Bơ phờ thức trắng đêm trông con mùa lạnh
Hơn 1 tuần nay, vợ chồng chị Thu Minh (ở Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đến cơ quan trong tình trạng mệt mỏi, thiếu ngủ. 2 vợ chồng chị lo con ngủ đạp chăn ra bị lạnh nên cứ thay nhau thức đêm trông.
Cả nhà thay phiên nhau … gác
Bé Lạc Lạc nhà chị Thu Minh mới gần 5 tháng tuổi. Từ lúc bé sinh ra đến giờ, chưa bao giờ Hà Nội lạnh như bây giờ. Ban đêm, căn nhà anh chị thuê ở lại không kín gió nên vẫn lạnh run.
Thương con, anh chị mặc 3 lớp quần áo cho bé ấm áp để đi ngủ. Tuy nhiên, do thân nhiệt trẻ con thường cao hơn người lớn nên bé Lạc Lạc hay bị nóng, chỉ ngủ được 1 lúc là đạp chăn ra. Sợ con bị viêm phổi, 2 vợ chồng chị thay nhau chia lịch thức để trông con.
Có hôm, 2 vợ chồng chị Minh mệt quá ngủ quên mất, ngủ dậy thấy em bé đạp chăn tung ra. Sờ má con thấy lạnh, chị Minh suýt khóc vì thương con, giận mình. Nhưng kéo chăn đắp cho bé rồi, đến khi bé ngủ, lại gạt tay phủ cả chăn lên mặt.
Có lúc tỉnh dậy giữa đêm, chị Minh thót tim khi thấy chăn phủ hết lên mặt con. Lo lắng tưởng có điều không hay, chị khóc nức nở, nín thở kéo chăn ra, thấy con ngủ say mới thở phào.
Để yên tâm, từ đó 2 anh chị thay nhau ngồi bế bé cả đêm để bé được gần hơi ấm của bố mẹ.
Bé Mít nhà chị Phương Linh (phố Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội) lại bị hen phế quản mãn tính. Mùa lạnh thế này, vợ chồng chị lo thắt ruột. Chi Linh cho biết, đầu mùa rét này, nhà chị đã chuẩn bị kĩ càng đồ phục vụ em bé vì lo con lại tái phát bệnh.
Video đang HOT
“Nhưng Hà Nội không thể tưởng tượng lại rét đậm và rét lâu đến thế này. Đêm đến, hôm thì mưa buốt cả lại, hôm thì gió thổi hun hút. Mình là người lớn nằm còn lạnh, cứ thấy con khò khè, rồi ho là lòng mẹ cũng thắt lại, đến khi con ngủ rồi mẹ cũng thao thức mãi không sao chợp mắt được. Chỉ mong con nhanh khỏi và mùa đông năm nay đừng khắc nghiệt quá, nếu không, hai mẹ con lại phải trường kỳ “chiến đấu” ở bệnh viện”.
Trong khi đó, cũng có nhiều bé do bố mẹ ủ quá ấm nên đêm ngủ bị toát mồ hôi. Rồi mồ hôi không thoát ra được, lại ngấm ngược trở lại khiến bé bị viêm phổi. Nhiều bố mẹ cứ thay nhau thức đêm, lấy khăn xô lau mồ hôi cho bé để bé không bị thấm lạnh.
Kì công lựa chọn quần áo cho con khi ngủ
Hàng quần áo trẻ em mấy hôm nay không lúc nào không đông khách. Một chủ cửa hàng trên phố Giảng Võ cho biết, cửa hàng chị mấy hôm nay liên tục nhập thêm quần áo trẻ dưới 2 tuổi vì nhu cầu của bố mẹ các cháu rất nhiều.
Chị Phương, người đi mua quần áo tại đây cho biết, hôm trước chị đi mua quần tất cho bé 6 tháng tuổi mới có 50.000đ/đôi, mấy hôm sau quay lại đã thấy giá tăng đến 60.000đ/đôi, vì hàng bán chạy nhưng lại về chậm, nên chủ hàng tăng giá kiếm lời.
