Bộ TN-MT lên tiếng việc một cán bộ nhận 3 quyết định bổ nhiệm trong 14 tháng
Chiều 25/8, đại diện Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã lên tiếng trước việc ký 3 quyết định bổ nhiệm cán bộ trong vòng 14 tháng đối với bà Võ Thịnh Hiền – Phó cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, đang gây xôn xao dư luận.
Ông Lương Duy Hanh tặng hoa chúc mừng các cán bộ, trong đó có bà Võ Thịnh Hiền, được bổ nhiệm ngày 13/2/2015 (Ảnh: Bộ TN-MT).
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, ngày 13/2/2015, ông Nguyễn Kim Tuyển – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã trao quyết định bổ nhiệm một số cán bộ thuộc Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường.
Trong đó, bà Võ Thịnh Hiền – Kế toán trưởng kiêm Phó chánh văn phòng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường được bổ nhiệm Phụ trách Văn phòng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường.
Khoảng 1 năm sau, vào tháng 2/2016, Tổng cục Môi trường đã có quyết định bổ nhiệm bà Võ Thịnh Hiền giữ chức Chánh văn phòng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường.
Và đến ngày 15/4/2016, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài tiếp tục ký quyết định bổ nhiệm bà Võ Thịnh Hiền giữ chức Phó cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường.
Theo quyết định này, bà Hiền được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo hệ số 0,7 tính trên mức lương cơ sở theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Video đang HOT
Đúng 1 tháng sau, tháng 5/2016, ông Nguyễn Văn Tài đã ký quyết định giao bà Võ Thịnh Hiền làm Trưởng đoàn kiểm tra việc thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án Dệt Pacific Crystal Việt Nam tại Khu công nghiệp Lai Vu, huyện Kim Thành, Hải Dương…
Như vậy chỉ trong thời gian khoảng 14 tháng, tính từ tháng 2/2015 đến tháng 4/2016 Tổng cục Môi trường đã ban hành 3 quyết định bổ nhiệm cán bộ đối với bà Võ Thịnh Hiền. Chính điều này đã tạo ra nhiều thắc mắc trong nội bộ Tổng cục Môi trường cũng như Bộ Tài nguyên và Môi trường suốt thời gian qua.
Chúng tôi đã liên lạc với ông Nguyễn Văn Tài – Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường để tìm hiểu rõ hơn về câu chuyện này thì được ông Tài giới thiệu làm việc với ông Nguyễn Kim Tuyển – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
Chiều 25/8 trả lời PV Dân trí, ông Nguyễn Kim Tuyển cho biết, bà Võ Thịnh Hiền được điều động, tăng cường từ Vụ Kế hoạch – Tài chính thuộc Tổng cục Môi trường về công tác tại Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, giữ chức vụ Kế toán trưởng kiêm Phó chánh văn phòng khi cục này mới thành lập.
Ông Tuyển khẳng định việc bổ nhiệm bà Võ Thịnh Hiền đã được thực hiện theo đúng các quy trình về công tác cán bộ. Bà Hiền cũng đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn để được bổ nhiệm của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
“Khi chị ấy lên Chánh văn phòng rồi thì do nhu cầu, thiếu Phó cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường nên chúng tôi đã xin ý kiến lãnh đạo Tổng cục Môi trường, chủ trương của Ban cán sự đảng. Việc bổ nhiệm không có vấn đề gì cả”- ông Tuyển nói.
Theo ông Nguyễn Kim Tuyển, sau khi ký quyết định bổ nhiệm bà Võ Thịnh Hiền giữ chức Chánh văn phòng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường được 2 tháng, rồi tiếp tục ký bổ nhiệm bà này giữ chức Phó cục trưởng cũng “không có vấn đề gì” (!?).
Được biết, sau khi ông Lương Duy Hanh bị cách chức Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường vì liên quan đến sai phạm trong vụ Formosa và điều về làm chuyên viên Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thì chức vụ Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường vẫn chưa có người nào đảm nhiệm.
Thế Kha
Theo Dantri
Bổ nhiệm cán bộ: Phải có cơ chế kiểm soát quyền lực người đứng đầu
Thời gian vừa qua, dư luận không khỏi bức xúc trước hàng loạt vụ việc liên quan tới công tác bổ nhiệm cán bộ.
