Bộ phim về địa ngục nô lệ tình dục mạng
“ Cyber Hell: Exposure A Internet Horror” có cách làm phim tài liệu độc đáo, mở ra những mặt trái gây ám ảnh của Internet.
Khi nhân loại tiến tới thời đại số hóa, tội phạm mạng ngày càng gia tăng. Giống The Tinder Swindler hay Don’t F * *k With Cats, phim tài liệu về tội ác có thật mới nhất của Netflix, Cyber Hell: Exposure A Internet Horror, tiếp tục khắc họa những hành vi đáng sợ trên mạng thông tin toàn cầu.
Trang SCMP gọi phim của đạo diễn Choi Jin Seong là sự kết hợp giữa tác phẩm cùng thể loại The Reservoir Game và thực trạng xã hội khắc nghiệt trong phim độc lập Steel Cold Winter - từng do Choi cầm trịch.
Vào năm 2020, một vụ án tình dục làm rung chuyển Hàn Quốc. Tất cả bắt đầu từ “ Phòng chat thứ N” – không gian trò chuyện riêng tư trên ứng dụng nhắn tin Telegram. Nhân vật bí ẩn được gọi là “Baksa” sử dụng Nth Room để lừa đảo thông tin cá nhân của nhiều thiếu nữ, tống tiền nếu họ không chia sẻ nội dung khiêu dâm.
Điều gây sốc hơn là số lượng đàn ông đổ xô vào 30 phòng trò chuyện Telegram tăng gần 25.000 người (theo số liệu của Kryptopolitan). Các nạn nhân bị chế nhạo và hành hạ tột cùng bởi nhóm người này.
Phim đào sâu với tội ác có thực hồi năm 2020.
Trong phim, nhà báo có danh xưng “Bul” đau lòng bày tỏ: “Các phòng chat thứ N giống như cánh cổng địa ngục, luôn tồn tại nhưng chúng tôi đã phớt lờ suốt thời gian qua”.
Kim Wan, cây bút The Hankyoreh cùng cộng sự lập nhóm Team Flame để bắt đầu cuộc điều tra. Nhóm sinh viên, một số hacker ẩn danh và cảnh sát mạng cũng tham gia sự vụ.
Địa ngục trực tuyến của phụ nữ trẻ
Những câu chuyện có thật luôn mang sức hấp dẫn riêng. Đây là lý do Netflix chuyên tâm sản xuất nội dung phim tài liệu thể loại hình sự – pháp lý những năm gần đây. Nhiều phim tài liệu còn được dàn dựng đậm chất giải trí, chính kịch – tiêu biểu là hai tác phẩm ăn khách The Girl from Plainville và The Staircase.
Tạp chí Paste cho rằng Cyber Hell: Exposure A Internet Horro r không phải là thể loại phim tài liệu tội phạm mà khán giả quen thuộc. Kịch bản dành phần lớn thời lượng khắc họa chi tiết các pha tra tấn tinh thần mà nhiều cô gái trẻ phải chịu đựng. Từ những thiếu nữ trong sáng, họ rơi vào cảnh “gọi trời không thấu gọi đất không hay” bởi bàn tay của nhóm đàn ông tàn bạo.
Ở nhiều cảnh, Cyber Hell: Exposure A Internet Horro r sử dụng đồ họa chuyển động (motion graphic) tạo nên những phân cảnh mang phong cách điện ảnh, kết hợp âm nhạc dồn dập như bóp nghẹt trái tim người xem. Phim sử dụng lối kể hình ảnh trực quan (visual story-telling) để truyền đạt câu chuyện, đánh bật khía cạnh rùng rợn, ghê tởm của vụ án.
Cyber Hell: Exposure A Internet Horro r thể hiện nội dung tin nhắn văn bản viết theo “thời gian thực”, email, cùng loạt ảnh do nạn nhân tải lên được làm mờ. Điều này gợi nhớ đến hai phim kinh dị lấy chủ đề mạng xã hội là Unfriended và Searching. Hiệu ứng hình ảnh bắt mắt góp phần giải thích chi tiết hơn về thế giới kỹ thuật số, làm đơn giản hóa hoạt động của tội phạm mạng, để cả những người không hiểu biết nhiều về công nghệ thông tin có thể nắm bắt vấn đề.
