Bộ phim tàn bạo và dã man bậc nhất về tình yêu
Trong “ The Lobster”, những kẻ cô đơn sẽ bị buộc vào đường cùng, bị xua đuổi và ruồng bỏ.
Thế giới điện ảnh có nhiều bộ phim hay nhưng không có cơ hội lan tỏa rộng rãi đến khán giả. Ai đã xem những bộ phim này đều muốn chia sẻ đến mọi người bởi sự cảm động, sâu sắc, nhân văn, lãng mạn… Những bộ phim như thế sẽ được giới thiệu tới độc giả vào lúc 11h, thứ 5 hàng tuần, mời các bạn đón đọc!
Bộ phim của đạo diễn người Hy Lạp Yorgos Lanthimos được mô tả là một bộ phim về tình yêu thuần túy, một bộ phim tình cảm không giống bất cứ bộ phim nào trước đây. The Lobster (Tựa Việt: Tôm Hùm) là một bộ phim kỳ lạ bậc nhất về cuộc sống của những người trưởng thành.
Một bộ phim kỳ lạ của đạo diễn người Hy Lạp Yorgos Lanthimos
Đạo diễn Yorgos Lanthimos đã dựng lên một thành phố giả tưởng, nơi những kẻ cô đơn cần phải loại bỏ khỏi xã hội. Tất cả những người không thể kiếm được đối tác, đối tác qua đời hoặc li dị đều sẽ phải đến một khách sạn kỳ lạ ở trong 45 ngày để tìm cho mình một đối tác mới. Nếu không thể làm được điều này đúng thời hạn, những người này sẽ bị biến thành động vật.
Nhận vật chính của phim David cũng bị đưa đến khách sạn sau khi chia tay vợ của mình. Đồng hành cùng David là một chú chó – chính là người anh trai của anh biến thành sau khi không thể vượt qua được thử thách tại khách sạn. Con vật David lựa chọn đến biến thành nếu không thể vượt qua thách thức là con tôm hùm. Tại khách sạn, David gặp gỡ những người khách khác, đồng cảnh ngộ với anh. Họ không có tên riêng, chỉ được nhận thức bằng những đặc điểm dị dạng.
Một luật lệ ở thành phố không dành cho những kẻ cô đơn. Họ bắt buộc phải yêu, như một thứ nghĩa vụ, một thứ tôn giáo, một thứ máy móc. Họ không được làm bất cứ điều gì để tự thỏa mãn bản thân. Ở khách sạn này, việc “tự sướng” sẽ bị trừng phạt. Hàng ngày sẽ có những cô hầu gái đến kiểm tra sinh lý của khách hàng. Còn để có thể thỏa mãn cả nhu cầu tâm lý lẫn sinh lý, họ bắt buộc phải tìm một người khác giới.
Những gương mặt vô cảm vì khi phải tìm kiếm bạn đời
Thậm chí mọi luật lệ ở khách sạn đều được lập trình như một cái máy, biến khách đến đây cũng như một con robot để tìm bằng được đối tác của mình. Mọi cá nhân đều bị áp vào một khuôn khổ, với một lựa chọn duy nhất, xu hướng tính dục nam hoặc nữ (không có song tính bisexual), cỡ giày không có size một nửa, hoặc là 44 hoặc là 45, bất chấp việc David mang giày size 44 rưỡi.
Tình yêu ở The Lobster chẳng còn nghĩa lý gì cả. Khi người ta đến với nhau để sinh tồn. Bằng mọi giá, bằng mọi cách. Mỗi người đều có một cách để tồn tại với luật chơi ác độc này. Như một người đàn ông đã tự đập đầu mình để chảy máu cam cho giống cô gái mà anh ta tán tỉnh. Như người phụ nữ máu lạnh sẵn sàng săn đuổi những người cô đơn khác để tiếp tục kéo dài sự hưởng thụ trong khách sạn. Như một người đàn bà tuyệt vọng cầu xin được ghép đôi cùng người khác rồi cuối cùng chọn cách tự sát để không bị biến thành thú.