Bà Trần Vũ Quỳnh Anh - được bầu vào Ban Chấp hành Đảng ủy Sở Xây dựng Thanh Hóa (nhiệm kỳ 2015-2020). Ảnh: Thanh Niên
Từ những cái tên như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Quang Hải, Vũ Minh Hoàng... cho tới Trần Vũ Quỳnh Anh với những cách thức bổ nhiệm "lạ lùng - thần tốc" nhưng vẫn được bao biện bằng cụm từ "đúng quy trình" trước khi chân tướng sự việc lộ rõ. Rồi cả câu chuyện "một người làm quan, cả họ được nhờ" tưởng chừng chỉ có ở thời phong kiến cũng xuất hiện tại nhiều nơi trên cả nước, mà mới đây nhất đã xảy ra tại tỉnh Hải Dương.
Chưa dừng lại tại đó, có những đơn vị cấp sở bổ nhiệm tràn lan, bất hợp lý. Vừa mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương kiểm tra, làm rõ việc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thái Nguyên bổ nhiệm thừa... 23 cán bộ.
Những ví dụ nêu trên chỉ là điển hình, chưa thể phản ánh hết những bất cập trong công tác bổ nhiệm cán bộ thời gian qua. Tưởng chừng với quy trình tương đối chặt chẽ, việc bổ nhiệm cán bộ sẽ được thực hiện công khai, minh bạch để chọn ra những người có tài, có đức, xứng đáng với những vị trí quản lý nhằm giúp cho bộ máy Nhà nước hoạt động tốt hơn. Nhưng nhìn vào thực tế nêu trên, người dân, dư luận không khỏi lo ngại về những tiêu cực phía sau công tác được cho là quan trọng và có phần nhạy cảm này.
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra từ phía dư luận như: Có hay không những tiêu cực, tham nhũng để sắp đặt những "chiếc ghế" cho những "vị quan" không xứng đáng? Có hay không việc những cá nhân nắm giữ chức vụ cao, lợi dụng quyền lực để chi phối, "điều khiển" quá trình bổ nhiệm nhân sự?...
Có thể nói, quy trình bổ nhiệm cán bộ vốn được xem là dân chủ, minh bạch, khách quan đã bộc lộ những lỗ hổng, bất cập nên tình trạng tiêu cực mới xảy ra. Nếu tất cả đều chuẩn chỉ thì không thể có chuyện bổ nhiệm đúng quy trình nhưng cuối cùng cán bộ được bổ nhiệm vẫn không đảm bảo, gây nên những bức xúc trong nhân dân, dư luận.
Những hạn chế bộc lộ trong quy trình bổ nhiệm cán bộ được tập trung nghiên cứu, chỉ rõ. Ban Tổ chức Trung ương đã kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định, nâng quy trình bổ nhiệm cán bộ từ 3 lên 5 bước và vận dụng thí điểm vào việc xử lý tình huống trong công tác cán bộ ở một số địa phương. Và trong tuần vừa qua, Bộ Chính trị đã có kết luận về sửa đổi, bổ sung một số quy định về công tác cán bộ với quy trình bổ nhiệm qua 5 bước chặt chẽ.
Điểm mới căn bản của quy trình "5 bước" là đã công khai, minh bạch hóa tiêu chuẩn, bổ nhiệm cán bộ, phát huy trí tuệ và trách nhiệm của tập thể, đẩy mạnh phân cấp quản lý cho cấp ủy trong việc quản lý và quyết định công tác cán bộ. Cơ chế giám sát việc thực hiện các quy trình công tác cán bộ cũng được đề cao hơn.
Từ đây, trách nhiệm của cá nhân, nhất là người đứng đầu, trách nhiệm của tập thể trong việc giới thiệu, quy hoạch, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ đã được minh định. Từ đây, người đứng đầu khó có cơ hội làm tắt, làm sai cũng như khó có cơ hội sắp đặt cán bộ theo ý đồ cá nhân, nhóm lợi ích hoặc bổ nhiệm ồ ạt khi bước vào giai đoạn "hoàng hôn nhiệm kỳ".
Đây được xem là bước cải tiến cần thiết nhằm tạo ra bước chuyển biến căn bản sau những vấn đề nổi cộm về công tác nhân sự trong thời gian qua. Tuy nhiên, quy trình suy cho cùng vẫn chỉ là công cụ và công cụ này cần được đặt trong tay của những người nắm giữ, triển khai đủ sự công tâm với tinh thần, trách nhiệm cao nhất. Cần có cơ chế kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, đặc biệt là quy trình bổ nhiệm phải được giám sát một cách chặt chẽ của tập thể và nhân dân.
Theo P.V (ANTĐ)
Sai phạm của Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ gây hậu quả rất nghiêm trọng Chiều nay, 22/8, đại diện UBKT Trung ương đã có mặt tại trụ sở Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ để công bố kết luận sai phạm xảy ra tại cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ (BCĐTNB) những năm 2011-2016, giai đoạn ông Nguyễn Phong Quang giữ chức Phó Trưởng ban thường trực. Đoàn công tác của UBKT Trung...