Chủ cửa hàng quần áo trẻ em này cho biết, bố mẹ các cháu bé bây giờ mặc quần áo cho bé đi ngủ mùa lạnh cũng rất cầu kỳ: Sử dụng nguyên tắc mặc quần áo theo từng lớp cho bé. Lớp đầu tiên là một chiếc áo bằng vải cotton giúp da bé khô thoáng, có thể là loại áo chui đầu hoặc áo có dây buộc. Lớp thứ hai là áo ghilê hoặc một chiếc áo chui đầu dài tay bằng loại vải mềm mại. Cổ thì giữ ấm bằng khăn xô mềm mại.
Đắp chăn cho bé mùa đông cũng phải đúng kiểu. Các cha mẹ có kinh nghiệm thì cho rằng, không nên đắp chăn cao quá lên cổ con mà buộc khăn ở cổ giữ ấm rồi đắp chăn ngang ngực cho bé.
Nhiều cha mẹ chọn giải pháp mua chăn điện để trải phía dưới cho con ngủ được ấm áp. Trong phòng có bé, cha mẹ dùng thêm cả máy sưởi dầu để giữ ấm cho bé.
Tuy nhiên, với những cha mẹ có con bị viêm phế quản mãn tính hay em bé mới sinh thì những ngày này quả thực không ai có thể ngủ yên giấc vì quá lo lắng và thương con.
Theo Vietnamnet
Nghỉ việc trông con vì... trời rét
Hôm nay, chị Ngọc phải xin nghỉ làm bởi lớp mẫu giáo của con trai phải đóng cửa tránh rét, và không có ai trông giúp.
Ngày 6/1 ở Hà Nội, nhiệt độ chưa xuống dưới 10 độ C nên học sinh mẫu giáo, tiểu học vẫn phải đến trường. Tuy nhiên vì nhiều lý do liên quan đến thời tiết, không ít trẻ phải nghỉ học.
Lớp nghỉ vì hỏng điều hòa
Mấy hôm nay, cái máy điều hòa nhiệt độ của lớp bé Khôi (con trai chị Ngọc ở Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội) bị hỏng. Thấy phòng học quá lạnh lẽo, sợ trẻ ốm, rất nhiều phụ huynh để con nghỉ ở nhà cho ấm. Riêng nhà chị Ngọc vì không có ai trông con nên vẫn cho bé Khôi đến lớp.
"Hôm trước thằng bé đã nỉ non xin nghỉ, hỏi tại sao thì nó bảo vì các bạn con cũng nghỉ nhiều lắm. Tôi không đồng ý. Nhưng hôm nay thì phải để nó ở nhà vì các cô bảo nghỉ thôi chứ học sinh vắng nhiều quá, mai sửa được máy điều hòa thì đi học lại. Các lớp khác trong trường thì vẫn học như thường", Ngọc kể. Thế là sáng nay, Ngọc phải xin nghỉ việc ở nhà trông con vì không biết gửi cho ai.
Nhiều phụ huynh lo con ốm khi phải đi học trong ngày lạnh.
Còn anh Hưng nhà ở Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội, có con gái hai tuổi gửi ở nhà trẻ tư, thì chủ động để con ở nhà cho đến tuần sau. Anh ca cẩm: "Hồi đầu năm học đã bảo đổi cái máy điều hòa hai chiều để mùa đông bọn trẻ đỡ rét, nhưng những nhà kia tiếc tiền không chịu đóng. Rét thế này mình còn không chịu được nữa là trẻ con". Thực ra các phụ huynh khác có con học lớp với bé nhà anh Hưng đều là lao động nghèo nên không có khả năng đóng góp nhiều. Sắp tới, anh sẽ cho con chuyển sang trường khác có cơ sở vật chất tốt hơn.
Học sinh tiểu học cũng nghỉ trốn rét
Trừ khi quá kẹt về người trông, các phụ huynh có con học mẫu giáo thường rất dễ dàng tự quyết định cho con nghỉ học khi thấy thời tiết không thuận lợi. Nhưng với bậc tiểu học, thường phụ huynh không dám "tự tiện" như vậy. Thế nhưng đợt rét này lại khác. Một số trường đã thi học kỳ xong nên các bà mẹ không cảm thấy "cắn rứt" mấy khi bảo con nghỉ một vài hôm, dù trường vẫn dạy bình thường.
