Bỏ phụ cấp thâm niên của giáo viên: Cú hích cho người trẻ, chấm dứt kiểu “sống lâu lên lão làng”
Một trong những nội dung nổi bật được đội ngũ giáo viên đặc biệt quan tâm tại luật Giáo dục 2019 được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019 là “giáo viên không còn được hưởng phụ cấp thâm niên từ 01/7/2020″.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam ủng hộ cách tính lương mới cho giáo viên.
Tiếng nói “người trong cuộc”
Cụ thể, theo quy định mới thì “Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ”.
Theo đó, lương giáo viên tới đây sẽ trả theo vị trí việc làm và theo tính chất phức tạp của nghề nghiệp, bỏ phụ cấp thâm niên, rút ngắn khoảng cách lương giữa người mới và người làm lâu năm.
Trước thông tin về cách tính lương sẽ thay đổi, thầy Lê Văn Hải, giáo viên trường THPT Nguyễn Cảnh Chân (Nghệ An) đã có hơn 10 năm thâm niên trong nghề chia sẻ: “Dù thay đổi theo cách nào thì mục đích cũng để cho cuộc sống của người lao động được đảm bảo. Theo tôi theo chủ trương mới sắp tới, việc tính lương sẽ hợp lý hơn so với trước đây. Trước đây, trả lương theo thâm niên nên dẫn đến nhiều điều bất cập.
Nếu bây giờ thay đổi trả theo hình thức mới chắc chắn sẽ hợp lý hơn, giúp thầy cô giáo có thêm động lực, giúp việc dạy học được phát huy tốt hơn. Vì phụ cấp thực tế không đáng là bao (mỗi năm thâm niên được 1% lương) nếu trả theo hình thức mới, tôi thấy sẽ tốt hơn so với hình thức cũ”.
Là một giáo viên trẻ rời quê hương lên công tác tại vùng cao, cô Đàm Trang, giáo viên trường THPT Đồng Văn (Hà Giang) bày tỏ: “Tôi mới công tác chính thức được gần 3 năm, tháng sau tròn 3 năm sẽ được tăng lương từ 2,34 lên 2,67. Nếu theo cách tính lương mới, tôi sẽ không được nhận phụ cấp thâm niên nhưng cũng không cảm thấy “tiếc nuối”, vì cách tính mới chú trọng trình độ, năng lực và phẩm chất. Căn cứ vào các cơ sở đó là hoàn toàn công bằng và tôi sẵn sàng ủng hộ. Sự thay đổi này đối với những người giáo viên có thực lực và yêu nghề thì chỉ có lợi”.
Với 22 năm gắn bó với nghề giáo, cô Lâm Thị Thủy, giáo viên trường mầm non Thanh Thịnh (Nghệ An) trải lòng: “Tôi đi dạy cũng ngót nghét 22 năm rồi. Lương cứ tăng theo hạng. Làm rất lâu mới được lên hạng một lần và rất khó lên. Mấy năm đầu đi làm không đủ tiền nuôi bản thân huống gì nuôi cả gia đình.
Vì vậy, tôi rất hiểu và cảm thông cho những thầy cô mới ra trường. Khi nghe sắp tới sẽ có chủ trương thay đổi cách tính lương, tôi hoàn toàn ủng hộ. Điều đó giúp cho các thầy cô giáo trẻ có thêm động lực để theo và cống hiến cho nghề được tốt hơn.
Video đang HOT
Còn ít năm nữa là về hưu, tôi không mong mình được tăng lương. Nếu có thể tăng lương cho giáo viên trẻ mà lương của những giáo viên có thâm niên như tôi cũng không bị giảm sút thì tôi hoàn toàn ủng hộ”.
Gắn bó hơn chục năm với sự nghiệp trồng người, cô Hoàng Thanh Sâm, giáo viên trường mầm non Ánh Dương (Lào Cai) cũng không ngần ngại chia sẻ: “Làm nghề giáo viên mầm non rất cực khổ, lương chẳng được là bao. Nhiều cô giáo mới ra trường, làm được ít năm, lại phải bỏ nghề vì đồng lương ít ỏi không đủ sống. Giáo viên mầm non cũng giống như giáo viên tiểu học hay trung học, cũng phải trải qua quá trình đào tạo suốt 3 năm học cao đẳng hay 4 năm đại học, nhưng hạng tính lương luôn bị xếp thấp nhất.
Nếu chủ trương mới thực sự tăng được lương cho giáo viên trẻ thì tôi cũng rất mừng vì nó góp phần vào việc tạo động lực cho giáo viên yên tâm, cố gắng trong công tác mà lương giáo viên thâm niên như tôi cũng chẳng không thay đổi gì”.
Ủng hộ cách tính lương mới dành cho giáo viên, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: “Theo tôi, một cách công bằng nhất là lương của giáo viên phải được căn cứ vào trình độ, năng lực và những cống hiến trong nghề.
