Bổ sung quyền con người trong Hiến pháp
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, lần sửa đổi hiến pháp này sẽ phát huy hơn nữa quyền làm chủ của người dân theo nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Tại cuộc tọa đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp sáng 23/1, ông Phúc cho biết, dự thảo nhấn mạnh các hình thức nhân dân thực hiện quyền lực của mình, thông qua dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, không chỉ qua cơ quan dân cử mà các cơ quan nhà nước khác. Một vấn đề rất mới, quan trọng của dự thảo là phát huy nhân tố con người, đặc biệt là nhấn mạnh quyền con người, quyền công dân.
Ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, góp ý dự thảo ngoài khẳng định nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhà nước thì cần nêu rõ Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân, vì dân. “Dự thảo hiến pháp đã bổ sung nhiều yếu tố về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hiến pháp ghi nhận 16 quyền con người, kể cả người nước ngoài và người không có quốc tịch”, Thứ trưởng cho hay.
Chủ tịch Hội luật gia Phạm Quốc Anh cho rằng quyền con người trong dự thảo lần này đã nói rõ hơn quyền sống, bảo hộ tính mạng, sức khỏe, quyền được hiến mô, tạng, hiến xác. Đây là điểm mới và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. “Về quyền công dân, ngoài quyền tự do cư trú, đi lại, tự do tín ngưỡng còn có quyền lập hội, quyền biểu tình… đây là những vấn đề mới, bước đầu đã được chúng ta triển khai và khi sửa đổi Hiến pháp sẽ có cơ sở triển khai mạnh mẽ hơn”, ông Anh bày tỏ.
Các ông Hoàng Thế Liên, Phạm Quốc Anh, Nguyễn Văn Phúc (từ trái qua) trong buổi tọa đàm. Ảnh: A.Thư
Trả lời nghi vấn của một giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia HCM khi cho rằng sẽ không có một bản hiến pháp dân chủ nếu hoạt động xây dựng hiếp pháp không được tiến hành thực sự dân chủ với các phương thức dân chủ, ông Hoàng Thế Liên cho biết để phát huy dân chủ, theo lịch sử lập hiến, có 3 hình thức. Một là sau khi chuẩn bị xong đưa ra để toàn dân quyết định, gọi là trưng cầu ý dân, không phải nhiều nước làm được vì đòi hỏi nhiều điều kiện.
Video đang HOT
Thứ hai, cách này được ghi nhận trong Hiến pháp 1946, sau khi Quốc hội thông qua, Hiến pháp chỉ có giá trị khi toàn dân phúc quyết. Quy định này trong Hiến pháp 1946 không thực hiện được do điều kiện chiến tranh. Thứ ba là tạo điều kiện cho nhân dân tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng Hiến pháp. Trong 3 cách đó, các nhà lập pháp sẽ chọn cách nào phù hợp.
“Tôi cho rằng cách thứ 3 là phù hợp với điều kiện hiện nay”, ông Liên bày tỏ quan điểm. Ông cho biết, nghị quyết 38 của Quốc hội quy định không những lấy ý kiến nhân dân trong 3 tháng mà còn làm rõ trách nhiệm của các tổ chức nhà nước, chính trị xã hội và báo chí cung cấp đầy đủ thông tin cho nhân dân, lắng nghe, tiếp thu tổng hợp đầy đủ ý kiến nhân dân. Sau đó sẽ tổng hợp, phân tích từng ý kiến, nếu không tiếp thu sẽ giải trình.
“Tôi rất mong đợi và hy vọng Hiến pháp sửa đổi lần này sẽ được nhân dân tham gia đông đảo, đầy đủ, nhất là những thiết chế mới như: quyền công dân, quyền con người… Tất cả những điều đó làm bản Hiến pháp mới sinh động, phản ánh được yêu cầu cuộc sống”, ông Phạm Quốc Anh nói.