Đạo diễn Yorgos Lanthimos đã tạo ra một thế giới tàn độc, một thế giới tàn độc chỉ để tìm kiếm một người đồng hành. Đạo diễn người Hy Lạp đã để cho người đàn bà tự sát kêu đau đớn trước khi chết. Âm thanh ám ảnh tất cả mọi người, để thấy rằng việc chỉ có một mình đáng sợ như thế nào.
Video đang HOT
Nếu không thể thoát khỏi cuộc đời độc thân sẽ bị biến thành động vật
Phần lớn khách hàng của khách sạn đều khiếm khuyết, hoặc tuyệt vọng. Họ không có nhu cầu tìm kiếm tình yêu, hoặc không thể tìm kiếm được tình yêu. Chính vì vậy họ bị đưa đến đây như một biện pháp ép buộc cuối cùng. Họ đến với nhau bằng thứ bản năng sinh tồn méo mó. Họ ép cả bản thân mình trở nên méo mó chỉ để được sống như những con người ở xã hội này.
Nhìn rộng ra, chẳng phải chúng ta cũng đã bị như vậy sao. Có đôi khi chúng ta ép mình vào những cuộc hôn nhân là vì người khác chứ không còn vì tình yêu nữa. Hôn nhân thiêng liêng và cao cả bỗng chốc trở thành trò ghép đôi tạm bợ, miễn sao đủ để che mắt thiên hạ, đủ để vượt qua miệng lưỡi thế gian, đủ để sinh tồn.
Một nữa sau của The Lobster lại đưa khán giả đến một thế giới khác. Nếu như ở khách sạn là cuộc sống của những người bị ép buộc từ chối nỗi cô đơn thì ở trong rừng là những người được gọi “loners”. Họ bất chấp đạo luật “chống cô đơn” của thành phố, sống bất tuân trong rừng. Những “loners” trở thành mục tiêu săn đuổi của khách hàng trong khách sạn. Mỗi một người cô đơn sẽ đổi được thêm một ngày ở khách sạn mà không bị hóa thành thú.
Tình yêu bỗng nảy sinh ở nơi tuyệt vọng nhất
Nhân vật chính của bộ phim, David, sau khi đã tuyệt vọng với việc tìm đối tác đã quyết định bỏ trốn khỏi khách sạn, trở thành một “loners” trước khi bị biến thành tôm hùm. Những kẻ cô đơn trong rừng cũng đều là những người đã tuyệt vọng trước tình yêu, trước hôn nhân và gia đình. Họ chỉ muốn sống một mình. Vậy nên họ cũng có luật lệ riêng. Cấm tình yêu. Cấm tán tỉnh. Cấm ghép đôi bằng mọi cách.
Kỳ lạ thay ở giữa khu rừng cấm tình yêu đầy tuyệt vọng, David lại gặp được tình yêu của cuộc đời mình. Cô Cận Thị – tình yêu giữa lúc tuyệt vọng nhất của David. Vì luật của khu rừng, họ phải yêu nhau trong câm lặng. Nhưng tình yêu vẫn nảy sinh, giữa lúc tưởng chừng như ta đã buông tha tất cả, buông tha cho mọi ham muốn của cuộc đời.
Họ khao khát về những hạnh phúc bình dị
Cô Cận Thị và David đã có những giấc mơ yên bình. Giấc mơ về một căn bếp sạch sẽ với những đứa trẻ. Đó mới là đích tới cuối cùng của hôn nhân. Không vì gì cả ngoài tình yêu. Khi đàn ông và đàn bà tự nguyện ghép đôi với nhau, trọn đời, vĩnh viễn.
Nhưng đến cuối cùng, đạo diễn Yorgos Lanthimos tiếp tục lại xoay khán giả đến một tầng cảm xúc khác. Một tình yêu tưởng như hoàn mỹ ấy, cuối cùng lại vĩnh viễn không thể thành hiện thực.
Trailer của bộ phim
Theo Danviet
Căng thẳng cứng người với bộ phim về tội ác diệt chủng
Khán giả gần như không thể thốt lên lời bởi không khí bên trong những trại tập trung thời Thế chiến 2 được tái hiện.
