Bỏ tiền bồi hoàn, Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh còn dám vượt biên chế?
Theo TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nếu như đề xuất người đứng đầu phải bồi hoàn số kinh phí đã sử dụng vượt quá số biên chế công chức được giao hoặc thực hiện không đúng đối tượng được thực hiện, thì chẳng còn ai dám làm sai để bị mất tiền túi.
TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (ảnh IT).
Trong dự thảo nghị định thay thế nghị định 21/2010 và nghị định 110/2015 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến rộng rãi có đề xuất rất đáng chú ý: Người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương phải bồi hoàn số kinh phí đã sử dụng vượt quá số biên chế công chức được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc thực hiện không đúng đối tượng, không đúng quy định về quản lý, sử dụng biên chế công chức.
Theo TS Nguyễn Tiến Dĩnh, đề xuất nêu trên là sự cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu, trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm về mặt tài chính. Đây là đề xuất rất cần thiết để thực hiện nghiêm việc quản lý biến chế công chức.
“Quy định hiện nay chưa cụ thể hình thức xử lý người đứng đầu Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh khi thực hiện không đúng quy định về quản lý biên chế công chức. Thời gian qua, dù đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế nhưng không ít nơi sử dụng biên chế vượt chỉ tiêu được giao. Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 cho thấy, có 11 địa phương sử dụng vượt gần 8.000 biên chế so với số biên chế công chức được giao”, TS Dĩnh nói.
Ông Dĩnh cho biết thêm, đề xuất trên có sự tác động trực tiếp vào lợi ích kinh tế của người đứng đầu khi họ làm không đúng. Tuy nhiên cần phải có sự giám sát chặt chẽ, nếu không người đứng đầu đó lại dùng kinh phí của cơ quan ra bồi hoàn thì tính răn đe mất tác dụng.
“Khi sử dụng vượt biên chế công chức, người đứng đầu sẽ bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật; đưa vào xem xét phân loại đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm; rồi lại phải bỏ tiền túi ra bồi hoàn. Với chế tài như vậy chắc chẳng Bộ trưởng, trưởng ngành hay Chủ tịch tỉnh nào cố tình mắc phải để bị xử lý”, TS Dĩnh cho hay.
Video đang HOT
Đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến (ảnh IT).
Từng làm công tác tổ chức Tỉnh ủy, ông Mai Sỹ Diến, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, ông ủng hộ đề xuất nêu trên của Bộ Nội vụ. Bởi quy định này phù hợp với chủ trương của Đảng, nâng cao hơn nữa trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu Bộ, ban ngành, địa phương.
Hiện nay cũng có quy định về trách nhiệm người đứng đầu trong việc sử dụng biên chế công chức nhưng chưa quy định về vấn đề liên quan đến tài chính. Người đứng đầu sử dụng vượt biên chế công chức gây ảnh hưởng cho ngân sách thì phải bồi hoàn, tôi ủng hộ đề xuất này”, ông Mai Sỹ Diến nói.
TS Nguyễn Sĩ Dũng (ảnh IT).
Ở góc nhìn khác, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, chế tài xử lý việc làm không đúng của Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch tỉnh phải là chế tài chính trị, không nên lẫn chế tài giữa các thiết chế.
“Đối với cán bộ công chức hành chính thì có dùng chế tài xử phạt tiền còn cán bộ ở tầm chính trị (Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch tỉnh trở lên) phải áp đặt theo chế tài về mặt chính trị. Nếu như Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh sử dụng vượt biên chế công chức họ sẽ bị Quốc hội (với Bộ trưởng), Hội đồng nhân dân tỉnh (với Chủ tịch tỉnh) chất vấn, bỏ phiếu tín nhiệm. Không nên dùng chế tài hành chính cho những quan chức chính trị”, TS Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Theo Danviet
TPHCM dự kiến tinh giản hơn 2.000 công chức, viên chức mỗi năm
Từ nay đến 2021, mỗi năm TPHCM giảm từ 260-693 người làm trong đơn vị hành chính và giảm 1.800 người làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Sở Nội vụ vừa có tờ trình gửi UBND TPHCM báo cáo thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và bổ sung lộ trình tinh giản biên chế ở TPHCM.
Theo dự thảo đề án chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, dự kiến năm 2018, TPHCM chi 2.342 tỷ đồng để chi trả cho hơn 140.000 người
Theo tờ trình, từ nay đến năm 2021, TPHCM sẽ giảm từ 1,5-2% biên chế công chức và số lượng người làm việc được giao.
Cụ thể, năm 2018 biên chế công chức dự kiến là 11.210 người, đến năm 2019 giảm còn 10.950 người (giảm 693 người). Từ 2019-2021, mỗi năm giảm 260 người. Đến năm 2021 biên chế công chức tại TPHCM dự kiến là 10.430 người.
Riêng khối sự nghiệp, TPHCM sẽ đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp nhằm giảm số lượng người làm việc cho phù hợp với thực tế tại TPHCM nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu về giáo dục, y tế cho người dân thành phố trong tình hình mức độ gia tăng dân cao như hiện nay.
Trên cơ sở lượng người được Trung ương giao, UBND TPHCM sẽ trình HĐND TP giảm 1,5% số người làm việc. Cụ thể, năm 2018 lượng người làm việc dự kiến là 119.976 người, đến năm 2021 giảm còn 114.576 người. Mỗi năm, TPHCM sẽ giảm 1.800 người.
Ngoài ra, TPHCM sẽ sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập của từng ngành, lĩnh vực. Theo đó, thành phố sẽ cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả.
Trong trường hợp cần thiết phải thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị đó phải tự đảm bảo toàn bộ về tài chính (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu).
Về quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, TPHCM sẽ thực hiện nghiêm đánh giá, phân loại viên chức hàng năm để đưa ra khỏi đội ngũ những người 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ.
Ngoài ra, TPHCM sẽ chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế sự nghiệp vượt quá số lượng được cơ quan có thẩm quyền thẩm định hoặc giao. Các cơ quan, đơn vị chưa sử dụng hết số biên chế được giao phải xem xét, cắt giảm cho phù hợp.
Đáng chú ý, TPHCM yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ tiêu về lãnh đạo cấp phó. Theo đó, trong thời gian sắp xếp lại, số cấp phó ở các đơn vị sự nghiệp công lập do sáp nhập, hợp nhất có thể cao hơn quy định. Nhưng khi có cấp phó nghỉ hưu hoặc điều chuyển công tác thì không được bổ sung.
Đồng thời, trong thời hạn tối đa 3 năm kể từ ngày sáp nhập, hợp nhất, đơn vị phải có giải pháp điều chuyển, sắp xếp lại cấp phó. Trường hợp điều chuyển giữ chức vụ thấp hơn thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ đến hết thời hạn bổ nhiệm.
Bên cạnh đó, TPHCM yêu cầu rà roát, sắp xếp, cơ cấu lại và tinh giản biên chế đối với các chức danh kế toán, y tế học đường tại các trường mầm non, phổ thông và các chức danh lái xe, bảo vệ, nhân viên phục vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Quốc Anh
Theo Dantri
Hà Nội chi 63 tỷ đồng cho gần 700 cán bộ nghỉ hưu trước tuổi Qua 12 đợt tinh giản biên chế theo Nghị định 108, TP Hà Nội đã chi 63,5 tỷ đồng cho 695 cán bộ, công chức... nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc ngay. UBND TP Hà Nội cho biết, trong năm 2018, đã đề nghị Bộ Nội vụ thẩm định danh sách đối tượng tinh giản biên chế được 80 trường hợp. Trong...