Theo VNE
Không có điều gì cấm kỵ khi góp ý sửa Hiến pháp
Bản dự thảo Hiến pháp với các nội dung được sửa đổi toàn diện được công bố ngày 2/1 tới và lấy ý kiến góp ý của người dân đến 31/3. Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho biết không có điều gì cấm kỵ khi người dân góp ý.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý chủ trì buổi họp báo.
Chiều 29/12, UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tổ chức họp báo về việc triển khai thực hiện lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý - Trưởng Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho biết ngày 2/1/2013, bản Dự thảo Hiến pháp sẽ được công bố đến toàn dân.UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ có một bản thuyết minh về những vấn đề cần phải sửa đổi trong Hiến pháp để nhân dân nắm rõ và đưa ra ý kiến của mình.
Ông Lý phân tích, ở Việt Nam, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân nên nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và sửa đổi Hiến pháp. Hiến pháp của Việt Nam các năm 1959, 1980, 1992 và sửa đổi, bổ sung năm 2001 đều được lấy ý kiến nhân dân.
Sau khi bản dự thảo được đăng tải trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng vào ngày 2/1 tới, nhân dân sẽ có 3 tháng (kéo dài đến 31/3) để tham gia, góp ý về toàn bộ dự thảo, với các nội dung quan trọng như chế độ chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, bảo vệ Tổ quốc, bộ máy nhà nước...
Lần lấy ý kiến này hướng tới tất cả các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các cơ quan, tổ chức ở TƯ và địa phương.
Chủ nhiệm Phan Trung Lý phân tích, mục đích của việc này là phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp.
Các hình thức lấy ý kiến nhân dân bao gồm: Góp ý trực tiếp bằng văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 6 của Nghị quyết số 38/2012/QĐ13; thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Trang thông tin điện tử của Quốc hội tại địa chỉ http://duthaoonline.quochoi.vn và các phương tiện thông tin đại chúng; các hình thức phù hợp khác.
Về nội dung bản dự thảo sắp được công bố và đưa ra lấy ý kiến ngươi dân, Trưởng Ban biên tập cho biết có nhiều phần tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến góp ý, thảo luận của các đại biểu quốc hội tại kỳ họp vừa qua.
Bản dự thảo đã thêm thiết chế Hội đồng Hiến pháp với nhiệm vụ phát hiện các vi phạm Hiến pháp, đặc biệt trong các văn bản quy phạm pháp luật, bên cạnh các thiết chế độc lập khác như Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước.
Điều 4 tại dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này cũng có một bổ sung rất quan trọng là quy định thêm trách nhiệm của Đảng, làm rõ hơn, đầy đủ hơn vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng. Nhân dân có thể góp ý về điều này như các nội dung khác, không có gì cấm kỵ.
Liên quan đến vai trò của các thành phần kinh tế, theo Phó chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc, đồng thời là Phó trưởng ban biên tập dự thảo Hiến pháp sửa đổi, thì cũng có thay đổi. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo mới nhất đã không còn quy định cụ thể tên và vai trò của từng thành phần kinh tế nữa.
Về một số nội dung cụ thể khác, ông Lý nhấn mạnh, dự thảo đã làm rõ nội dung quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm của nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, bảo đảm thực hiện quyền công dân...
Dự thảo cũng đã quy định nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, xác định rõ hơn chức năng của các cơ quan thực hiện các quyền này và điều chỉnh lại một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này...
Theo Dantri
Quốc hội tiếp tục thảo luận về sửa đổi Hiến pháp: Đề xuất các cơ chế kiểm soát quyền lực, bảo vệ quyền công dân Tiếp tục thảo luận dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi tại nghị trường hôm qua, 16.11, đại biểu Quốc hội đề nghị: cần khẳng định rõ trong Hiến pháp Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam có những chế định độc lập bảo đảm kiểm soát quyền lực lẫn nhau giữa lập pháp, tư pháp và hành pháp... ĐB...