Bộ TN-MT: Vỡ đập thuỷ điện ở Lào không tác động đáng kể tới Việt Nam
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định sự cố vỡ đập thuỷ điện XePian XeNamnoy ở Lào sẽ không gây tác động đáng kể tới đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Hiện con số chính xác về số người thiệt mạng và mất tích vẫn chưa được công bố chính thức. Hơn 1.300 hộ gia đình đã bị ảnh hưởng do sự cố vỡ đập Xepian- Xe Nam Noy. (Ảnh: EPA)
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự án thủy điện XePian XeNamnoy là công trình trọng điểm về phát triển thủy điện của vùng Nam Lào, nằm trên sông Xenamnoy thuộc hai tỉnh Champasack và Attapeu. Vị trí công trình cách dòng chính sông Mê Công ở Campuchia khoảng 200 km và cách biên giới Việt Nam khoảng 650 km.
Công trình được khởi công xây dựng từ năm 2013 và hoàn thành đầu năm 2018 với tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD; có tổng dung tích 1,1 tỷ m3, công suất lắp đặt là 410MW. Sau khi hoàn thành được 90% khối lượng xây dựng, hồ chứa XePian XeNamnoy bắt đầu tích nước từ đầu năm 2018. Cho tới nay ước tính hồ đã tích được khoảng 500 triệu m3.
Công trình đã bị vỡ đập phụ có tên là “Saddle dam D”, có chiều cao 16m, rộng 8m; tổng chiều dài là 770m, làm bằng đất đá hỗn hợp.
Trước khi xảy ra sự cố, mực nước tại trạm Stung Treng (cách công trình 200 km trên dòng chính sông Mê Công ở Campuchia) đo lúc 19h ngày 23/7 là 9,0m (tương ứng với lưu lượng là 35.700m3); đến 7h ngày 24 tháng 7 là 9,35m, đến 7h ngày 25/7 là 9,6m (tương ứng với lưu lượng là 39.900m3).
Sau 36h mực nước tại trạm Stung Treng tăng thêm 0,6m. Theo xu thế hiện tại, mực nước tại trạm Stung Treng tăng trung bình khoảng 20 – 30cm/ngày. Như vậy, cho đến hiện nay sự tác động của sự cố hồ chứa đến mực nước trạm Stung Treng là không đáng kể.
“Trong khoảng 4 – 5 ngày tới, lượng nước từ sự cố hồ chứa sẽ tác động đến dòng chảy đầu nguồn sông Cửu Long của nước ta. Mực nước tại đầu nguồn sông Cửu Long gia tăng thêm tối đa khoảng 5 – 10cm”- thông báo từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay.
Theo tính toán với sự gia tăng dòng chảy trên dòng chính và các dòng nhánh, cùng với lượng nước từ sự cố hồ chứa tại Lào, mực nước tại trạm Stung Treng tiếp tục lên, đến ngày 30/7 có khả năng lên mức 10,5m.
Video đang HOT
Bộ Tài nguyên và Môi trường dự báo trong những ngày tới mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên nhanh do lũ thượng nguồn về kết hợp với triều cường. Đến ngày 31/7, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu có khả năng lên mức 3,2m (thấp hơn mức báo động 1 là 0,3m); trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc có khả năng lên mức 2,6m (thấp hơn mức báo động 1 là 0,4m).
“Do đó, theo nhận định ban đầu, sự cố vỡ đập thuỷ điện XePian XeNamnoy sẽ không gây tác động đáng kể tới đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam”- Bộ này khẳng định.
Ngay sau khi có thông tin vỡ đập, Ban Thư ký Uỷ hội sông Mê Công quốc tế đã thu thập thông tin liên quan đến sự cố và giao Trung tâm dự báo Lũ của Ban Thư ký Uỷ hội nghiên cứu đánh giá tác động về ảnh hưởng của vỡ đập và tìm hiểu nguyên nhân vỡ đập để giúp Chính phủ Lào.
