Bộ sưu tập 10 chiếc nồi đồng độc nhất vô nhị
Ý thức gìn giữ những vật dụng gắn với tuổi thơ, ông Đức ở Đà Nẵng ngày đêm trăn trở đi tìm và hiện sở hữu bộ sưu tập 10 chiếc nồi đồng hiếm có.
Ngôi nhà thờ tổ tộc Nguyễn Văn nằm sâu trong ngõ tổ dân phố 252 (Hòa Mỹ 2, phường Hòa Minh, Liên Chiểu, Đà Nẵng) đang là nơi ông Nguyễn Đức đặt trang trọng bộ sưu tập 10 nồi đồng cổ. Chiếc to nhất đường kính 43 cm, nhỏ nhất 14 cm. Những chiếc nồi như hồ lô, chiếc nhỏ có thể xếp bên trong chiếc lớn hơn.
Tất cả 10 nồi đều có đáy mo tròn và không nắp mà theo lý giải của ông Đức: “Ngày xưa sử dụng củi để nấu ăn, nồi được đặt trên ba viên đá hay cái kiềng ba chân. Do không có vung nên khi cơm cạn nước sẽ được lót một lớp lá chuối lên trên, sau đó cào than ra, nhấc nồi cơm vùi đáy nồi xuống than. Chiếc nồi có đáy mo để dễ dàng xoay cho cơm dễ chín”.
Nhà thờ tộc Nguyễn Văn nơi ông Đức đặt bộ sưu tập 10 chiếc nồi đồng. Ảnh: Vân Anh.
Theo ông Đức, trong số 10 chiếc nồi đồng này thì có 4 bốn chiếc có niên đại đầu thế kỷ 18, khi đó thủy tổ của dòng họ Nguyễn Văn chuyển vào vùng đất Đà Nẵng sinh sống đã sử dụng.
“Giá trị để xét bộ sưu tập này vào hàng độc nhất vô nhị là hai quai ở mỗi chiếc nồi được làm từ loại đồng lạnh người Pháp từng sử dụng cách đây ba thế kỷ. Khi được đốt ở nhiệt độ cao, dùng tay sờ vào vẫn không bị nóng”, ông Đức nói và cho biết chất liệu đồng này cũng được sử dụng làm nắp bàn ủi con gà thời xưa và rất đắt tiền.
Video đang HOT
Để sở hữu bộ sưu tập hiếm có này, ông Đức bảo “đó là cả một hành trình dài”. Gia đình ông có bốn chiếc nồi đồng, truyền lại từ thời ông tổ. Gắn liền với tuổi thơ của ông là hình ảnh nồi cơm gạo trắng, hòa quện với mùi thơm của lá chuối do bà nội nấu.
Vừa trò chuyện ông vừa tỉ mỉ lau chùi những chiếc nồi giống như cách người cha ân cần chăm sóc cho những đứa con. Người đàn ông 55 tuổi bảo trước đây chưa từng nghĩ đến việc sưu tầm cho đủ bộ 10 chiếc cho đến khi biết được bà nội luôn tâm nguyện có được chiếc nồi mười để mỗi dịp lễ, Tết nấu bánh tét cúng tổ tiên.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông Đức quyết tâm tìm cho đủ bộ 10 chiếc nồi đồng. Gần ba năm tìm kiếm ông đã có 9 chiếc. Thỉ thoảng vài người bạn có ý định muốn chiêm ngưỡng những chiếc nồi quý, ông luôn niềm nở đón tiếp, nhưng trong tâm thì chưa mãn nguyện khi thiếu đi một chiếc.
Có được bộ sưu tập độc đáo, ông Đức rất nâng niu, thỉnh thoảng lại mang ra lau. Ảnh: Vân Anh.
Một lần đang lau chùi những chiếc nồi đồng trong nhà thờ tổ, ông Đức ngồi suy tư và thở dài. Một thợ xây biết được chuyện ông đau đáu tìm chiếc nồi 8 nên bỏ thời gian dẫn lên huyện miền núi Quế Sơn. “Nhìn thấy chiếc nồi, tôi mừng ra mặt và quyết mua cho kỳ được. Nhưng khi người chồng đồng ý bán thì người vợ lại muốn giữ lại làm kỷ niệm”, ông Đức kể.
