“Bố trí cán bộ cấp cao, sợ nhất người cho rằng công lao của mình lớn”
“Về bố trí cán bộ ở cấp cao, tôi rất sợ là người có trách nhiệm lớn mà lại chủ quan, cho rằng công lao của mình đã lớn. Tôi lo ngại nhất chuyện đó vì dù lãnh đạo có công lao bao nhiêu thì đất nước vẫn luôn đứng trước những thách thức rất lớn” – nguyên Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt nói.
Hội nghị Trung ương 7 khoá XII của Đảng bước vào chương trình nghị sự chính thức hôm nay, 7/5. Một trong những nội dung trọng tâm được chú ý tại hội nghị lần này là về việc xem xét đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, chuẩn bị để hội nghị Trung ương 8 thành lập các tiểu ban lo cho Đại hội XIII. Vấn đề xây dựng bộ máy, công tác cán bộ trong Đảng cũng “ nóng” trong mắt các cán bộ hưu trí…
Nguyên Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt: “Tôi nói với Tổng Bí thư, vai quan trọng nhất của anh bây giờ là phải lo đội ngũ cán bộ cho Đảng, chẩn bị cho Đại hội XIII tới đây” (ảnh: Trần Thanh)
Nguyên Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt đặt vấn đề, nghị quyết TƯ 6 khoá VIII đã nêu vấn đề chỉnh đốn Đảng. Giai đoạn đó, nhiều cán bộ cấp cao như Thứ trưởng Bộ Công an, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt nam… cũng đã bị xử lý kỷ luật (trong vụ án Năm Cam). Vụ Lý Tống rải truyền đơn, bản thân ông Duyệt, với tư cách Thường vụ Bộ Chính trị cũng ký quyết định kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao, như Thứ trưởng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh… dù thông tin không công bố rộng rãi.
Ngoài cán bộ vi phạm, theo ông Duyệt, Trung ương khi đó cũng phải xử lý nhiều trường hợp cán bộ tư tưởng không chắc chắn, “chập chờn”. Ông Duyệt dẫn chứng vụ ông Trần Xuân Bách (nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng), tướng Trần Độ (cựu Phó Chủ tịch Quốc hội khoá XII).
Những năm 2000-2005, tham nhũng, tiêu cực đã trở thành một trong những vấn đề trầm trọng. Ông Duyệt cho biết, ông từng nói trước hội nghị Trung ương về việc cần thực hiện nghị quyết TƯ 6 lần 2, nói “như một lời thề với dân chứ không phải chỉ như phát biểu trước một cuộc họp”. Khi đó, Trung ương đã xác định, nếu không chống tham nhũng quyết tâm cao thì sự suy thoái trong Đảng dễ xảy ra”.
“4 nguy cơ với Đảng đã được phân tích ngay từ những năm đầu đổi mới mà vẫn vấp. Vậy nên đến lúc đó mới bung ra một loạt vụ án như Năm Cam, Lã Thị Kim Oanh… với rất nhiều cán bộ bị xử lý. Tôi vẫn còn ghi sổ đây, đại đa số những người “dính án”, tới 2/3, là Đảng viên cả. Tôi đã nói, những người có quyền đều là Đảng viên cả nên mới xảy ra tình trạng thế” – ông Duyệt nhớ lại.
Nguyên Thường vụ Bộ Chính trị chia sẻ: “Vậy nên có dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp, dù có nhiều vấn đề nhưng tôi đều chỉ nhấn vào một việc là xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Lúc nào tôi nghĩ đến chuyện đó vì con người là yếu tố quyết định chứ còn gì nữa. Đảng có mạnh hay không là do tổ chức mà tổ chức chính ở chỗ có chọn đúng cán bộ không, có chọn được người tài không”.
Nói cụ thể về việc chọn cán bộ hiện nay, nguyên Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam nhận xét: “Quy chế hiện tại rất chặt chẽ, có vẻ là hướng tốt, nhưng tôi vẫn băn khoăn”.
Video đang HOT
Ông Duyệt phân tích, cụ Nguyễn Văn Huyên 29 năm làm Bộ trưởng Giáo dục, là người do Bác Hồ mời từ Pháp về, không phải Đảng viên nhưng không ai có thể nói cụ Huyên không vĩ đại. Rất nhiều thế hệ cán bộ, trong đó có cả lớp cán bộ như ông Duyệt, đã trưởng thành từ nền giáo dục mà vị Bộ trưởng ngoài Đảng ấy xây dựng.
Ông Duyệt điểm lại tên tuổi những nhà trí thức lẫy lừng khác như Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm… đều là do Bác Hồ đưa ở Pháp về làm, đặt vào những vị trí xứng đáng, tin tưởng giao trọng trách trong thời gian rất dài trước khi họ vào Đảng.