Vào 11h sáng thứ 3 hàng tuần, sẽ có một bộ phim nằm trong danh sách 200 bộ phim hay nhất mọi thời đại được giới thiệu đến khán giả. Đây đều được xem là những siêu phẩm điện ảnh kinh điển của thế giới từ trước đến nay.
Son of Saul - một trong những bộ phim được lựa chọn tranh giải Quả Cầu Vàng, của đạo diễn người Hungary László Nemes. Son of Saul kể một câu chuyện cũ về thảm sát người Do Thái, nhưng ở một góc nhìn rất mới.
Đặc biệt, đó là sự lựa chọn giữa việc tìm mọi cách để sống sót và bổn phận làm người. Bộ phim do vậy đã mang đến một phẩm chất nhân văn tuyệt vời trong những giờ phút tuyệt vọng nhất của con người.
Bộ phim lấy đề tài về tội ác diệt chủng trong Thế chiến 2
Tại trại tập trung Auschwitz, có những người tù làm nhiệm vụ đặc biệt, họ được quân đội Đức lựa chọn để "lùa" những người già yếu, trẻ con vào trong phòng hơi ngạt. Những người tù đó phân bố theo các đội nhỏ, mà người quản lý là người được quân đội Đức tin tưởng. Họ thu nhặt trên xác chết những đồ vật có giá trị, họ mang xác chết đi thiêu...
Saul là một trong những người tù đó, anh ở trong đội Sonderkommando. Trong một lần mang chuyển đống xác chết đi thiêu, anh nhận ra một đứa trẻ, là đứa con trai thất lạc từ lâu của mình. Bộ phim không khẳng định đó có đúng là con trai anh hay không, nhưng Saul tin đó là con trai mình. Và trong sự tiếc thương không được phép bộc lộ ra ngoài, Saul muốn được chôn cất con trai mình theo đúng nghi lễ của người Do Thái, tức là tìm một tu sĩ, đọc kinh cầu nguyện và chôn xuống đất chứ không phải bị thiêu chung với rất nhiều xác chết khác.
Nhưng làm sao anh có thể làm được điều đó khi luôn bị giám sát, khi những kẻ phát xít đang canh gác, theo dõi, khi mà sự sống xót của mỗi người còn đang treo trên sợi tóc, huống hồ một nghi thức đúng đắn cho một đứa trẻ đã chết. Vì điều đó, có thể giết chết không chỉ Saul, mà cả đội Sonderkommando
Đạo diễn László Nemes đã xây dựng phân cảnh mở đầu vô cùng ám ảnh. Với chiếc camera mở khẩu độ lớn, lấy nét mỏng được đặt sát sau lưng nhân vật chính để làm mờ hết bối cảnh phía xa, chúng ta không hiểu chuyện gì xảy ngoài những lời nói mang tính dụ dỗ về lời hứa công việc, chỗ nghĩ ngơi cho tất cả mọi người, nhưng trước tiên họ phải cởi bỏ quần áo và phải đi vào một căn phòng mà họ được chỉ dẫn.
Khán giả căng thẳng vì không khí ám ảnh trong bộ phim
Những tiếng thở, những tiếng thì thầm, sự căng thẳng trong khuôn hình với góc nhìn hẹp và mơ. Khán giả mơ hồ nhận biết một điều gì đó sẽ xảy ra, nhưng không thể biết cho đến khi những tiếng hét và khóc vang lên. Sự diệt chủng bắt đầu, kinh hãi và đau đớn. Ta dần dần nhận ra, xa xa, trong sự mờ nhèo đi của khung hình là những xác chết trần truồng.
Những cú máy dài cứ vậy, trên tay cầm của nhà quay phim Mátyás Erdély đi theo nhân vật chính, với đôi mắt luôn lo sợ, hơi thở mệt mỏi, và sự vô cảm trước cái chết trần trụi ở phía trước, ta như chìm trong một không gian kinh hoàng mà bản thân ta thấy sợ hãi vô cùng. Sự tinh tế trong cách quay khiến cho bộ phim hiện ra vừa thực vừa hư. Những thân thế trần truồng nằm chết tức tưởi được làm mờ, những tiếng thì thầm khó hiểu. Những ánh mắt nhìn nhau, vô cảm, những thân xác bị kéo lê vô tội...
