trí công tác?
Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận: “Đúng là có một số vị Bộ trưởng, Trưởng ngành đã có nhiều cố gắng sau lần lấy phiếu đầu tiên nhưng vẫn chưa có kết quả cao trong lần lấy phiếu vừa qua. Điều đó là lời nhắc nhở để các vị đó cần phát huy hơn nữa. Còn vấn đề có điều chuyển, thay đổi vị trí công tác đối với những chức danh này hay không là phụ thuộc vào cơ quan tổ chức cán bộ, cơ quan của Đảng”.
Quốc hội không can thiệp việc mâu thuẫn của đại biểu
Vấn đề khác đặt ra với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là hiện tượng đại biểu Quốc hội có những hình thức tranh luận “quá lố” xúc phạm nhau, như vụ ông “nghị” Hoàng Hữu Phước viết blog “nhạo” đại biểu Trương Trọng Nghĩa (cùng đoàn ĐBQH TPHCM) gây sóng dư luận từ đầu kỳ họp. Được biết, ít ngày trước, đoàn ĐBQH TPHCM đã họp, yêu cầu ông Phước phải xin lỗi cả tập thể nhưng ông Phước không đồng ý ký biên bản làm việc. Đây không phải là lần đầu ông “nghị” Phước bài bác đồng nghiệp một cách xúc phạm trên blog cá nhân. Trước đó, trong bài viết “tứ đại ngu”, ông Phước đã hướng mũi công kích tới đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) và phải đính chính, xin lỗi ông Quốc sau đó. Băn khoăn đặt ra là làm sao để đảm bảo văn hoá nghị trường, tránh hiện tượng đại biểu xúc phạm nhau qua các sự việc này? Đáp lại câu hỏi, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhìn nhận, chuyện tranh luận, trao đổi với nhau là quyền riêng tư của đại biểu, trong đó có cả việc phát ngôn, nêu quan điểm, viết bài trên blog. “Chuyện chưa hiểu nhau, mâu thuẫn, bức xúc giữa 2 đại biểu cũng là hoàn toàn bình thường. Các đại biểu đã tự phân giải được, tự xin lỗi nhau, không còn ý kiến là một việc tốt, chưa có vấn đề gì cần đưa ra lên đến Quốc hội” – ông Phúc phân tích. Ngoài ra, theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc muốn đưa ra Quốc hội giải quyết cũng cần có văn bản đề xuất, nêu ý kiến của đoàn ĐBQH trực tiếp quản lý đại biểu gửi lên. Đến thời điểm này, Quốc hội chưa nhận được thông tin, văn bản nào về vấn đề này.
P.Thảo
Theo Dantri
"Bộ trưởng nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp là... mệt rồi!"
Đáp lại thắc mắc quy định 3 mức phiếu tín nhiệm là mặc nhiên công nhận không ai bị "không tín nhiệm", Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, Bộ trưởng nhận nhiều phiếu "tín nhiệm thấp" là đủ mệt, phải chuyển sang bỏ phiếu nên không cần mức "không tín nhiệm".
Sau phiên thảo luận toàn thể lần chót của Quốc hội về hướng sửa Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn cuối tuần qua, trước khi dự thảo nghị quyết sửa đổi được chỉnh lý lần cuối để đưa ra biểu quyết, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc có cuộc trao đổi với báo giới về vấn đề này.
Dù dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 35 trình ra Quốc hội trong phiên thảo luận cuối tuần vừa qua đã nêu quan điểm bảo lưu đề xuất tiếp tục quy định 3 mức đánh giá "tín nhiệm cao - tín nhiệm - tín nhiệm thấp" nhưng ý kiến các đại biểu vẫn đề nghị rất găng việc chỉ nên có 2 mức "tín nhiệm - không tín nhiệm". Những ý kiến khác nhau như vậy sẽ được giải quyết như thế nào, thưa ông?
