Bờ sông sạt lở, dân chênh vênh bên miệng “thủy thần”
Hàng chục hộ dân thôn A Sóc, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị sống cạnh dòng sông Sê Păng Hiêng đang bị đe dọa từng ngày do tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra với tốc độ quá nhanh.
Theo ghi nhận, một đoạn sông dài gần 600m ngay dưới chân cầu Sê Păng Hiêng bị lấn sâu khá nghiêm trọng. Nhiều diện tích đất canh tác đã bị sạt lở và cuốn trôi; rất nhiều cây trồng lâu năm của người dân dọc mép sông bị cuốn xuống dòng sông, trơ gốc, gãy đổ ngổn ngang. Một số trụ cầu cũng đã bị nước sông làm xói mòn.
Móng cầu Sê Păng Hiêng bị nước xoáy sâu, sạt lở nghiêm trọng
Được biết, tình trạng sạt lở tại sông Sê Păng Hiêng đã diễn ra từ nhiều năm nay. Nhưng trong đợt bão, lũ vừa qua, sông đã tiến sâu vào nhà dân thêm hàng chục mét và cuốn đi phần lớn đất đai sản xuất.
Nhà anh Hồ Văn Sinh chỉ còn cách bờ sông chừng 8m. Đợt mưa lũ vừa rồi đã cuốn trôi nhiều cây trồng và đất vườn canh tác của gia đình anh. Không giấu được vẻ hoảng hốt, anh Sinh cho biết: “Hồi trước bờ sông cách nhà tui đến 50m, nhưng bây giờ thì vào gần nhà rồi. Hơn chục cây mít tui trồng hơn chục năm nay, đã cho quả cũng bị trôi tuột xuống sông. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục xảy ra thì sợ rằng nhà tui sẽ bị cuốn lúc nào không hay”.
Rất nhiều đất vườn của gia đình anh Sinh đã bị cuốn trôi, cây lâu năm cũng trơ gốc
Sống cạnh anh Sinh, nhà anh Hồ Văn Núi cũng đang bị đe dọa từng ngày. Anh Núi cho biết, nhiều diện tích đất vườn của nhà anh bị trôi, những năm gần đây nay lại tiếp tục bị xói lở, thu hẹp dần. Đặc biệt, nhà anh Hồ Văn Linh sống gần cầu Sê Păng Hiêng nên bị sạt lở khá nghiêm trọng. Vườn nhà anh đang bị sạt lở nhiều đoạn, các loại cây cối cũng đã bị cuốn trôi.
Video đang HOT
Sạt lở nghiêm trọng dưới chân cầu
Không chỉ nhà dân mà nhiều công trình công cộng như Trạm Y tế xã Hướng Lập cũng chỉ còn cách bờ sông hơn chục mét; trụ sở UBND xã cũng nằm trong danh sách bị dòng sông đe dọa.
Phía bên kia sông, nhà ông Hồ Đức Thiên cũng đang bị ảnh hưởng nặng. Được biết, trước mùa mưa, bão, UBND xã Hướng Lập đã tiến hành vận động di dời 2 hộ dân là Nguyễn Văn Vỹ và Nguyễn Văn Sỹ đến nơi an toàn. Còn trường hợp của anh Thiên vẫn chưa chịu di dời.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Đức Vân, Chủ tịch UBND xã Hướng Lập cho biết, trước đây những hộ dân định cư dọc con sông này vẫn an toàn nhưng từ khi các đơn vị xây dựng vào đây khai thác cát, sạn với số lượng lớn, lại không trả lại mặt bằng khiến dòng sông bị thay đổi dòng chảy. Cũng chính vì thế, bờ sông Sê Păng Hiêng bắt đầu có hiện tượng sạt lở. Chỉ trong vài năm trở lại đây, sông đã tiến sâu vào khu dân cư hơn 20m, theo đó nhiều diện tích canh tác của người dân bị cuốn trôi, khoảng 50%.
Để hạn chế một phần tình trạng trên, xã đã hướng dẫn người dân trồng nhiều loại cây để bảo vệ đất đai, nhà cửa nhưng vẫn không phát huy hiệu quả. “Lo ngại tình trạng sạt lở cứ tiếp diễn với mức độ ngày cành mạnh, UBND xã đã đề xuất với cấp trên về phương án xây dựng kè chống xói lở. Tuy nhiên, để thực hiện được cũng cần có nguồn vốn rất lớn nên rất khó triển kha” – ông Vân nói.