Nhưng thảm sát chỉ là bối cảnh câu chuyện. Bộ phim đầu tay của đạo diễn László Nemes không nhấn mạnh vào sự kinh dị, mà nhấn mạnh vào tình người. Saul phải lựa chọn giữa người thân và người dưng, lựa chọn làm bổn phận của một người cha, hay vì mạng sống mà bỏ qua điều đó...
Giữa địa ngục của tội ác vẫn lóe lên ánh sáng của tình người
Bộ phim mang lại một cái nhìn đầy nhân văn về con người khi đối diện giữa sống xót hoặc chết. Sự day dứt của Saul, tính quyết đoán của anh, và những sự giúp đỡ dù đầy oán trách của những người tù mà anh làm việc cùng, đã giúp ta nhìn bộ phim ở một cảm xúc rất khác, ngoài sự kinh hoàng của những vụ thảm sát. Cảm giác về lòng nhân đạo của những con người đang ở địa ngục trần gian. Họ phải vô cảm với đồng loại đã chết để được sống sót.
Nhưng họ không bỏ mặc những người đang sống. Saul có thể đã rất vị kỉ khi đặt mọi người vào nguy hiểm chỉ vì một xác chết, nhưng không vì thế mà họ để mặc Saul, họ vẫn giúp đỡ trong sợ hãi. Và tự nhiên, lúc này đây, chết chỉ là một sự lựa chọn như sống, nó không còn quá đe doạ khiến cho ta mất hết nhân tính nữa.
Với góc máy gần như luôn duy trì ở cận cảnh, đi theo hành trình của Saul ở địa ngục nơi mọi thứ điều vô cùng vô nghĩa và kinh hoàng. Khuôn mặt luôn luôn ở trạng thái bình thản, diễn viên Géza Rhrig đã hoá thân vào nhân vật Saul với một khả năng kì diệu.
Saul kiên định với quyết tâm của mình, từ khuôn mặt, ánh mắt và cử chỉ. Camera ở ngay bên cạnh không làm nam diễn viên bối rối, mà như thể, anh đang dẫn khán giả đang sợ hãi đi tìm kiếm "tính người" ở nơi không còn nhân tính này.
Đạo diễn dẫn chúng ta đi tìm kiếm sự cứu rỗi cho linh hồn con người đang bị đày đoạ.
Mặc dù là bộ phim đầu tay, nhưng đạo diễn László Nemes đã thể hiện một phẩm chất quyết đoán tuyệt vời. Ông cho chúng ta ngay từ đầu phim biết đây là nơi nào, tội ác kinh hoàng của phát xít Đức, để rồi sau đó, với nhịp độ không giảm, với những cú máy dài liên tục theo bước chân nhân vật, đạo diễn như thể, dẫn chúng ta đi tìm kiếm sự cứu rỗi cho linh hồn con người đang bị đày đoạ.
Ta vừa căng thẳng, vừa hoảng sợ, những vừa cảm thấy một thứ tình cảm xen lỏi vào sâu bên trong mình trong mỗi bước đi của Saul, tình cảm của con người dành cho con người.
Son of Saul là một bộ phim có chủ đề không mới, nhưng nó chưa bao giờ cũ để nhắc nhở chúng ta về hoà bình, về sự khoan dung, và đặc biệt là tội ác của chiến tranh, tội ác của những cái chết vô nghĩa lý, mà cho đến tận bây giờ, không ai có thể lý giải nổi, vì sao, phát xít Đức lại làm như vậy với người Do Thái.
Trailer của bộ phim
Theo Danviet
Tò mò với bộ phim đậm chất siêu thực về tình yêu Với một đề tài không mới nhưng ở Eternal Sunshine Of The Spotless Mind, tình yêu đã được thể hiện theo một cách hoàn toàn khác biệt. Vào 11h sáng thứ 3 hàng tuần, sẽ có một bộ phim nằm trong danh sách 200 bộ phim hay nhất mọi thời đại được giới thiệu đến khán giả. Đây đều được xem là những...