Bộ Quốc phòng chi viện thêm nhân sự cho 102 trạm y tế lưu động tại TP.HCM
Cục Quân y – Bộ Quốc phòng cho biết đã thống nhất với Sở Y tế TP.HCM tiếp tục chi viện nhân lực cho 102 trạm y tế lưu động tại TP, nâng số trạm mà Cục Quân y đã hỗ trợ lên 502 trạm.
Lực lượng Học viện Quân y xuống sân bay chiều 21-8 – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo Sở Y tế, qua số liệu thống kê số lượng F0 đang cách ly và điều trị tại nhà của các trung tâm y tế quận huyện, TP Thủ Đức, sở đề nghị Cục Quân y – Bộ Quốc phòng chi viện thêm nhân sự cho 102 trạm y tế lưu động như đã thống nhất trước đó.
Cụ thể, sẽ thành lập và bổ sung nhân sự cho 102 trạm y tế lưu động tại các quận 3, 4, 6, 8, 10, 11, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp và huyện Hóc Môn, nâng tổng số trạm y tế lưu động do Cục Quân y hỗ trợ tại TP.HCM lên 502 trạm (trước đó là 400 trạm). Việc bố trí số lượng nhân sự tại các trạm sẽ dựa vào số lượng F0 đang ở nhà của các xã, phường.
Trước đó, ngày 23-8, đã có khoảng 1.000 học viên từ Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) chi viện tăng cường hỗ trợ TP.HCM chống dịch COVID-19, bao gồm các bác sĩ sau đại học, sinh viên năm 5 và 6, được chia thành khoảng 160 tổ và phân bổ về khoảng 400 trạm y tế lưu động tại phường, xã của 21 quận, huyện, TP Thủ Đức.
Nhiệm vụ của các học viên, y bác sĩ này là tư vấn qua điện thoại, đến từng nhà bệnh nhân F0 thăm khám, theo dõi sức khỏe, tư vấn tâm lý và tham gia lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc xin.
Hai màu áo cấp cứu F0
Họ là những người lính - y bác sĩ, sinh viên từ Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) - đã đến TP.HCM.
Rất khẩn trương, đầy nhiệt huyết, những chiến sĩ ấy đang tất bật với việc cấp cứu, tư vấn F0 và hỗ trợ xét nghiệm.
Video đang HOT
Bác sĩ Nguyễn Duy Tân - Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) - ôm bình oxy cùng với các nhân viên tại Trạm y tế phường 1, quận 6 (TP.HCM) cấp cứu bệnh nhân F0 có dấu hiệu khó thở - Ảnh: HOÀNG LỘC
"Tân ơi, Tân ơi, đi cấp cứu với chị. Hẻm 34/18 đường Bình Tây. Nhanh lên, Tân ơi!" - giọng chị Đào Thị Kiều Vân, trạm trưởng Trạm y tế phường 1 (quận 6, TP.HCM), gấp gáp qua điện thoại.
Vừa xong bữa cơm hộp vội vàng, chưa kịp nghỉ, bác sĩ Nguyễn Duy Tân nhanh chóng mặc đồ bảo hộ, ôm bình oxy cùng đồng nghiệp phóng xe gắn máy đến hẻm nơi có bệnh nhân đang lên cơn khó thở.
Đây cũng là gia đình đang có tới 6/7 người dương tính với COVID-19 cách ly điều trị tại nhà nhiều ngày qua.
"Gọi em lúc nào cũng được"
Sau 5 phút len lỏi xe gắn máy qua con hẻm sâu, bác sĩ Tân cùng đồng nghiệp mới đặt chân đến nhà người bệnh. Chỉ kịp hỏi vội "Bệnh nhân ở đâu ạ?" rồi anh nhanh chóng ôm bình oxy phóng lên tầng 2 của ngôi nhà theo chỉ tay của vợ bệnh nhân.
Người đàn ông ngoài 50 tuổi nằm trên giường đã khá mệt mỏi. Sau khoảng 20 phút vừa thăm hỏi vừa hướng dẫn người bệnh tư thế nằm thở, bác sĩ Tân thở phào bởi tình trạng của người bệnh chưa đến mức phải can thiệp cấp cứu.
Anh giải thích để bệnh nhân yên lòng hơn: bệnh nền cộng với mất vị giác nên không ăn uống được mấy ngày nay, dẫn đến sức khỏe suy kiệt. Bệnh nhân đã ổn định trở lại, chỉ số SpO2 tăng lên 92%.
"Hiện tại chú không có biểu hiện nặng. Em đã cho số điện thoại rồi, có gì bất thường cứ gọi lúc nào em cũng nghe máy. Em ở tổ quân y lưu động, chạy đến rất nhanh" - bác sĩ Tân dặn dò người nhà.
Đây là ca bệnh F0 thứ hai mà bác sĩ Tân phải xuống tận nhà để kiểm tra sức khỏe ngay khi vừa đặt chân tới trạm y tế lưu động phường 1 (quận 6) vào chiều tối 22-8.
Trước đó vài tiếng, anh cùng với cán bộ địa phương cấp cứu kịp thời cho ông cụ 75 tuổi, sống một mình mắc COVID-19 kèm bệnh lý nền phổi tắc nghẽn mãn tính.