Đăng Đức
Theo Dantri
Làng ngư phủ trên cao nguyên
Với dung tích hơn 250 triệu m nước, mặt hồ rộng 37km, hồ Ayun Hạ là nơi cung cấp nguồn lớn thủy sản cho hàng nghìn hộ dân đồng bào Bahnar ở 11 buôn làng tại xã Ayun (Chư Sê) và xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện, Gia Lai) nhiều đời nay.
Hồ Ayun Hạ có rất nhiều cá. Cá tự nhiên vốn đã nhiều, nay được Công ty Thuỷ sản miền Trung thả giống chăn nuôi nên cuộc sống của hàng trăm hộ dân sống quanh lòng hồ Ayun Hạ vốn đã ổn định từ nghề đánh bắt cá nay lại càng sung túc hơn xưa.
Hàng ngày mỗi người dân làng T'Lâm chèo thuyền dọc theo dòng sông Ayun hay ra giữa lòng hồ thuỷ lợi Ayun Hạ thường đánh được hàng chục ký cá nước ngọt, đủ để đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong cả tuần, phần còn lại được bán cho các tiểu thương cung cấp cho các chợ Phú Thiện, Ayun Pa...
Cá ở đây khá phong phú, nhưng chủ yếu vẫn là cá trắm, mè, cá quả... có con trọng lượng lên tới hơn 10kg với giá bán rất rẻ chỉ từ 20-40 nghìn đồng/kg.
Hơn 40 năm gắn bó với dòng sông Ayun, ông Đinh Breng (làng T'Lâm, xã Ayun) được xem là người đánh cá giỏi nhất vùng này. Ông cho biết, cách đánh cá của những ngư phủ trên sông Ayun rất khác người. Buổi chiều sau khi đi rẫy về họ chỉ ra sông buông lưới xuống để sáng mai ra thu lưới và cá về dùng. Điều đáng quý là đã không biết bao nhiêu mùa rẫy trôi qua nhưng thuyền lưới và cả cần câu của bất kỳ ai ở làng T'Lâm hay các buôn làng lân cận để qua đêm trên thượng nguồn sông Ayun hay lòng hồ Ayun Hạ chưa bao giờ bị mất.
Ông Đinh Breng, một trong ít người đánh cá giỏi nhất nơi đây
Trời về khuya, sương trắng như bức màn buông xuống, Breng tay cầm mái chèo, đốt điếu thuốc và nhắc tôi mặc thêm áo ấm. Ra bờ hồ Ayun Hạ, ông buông nhẹ mái chèo, chiếc thuyền độc mộc trượt nhanh theo dòng nước dần xa bờ.
"Mình buông lưới cách bờ chỉ chục mét thôi nhưng phải cẩn thận đấy, đoạn nước này khá sâu" - ông Breng nói, tay vừa nhấc lưới lên đã thấy những chú cá mè nặng hơn 2kg đang giãy giụa trong lưới. Ông gỡ cá bỏ vào thuyền và lặng lẽ chèo thuyền xuôi theo dòng nước. Ngay mẻ lưới đầu tiên ông đã thu được hơn 16kg cá, chủ yếu là cá lóc và cá mè.
Gia đình Đinh Kpak kiếm sống nhờ lòng hồ Ayun Hạ
Trên bến, những chiếc thuyền khác cũng bắt đầu ra sông cùng gọi nhau bằng những khẩu hiệu chỉ có dân làng ngư phủ T'Lâm mới biết. Theo Đinh Breng, tại các buôn làng dựa vào cuộc sống sông nước như làng T'Lâm, một hương ước được vạch sẵn từ hàng chục năm về trước đó là những người đánh bắt cá giỏi được cộng đồng ghi nhận mới có thể chèo xuồng ra sông vào ban đêm để đánh bắt được nhiều hơn. Và sau đêm miệt mài thu lưới và thành quả lao động, bình minh vừa ló dạng cũng là lúc những con thuyền bắt đầu cập bến, ở đó người mua cá đã đợi sẵn để cung cấp cho chợ Phú Thiện...
