Bỏ phiếu sớm ở bang ‘chiến địa’ Florida
Các điểm bỏ phiếu tại 50 hạt của bang Florida đã bắt đầu mở cửa đón cử tri đi bầu tổng thống Mỹ sớm trong ngày 24-10.
Cử tri chờ để bỏ phiếu sớm ở Florida ngày 24-10 – Ảnh: AFP
Hai ứng cử viên tổng thống là bà Hillary Clinton và ông Donald Trump vẫn đang đua tranh quyết liệt tại Florida, một trong những bang được coi là sống còn trên con đường tới Nhà Trắng.
Bà Clinton tiếp tục dẫn điểm
Năm nay Florida ghi nhận con số kỷ lục 3,1 triệu cử tri đăng ký bầu cử sớm, trên tổng số 13 triệu cử tri đăng ký đi bầu, với số cử tri hai đảng gần ngang nhau.
Năm 2008 số cử tri Đảng Cộng hòa đăng ký chiếm 49% so với 32% của Đảng Dân chủ nhưng Tổng thống Obama vẫn giành chiến thắng tại bang này.
“Liệu chúng ta nghĩ rằng chính phủ là một điều nghiêm túc… hay đó là một chương trình truyền hình thực tế để chúng ta có thể nói hoặc làm bất cứ gì mà không màng đến sự thật. Tôi cho rằng chúng ta không nên có một chương trình truyền hình thực tế trong Phòng Bầu dục
Tổng thống Mỹ Barack Obama
Các cuộc thăm dò tại các bang “ruột” của Đảng Cộng hòa như Arizona, Georgia và Utah cũng cho thấy đây là một cuộc đua sít sao.
Đài Fox News cho biết chỉ một số trong 37 bang cho phép bầu cử sớm công khai số lượng cử tri hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đi đăng ký bầu cử, do đó con số cuối cùng sẽ không được biết chính xác cho đến ngày bầu cử 8-11.
Các cuộc thăm dò mới nhất ngày 24-10 (giờ Mỹ) cho thấy cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang giành ưu thế áp đảo trước đối thủ Donald Trump tại nhiều bang.
Ngay tại Florida, theo kết quả thăm dò của ĐH Quinnipiac, bà Clinton dẫn trước ông Trump đến 4 điểm.
Còn tại những bang được coi là “thành trì” của phe Cộng hòa như Utah và Arizona, các cuộc thăm dò cũng hé lộ nhiều khả năng cử tri sẽ ủng hộ một nữ tổng thống Dân chủ lần đầu tiên trong lịch sử.
Video đang HOT
Cuộc thăm dò mới nhất của CNN/ORC cũng cho thấy bà Clinton đang dẫn trước nhà tỉ phú Mỹ 5 điểm với tỉ lệ ủng hộ 49% trên 44%. Kết quả cùng ngày của ABC News thậm chí thể hiện cách biệt lớn hơn 50% trên 38% nghiêng về cựu ngoại trưởng Mỹ.
Đây là tỉ lệ ủng hộ lớn nhất mà bà Clinton có được kể từ khi khởi động chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng. Kết quả thăm dò của Reuters cũng đặt cược lớn vào bà Clinton sẽ trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ.
Ứng viên không ngớt công kích nhau
Cùng với sức nóng của cuộc bầu cử sớm ở Florida và các cuộc thăm dò liên tục gây sức ép, ứng viên của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tiếp tục công kích đối thủ không nương tay khi chiến dịch tranh cử bước vào hai tuần cuối cùng.
Đáp trả tuyên bố của ông Trump rằng nỗ lực chiếm lại thành phố Mosul (Iraq) từ tay nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang ngày một thảm hại, bà Clinton khẳng định: “Ông ta tuyên bố thất bại ngay cả trước khi cuộc chiến bắt đầu. Ông ta đang chứng minh cho thế giới thấy việc có một tổng chỉ huy kém cỏi là như thế nào”.
Bà Clinton cũng có thêm một đồng minh là thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, một nhân vật công kích mạnh mẽ ông Trump về các cáo buộc sàm sỡ phụ nữ.
“Nhớ lấy, Donald, những phụ nữ xấu xa rất khó chơi. Phụ nữ xấu xa thông minh và phụ nữ xấu xa cũng đi bầu. Và ngày 8-11 tới, những phụ nữ xấu xa sẽ đi bỏ phiếu và khiến ông biến khỏi cuộc đời họ mãi mãi” – bà Warren hùng hồn chỉ trích ông Trump trên Reuters, sử dụng cụm từ “người phụ nữ xấu xa” mà ông gọi bà Clinton trong cuộc tranh luận tuần trước đang lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.
Trong khi đó, ông Trump vẫn tự tin khẳng định chiến dịch tranh cử của mình đang thắng và bác bỏ những “thăm dò gian dối” từ truyền thông.
Ông cho rằng các thư điện tử bị rò rỉ của giám đốc chiến dịch tranh cử của bà Clinton là ông John Podesta cho thấy chiến dịch này đã “gian lận cả các cuộc thăm dò với phần thắng nghiêng về Đảng Dân chủ”.
“Đó là những thăm dò gian dối. Tôi tin rằng chúng ta thực sự đang chiến thắng và truyền thông không muốn đưa tin đó. Đừng để họ lừa chúng ta” – ông tuyên bố trước những người ủng hộ tại Florida và dẫn ra các thăm dò của Investors Daily, Rasmussen cho thấy ông đang dẫn trước bà Clinton.