Vấn đề này đang được bàn thêm. Khi kết quả thảo luận tại Quốc hội như vậy, UB Thường vụ Quốc hội sẽ có giải trình thấu đáo về nội dung phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, ý kiến trên hội trường là của các đại biểu phát biểu, còn các đại biểu không đăng ký phát biểu có khi ý kiến lại khác.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.
Như bình luận rõ ràng rất "sắc", khó phản bác của đại biểu là quy định 3 mức tín nhiệm như hiện nay là mặc nhiên công nhận các chức danh đều được tín nhiệm, không có lựa chọn "không tín nhiệm" để người bỏ phiếu cân nhắc?
Bộ trưởng chỉ cần nhiều phiếu "tín nhiệm thấp" là mệt rồi, là phải chuyển sang bỏ phiếu tín nhiệm rồi, nên không cần quy định mức "không tín nhiệm". Bên cạnh đó, chọn mức tín nhiệm nào là thẩm quyền của đại biểu. Nếu còn băn khoăn giữa hai mức "tín nhiệm cao" và "tín nhiệm thấp" thì có mức "tín nhiệm".
Nói như vậy, quan điểm của cá nhân ông cũng là duy trì 3 mức tín nhiệm? Việc thiết kế 3 mức có phải là một cách để đảm bảo an toàn cho người được lấy phiếu? Thực tế qua 2 lần lấy phiếu vừa qua, có những chức danh cả 2 lần đều đạt kết quả không cao nhưng vẫn... vô sự, không vấn đề gì?
Thiết kế 3 mức tín nhiệm là để phân biệt giữa lấy phiếu và bỏ phiếu, lấy phiếu 3 mức để đánh giá tín nhiệm chứ không phải là hình thức bỏ phiếu. Nếu bỏ phiếu thì tôi đồng ý là chỉ quy định 2 mức đánh giá thôi. Khi lấy phiếu mà có người bị 2/3 đại biểu đánh giá "tín nhiệm thấp" thì Quốc hội tiến hành bỏ phiếu ngay kỳ họp đó, còn nếu tỷ lệ quá 50% thì sẽ theo dõi tiếp ở kỳ họp sau. Như vậy, ciệc bỏ phiếu bất tín nhiệm là tùy mức độ tín nhiệm của đại biểu.
Còn việc lấy phiếu là để giúp các cơ quan về mức độ đánh giá cán bộ chứ không phải nhằm mục đích mong muốn có người bị thấp, để xử lý cán bộ.
Đoàn thư ký kỳ họp (do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là Trưởng đoàn) đã tổng kết được tỷ lệ bao nhiêu đại biểu đồng ý với hướng quy định 2 mức hay 3 mức tín nhiệm? Sao đến thời điểm này vẫn chưa công khai kết quả thăm dò ý kiến đại biểu về các phương án sửa Nghị quyết 35?
Vấn đề các mức đánh giá trên phiếu tín nhiệm đang chờ ý kiến của Thường vụ. Còn các số liệu thăm dò ý kiến đại biểu trong báo cáo giải trình, tiếp thu đã có thể hiện.
Các đại biểu Quốc hội và dư luận đang có những ý kiến khác nhau về cách thức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Vậy theo bạn?
Duy trì 3 mức đánh giá: Tín nhiệm cao - Tín nhiệm - Tín nhiệm thấp
Áp dụng 2 mức đánh giá: Tín nhiệm - Không tín nhiệm
Ý kiến khác
Việc lấy phiếu tín nhiệm qua 2 lần cho thấy đa số các đại biểu cũng như dư luận đều đánh giá cao tác dụng tích cực, tính cần thiết của quy trình này. Vậy tại sao lại đặt vấn đề sửa Nghị quyết, giãn cách tần suất lấy phiếu chỉ còn 1 lần/nhiệm kỳ, như nhiều ý kiến phân tích, việc đó làm cho biện pháp giám sát này dường như quá hình thức?