Xã Ayun (huyện Chư Sê) có lẽ là nơi duy nhất tại Tây Nguyên có đến 7 buôn làng mà người dân (chủ yếu đồng bào Bahnar) sống bằng nghề đánh cá dọc sông. Theo cụ Đinh Kpuih- già làng T'Lâm, lúc mới lập làng, bà con sống quanh thượng nguồn sông Ayun vốn chỉ biết dùng thuyền độc mộc ra sông bắt cá nhưng thu được rất ít.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đây là nơi đồng bào Bahnar nuôi giấu cán bộ cách mạng, bộ đội. Đêm đêm thanh niên trong làng chèo thuyền độc mộc cùng bộ đội cụ Hồ vượt sông, mai phục dưới chân đèo Tung Kê tiêu diệt kẻ thù
Cá trên lòng hồ Ayun Hạ
Phía bên kia dòng sông là các làng King Pêng, Plei Bông, Plei Trơk và Plei Hek thuộc xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện. Cả 11 buôn làng dọc theo thượng nguồn sông Ayun, quanh lòng hồ Ayun Hạ gắn với cuộc sống sông nước từ những năm kháng chiến chống Pháp.
Trong thời gian bám trụ với dân, bộ đội cụ Hồ huyện H2 cũ đã dạy cho dân làng T'Lâm cách câu cá, đan và thả lưới bắt cá dưới dòng sông Ayun, từng bước cải thiện cuộc sống. Và cũng từ đấy, không riêng gì làng T'Lâm mà đời sống người dân tại các buôn làng lân cận như Tung Giang, Plei Trơk, Plei Hek, King Pêng... được cải thiện nhờ nguồn thực phẩm quý giá khai thác từ dòng sông Ayun.
Bao nhiêu mùa rẫy qua, cuộc sống của gần 350 hộ dân ngư phủ tại các làng T'Lâm, Tung Giang 1, Tung Giang 2... đã gắn bó mật thiết với dòng sông. Nhưng theo già Kpuih, T'Lâm là một ngôi làng có nhiều người đánh bắt cá giỏi nhất như Đinh Breng, Đinh A Thin, Đinh Yuk... Nghề đánh cá đã gắn bó mật thiết với những đứa con làng T'Lâm, từ nhỏ đã theo cha ra bờ sông cầm cần câu cá. Trẻ con trong làng khi vừa biết đi cũng là lúc phải tập bơi, lên 10 tuổi đã được cha mẹ dạy cho cách dùng cần câu cá, thậm chí có đứa giăng lưới thành thục, biết canh con nước, ngọn gió để đặt câu, buông lưới.
Anh Đinh Đôk (làng Plei Trơk) kể: "Lúc trước, tôi sống ở xã H'Bông (huyện Chư Sê) đời sống gặp nhiều khó khăn do đất đai khô cằn và nhiều đá không thể sản xuất được. Từ lúc chuyển cả gia đình về sống tại đây, lòng hồ Ayun Hạ đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi nuôi cả gia đình".
Con sông Ayun hung hãn vào mùa mưa lũ là thế nhưng cũng là nguồn tài nguyên tưởng như bất tận đối với bà con khắp các buôn làng sống quanh nó. Từ giọt nước mát mang đến những vụ mùa bội thu, dòng sông và sức người cùng góp phần hình thành nên những buôn làng ngư phủ ngay trên cao nguyên. Theo ông Rơmah Ngoan- Chủ tịch UBND xã Chư A Thai, dòng nước thuỷ lợi Ayun Hạ vừa tưới mát cho cây trồng vừa mang lại nguồn thức ăn dồi dào cho bà con đồng bào Bahnar các làng King Pêng, Plei Bông, Plei Trơk và Plei Hek... trong xã. Do đã được trang bị kỹ năng đánh bắt cá ngay từ thời kháng chiến nên ngày đập thuỷ lợi Ayun Hạ chính thức được chặn dòng vào năm 1994, cuộc sống của hàng trăm hộ dân đồng bào Bahnar quanh lòng hồ Ayun Hạ ngày càng no đủ, sung túc hơn xưa...
Theo Dantri
Cá chết trắng sông An Cựu Từng đàn cá lờ đờ hoặc chết nổi xác trắng xoá trên sông An Cựu (TP Huế) khiến người dân xôn xao. Từ lúc 8h đến khoảng 12h ngày 5/3, hàng trăm người dân đổ xô ra hai bên bờ sông An Cựu để vớt cá chết. Nhiều loại cá nổi trắng trên mặt sông An Cựu, trong đó có khá nhiều cá...