Nếu giáo viên ở miền ngược, miền núi, biên giới, hải đảo,… thì chắc chắn nên được nhận mức lương hấp dẫn hơn ở miền xuôi và những nơi có điều kiện tốt hơn. Giáo viên dạy giỏi và tâm huyết với nghề thì nhận mức lương khác những giáo viên chỉ dạy “lấy lệ”.
Nếu tiếp tục tính phụ cấp thâm niên như lâu nay, vài năm lại được “lên lương” một lần, sẽ dẫn đến tình trạng nhiều giáo viên không có sự phấn đấu, ngồi chờ “đến hẹn lại lên” là lương sẽ tăng”.
GS.TS Phạm Tất Dong cũng phân tích thêm: “Nhiều năm nay, khi tính phụ cấp thâm niên cho các nhà giáo, có nhiều giáo viên không thực sự tâm huyết, có suy nghĩ chỉ chăm chăm lên lớp dạy đi dạy lại giáo án cũ, gọi là soạn bài nhưng cũng chỉ như “lấy lệ”, không có sự đổi mới phương pháp. Một môi trường giáo dục như thế chỉ mãi mãi “giậm chân tại chỗ”, không kích thích được khả năng sáng tạo của thầy và trò.
Nếu giáo viên làm tốt thì phải được hưởng lương cao, những người chây ì và lười sáng tạo, không tâm huyết thì chịu lương thấp hay thậm chí, không tuyển dụng nữa.
Chính vì vậy, theo tôi, đây là một động lực cho thế hệ trẻ vào ngành sư phạm, đặc biệt, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Muốn thu hút nhân tài thì phải tăng chế độ đãi ngộ mà trước hết là tăng lương!”.
Đồng tình với quan điểm đó, TS. Hồ Bất Khuất, giảng viên thỉnh giảng đại học Vinh cũng cho rằng: “Với cách tính lương mới có thể tạo không khí sáng tạo trong ngành giáo dục. Tôi rất ủng hộ chủ trương mới này. Với sự thay đổi đó, ngành giáo dục sẽ trở nên năng động và công bằng hơn chứ quan điểm “ sống lâu lên lão làng” tôi cho là không tốt và sẽ làm công việc trở nên trì trệ, không phát huy được hết tính năng động, sáng tạo của nghề”.
Giáo viên sẽ không còn được hưởng phụ cấp thâm niên từ 01/7/2020 – Ảnh: Minh họa
Cảnh giác với “lỗ hổng”, dễ bị “bóp méo”
Bên cạnh việc ủng hộ cách tính lương mới, TS. Hồ Bất Khuất cũng bày tỏ: “Thực tế, từ nói đến làm còn rất xa vời và thực sự khó khăn. Nếu làm được đúng như chủ trương đề ra rất tốt nhưng tôi chỉ sợ người ta lại lợi dụng chủ trương để làm những việc không chính đáng. Ở Việt Nam, tôi quan sát thấy rất nhiều chính sách hay nhưng có khi bị lợi dụng và bị “bóp méo”, đem lại kết quả không đáng có.
“Bóp méo” ở đây nghĩa là chính sách năng động như thế, nhưng có thể bị lợi dụng, áp dụng không đúng đối tượng. Có những người không giỏi, không làm được việc nhưng người ta vẫn xếp vào, vẫn nhận lương đều đặn như người có chuyên môn thực sự vì có người thân, quen giúp đỡ.
Vấn đề nào suy cho cùng cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực của nó. Vì vậy người ta buộc phải lựa chọn khi một chính sách đưa ra mà cái tích cực nhiều hơn cái tiêu cực là được rồi. Trên thực tế, nếu chờ đợi một chính sách nào đưa ra đều tốt đẹp hoàn toàn là không thể có”.
GS.TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh: “Một điều nữa cần được chú trọng, đó là trình độ của giáo viên phải là thực chất chứ không phải là bằng cấp “đi mua”. Trong quá trình công tác, phải có sự thanh, kiểm tra hiệu quả giảng dạy thường xuyên, ban giám hiệu phải đánh giá đúng năng lực, phải làm tốt công quản lý, quản trị nhân lực giáo viên trong nhà trường.
Từ sự đánh giá đúng hiệu quả công việc, cũng như thái độ, đạo đức nghề nghiệp, sẽ có căn cứ chính xác để xác định mức lương cho giáo viên”.
“Theo tôi, cách tính lương mới cần phải minh bạch, sát sao. Nếu không động viên được sức cố gắng, không kích thích được năng lực của giáo viên, coi như một sự thất bại!”, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam khẳng định.
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, bộ GD&ĐT cho biết: “Tới đây, không còn phụ cấp thâm niên nữa. Phụ cấp này đang là một bức tranh phân cấp giữa người mới vào ngành và người lâu năm. Khi bỏ phụ cấp thâm niên, có thể phân hóa về mặt phụ cấp sẽ không còn hoặc được rút ngắn thông qua cơ cấu của phụ cấp ưu đãi. Điều này không làm ảnh hưởng đến lương của người làm lâu năm nhưng những người mới vào với lộ trình 10 năm đầu sẽ được đẩy lên tương đối. Rút ngắn đó cũng mang tính logic, hợp lý.
