Bỏ TPP và sai lầm chiến lược của Trump ở châu Á
Đại biện lâm thời đầu tiên của Mỹ ở Việt Nam từ năm 1995 nhận định việc rút khỏi TPP là bước đi sai lầm lớn của Tổng thống Donald Trump tại châu Á và không thực sự giúp ích cho Mỹ
Ông Desaix Anderson là đại biện lâm thời đầu tiên của Mỹ ở Việt Nam, được Tổng thống Bill Clinton chỉ định tới Hà Nội vào năm 1995 để lập đại sứ quán Mỹ đầu tiên tại Việt Nam sau chiến tranh. Ông có gần 50 năm gắn bó với Việt Nam trên nhiều cương vị.
Zing.vn giới thiệu bài viết của ông Anderson về rủi ro với vị thế lãnh đạo chiến lược của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump:
Đại biện lâm thời Desaix Anderson và vợ chồng cựu tổng thống Mỹ George H. W. Bush tại đại sứ quán mới mở ở Hà Nội tháng 9/1995. Ảnh: AFSA.
Hai trong số những tuyên bố về chính sách đối ngoại của ông Trump đưa ra trong giai đoạn tranh cử đến nay (gồm những bình luận về các liên minh với Mỹ ở châu Âu và châu Á cùng với chiến lược kinh tế châu Á – Thái Bình Dương) trở thành nguyên nhân gây lo ngại sâu sắc.
Tổng thống Trump từng gọi NATO là “lỗi thời”, chất vấn tính hợp lệ của liên minh NATO với các quốc gia vùng Baltic, hoan nghênh sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, không ngần ngại thể hiện sự nồng ấm đáng lo ngại với Nga, bỏ qua tình hình ở Ukraine và những cáo buộc bầu cử Mỹ bị can thiệp.
Quan điểm của Trump về NATO, cũng như những “gợi ý” của Trump rằng Nhật Bản và Hàn Quốc nên cân nhắc phát triển vũ khí hạt nhân, dấy lên nghi vấn về cam kết của Mỹ với các liên minh và những nguyên tắc được ủng hộ trong giai đoạn hòa bình, thịnh vượng hậu Thế chiến 2. Các gương mặt bộ trưởng mà Trump lựa chọn cũng khiến nhiều người hoài nghi.
Tại châu Á, những cuộc điện thoại và bài đăng Twitter của Trump đã làm rúng động mối quan hệ Mỹ – Trung, các liên minh nền tảng với Nhật Bản và Hàn Quốc, trở thành chuyện gây lo ngại sâu sắc với những người bạn của Mỹ tại châu Á.
Thách thức từ Trung Quốc đối với an ninh quốc gia và sức khỏe nền kinh tế Mỹ là điều có thật, nhưng Mỹ không thể xử lý mối quan hệ phức tạp với Bắc Kinh như những phi vụ giao dịch thương mại tạm thời. Mỹ cần một chiến lược bền vững, xuất phát từ tình hình kinh tế thực tại, và cần những đối tác.
Mở cửa đến nhiều thị trường mới cho hàng hóa xuất khẩu từ Mỹ là một khởi đầu tốt. Khoảng hai triệu việc làm đã mất đi kể từ những năm thập niên 1990, ngẫu nhiên trùng với thời điểm Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Các công nhân ở vùng công nghiệp miền trung tây Mỹ đã chịu nhiều tổn thất.
Video đang HOT
Bỏ TPP: Công nhân Mỹ gánh tổn thất lớn
Tuy nhiên, như học giả Mireya Solis (Viện Brookings) và nhiều nhà kinh tế khác đã chỉ ra: “Nguyên nhân chính dẫn đến thất thoát nhiều việc làm khối sản xuất là do những thay đổi về công nghệ (chiếm 85%) chứ không phải thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, trong giai đoạn tranh cử, cả ông Trump và bà Hillary Clinton đều gán ghép một cách nhầm lẫn cho sự thất thoát việc làm này với những hiệp định thương mại như NAFTA và đều phản đối TPP.
Trên thực tế, TPP có thể xem là phiên bản cải thiện của tất cả những hiệp định thương mại trước đây, bao gồm các điều khoản bổ sung bắt buộc thi hành với quyền người lao động và bảo vệ môi trường. TPP cũng chứa nhiều nội dung mạnh mẽ nhất để bảo vệ các phát kiến trí tuệ từ Mỹ.
Cùng với sự kết hợp của 12 quốc gia đại diện 28 nghìn tỷ USD sản lượng kinh tế thế giới, chiếm 40% GDP toàn cầu và 1/3 thương mại thế giới, TPP thực sự là một đòn bẩy lớn đối với các doanh nghiệp và công nhân Mỹ.
Khi Washington chọn chối bỏ TPP thì người thiệt hại lớn nhất chính là những công nhân Mỹ, đặc biệt là những người làm trong ngành sản xuất ôtô hoặc nông nghiệp.
Trung Quốc hưởng lợi
Trong khi đó, Trung Quốc là người chiến thắng lớn nhất. Khả năng Mỹ có thể thoái lui ở Đông Á đang ngày càng rõ ràng khiến nhiều nước như Thái Lan, Philippines… đã bắt đầu xích lại gần với Bắc Kinh. Khi Mỹ từ bỏ TPP, nhiều quốc gia khác đã tham gia hiệp định này như Nhật, Malaysia, Singapore… có thể sẽ tham gia hiệp định thay thế do Trung Quốc khởi xướng là RCEP.
RCEP không có sự tham gia của Mỹ và cũng không bao gồm những bảo đảm về quyền lao động, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn môi trường, mua sắm chính phủ như trong TPP…
Ngược lại, khi tiếp tục giữ lại và cải thiện TPP, Mỹ sẽ có đòn bẩy mới để sử dụng với Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ chịu sức ép để cho phép công đoàn độc lập, bảo vệ người lao động nước này.
