Bộ Tài chính: Tiền hiếu hỷ không làm tăng giá bán lẻ điện của EVN
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, tiền hiếu hỷ, đi nghỉ mát… cho bản thân và gia đình người lao động tại EVN nếu được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh của công ty này sẽ không làm tăng giá bán lẻ điện.
Khẳng định này được Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đưa ra ngày 18.5 liên quan tới những quy định mới được nêu trong dự thảo Nghị định Quy chế quản lý tài chính đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa được cơ quan này đưa ra lấy ý kiến.
Theo bản dự thảo Nghị định, EVN có thể được phép đưa các khoản chi như chi hiếu, hỷ, nghỉ mát, hỗ trợ đi lại ngày lễ, Tết cho người lao động… tính vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tổng số chi không quá một tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của EVN.
Giá bán lẻ điện sẽ không tăng vì tiền hiếu, hỷ, nghỉ mát trong ngành này.
Trên thực tế, đây là những khoản chi mới, chưa được quy định trong quy chế hiện hành của EVN. Trước đó từ tháng 3, Bộ Tài chính cũng công bố dự thảo tương tự về quy chế tài chính với một doanh nghiệp Nhà nước khác là Tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam), song các khoản chi nói trên cũng không được đưa vào khung quy định về chi phí sản xuất kinh doanh của đơn vị này.
Video đang HOT
Ngay khi vừa được đưa ra lấy ý kiến, dự thảo Nghị định này đã ngay lập tức gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Có ý kiến cho rằng, việc đưa các khoản chi phí này vào chi phí sản xuất kinh doanh của EVN sẽ khiến giá thành và giá bán lẻ điện tăng lên và người chịu tác động cuối cùng là người tiêu dùng. Cũng có quan điểm bày tỏ, việc đưa các khoản chi phúc lợi này vào hạch toán chi phí sản xuất kinh doanh là bình thường.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, về mặt khoa học tài chính thì phúc lợi cho công nhân là một khoản chi phí để sản xuất. Luật đã quy định các doanh nghiệp tư nhân được hạch toán vào chi phí để trừ khi xác định tính thuế thu nhập doanh nghiệp, thì nay các doanh nghiệp Nhà nước cũng được hạch toán các chi phí này để tạo sự bình đẳng.
“Doanh nghiệp Nhà nước cũng là doanh nghiệp nên phải thực hiện bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác. Các loại hình doanh nghiệp khác được thực hiện quy định này thì tại sao ngành điện lại không?”, ôngTuấn nói.
Ngoài ra, Thứ trưởng Tài chính cũng cho rằng, khi các khoản chi này đã được đưa vào chi phí sản xuất thì sẽ không được hạch toán thêm vào quỹ phúc lợi của doanh nghiệp để không trùng lặp và bình đẳng. Bên cạnh đó, việc đưa các chi phí hiếu, hỷ, nghỉ mát… vào chi phí sản xuất kinh doanh của EVN cũng không làm tăng giá bán lẻ điện tới tay người tiêu dùng, do đây là những chi phí trước thuế
Bàn về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Thuế cho hay, nếu có đầy đủ chứng từ thì doanh nghiệp được chi cho người lao động các khoản như hiếu, hỷ, nghỉ mát của bản thân và người lao động… vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Quy định này đã được nêu rõ trong Thông tư 96 của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ năm 2015.
“Các khoản chi phúc lợi này được đưa vào chi phí tính thuế, thì doanh nghiệp được phép đưa vào chi phí sản xuất kinh doanh, được hạch toán vào chi phí để trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp”, bà Cúc bày tỏ, đồng thời khẳng định, giá bán lẻ điện sẽ không tăng nếu chi phí sản xuất của EVN được “cộng” thêm các khoản tiền hiếu, hỷ, nghỉ mát…
“Doanh nghiệp phải tính toán chi phí bởi về nguyên tắc các khoản chi phí phải thực chi. Còn nếu doanh nghiệp không chi thì sẽ không ảnh hưởng gì tới đầu ra của giá thành sản xuất sản phẩm, tuỳ thuộc vào điều kiện của từng doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp đã dùng quỹ phúc lợi và không muốn tính vào chi phí thì không có vấn đề gì”, Chủ tịch Hiệp hội Thuế chia sẻ.