Bậc lương mới của giáo viên sẽ gắn với trình độ đào tạo theo hệ thống thang bậc lương chung nhưng có phụ cấp ưu đãi nghề. Bảng lương làm việc trả theo vị trí việc làm và theo tính chất phức tạp của nghề nghiệp. Ngành giáo dục không có bảng lương riêng so với các ngành nghề khác, nhưng định vị các bậc lương theo thực tiễn trình độ đào tạo đã được nâng lên theo chuẩn yêu cầu.
Cẩm Mịch – Linh Chi
Theo ĐSPL
Bắt học sinh đứng ngồi 200 lần, cô giáo tiếng Anh bị phạt 5 triệu đồng
Ban Giám hiệu trường THCS Mỹ Phong (Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đã cảnh cáo; đồng thời đình chỉ giảng dạy 6 tháng đối với bà Đinh Duyên Hồng Yến (giáo viên môn Tiếng Anh).
Lý do là bà Yến đã vi phạm điều 6 khoản 4 Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ban hành quy định về đạo đức nhà giáo.
Trường THCS Mỹ Phong, nơi xảy ra sự việc giáo viên phạt học sinh đến mức phải nhập viện
Trước đó, ngày 10/5/2019, học sinh Nguyễn Ngô Minh Tuấn, lớp 6-2 trường Trung học cơ sở Mỹ Phong vào trường học môn tiếng Anh. Do Tuấn không thuộc bài nên cô giáo Đinh Duyên Hồng Yến đã phạt Tuấn "đứng lên ngồi xuống" 200 lần, khi học sinh này thực hiện trên 100 lượt thì ngã quỵ xuống. Lúc đó, bà Yến mới cho về chỗ ngồi.
Ông Nguyễn Văn Thanh, bố của học sinh Nguyễn Ngô Minh Tuấn cho biết: "Sau khi tan học, thấy cháu Tuấn mệt mỏi, quần áo lấm lem, tôi hỏi lại thì cô giáo bảo cháu bị ngã cầu thang. Tuy nhiên khi về nhà, cháu không đỡ mà vẫn mệt mỏi, đi lại khó khăn. Chúng tôi tiếp tục hỏi thăm các bạn cùng lớp mới hay cháu bị cô giáo phạt đứng lên ngồi xuống liên tục 200 lần".
Ngày 11/5/2019, gia đình ông Thanh đưa Nguyễn Ngô Minh Tuấn tới bệnh viện để khám, chữa trị. Tại đây, bác sĩ yêu cầu cháu nhập viện để điều trị, tới ngày 21/5/2019 mới cho xuất viện với chẩn đoán "Chấn thương phần mềm đùi trái, phải do tai nạn sinh hoạt".
Ngày 13/8, ông Cao Nghiêm Thành, nguyên Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Mỹ Phong (vừa thôi chức từ ngày 1/8/2019 do sáp nhập hai trường THCS Mỹ Phong và trường Tiểu học Mỹ Phong) cho biết: Sau khi nắm được tình hình giáo viên xử phạt học sinh trong giờ tiếng Anh ở lớp 6-2 theo phản ánh của phụ huynh, nhà trường đã kiểm tra, xem xét và lập hội đồng kỷ luật. Hội đồng đã quyết định xử lý kỉ luật bà Đinh Duyên Hồng Yến; đồng thời yêu cầu bà không xử phạt học sinh trong các giờ giảng dạy". Trường THCS Mỹ Phong cũng đề nghị Phòng GD-ĐT thành phố Mỹ Tho tham mưu UBND thành phố Mỹ Tho ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục 5 triệu đồng đối với bà Đinh Duyên Hồng Yến.
Được biết, trong thời gian học sinh Nguyễn Ngô Minh Tuấn điều trị tại bệnh viện, lãnh đạo trường THCS Mỹ Phong và bà Đinh Duyên Hồng Yến đã hai lần tới thăm hỏi, hỗ trợ gia đình chi phí điều trị nhưng gia đình ông Thanh từ chối. Về phía gia đình, sau khi sự việc xảy ra, ông Nguyễn Văn Thanh cho biết, gia đình rất muốn cho cháu Tuấn chuyển trường.
Theo Nam Thái (TTXVN)
Giáo viên đổ cồn châm lửa để dạy kỹ năng làm 3 bé bỏng nặng: Trách nhiệm của ai? Vụ giáo viên đổ cồn châm lửa để dạy kỹ năng làm 3 bé bị bỏng nặng đã gây tổn hại đến sức khỏe của học sinh. Bởi vậy, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc làm rõ nguyên nhân, hậu quả và làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Vụ việc giáo viên đổ cồn châm lửa để dạy...