Bó tay với lò mổ thủ công?
Chính phủ, một số Bộ, ngành chức năng đã có yêu cầu về xây dựng các điểm giết mổ gia súc gia cầm (GSGC) tập trung, đảm bảo ATTP. Nhưng đến nay, phần lớn thực phẩm ra thị trường hàng ngày vẫn đến từ những lò giết mổ nhỏ lẻ, không được kiểm soát.
6/10 con nhiễm khuẩn
Bao giờ hết cảnh vận chuyển, giết mổ lợn như thế này. Ảnh internet
Trong năm 2009, tỷ lệ số mẫu thịt không đạt vệ sinh là 57%, nhưng sang năm 2010 tỷ lệ này là 61%. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nói rằng, cứ 10 con lợn, gà được giết mổ mang ra chợ, thì có 6 con không đạt yêu cầu vệ sinh. Trong đó, chủ yếu là nhiễm khuẩn Coliform, E.coli và Salmonella.
Ông Phạm Văn Đông-Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, số mẫu thịt GSGC không đạt tiêu chuẩn chủ yếu ở khu vực kinh doanh: “Điều này cho thấy, việc vận chuyển sản phẩm sau giết mổ bằng các phương tiện không đảm bảo cũng dẫn đến ô nhiễm”.
Hiện mới có 32 tỉnh, thành được phê duyệt quy hoạch giết mổ, 24 tỉnh, thành đang triển khai, 20 đang xây dựng và còn 11 tỉnh, thành chưa có đề án. Ông Đông cho biết: “Các cơ sở giết mổ phía Nam hoạt động rất hiệu quả thì phía Bắc lại đang ngắc ngoải. Nhiều cơ sở được xây dựng nhưng hoạt động cầm chừng, hoặc dừng hoạt động, nhiều cơ sở có hệ thống giết mổ treo nhưng lại giết mổ dưới nền đất”.
Tại TP Hà Nội, hiện còn gần 500 điểm giết mổ nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh GSGC tại các chợ cóc, chợ tạm. Việc vận chuyển GSGC từ điểm giết mổ đến nơi tiêu thụ vẫn bằng xe máy, xe thô sơ, chưa có xe chuyên dụng. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho biết, Hà Nội trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng 560 tấn thịt GSGC, các cơ sở giết mổ tập trung chỉ đáp ứng được 2,9%, còn lại từ các điểm giết mổ thủ công.
Thịt giết mổ nhỏ lẻ đắt hàng hơn
Từ năm 2009, Hà Nội đã triển khai 13 nhà máy giết mổ GSGC tập trung, tuy nhiên, đến nay mới có 5 nhà máy đi vào hoạt động. “Có sự chậm trễ trong quy hoạch hệ thống giết mổ GSGC là do còn phụ thuộc, chờ đợi vào quy hoạch chung của Thủ đô”, ông Tưởng nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng, dù TP đã có rất nhiều ưu đãi lớn cho DN đầu tư ở lĩnh vực này như miễn toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tiền thuê đất, hỗ trợ xử lý nước thải… nhưng các DN vẫn không mặn mà. “Nhiều người cho rằng thịt lạnh là thịt không tươi, không bổ dưỡng như thịt “ nóng”, thậm chí có người khăng khăng bảo thịt “lạnh” không dùng để giã giò được. Điều này khiến cơ sở giết mổ tập trung gặp khó về đầu ra”, Phó Chủ tịch cho biết và nhận định, để thay đổi nhận thức này là rất khó khăn, đặc biệt đối với thói quen tiêu dùng của người dân miền Bắc.
Nhận định về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, bức tranh giết mổ GSGC còn nhiều tồn tại: “Giết mổ đảm bảo vệ sinh liên quan đến sức khỏe của hàng chục triệu người tiêu dùng cả nước. Nếu ở đâu cũng tồn tại cách làm thủ công “cắt tiết, làm lông” như hiện nay thì không thể kiểm soát, khống chế dịch bệnh”. Bộ này đề nghị các địa phương cần thống kê các cơ sở giết mổ GSGC trên địa bàn, phân loại cơ sở đủ điều kiện và không đủ. Với những cơ sở không đạt, nếu không khắc phục cần xử lý nghiêm theo pháp luật. Bộ NN&PTNT cũng sẽ kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ chung, không để tình trạng mỗi tỉnh, thành một phách như hiện nay.
Theo ANTD