Những cạnh tranh kinh tế công bằng tuân thủ theo TPP sẽ là sự đáp trả hiệu quả hơn so với những biện pháp thương mại không công bằng như áp thuế 45% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Những mức thuế như vậy chỉ là châm ngòi cho chiến tranh thương mại mà không bên nào có thể thắng.
Chiêu đòn thuế của Trump thực tế sẽ khiến tầng lớp nghèo và trung lưu ở Mỹ chịu thiệt hại, khi nó tăng giá những sản phẩm cơ bản như quần áo và đồ điện tử, phá vỡ chuỗi cung ứng cho các công ty Mỹ. Tác động đối với Đông Á sẽ là làm suy yếu sự thịnh vượng ở khu vực này, buộc châu Á phải xích lại về Trung Quốc. Đây sẽ là một sai lầm chiến lược đối với Mỹ.
Thay vì những biện pháp bảo hộ, Mỹ cần đẩy mạnh toàn cầu hóa và đối mặt bằng những thỏa thuận thương mại được thực thi nghiêm khắc, khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ, tập huấn lại cho người lao động, mở rộng các trường dạy nghề, củng cố hệ thống giáo dục công, nâng cấp cơ sở hạ tầng so với hiện tại.
Đối với Tổng thống Trump, cách tốt nhất để thực hiện lời hứa xây dựng nước Mỹ vĩ đại là bảo vệ các giá trị Mỹ và giữ vững lòng tin với các đồng minh, cam kết gia nhập với kinh tế toàn cầu bao gồm TPP chứ không phải co mình lại sau các bức tường. Nếu không thực hiện như vậy, ông đã đẩy nước Mỹ vào giai đoạn suy thoái về vị thế chiến lược toàn cầu, làm lung lay vai trò lãnh đạo của Mỹ.
(Theo Zing News)
Tham vọng của Trung Quốc khi Trump rút Mỹ khỏi TPP
Trung Quốc cam kết theo đuổi thương mại tự do và thúc đẩy các thỏa thuận khác sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút khỏi TPP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP.
Tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy các thỏa thuận thương mại thay thế TPP, bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Bà Hoa nói Trung Quốc đã đạt bước tiến đáng kể trong việc đàm phán RCEP và thỏa thuận này sắp được hoàn tất, tạo ra động lực mới cho sự phát triển kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương.
"Chúng tôi luôn ủng hộ việc các quy tắc thương mại cần được hình thành dựa trên sự đồng thuận của các bên liên quan", bà Hoa nói. "Với một tinh thần cởi mở, toàn diện và minh bạch, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực".
Sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của ông Trump được cho là tạo cơ hội để Trung Quốc thay thế Mỹ trong vai trò lãnh đạo toàn cầu hóa.
"Thay vì nhắc đến từ &'lãnh đạo', tôi nghĩ rằng nên dùng từ &'trách nhiệm'," bà Hoa trả lời câu hỏi về vấn đề này. "Từ Hội nghị G20 ở Hàng Châu, Hội nghị APEC ở Lima (Peru) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), Trung Quốc đã gửi thông điệp rằng, đóng góp của Bắc Kinh là rõ ràng".
Bắc Kinh cũng đang theo đuổi Sáng kiến "Một Vành đai, Một Con đường". Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ họp với các nhà lãnh đạo thế giới vào tháng 5 tới để thảo luận về cách mở rộng thương mại và đầu tư thông qua sáng kiến này.
Quyết định của ông Trump được cho là tạo cơ hội lớn cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà phân tích Trung Quốc tỏ ra thận trọng, nói rằng Bắc Kinh không nên vui mừng quá sớm. "Trung Quốc cần phải hành động nhanh chóng trước khi ông Trump thay đổi quyết định vừa đưa ra các thỏa thuận khác thay thế TPP".
Zhou Shijian, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế ở Đại học Thanh Hoa nói, quãng thời gian một hoặc hai năm tới là thời điểm hoàn hảo để Trung Quốc đẩy nhanh thỏa thuận thương mại khu vực, như RCEP.
"Trung Quốc nên nắm lấy cơ hội, vốn sẽ không duy trì quá lâu trước khi ông Trump nhận ra hệ quả của việc rút khỏi TPP", ông Zhou nói.
Lin Limin, nhà phân tích chiến lược tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại cho rằng, bước đi của Mỹ là dấu hiệu cho thấy "sự sụp đổ của liên minh các nước châu Á do Mỹ dẫn đầu, nhằm kiềm tỏa Trung Quốc". Nhưng điều này không có nghĩa rằng Bắc Kinh sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực một cách dễ dàng.
Sáng kiến "Một Vành đai, Một Con đường" được cho là thỏa thuận đối trọng với TPP. Ông Lin nói chiến lược này có những hạn chế riêng và có thể không giải quyết được những khó khăn ngay cả khi TPP gặp trở ngại.
"Nhiều quốc gia mà Trung Quốc đầu tư vào như Pakistan, đang đứng trước những bất ổn an ninh. Đó là những rắc rối mà Bắc Kinh cần phải tìm cách giải quyết", ông Lin nói.
Theo Danviet
5 vấn đề sau quyết định rút khỏi TPP của Tổng thống Trump Tổng thống Donald Trump ngày 23/1 đã bắt đầu thực hiện những cam kết trong chiến dịch tranh cử khi ký sắc lệnh hành pháp rút Mỹ khỏi Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Phát biểu trước các phóng viên tại phòng Bầu Dục lúc ký sắc lệnh, Tổng thống Trump nói: "Đây là điều tuyệt vời cho người lao...