Các cuộc phỏng vấn với Kim Wan và nhiều nhà báo nhấn mạnh tính khách quan tuyệt đối, cho phép khán giả hiểu rõ hơn về cái ác cũng như phát triển sự đồng cảm với nạn nhân đáng thương. Mọi tình tiết quan trọng đều được tái hiện chân thực, khi người được phỏng vấn giấu mặt ngồi trong góc khuất. Họ ăn vận chỉn chu giữa phông nền, đạo cụ tối giản chi tiết đến từng bộ sofa, cốc nước. Kỹ thuật quay phim khắc họa tinh tế mảng ánh sáng lập lờ, tạo ra bầu không khí u ám, trầm mặc xuyên suốt.
Giống siêu phẩm hình sự Memories of Murder (2003), Cyber Hell: Exposure A Internet Horror cẩn thận lồng ghép các bằng chứng “nhỏ giọt” do Choi Jin Seong và cộng sự thu thập, nhằm phác họa chân dung nghi phạm. Từng mảnh ghép kẻ “phản diện” được lật mở hợp lý, lôi cuốn. Để bảo vệ nạn nhân, các bức ảnh – video khiêu dâm đã được dựng lại, trong khi các thông điệp lẫn địa điểm cụ thể đều thay đổi.
Cuộc truy bắt “mèo vờn chuột” với Baksa – Cho Joo Bin và GodGod trong Cyber Hell: Exposure A Internet Horror diễn ra căng thẳng, gay cấn. Với việc điều tra sâu về danh tính các cô gái cũng như theo dõi sát sao hoạt động của phòng trò chuyện, cảnh sát kịp thời ngăn chặn thiệt hại về nhân mạng.
Cho Joo Bin (giữa) là kẻ chủ mưu của Phòng chat thứ n.
Nhiều manh mối quan trọng xuất hiện với tốc độ nhanh đáng kinh ngạc, đưa người xem đến gần chân tướng sự việc. Khi hạ màn, khán giả dễ có cảm giác như đang trò chuyện với những cá nhân tin cậy và đầy am hiểu.
Khắc họa chưa sâu khía cạnh chính trị – xã hội
Theo Decider, Cyber Hell: Exposure A Internet Horror đem đến cái nhìn nghiệt ngã về việc xã hội thất bại như thế nào khi không thể bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Phim cũng khám phá sức mạnh của tính nặc danh (không xác định được danh tính) trong thời đại truyền thông, cách chúng kích hoạt một số hành vi khủng khiếp. Chính vì thế, kẻ đồi bại cảm thấy mình có quyền lực tối thượng.
Khi tờ Spotlight chuẩn bị phát sóng công khai câu chuyện, Baksa còn ngang nhiên gửi tin nhắn thách thức: “Một phụ nữ sẽ tự ném mình xuống mái nhà của tòa SBS hoặc tự thiêu nếu các người phát sóng bất cứ điều gì về tôi”.
Những ngón đòn tâm lý tàn độc biến người nghèo gặp khó khăn về kinh tế thành “con mồi”. Kẻ yếu bị tra tấn, giày vò trong một trò chơi bệnh hoạn. Họ phải gửi video cảnh bản thân liếm gạch lát nền phòng tắm, nhét bút vào bộ phận nhạy cảm để mua vui. Nhiều người thậm chí bị ép viết chữ “nô lệ” trên cơ thể bằng các dụng cụ có tính sát thương cao.
Đáng buồn là sau tất cả, khán giả không thấy bất kỳ thông điệp xã hội đầy sức nặng nào. Những thay đổi mà luật pháp của Hàn Quốc cần làm, phương pháp xử lý trường hợp quay lén… đều không được đề cập. Người xem tự hỏi làm thế nào phụ nữ sẽ bình đẳng với nam giới trong hiện tại và tương lai, nhiều thắc mắc được đặt ra song không có ai giải đáp.
Yếu tố showbiz ngoài đời bị ngó lơ khi lên phim.