“Vậy nên không cẩn thận, cách quy hoạch kiểu công thức, cái gì cũng phải là Đảng viên thì sẽ dễ dẫn đến hiện tượng vào Đảng không phải do động cơ đúng mà chỉ vì biết là kiểu gì cũng phải có tiêu chuẩn Đảng viên mới được cất nhắc, nên phải ngoi bằng được vào Đảng. Và vào Đảng rồi thì cũng phải ngoi bằng được vào vị trí quy hoạch vì cứ vào quy hoạch, cứ có trong “lớp nguồn” là thế nào cũng được. Vậy thì còn tư tưởng gì vững vàng nữa. Trần thân chui từ lòng đất như chúng tôi bao nhiêu năm tháng, qua bao nhiêu khó khăn thử thách đi lên, nên tôi hiểu, đào tạo người thợ với người lãnh đạo khác nhau ghê lắm” – ông Duyệt nói.
Ông cũng chia sẻ: “Về bố trí cán bộ ở cấp cao, tôi có tâm lý rất sợ là người có trách nhiệm lớn mà lại chủ quan, cho rằng công lao của mình đã lớn. Tôi lo ngại nhất chuyện đó vì dù lãnh đạo có công lao bao nhiêu thì đất nước vẫn luôn đứng trước những thách thức rất lớn”.
Nguyên Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam khái quát, không chỉ riêng ông, lớp cán bộ lão thành, nghỉ hưu hiện cũng đều trăn trở về chuyện xây dựng Đảng và công tác cán bộ. Ông nhắc lại, làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị Trung ương 14 khoá XI để chuẩn bị cho Đại hội Đảng khoá XII, ông vẫn khuyến cáo, vấn đề trăn trở nhất, khó khăn nhất chính là chọn con người, bổ nhiệm con người.
“Tôi nói với Tổng Bí thư, vai quan trọng nhất của anh bây giờ là phải lo đội ngũ cán bộ cho Đảng, chẩn bị cho Đại hội XIII tới đây, phải lo làm sao tiếp tục chỉnh đốn Đảng hơn hẳn khoá XI. Hiện Tổng Bí thư đã đang làm nhiều việc rất tốt rồi nhưng vẫn phải tiếp tục, phải không ngừng lưu tâm, chú ý. Việc đó rất khó, đi giải quyết vụ Thái Bình trước đây tôi biết, việc tổ chức bộ máy, sử dụng con người là thách thức nhất. Nhưng phải có “bài”, được dân ủng hộ, được các cấp uỷ ủng hộ, được lực lượng lão thành ủng hộ thì việc gì cũng sẽ có cách giải quyết. Tôi chưa thấy có gì khó và thất bại nếu như có cách làm đúng” – ông Duyệt lạc quan.
P.Thảo
Theo Dantri
Tổng Bí thư: "Chạy chức chạy quyền, nay đã làm rõ việc ai chạy, chạy ai"
"Ngay từ năm 2014, tôi nêu vấn đề, trong nhân dân có nói chuyện chạy chức chạy quyền, đề nghị làm rõ, có hay không, ai chạy, chạy ai. Nay đã làm rõ một bước nhưng đây vẫn là vấn đề nhức nhối" - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2017 do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở, nhấn mạnh về nhận thức xung quanh công tác xây dựng Đảng trên cơ sở nhìn lại công tác này trong thời gian qua.
Tổng Bí thư khẳng định, ngành tổ chức xây dựng Đảng gắn liền với lịch sử phát triển của Đảng. Với ý nghĩa đó, có thể nói, trong toàn bộ hệ thống các cơ quan tham mưu của Đảng thì Ban Tổ chức Trung ương và Ban tổ chức các cấp có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng. Ban có chức năng tham mưu cho Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp uỷ các cấp về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực tổ chức, xây dựng Đảng; trực tiếp là về công tác tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?".
Trong 2 lĩnh vực của công tác, trước hết về "tổ chức", Tổng Bí thư nhắc đến nguyên tắc tổ chức; hệ thống tổ chức; cơ cấu tổ chức, biên chế; cơ chế vận hành, lề lối làm việc; sự phân công và phối hợp trong mỗi tổ chức cũng như giữa các tổ chức trong một hệ thống. Còn về lĩnh vực "cán bộ", đó là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đánh giá, lựa chọn cán bộ; bố trí, sắp xếp cán bộ; và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ...
"Đây là công việc con người đối với con người cho nên rất hệ trọng và nhạy cảm" - Tổng Bí thư lưu ý.
Người lãnh đạo đứng đầu Đảng nhấn mạnh: "Lâu nay chúng ta thường nói, sau khi có đường lối đúng thì cán bộ đóng vai trò quyết định việc tổ chức thực hiện đường lối. Nhưng mặt khác, lại phải thấy, nhiều khi cán bộ quyết định cả việc định ra đường lối; cán bộ nào thì đường lối ấy. Chúng ta càng ngày càng thấm thía "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "là nguyên nhân của mọi nguyên nhân".