Khi đến nơi, bác sĩ Tân cùng với một nhân viên y tế phường gọi điện cho cụ nhưng không được, gọi cửa rất lâu không thấy ai trả lời.
Quá lo lắng cho tình trạng của ông cụ, Tân liên hệ chủ tịch phường nhờ công an xuống can thiệp, có thể phải phá cửa để vào trong cấp cứu cho bệnh nhân. Nhưng rất may khi công an vừa đến cũng là lúc ông cụ gượng dậy được ra ngoài mở cửa.
"Tiên lượng của ông cụ rất nặng, nếu không được can thiệp sớm có thể chiều hoặc tối nay sẽ suy hô hấp rất nguy hiểm cho tính mạng" - bác sĩ Tân nói. Dù một hai không muốn đến bệnh viện, nhưng với sự động viên của bác sĩ Tân cùng với người nhà, cuối cùng ông cụ cũng đồng ý vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Nhân viên y tế vào tận các con hẻm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại phường 7, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: D.PHAN
Nghiêng vai sẻ gánh
Cử nhân điều dưỡng Đào Thị Kiều Vân - trạm trưởng Trạm y tế phường 1, quận 6 - cho biết bác sĩ Nguyễn Duy Tân là 1 trong 3 chiến sĩ của Học viện Quân y vừa được tăng cường hỗ trợ chống dịch.
Ngoài nhiệm vụ chăm sóc điều trị F0 tại nhà, lực lượng này đảm trách việc gọi điện tư vấn cho người bệnh và tham gia lấy mẫu xét nghiệm tại địa phương.
Theo chị Vân, phường 1 có khoảng 220 ca F0 đang điều trị tại nhà nên cần nguồn nhân lực để tư vấn, chăm sóc rất lớn.
"Bốn nhân viên y tế như hiện tại không thể đủ đáp ứng nhu cầu cho nhiều vai như vừa nghe điện thoại tư vấn, vừa cấp cứu, vừa lo tiêm ngừa... Mới một ngày các bạn ấy có mặt, với chuyên môn, sức trẻ và sự xông xáo, mọi công việc đều được vận hành rất trôi chảy" - chị Vân bộc bạch.
Ngay trong buổi đầu tiên có mặt tại trạm y tế lưu động, các thành viên đến từ Học viện Quân y đã trực tiếp tham gia lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, gọi điện cho khoảng 70 bệnh nhân, trong đó kịp thời cấp cứu cho 2 bệnh nhân có biểu hiện khó thở.
Dương Thị Tiên - sinh viên năm thứ 5 (Học viện Quân y) - bảo rằng đây là lần đầu tiên đến TP.HCM. Tiên chia sẻ ban đầu có chút lo lắng, tuy vậy với kiến thức chuyên môn vốn có cùng với việc được tập huấn kỹ càng trước đó, cô rất tự tin sẽ đóng góp chút công sức cho cuộc chiến chống dịch ở TP.HCM.
Còn với bác sĩ Nguyễn Duy Tân, đây là lần thứ 2 được đến thành phố này. "Khi vào đến đây, nghĩ về TP.HCM phố xá đông vui trước đây như tôi từng biết với đường phố vắng bóng người như ngày hôm nay mới cảm nhận được sự nặng nề của dịch bệnh. Vừa là bác sĩ, vừa là bộ đội, tất cả chúng tôi đều rất mong được làm hết sức mình vì người bệnh" - bác sĩ Tân chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Khê - giám đốc Trung tâm Y tế quận 6 - cho biết đến nay đã có 10 phường nhận được sự tiếp sức từ lực lượng y bác sĩ của Học viện Quân y, trong số này có 10 bác sĩ và 16 điều dưỡng.
1.000 học viên hỗ trợ TP.HCM
Tính đến ngày 23-8 đã có khoảng 1.000 học viên từ Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) chi viện tăng cường hỗ trợ TP.HCM chống dịch COVID-19.
1.000 người (bao gồm bác sĩ sau đại học, sinh viên năm 5 và 6) sẽ được chia thành khoảng 160 tổ và phân bổ về khoảng 400 trạm y tế lưu động tại phường, xã của 21 quận huyện tại TP.HCM.
Nhiệm vụ của các học viên, y bác sĩ này là tư vấn qua điện thoại, đi đến từng nhà có bệnh nhân F0 thăm khám, theo dõi sức khỏe, tư vấn tâm lý và tham gia lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc xin.
Bác sĩ quân y ôm bình oxy chạy trong hẻm nhỏ cấp cứu bệnh nhân F0 'Tân ơi, Tân ơi, đi cấp cứu F0 với chị. Hẻm 34/18 đường Bình Tây. Nhanh lên Tân ơi. Vừa dứt cuộc điện thoại, giọng cử nhân điều dưỡng Đào Thị Kiều Vân - trạm trưởng Trạm y tế phường 1 (quận 6, TP.HCM) - gấp gáp. Vừa ăn vội hộp cơm chưa kịp nghỉ ngơi, bác sĩ Nguyễn Duy Tân (học viên...