Phải mất đến 6 lần lên lại Quế Sơn, trải lòng rằng việc mua nồi đồng không nhằm thương mại mà chỉ để thỏa tâm nguyện của gia đình, ông Đức mới có thể chở nồi về Đà Nẵng. Về đến nhà, ông đặt bộ nồi đồng ngay trước bàn thờ tổ tiên, thắp nén hương kính báo.
Nhiều người khi biết đến việc ông kiên trì tìm mua bằng được bộ nồi đồng dù cho gặp nhiều khó khăn cũng lấy làm nể phục. Cũng có nhiều tổ chức, người chơi đồ cổ tìm đến hỏi mua bộ sưu tập với giá cao, nhưng ông Đức không bán.
“Đó không chỉ là đồ cổ mà là một miền ký ức”, ông Đức nói và cho biết đang nhờ những nhà nghiên cứu thẩm định niên đại của 10 chiếc nồi đồng để tăng thêm giá trị cho bộ sưu tập.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết thời gian sắp tới, nếu ông Đức cần đến sự giúp đỡ, phía bảo tàng sẽ mời các chuyên gia hỗ trợ về mặt chuyên môn để giám định và đưa ra đánh giá chính xác về mặt niên đại cũng như giá trị của bộ sưu tập 10 chiếc nồi đồng.
Vân Anh
Theo VNE
Rừng pơmu độc nhất vô nhị còn sót lại Việt Nam
Trong khi gỗ pơmu ở phía bắc bị khai thác kiệt quệ, thì tại huyện Tây Giang, Quảng Nam ở miền Trung còn cả một rừng cây pơmu.
Hiện tại huyện Tây Giang, Quảng Nam còn cả một khu rừng hỗn giao cây lá kim - lá rộng trong đó cây pơmu chiếm ưu thế với hàng ngàn cây cổ thụ, từ hàng trăm đến cả ngàn năm tuổi, phân bổ rộng khắp trên diện tích chừng 240ha.
Mới đây, chính quyền huyện Tây Giang, BQL rừng phòng hộ Bắc Sông Bung thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam có chuyến khảo sát, thống kê trên địa bàn 2 xã Tr'hy và Axan có quần thể pơmu cổ thụ, với tổng số cây pơmu đo đếm được là 1.366 cây. Trong đó số cây có đường kính đo ở vị trí 1,3m từ 10cm trở lên là 1.243 cây, số cây có đường kính dưới 10cm (cây tái sinh) là 123 cây. Cây lớn nhất có chu vi 7,52m.
Cây gỗ pơmu hiện nay đã xếp vào hạng nguy cấp trong "sách Đỏ Việt Nam".
Hiện quần thể cây pơmu được chính quyền và nhân dân địa phương bảo vệ nghiêm ngặt và gần như còn nguyên vẹn. Nhằm bảo tồn tốt hơn nữa, chính quyền và nhân dân địa phương lập hồ sơ đề nghị Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam xét duyệt công nhận quần thể cây gỗ quý pơmu "độc nhất vô nhị" ở Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung.
Cây pơmu gắn liền với văn hóa và đời sống của người Cơ Tu. Theo truyền thống của bà con, những cây to trong rừng, hoặc là chỗ trú ngụ của thần linh, hoặc là nơi linh hồn người chết trú ẩn. Việc chặt cây làm nhà phải có sự đồng ý của bản làng, phải làm lễ cúng để xin chặt cây.
Người làng khác cũng không được xâm phạm phần đất, phần rừng của nhau theo ranh giới đã quy ước. Có lẽ vì vậy mà rừng nguyên sinh với cả ngàn cây cổ thụ vẫn trường tồn cùng các bản làng Cơ Tu vùng cao đến tận bây giờ. Đây chính là hình ảnh đẹp hùng vĩ, hiếm hoi của vùng núi cao Tây Giang./.
Theo Thanh Hải
Theo_VOV
Cận cảnh cây vú sữa hình "Tứ linh" độc nhất giá hàng trăm triệu đồng Ông Nguyễn Văn Nhiên ngụ ấp Quân Phong (Tân Thiềng, Chợ Lách, Bến Tre) đang sở hữu cây vú sữa cổ hình "Tứ linh" (long, lân, quy, phụng) độc nhất giá hàng trăm triệu đồng. Cây vú sữa lạ này thu hút hàng ngàn lượt người đến tận nhà ông Nhiên để chiêm ngưỡng. Hơn chục năm trước, trong một lần đi "săn"...