Theo Anh Minh (vnexpress)
Giá điện tăng, dân không hài lòng là lỗi của ngành điện
Trong năm 2015, giá bán điện bình quân của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đạt 1.629,8 đồng/kWh (tăng 12,58 đồng/kWh so với kế hoạch), doanh thu bán điện tăng thêm 1.800 tỉ đồng.
Đây là thông tin được đưa ra trong hội nghị tổng kết năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 của EVN, diễn ra ngày 6-1.
Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết trong năm 2015, tất cả tổng công ty điện lực đều hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch giá bán điện bình quân từ 11 đến 17 đồng/kWh. Tính chung, doanh thu bán điện toàn tập đoàn ước đạt 233.710 tỉ đồng, tăng 18,5% so với năm 2014.
Về kế hoạch năm 2016, EVN đặt ra chỉ tiêu giá điện bình quân toàn tập đoàn là 1.651,2 đồng/kWh. Với kế hoạch này, giá điện bình quân năm 2016 sẽ tăng khoảng 21 đồng/kWh so với năm 2015.
Ông Đặng Hoàng An, Tổng Giám đốc EVN, cho biết trong năm 2016, EVN quản lý chặt chẽ việc áp giá bán điện, chống thất thoát và nợ tiền điện.
Tuy nhiên, lãnh đạo EVN cũng nhìn nhận thời gian qua, việc vận hành hệ thống điện, cung ứng điện vẫn còn nhiều khó khăn, độ tin cậy cung cấp điện chưa cao. Các nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 sau khi đi vào vận hành bộc lộ thiếu sót về môi trường.
EVN đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các đơn vị giữ ổn định giá khí trong bao tiêu và giá than đối với sản xuất điện. Cho phép các dự án điện được vay lại của Bộ Tài chính nguồn vốn ODA và các nguồn vay ưu đãi nước ngoài theo đúng các điều kiện cho vay của nhà tài trợ, không áp dụng cơ chế cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng làm tăng chi phí vay vốn. Cho phép các dự án điện được vào danh mục các dự án được vay vốn tín dụng ưu đãi nhà nước để thực hiện di dân tái định cư và chế tạo thiết bị trong nước.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng năm năm qua là giai đoạn giá điện được điều chỉnh tăng nhiều nhất. Khi tăng giá điện nhiều người phê phán, dư luận không hài lòng, đây là lỗi của ngành điện. "EVN phải giải thích, minh bạch hơn về giá điện và thay đổi nhận thức của xã hội về giá điện cũng như phát triển thị trường điện" - ông Hải nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trong khâu chăm sóc khách hàng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu EVN phải thay đổi cách thức giao tiếp với khách hàng, làm sao để người dân cảm thấy hài lòng với dịch vụ mà họ bỏ tiền ra mua. "Khách hàng chỉ biết đóng tiền điện đủ hằng tháng nhưng tại sao vẫn mất điện, gặp tình trạng điện chập chờn. Ngành điện phải nhận lỗi để khắc phục, EVN phải làm sao để người dân hiểu bằng những hành động, việc làm thiết thực hơn để nâng cao chất lượng dịch vụ" - Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Theo_PLO
Vai trò của người dân ở đâu trong tính giá điện? Giá điện cần làm chẵn, cần xác định lại với sự tham gia của người dân, chuyên gia, nhà sản xuất và cơ quan quản lý. Giá điện và các nhân tố phụ thuộc Giá cả trong điều kiện kinh tế thị trường phụ thuộc chủ yếu vào quan hệ cung cầu. Đồng thời trong tùy giai đoạn, cũng có thể chịu thêm...