Chị Hồng, 35 tuổi, nhà ở phố Yên Lạc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, nói về cậu con trai học lớp hai: "Mấy hôm nay rét quá mình cho nó nghỉ ở nhà chơi với em và ông bà. Thằng bé thì sướng mà mình thì đỡ lo nó cảm lạnh, vì thằng này nghịch lắm, toàn chạy nhảy mồ hôi đầm đìa, rồi cởi hết áo ấm ra. Nó thi học kỳ xong rồi, điểm toàn 9, 10. Nghỉ mấy hôm chắc cũng không ảnh hưởng tai hại gì lắm, chịu khó kèm thêm sau vậy".
Cũng đã thi xong nên bé Minh, 8 tuổi, nhà ở khu Lò Đúc, Hà Nội, được mẹ cho ở nhà hôm nay do có hiểu hiện hắt hơi, sổ mũi. Tuy nhiên, mẹ Minh quyết định rằng ngày mai khỏe hơn, bé sẽ phải đến lớp. "Nghỉ một vài buổi cũng chưa ảnh hưởng nhiều đến học tập nhưng tôi không muốn dễ dãi, sợ nó thành vô kỷ luật", người mẹ nói.
Nhiều trẻ ngừng ăn bán trú
Con ốm là nỗi lo lớn nhất của các bà mẹ trong dịp rét này bởi bao giờ cũng vậy, hễ trời rét là bọn trẻ đứa ho, đứa sốt, đứa tiêu chảy, đứa lên cơn hen... Thế nên trong các dịp này, các phụ huynh thường cố gắng hết sức để giữ gìn, tăng sức đề kháng cho con đến trường, nhất là những trẻ yếu, từ việc mặc ấm đến ăn uống.
Cũng vì lo con ốm mà mấy hôm nay, chị Mai Anh (Hà Đông, Hà Nội) trưa nào cũng đón con trai về nhà (ở gần trường) ăn trưa, thay vì để cháu ăn bán trú như thường lệ. "Bữa cơm ở trường không phải ngày nào cũng hợp khẩu vị con bé. Nó không ăn được thì lấy đâu ra sức khỏe mà chống rét. Rồi khi ngủ trưa nữa, biết có đủ ấm không. Thà tôi chịu khó dậy sớm nấu nướng, trưa lặn lội về đón con, cho nó ăn cơm nóng, ngủ giường ấm rồi lại đưa đi cho yên tâm", Mai Anh nói. Con gái chị cho biết, nhiều bạn khác trong lớp cũng mới được bố mẹ đón về ăn trưa.
Tuy nhiên, cách của chị Mai Anh chỉ phù hợp với những gia đình mà nhà ở gần trường trẻ. Nếu ở quá xa, việc đưa đón trẻ về ăn trưa không chỉ làm bố mẹ vất vả, mất thời gian mà còn khiến trẻ chịu lạnh khi đi đường, và không có thời gian nghỉ trưa. Vì vậy để bảo đảm sức khỏe cho con đến trường trong những ngày lạnh, các chuyên gia y tế khuyên các phụ huynh phải luôn đảm bảo cho trẻ mặc đủ ấm, đặc biệt lưu ý lúc đi đường, ăn thức ăn nóng, giàu dinh dưỡng. Phụ huynh có con học bán trú cần chuẩn bị chăn gối đầy đủ, giám sát chặt chẽ chất lượng bữa ăn ở trường...
Theo Đất Việt
Có thể bạn chưa biết: những kiểu "hạ độc" sức khỏe trong mùa lạnh Mùa đông thường được xem là mùa khắc nghiệt không chỉ với sức khỏe mà còn là mùa không thân thiện với sắc đẹp của nữ giới. Nhiều phụ nữ thường có những thói quen có hại như sau: Dùng nước nóng rửa mặt Những ngày lạnh, dùng nước nóng rửa mặt cảm giác rất thoải mái, tuy nhiên dùng nước nóng rửa...