“Các đập thủy điện phải luôn dự báo các điều kiện cực đoan”
PGS.TS. Triệu Ánh Ngọc chia sẻ ý kiến chuyên môn sau vụ vỡ đập thuỷ điện tại Lào
Trao đổi về hậu quả phía Việt Nam có thể phải gánh sau vụ vỡ đập thủy điện ở Lào, PGS.TS. Triệu Ánh Ngọc, Trưởng Ban Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Giám đốc Trung tâm tư vấn và Nghiên cứu thực nghiệm, trường Đại học Thủy Lợi cho rằng: “Theo đánh giá và thu thập, dung tích đập thủy điện Xepian Xenamnoy không lớn. Khi đập bị vỡ gây ra lưu lượng rất lớn đổ về hạ lưu. Nhưng phần lớn lượng nước lũ tràn qua các vùng đồng bằng hạ lưu tỉnh Attapeu, Lào gây ngập lụt nghiêm trọng. Phần dòng chảy lũ còn lại đổ xuống hạ lưu và đổ ra dòng chính Mekong cách trạm Kratie khoảng 200km, làm mực nước tại trạm Kraite dâng lên khoảng 10 – 15 cm.
Khi dòng nước này đổ về hạ lưu phía Việt Nam, phần lớn dòng chảy lũ được điều tiết bởi hồ Tonle Sap, và một phần nhỏ còn lại đổ xuống hạ lưu Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam, làm mực nước tăng từ 1-3cm. Ảnh hưởng mực nước dâng do vỡ đập thủy điện Xepian Xenamnoy đến đến tận Vàm Nao (An Giang), tuy nhiên mực nước tăng lên không đáng kể, chỉ từ 0.2-2 cm”.
Là người đã có nhiều nghiên cứu về tác động thay đổi dòng chảy thượng nguồn do các hồ, đập thủy điện thượng nguồn, PGS.TS. Triệu Ánh Ngọc cũng nhận định: Vụ việc vỡ đập thủy điện Xepian Xenamnoy tại huyện Sanmanxay, tỉnh Attapeu, Lào cho thấy, các đập thủy điện thượng nguồn mặc dù tạo ra nhiều giá trị kinh tế (năng lượng) cho các quốc gia trong lưu vực Mekong tuy nhiên kèm theo đó luôn là mối hiểm họa khôn lường gây thiện hại về tính mạng và tài sản người dân trong lưu vực rất lớn, đặc biệt là vùng hạ lưu Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam.
“Hiện nay, hầu hết các quốc gia như Lào, Cam phu chia, Thái Lan đang có tham vọng khai thác điện thủy năng nhằm giúp gia tăng sản lượng điện nhằm đảm bảo an ninh năng lượng điện quốc gia và bán điện ra nước ngoài. Khai thác thủy năng với mục đích tăng sản lượng điện, điều tiết dòng chảy, cắt lũ chỉ là tính toán chủ quan, việc tính toán này chỉ đúng khi điều kiện khí hậu nằm trong kịch bản tính toán và hồ đập làm việc trong điều kiện bình thường. Khi mưa lũ vượt tần suất tính toán hoặc sự cố vận hành hồ đập bất thường như trường hợp vỡ đập Xepian Xenamnoy, Lào thì không nằm trong tính toán”, ông Ngọc nêu.
Nhiều ngôi làng bị chìm trong biển nước sau sự cố vỡ đập tại Lào (Ảnh: BBC)
Ông Ngọc cũng cho rằng, qua sự cố này, không chỉ Lào mà các quốc gia khai thác thủy năng trên lưu vực Mekong cần phải cảnh giác, tuân thủ đúng quy trình vận hành xã lũ, đặc biệt phải có các dự báo trong các điều kiện cực đoan. Đồng thời cần phải có các tiêu chuẩn đánh giá an toàn đập hàng năm để hạn chế các nguy cơ rủ ro vỡ đập như vừa rồi.
Thế Kha – Lê Phương
Theo Dantri
Chính phủ Lào thông tin chính thức về vụ vỡ đập thủy điện
Theo Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy hôm 23/7, gây ra vụ ngập lụt nhấn chìm nhiều ngôi nhà này là thảm họa lớn nhất tại Lào hàng chục năm qua, khiến hơn 3.000 người dân mất nhà cửa.
