Bộ Tài chính lấy ý kiến vào dự thảo nghị định về cải cách kiểm tra chuyên ngành
Ngày 18/3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai chủ trì hội nghị trực tuyến lần thứ nhất lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai chủ trì hội nghị. Ảnh: Hải Anh
Tại hội nghị, đại diện các bộ: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng… đánh giá cao sự cần thiết phải ban hành nghị định để triển khai đề án kiểm tra chuyên ngành, theo Quyết định 38/QĐ-TTg.
Video đang HOT
Một số ý kiến tại hội nghị đề nghị làm rõ từ ngữ “hàng hóa giống hệt nhau” để tránh nhầm lẫn, bởi quy định này chung chung sẽ khó cho cả cơ quan thực thi và doanh nghiệp (DN) trong quá trình khai báo hải quan…
Đồng thời, các ý kiến đề nghị làm rõ một số vấn đề như đối tượng áp dụng: sản phẩm nào thuộc hàng hóa nhóm 2 thuộc sự quản lý kiểm tra chuyên ngành; sản phẩm nào chỉ phải kiểm tra thông thường; đề nghị làm rõ hơn vai trò trách nhiệm của bộ, ngành và cá nhân, tổ chức, DN trong từng trường hợp phải công bố hợp chuẩn và hợp quy…
Đại diện bộ, ngành góp ý dự thảo nghị định. Ảnh: Hải Anh
Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Vũ Thị Mai đã đánh giá cao ý kiến góp ý bổ ích, có trách nhiệm của đại diện các bộ, ngành và đề nghị ban soạn thảo nghị định tiếp thu tối đa các ý kiến.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Vũ Thị Mai chỉ đạo Tổng cục Hải quan sớm trình Bộ Tài chính ký ban hành quyết định thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập nghị định. Đồng thời, cơ quan này tổ chức làm việc với từng bộ, ngành, lĩnh vực cụ thể liên quan nghị định…
“Việc xây dựng dự thảo nghị định còn nhiều việc phải làm và cần khẩn trương thực hiện, đi kèm với nội dung dự thảo nghị định, Ban soạn thảo cần có báo cáo tác động và tờ trình Chính phủ. Nghị định cần đảm bảo tính khả thi, rõ ràng minh bạch trong thực hiện với mục tiêu cải cách là phải đơn giản hơn…” Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cải cách kiểm tra chuyên ngành: Nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt trong hội nhập
Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định 169/QĐ-BTC về kế hoạch triển khai Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu giai đoạn 2021 - 2023, trong đó, hướng đến tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Lực lượng chuyên ngành kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu qua cửa khẩu.
Đây là trao đổi của ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với phóng viên TBTCVN.
PV: Tại Quyết định 169/QĐ-BTC của Bộ Tài chính có đề cập đến việc khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Xin ông cho biết nhận xét của mình về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc xây dựng Nghị định nêu trên đối với việc triển khai đề án?
Ông Đậu Anh Tuấn
Ông Đậu Anh Tuấn: Việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu là rất cần thiết để thực hiện Quyết định 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chủ trương, chính sách thì đã có, đã rõ, vấn đề quan trọng và ưu tiên hiện nay là cần nhanh chóng thể chế hoá các chủ trương, chính sách này. Chúng tôi hy vọng Nghị định này sẽ nhanh chóng được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật trong năm nay và sẽ được ban hành sớm.
PV: Khi mô hình mới triển khai, doanh nghiệp làm thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm chủ yếu giao dịch với một đầu mối là cơ quan Hải quan. Đây có phải là điều kiện giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí và cơ quan quản lý sẽ thực hiện tốt vai trò quản lý của mình, vừa tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu không thưa ông?
Ông Đậu Anh Tuấn: Theo tôi, các giải pháp được thực hiện trong mô hình mới không chỉ hướng tới việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước trong công tác kiểm tra chuyên ngành mà còn xuất phát từ lợi ích chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp. Đó là giảm chi phí, giảm thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, việc đẩy nhanh cắt giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
PV: Theo ông, đâu là những nội dung cải cách quan trọng của Đề án nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh đối với doanh nghiệp?
Ông Đậu Anh Tuấn: Đề án vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định 38 đã khá rõ về quy trình, thủ tục kiểm tra chuyên ngành cũng như xác định rõ về cơ quan đầu mối, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp, các phương thức kiểm tra (kiểm tra chặt; kiểm tra thông thường; kiểm tra giảm).
Đặc biệt, Đề án đã nêu việc áp dụng chuyển đổi phương thức kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm từ kiểm tra chặt sang kiểm tra thông thường, từ kiểm tra thông thường sang kiểm tra giảm theo mặt hàng để giảm tối đa lô hàng cần phải kiểm tra... Đề án cũng đã xác định rõ yêu cầu áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin, thống nhất và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan... Đây là những nội dung cải cách rất quan trọng, sẽ giúp cho việc giải quyết thủ tục hành chính trở nên nhanh chóng, thuận tiện và minh bạch hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Chúng tôi hi vọng rằng những nội dung cải cách quan trọng mà Đề án đưa ra sẽ sớm được hiện thực hoá tại Nghị định, truyền tải đầy đủ tinh thần cải cách của Chính phủ trong quy định pháp luật này, cũng như cả quá trình thực thi sau này.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hải quan thực hiện Thông tư về thời điểm nộp C/O trong Hiệp định EVFTA Tổng cục Hải quan đã có chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố chủ động tập huấn triển khai Thông tư 07/2021/TT-BTC quy định thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu trong Hiệp định EVFTA, có hiệu lực từ 1/3/2021. Cán bộ hải quan hướng dẫn DN hoàn thiện thủ tục XNK. Ảnh: Hải Anh...