Tổng Bí thư so sánh, nếu "xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt" thì công việc của Ban tổ chức các cấp là "then chốt của then chốt". Nếu "chốt" rắn chắc, cứng cáp thì công việc trôi chảy, suôn sẻ; còn nếu chẳng may cái "chốt" này mà mọt hoặc trục trặc thì không biết tình hình sẽ thế nào.
Tổng Bí thư đánh giá cao nỗ lực, đóng góp của Ban Tổ chức Trung ương từ sau Đại hội XII đến nay, trước hết là việc khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự. Tiếp nữa, Ban Tổ chức đã tích cực, chủ động tham mưu để xây dựng Nghị quyết TƯ 4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết Trung ương 6 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Những việc đó đã góp phần chỉnh đốn Đảng trên tinh thần lấy "xây" là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, lấy "chống" là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng.
Ban Tổ chức cũng tham mưu xây dựng hàng loạt văn bản quan trọng, tập trung khắc phục hạn chế, sơ hở trong công tác cán bộ, góp phần kiểm soát quyền lực, ngăn chặn nạn chạy chức, chạy quyền trong công tác tổ chức, cán bộ. Tổng Bí thư điểm lại quy định về luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ, xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ, quy định về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng...
Dù vậy, bên cạnh những thành tích, kết quả, Tổng Bí thư cũng chỉ ra nhiều hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục.
Thực tế, tình hình vi phạm kỷ luật của cán bộ, đảng viên còn diễn biến phức tạp, đáng báo động. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn bất cập. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước rất lớn; dẫn đến chi thường xuyên ngày càng tăng, chiếm tỉ trọng cao trong tổng chi ngân sách Nhà nước.
Công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả.
"Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?... Vậy vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp của ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong việc này thế nào?" - Tổng Bí thư nêu vấn đề.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2018, Tổng Bí thư lưu ý, tư tưởng chỉ đạo chung là phải tiếp tục cụ thể hoá Cương lĩnh, Nghị quyết Đại hội XII, các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng.
Tổng Bí thư phân tích, năm 2017 ngành làm được nhiều việc, năm 2018 tiếp tục làm và còn nhiều việc phải làm. Thuận lợi là cả hệ thống chính trị đang có khí thế, hăng hái vào cuộc; cấp uỷ các cấp đang đặc biệt quyết tâm; nhân dân đang hồ hởi, ủng hộ. Tổng Bí thư đặt câu hỏi, vậy những người làm công tác tổ chức, xây dựng Đảng chúng ta thế nào? Có lẽ hơn ai hết chúng ta càng phải khí thế, đẩy mạnh và làm quyết liệt hơn, nỗ lực hơn, trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình với tinh thần kiên quyết, kiên trì đưa các Nghị quyết của Trung ương vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét và biến thành hiện thực sinh động.
Tổng Bí thư cũng giao nhiệm vụ trước mắt là hoàn thiện đề án "Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" để trình Hội nghị Trung ương 7.
Lãnh đạo Đảng yêu cầu chú trọng đến công tác cán bộ thường xuyên; đồng thời tiếp tục hoàn thiện các quy trình, quy định, quy chế liên quan đến công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ một cách dân chủ, công khai, minh bạch. Tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả trong công tác tổ chức, cán bộ. Thực tế hiện nay, cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế; hiện tượng chạy chức, chạy quyền còn diễn biến tinh vi, phức tạp.
"Ngay từ năm 2014, tôi nêu vấn đề, trong nhân dân có nói chuyện chạy chức chạy quyền, đề nghị làm rõ, có hay không, ai chạy, chạy ai; nay đã làm rõ một bước nhưng đây vẫn là vấn đề nhức nhối" - Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư nhắc nhở, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới hết sức nặng nề. Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Chúng ta phải có dũng khí, dám thẳng thắn bảo vệ cái đúng, kiên quyết can ngăn cái sai, chống cho được tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ và cũng không để bị lợi ích nào cám dỗ, không để bị chi phối bởi quan hệ cá nhân, thân quen nào không trong sáng. Kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ".
P.Thảo
Theo Dantri
Tổng Bí thư: Giảm phạm vi, đối tượng bổ nhiệm cấp "hàm" Phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư 6 khóa XII, liên quan đến vấn đề xây dựng bộ máy, Tổng Bí thư cho rằng, cần cà soát, quy định chặt chẽ hơn về biên chế, số lượng cán bộ, công chức, viên chức; chú ý quy định số lượng cấp phó tối đa của mỗi tổ chức phù hợp với đặc điểm của...