Sau khi kẻ thủ ác bị bắt và kết án, phim vội vàng kết thúc mọi thứ. Bầu không khí trong nhiều cộng đồng khác nhau gây áp lực như thế nào với các ngôi sao của ngành giải trí Hàn Quốc cũng bị ngó lơ một cách khó hiểu.
Trong khi theo phần khai báo của kẻ cầm đầu “phòng chat tình dục” Cho Joo Bin, các khách hàng tham gia nhóm có cả nghệ sĩ, vận động viên, giáo sư nổi tiếng của Hàn Quốc…
Phim về "Phòng chat thứ N" Cyber Hell: Vụ án xứ Hàn được tái hiện vừa đủ, nhưng nhàm chán
Vụ Phòng chat thứ N chỉ được tái hiện gần như vừa đủ trong Cyber Hell, vừa đủ chứ chưa đầy đủ.
Tháng 5 là thời điểm Netflix chạy hết tốc lực với những dự án phim tài liệu đặc sắc, trong đó có Cyber Hell: Exposing an Internet Horror - bộ phim về vụ án Phòng chat thứ N từng khiến dư luận xứ Hàn "sục sôi" một thời. Hơn 100 cô gái trẻ trở thành nạn nhân không mong muốn của những kẻ lừa đảo tinh vi trong ít nhất 8 phòng chat dùng để chia sẻ, rao bán văn hoá phẩm đồi truỵ trên nền tảng Telegram.
Bộ phim Cyber Hell dẫn dắt khán giả bước vào "nơi tối tăm" của internet, nơi mà ánh sáng ban ngày không chạm tới. Gây tò mò là thế, song vụ án Phòng chat thứ N chỉ được tái hiện gần như vừa đủ trong Cyber Hell, không thiếu dữ kiện nhưng dễ gây nhàm chán.
Thông tin mang đến vừa đủ, gây tò mò bởi chi tiết chưa có lời giải
Vẫn theo đuổi lối làm phim tài liệu quen thuộc của Netflix gần đây (đơn cử là với Our Father), Cyber Hell đi theo tuyến thời gian tự nhiên để người xem tiện theo dõi. Tuy nhiên, thời lượng của Cyber Hell không có những cột mốc phân chia cụ thể, đi một mạch từ những nạn nhân đầu tiên đến khi tìm thấy thủ phạm thật sự.
Mọi thứ trong Cyber Hell được lật mở lần lượt theo cách khó dự đoán, cuối cùng để lại một đoạn kết tạm gọi là "thỏa đáng", tuy rằng vẫn chưa thật sự có hậu.
Bán Dạ Sinh
May mắn thay ở cuộc hành trình ấy, những khán giả trông chờ vào toàn cảnh vụ án Phòng chat thứ N đã có được gần như đầy đủ thông tin quan trọng nhất. Nạn nhân đầu tiên bị dụ dỗ như thế nào, vì sao cơ quan báo chí The Hankyoreh lại biết và để tâm đến câu chuyện "tội ác mạng" nghiêm trọng này, đến cả sự can thiệp của các đài lớn như jTBC hay SBS, và cuối cùng hung thủ là ai. Mọi thứ trong Cyber Hell được lật mở lần lượt theo cách khó dự đoán, dẫn đến một đoạn kết tạm gọi là "thỏa đáng", tuy rằng vẫn chưa thật sự có hậu.
Đúng vậy, Cyber Hell vốn dĩ tập trung vào hành trình truy tìm danh tính của GodGod hay Baksa, những kẻ tinh vi "đánh bẫy" nạn nhân bằng sự phức tạp của nền tảng Telegram và các phòng chat bảo mật tuyệt đối, hơn là khai thác sâu vào cảm xúc và cuộc sống của các nạn nhân (nhất là sau vụ án), hay tình trạng của loại tội phạm này ở thời điểm hiện tại. Ngoài ra, thước phim về Phòng chat thứ N còn bỏ ngỏ mối quan hệ giữa hai "tên trùm" GodGod và Baksa, cũng như số phận của các phòng chat còn lại.