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith tại cuộc họp báo tối 25/7. Ảnh: Vientiane Times
Tối 25/7, ngay sau khi vừa trở về từ chuyến thị sát quận Sanamxay,tỉnh Attapeu, nơi xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã có cuộc họp báo tại thủ đô Vientiane.
Thủ tướng Thongloun Sisoulith cho biết, các nhân viên cứu trợ đang nỗ lực tìm kiếm 131 người dân vẫn còn đang mất tích kể từ ngày 23/7 khi xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy. Vụ ngập lụt nhấn chìm nhiều ngôi nhà này là thảm họa lớn nhất tại Lào hàng chục năm qua.
"Tác động của trận lụt này là rất lớn," Thủ tướng Thongloun Sisoulith nói tại cuộc họp báo.
Thảm họa này đã làm cho 3.060 người dân mất nhà cửa. Tất cả những người dân ẩn náu trên nóc nhà và ngọn cây đều đã được cứu thoát vào 19g ngày 24/7.
Trả lời Vientiane Times, ông Bounhome Phommasane, quận trưởng quận Sanamxay, cho biết, chỉ có một người được tìm thấy đã thiệt mạng và thi thể của người đó đã được giải cứu vào lúc 18g30 hôm 24/7.
Thông tin này của ông Phommasane đã đính chính cho thông tin sai lệch về con số người thiệt mạng sau sự cố vỡ đập Xe Pian Xe Namnoy mà nhiều tờ báo đã đưa tin. Trước đó, báo chí đã đứa Lào và nước ngoài đưa tin có ít nhất 19 người thiệt mạng.
"Những bản tin này lấy từ nguồn tin của những người cho rằng những người mất tích là đã chết. Tôi không thể xác nhận là liệu họ đã chết hay còn sống. Chúng tôi chưa tìm được họ," ông Phommasane, người đã túc trực tại địa điểm giải cứu cho biết.
Trước các giả định rằng những người dễ bị tổn thương như trẻ em và người cao tuổi bị cuốn trôi và không thể tự giúp mình, các quan chức Lào giải thích, việc cho rằng ít nhất có 19 người tử vong là nằm trong số 131 người mất tích.
Thủ tướng Thongloun cho biết, hiện nay, lực lượng cứu hộ đang vật lộn với nước lũ để có thể đưa tàu thuyền tiếp cận tới các khu vực sâu bên trong. Việc cứu trợ lương thực, quần áo hiện đang cấp thiết đối với các nạn nhân đã được đưa đến các trung tâm lánh nạn.
"Những người dân được giải cứu đã được kiểm tra sức khỏe và cung cấp các nhu cầu cơ bản," Thủ tướng Thongloun nói.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng cảm ơn tất cả cơ quan, đoàn thể đã tích cực với công tác cứu hộ và cứu trợ. Số lượng làng bị ảnh hưởng bởi sự cố vỡ đập thủy điện đã lên con số 13, tăng 6 làng so với ban đầu.
Thủ tướngThongloun cam kết sẽ kiểm tra nguyên nhân thực sự của sự cố vỡ đập xem do mưa lớn hay tiêu chuẩn kỹ thuật kém.
Chính phủ Lào đã thành lập một Ủy ban hỗ trợ do Phó Thủ tướng Sonexay Siphandone chủ trì để chịu trách nhiệm giải quyết thảm họa trước mắt và lâu dài. Ủy ban này sẽ đánh giá các thiệt hại và tìm ra nguyên nhân gây ra sự cố vỡ đập. Ủy ban này cũng sẽ làm việc với các nhà phát triển dự án để đưa ra cơ sở chung về trách nhiệm và nghĩa vụ đối với thảm họa bi thảm này.
HÀ THU
Theo Vientiane Times
Vỡ đập Lào: Mẹ cột con vào người sẵn sàng chết chung Chạy lụt, người mẹ cột con vào người để nếu có chết thì chết cùng còn hơn sống một mình. Công tác cứu hộ, tìm kiếm người sống sót sau vụ vỡ đập dự án thủy điện Xe Pian Xe Nam Noy ở Lào ngày 26-7 gặp nhiều khó khăn, cản trở vì mưa lớn, gió mạnh, đường sá hư hại, ngập nước,...