Nghị quyết 35 hiện tại đang quy định tần suất lấy phiếu là 1 năm/lần, nếu không sửa thì năm 2015 chúng ta lại tiếp tục tiến hành lấy phiếu. Tần suất như vậy thì dày quá, người được lấy phiếu tín nhiệm không đủ thời gian, điều kiện khắc phục những hạn chế của mình, để cải thiện tình hình, cũng có thể khiến cán bộ nhụt ý chí, giảm quyết đoán trong các quyết định, điều hành.
Vậy sao không thẳng thừng hướng tới hoạt động bỏ phiếu bất tín nhiệm để việc đánh giá cho thực chất, hiệu lực, thưa ông?
Chỉ có Việt Nam tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, ở các nước chỉ có bỏ phiếu. Tuy nhiên, quy định về việc bỏ phiếu là khi có 20% đại biểu không tín nhiệm một chức danh nào đó thì đề nghị bỏ phiếu hoặc một uỷ ban nào đó của kiến nghị. Nhưng để đạt được điều kiện đó rất khó nên quy định về bỏ phiếu đã có từ lâu nhưng chưa thực hiện được. Vì vậy, cần thiết kế quy định về lấy phiếu để nếu cán bộ có tín nhiệm thấp thì có thể chuyển sang bỏ phiếu.
Bên cạnh việc quy định chưa đủ thì văn hóa từ chức hiện cũng chưa có. Vậy nên quy định về lấy phiếu tạo nên được một hệ quả là cán bộ có quyền xin từ chức khi bị tín nhiệm thấp, không từ chức mới phải tiến hành bỏ phiếu.
Xin cảm ơn ông!
Dùng thẻ điểm danh, đại biểu không thể nhờ bấm nút hộ Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tại kỳ họp lần này, do Quốc hội vừa chuyển sang hội trường mới, việc chuẩn bị gấp gáp nên chưa kịp trang bị thẻ thông minh cho các đại biểu. Từ kỳ họp sau, hệ thống thẻ thông minh sẽ được sử dụng. Mỗi đại biểu được phát một thẻ, khi vào họp, đại biểu cắm chiếc thẻ đó vào khe cắm trên mặt bàn ở chỗ ngồi của mình. Phải cắm thẻ vào mới khởi động được tất cả các hệ thống như điện, máy tính, nút bấm điện tử để biểu quyết trên bàn làm việc. Việc cắm thẻ cũng để điểm danh đại biểu. Với nghi vấn có chuyện đại biểu "bấm nút" thay, biểu quyết hộ nhau như chủ toạ đã nhắc trong một số buổi làm việc khi có những phiên họp, tỷ lệ bấm nút còn cao hơn số đại biểu có mặt, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, đây cũng mới chỉ là suy đoán. Theo nguyên tắc với hệ thống hiện nay, việc bấm nút... hộ vẫn thực hiện được nhưng nếu có việc đó, người điều hành cũng như đại biểu xung quanh sẽ nhìn thấy ngay vì ghế ngồi của các đại biểu cách khá xa nhau, muốn bấm hộ, ít nhất đại biểu phải nhoài cả người sang chỗ của người khác. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định thêm, khi có thẻ thông minh thì không thể thực hiện việc bấm nút... hộ được vì mỗi đại biểu có một thẻ có ghi tên, tuổi cụ thể, thẻ của đại biểu này không thể mang sang sử dụng ở vị trí của đại biểu khác.
P.Thảo (ghi)
Theo Dantri
"Duyệt" chức danh Tổng thư ký Quốc hội Với 432 đại biểu cho "phiếu thuận" (tương đương 86,92% tổng số đại biểu), Quốc hội vừa thông qua Luật tổ chức Quốc hội sửa đổi. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội sẽ chính thức được trao nhận chức danh mới - Tổng Thư ký Quốc hội từ 1/1/2015 tới. Sẽ có chức danh Tổng Thư ký Quốc hội từ 1/1/2015 (Ảnh: Chính...