Tất cả những gì được xem là tốt đẹp mà Cyber Hell đúc kết được từ hàng tháng trời theo đuổi vụ trọng án là kẻ thủ ác phải nhận hậu quả sau song sắt, và việc đầu báo The Hankyoreh đã thành công mang câu chuyện an ninh mạng tưởng chừng như chẳng có gì mới này lên trang nhất, khiến xã hội phải chấn động. Cyber Hell có đủ thông tin để thoả mãn khán giả ở một góc nhìn cụ thể - góc nhìn phá án, thế nhưng lại chưa có đầy đủ, toàn vẹn mọi khía cạnh về vụ án từng thay đổi cả đất nước Hàn Quốc về luật pháp, con người và cuộc sống này.
Cyber Hell có đủ thông tin để thoả mãn khán giả ở một góc nhìn cụ thể, thế nhưng lại chưa có đầy đủ, toàn vẹn mọi khía cạnh về vụ án từng thay đổi cả đất nước Hàn Quốc này.
Bán Dạ Sinh
Cách diễn đạt dễ gây nhàm chán
Cyber Hell là phim tài liệu về tội ác thông qua mạng internet, vì vậy phong cách phim cũng mang dáng dấp "số hoá" tương tự. Phim tổng hợp nhiều hình ảnh giả lập, tái hiện một mạng lưới internet giống với Searching hay Unfriended trước kia. Lúc thì lôi kéo người xem trải nghiệm app Telegram và cách hoạt động của các phòng chat, khi thì mang đến những trang web truyền thông tin tức, hay chỉ là khung tin nhắn của nạn nhân, những tín hiệu GPS lần theo dấu vết tội phạm.
Tuy nhiên điều này đã vô tình khiến cho Cyber Hell trở nên khó xem hơn khi rất nhiều dữ liệu được cung cấp dưới dạng hình ảnh, infographic lẫn phụ đề. Khán giả sẽ phải "tiêu hoá" cùng một lúc vô vàn thông tin qua mắt (và cả tai), dễ gây nên hiện tượng bão hoà, ngán ngẩm và buồn ngủ. Cyber Hell chắc chắn đã có được thành công ở mặt "tài liệu", nhưng ở mặt phim ảnh thì chưa.
Tông màu phim, tuy đẹp và "hợp mood", cũng dễ tạo cảm giác chán nản. Ngoài ra, Cyber Hell có rất nhiều cảnh hoạt hình minh hoạ, nhiều đến mức khiến mạch phim bị đứt gãy, dẫn đến quá trình tiếp nhận thông tin của người xem bị lũng đoạn, xao nhãng. Đã không có những cột mốc phân chia rõ ràng, lại còn lồng ghép hình ảnh minh hoạ dày đặc, Cyber Hell chắc chắn là trải nghiệm học thuật không dành cho tất cả mọi người.
Cyber Hell có rất nhiều cảnh hoạt hình minh hoạ, nhiều đến mức khiến mạch phim bị đứt gãy, dẫn đến quá trình tiếp nhận thông tin của người xem bị lũng đoạn, xao nhãng.
Bán Dạ Sinh
Chấm điểm: 3.5/5
Suy cho cùng, Cyber Hell: Exposing an Internet Horror vẫn là một bộ phim tài liệu đáng xem, diễn giải tương đối tường tận về những gì xảy ra trong vụ án Phòng chat thứ N mà có lẽ bạn đã nghe qua, đã biết nhưng chưa có cơ hội tìm hiểu kĩ. Thế nhưng khi phim kết thúc, vẫn còn quá nhiều câu hỏi bị bỏ lại mà không có lời giải, những thắc mắc lớn mà có lẽ sẽ được vén màn ở Cyber Hell phần 2, hoặc không.
Trailer Cyber Hell: Exposing an Internet Horror
Cyber Hell: Exposing an Internet Horror đã lên sóng trên Netflix.
Netflix làm phim tài liệu về vụ án chấn động Hàn Quốc 'Phòng chat thứ N' Bộ phim tài liệu xoay quanh tên tội phạm mạng tàn ác Choi Joo Bin - kẻ điều hành "Phòng chat thứ N" sẽ được Netflix phát hành với tên Cyber Hell: Exposing an Internet Horror vào tháng tới. Vào ngày 20/4 vừa qua, Netflix thông báo sản xuất bộ phim tài liệu có tên Cyber Hell: Exposing an Internet Horror với nội...