Bộ Tài nguyên Môi trường thông tin việc xử lý khẩu trang phòng n-CoV
Bộ Tài nguyên và Môi trường nói gì về vấn đề đang được quan tâm là những chiếc khẩu trang phòng dịch 2019-nCoV sau khi sử dụng sẽ được xử lý thế nào để đảm bảo môi trường, cũng như đảm bảo an toàn?
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm hỏi bà con chờ nhập cảnh về Việt Nam tại khu vực cửa khẩu quốc tế Móng Cái. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) gây ra, những ngày qua, hình ảnh đeo khẩu trang đã trở nên phổ biến hơn cả khi chống ô nhiễm không khí, hay bụi mịn.
Một vấn đề đặt ra là những chiếc khẩu trang sau khi đã sử dụng sẽ được xử lý thế nào để đảm bảo môi trường, cũng như đảm bảo hợp vệ sinh và an toàn?
Liên quan đến vấn đề này, ngày 1/2, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành công văn số 483/BTNMT-VP yêu cầu Tổng cục Môi trường chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng phương án bảo vệ môi trường trong phòng chống dịch bệnh.
Cơ quan này cũng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan của Bộ Y tế hướng dẫn xử lý khẩu trang sau khi đã sử dụng đảm bảo hợp vệ sinh và bảo vệ môi trường.
Video đang HOT
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch do virus corona vào chiều 3/2 ông cũng đã có ý kiến.
Tuy nhiên, “vấn đề này để Tổng cục Môi trường sẽ thông tin sau khi phối hợp với Bộ Y tế thống nhất. Còn bây giờ có rất nhiều thông tin khác nhau nên cần tránh loạn thông tin,” ông Nhân chia sẻ và nhắc lại ý kiến của Phó Thủ tướng tại cuộc họp là “thống nhất một đầu mối chỉ đạo xuyên suốt.”
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus vào sáng 4/2, đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết “tinh thần là theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo là giao đầu mối thông tin về Bộ Y tế.”
Vị lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết từ thông tin phát ngôn, cách đeo khẩu trang, sử dụng khẩu trang sẽ do Bộ Y tế thực hiện. Vị này cũng giải thích rằng “vừa qua, trên mạng, một số thông tin cho rằng khẩu trang sử dụng phải là khẩu trang y tế, đâm ra mới sốt khẩu trang y tế như thế.”
“Hiện nay, Chính phủ cũng đã có những biện pháp rất quyết liệt, ví dụ những ai đi từ Vũ Hán (Trung Quốc) về, có đi qua vùng dịch về Việt Nam, thì sẽ tiến hành cách ly theo dõi 14 ngày. Tất cả những trường hợp có nguy cơ, đều đã được cách ly. Còn đi ở ngoài đường có thể đeo khẩu trang bình thường,” vị này nói.
Ngoài ra, những người đi qua vùng dịch sẽ tiếp tục theo dõi, trường hợp nào nghi ngờ thì đưa vào cơ sở y tế. Khẩu trang y tế là chất thải y tế, do Bộ Y tế xử lý. Với khẩu trang bình thường mà người khỏe mạnh đeo thì xử lý như chất thải bình thường.
“Phó Thủ tướng cũng đã giao cho Bộ Y tế hướng dẫn để người dân sử dụng khẩu trang đúng cách. Ví dụ trường hợp người không có bệnh thì có thể dùng khẩu trang vải thông thường, sau khi sử dụng thì đem giặt sạch, phơi khô và tiếp tục sử dụng,” đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường nói thêm./.
Hùng Võ
Theo Vietnamplus
Phát hiện 2 trường hợp nhiễm virus corona ở Việt Nam: Tổ chức Y tế Thế giới nói gì?
"Chúng tôi tin rằng với năng lực của Việt Nam, rất nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch, chúng ta có thể phối hợp cùng nhau để chống dịch, ngăn chặn chúng lan rộng" đại diện WHO tại Việt Nam nói.
Sáng 24/1, Bộ Y tế tổ chức họp khẩn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới (nCoV) với sự tham gia của các bộ, ngành, Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm phòng ngừa dịch bệnh hàng đầu thế giới do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì.
Nêu ý kiến tại cuộc họp, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho hay đối với Việt Nam, hoàn toàn không ngạc nhiên khi có ca nhiễm bệnh từ Trung Quốc bởi lưu lượng đi lại giữa hai nước rất lớn.
Tuy nhiên, chúng ta cũng đã có động thái chủ động chống dịch. Đặc biết, tất cả cả các bệnh nhân đều có tiền sử đi từ Vũ Hán - tức vùng phát bệnh đầu tiên. Do đó, người dân không nên quá lo lắng.
Ông Ki Dong Park, đại diện WHO tại Việt Nam.
Để phòng dịch, người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu có các biểu hiện sốt, ho, khó thở, người dân đến các cơ sở y tế để được điều trị.
Sau khi tham khảo các ý kiến của chuyên gia các nước, đại diện của WHO cho biết chưa đủ điều kiện để công bố sự kiện y tế khẩn cấp toàn cầu. Trong thời gian đó, cơ quan này sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn công tác sang Vũ Hán để có thông tin chính xác trong thời gian sớm nhất.
Các cơ sở khám chữa bệnh áp dụng tốt công tác cách ly, khử khuẩn, điều trị cho bệnh nhân. Người bị sốt với các triệu chứng thông thường không nên quá lo lắng.
" Chúng tôi tin rằng với năng lực của Việt Nam, rất nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch, chúng ta có thể phối hợp cùng nhau để chống dịch, ngăn chặn chúng lan rộng", đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam nêu rõ.
XUÂN TRƯỜNG - TÙNG LÂM
Theo VTC
Lo cúm A/H5N1 xâm nhập từ Trung Quốc, Bộ NNPTNT ra công điện khẩn Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra tác động mạnh đến xuất khẩu nông sản, Bộ NNPTNT lại phải lên kế hoạch ngăn chặn cúm A/H5N1 xâm nhập qua biên giới khi tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) vừa phát hiện một ổ dịch cúm gia cầm. Nguy cơ lây lan giữa các nước...