Nhưng nhà quản lý vận động của ông Trump, Kellyanne Conway, có lẽ không còn tự tin như vậy. Phát biểu hôm 23-10, bà Conway thừa nhận: “Chúng tôi đang tụt lại phía sau. Bà ấy (Clinton) đang có các lợi thế.
Bà ấy có một cựu tổng thống, cũng là chồng bà, một đương kim tổng thống và đệ nhất phu nhân, phó tổng thống vận động giúp”.
Trong hai tuần cuối cùng của cuộc vận động, ông Trump và bà Clinton sẽ phải cật lực vận động trên toàn quốc để thuyết phục các cử tri còn đang lưỡng lự. Những bang nóng nhất trong giai đoạn cuối cùng sẽ là Ohio, North Carolina, Florida và Pennsylvania.
Florida là chiến địa quan trọng của cuộc đua giành ghế tổng thống Mỹ bởi người chiến thắng sẽ có trong tay 29 phiếu đại cử tri, nhiều hơn hẳn các bang khác (chẳng hạn bang New Hampshire chỉ có 4 phiếu). Đối với ông Trump, bang này cũng có ý nghĩa quan trọng nhằm giúp tỉ phú Mỹ giành đủ 270 phiếu đại cử tri để thắng cuộc tranh cử. California là bang có số phiếu đại cử tri nhiều nhất (55 phiếu).
Theo Tuổi Trẻ
Cuộc tranh luận 'bẩn thỉu' chưa từng có trong lịch sử tranh cử Mỹ
Vòng đối đầu lần 2 giữa ông Trump và bà Clinton tiếp tục là những màn tấn công cá nhân, xoay quanh các bê bối mới của ông Trump và rất ít thông tin về chính sách mỗi bên.
Từ "bẩn thỉu" được nhiều hãng thông tấn lớn trên thế giới như CNN, BBC, Guardian, South China Morning Post... dùng để miêu tả không khí buổi tranh luận lần 2 giữa ông Donald Trump và bà Hillary Clinton.
Ngay trước khi tranh luận bắt đầu, Trump gây bất ngờ khi tổ chức buổi họp báo để giới thiệu 3 người phụ nữ tự xưng là nạn nhân các vụ cưỡng hiếp, tấn công tình dục của cựu tổng thống Bill Clinton.
Phong cách chỉ tay về đối thủ quen thuộc của ông Trump. Ảnh: CNN.
Ông Trump thậm chí còn mời họ dự buổi tranh luận, sắp xếp ở hàng ghế 2. Điều này báo hiệu một trong những chiến thuật quyết liệt mà Trump tung ra để tấn công cá nhân, nhằm gỡ gạc lại chiến dịch tranh cử đang "rơi tự do" vì những bê bối gần đây với cáo buộc trốn thuế gần 20 năm và bình phẩm tục tĩu về phụ nữ.
Trump hiếu chiến và giở trò bẩn
Trong buổi tranh luận đầu tiên, Trump còn tỏ ra lịch sự khi hỏi bà Hillary "tôi có thể gọi bà là Ngoại trưởng Clinton" được không vì "tôi muốn làm bà ấy hài lòng". Nhưng trong đêm 9/10 (giờ địa phương), sự lịch sự này đã không còn, 2 ứng viên thậm chí còn không bắt tay nhau trước khi bắt đầu "cuộc đấu".
Không nằm ngoài dự đoán, chỉ vài phút sau câu hỏi "hâm nóng", Trump chĩa ngay mũi dùi vào vào chồng của nữ ứng viên đảng Dân chủ. "Đoạn phim của tôi chỉ là cuộc trò chuyện trong phòng kín. Nhưng Bill Clinton thì có những hành động tình dục tai tiếng, trái luật và gây phẫn nộ nhất trong lịch sử chính trị Mỹ".
Việc ông Clinton trở thành mục tiêu của các đòn tấn công mới của Trump bắt đầu từ ngày 7/10, khi ông trùm bất động sản xin lỗi về đoạn video quay hồi năm 2005.
Khoảng 20 phút đầu tiên của buổi tranh luận vẫn xoay quanh những bê bối cá nhân của các ứng viên. Nhắc đến chuyện sử dụng email cá nhân của bà Clinton cùng hơn 30.000 email đã bị xóa, Trump đe dọa nếu đắc cử thì ông sẽ yêu cầu bộ trưởng tư pháp mở cuộc điều tra bà.
Khi phản hồi, hoặc như nắm được điểm yếu của Trump để kích động thêm, bà Clinton nói một người có tính khí thất thường như Trump sẽ không thể nắm quyền điều hành luật pháp của đất nước.
Khoảnh khắc cao trào trong đêm là khi Trump chen ngang lời bà Clinton để đe dọa: "Bà sẽ ngồi tù nếu tôi là tổng thống".
"Bà phải tự xấu hổ về bản thân mình", ông Trump nói, đồng thời chỉ tay rất nhiều lần về phía bà Hillary.
Ông Trump chiến đấu quyết liệt hơn trong đêm tranh luận thứ 2. Ảnh: CNN.
Bà Clinton lúng túng trước Trump
Ông trùm bất động sản không dưới một lần thể hiện thái độ căm phẫn rõ rệt với nữ cựu ngoại trưởng. Có lúc ông Trump nói "trong tim bà Hillary chất chứa đầy sự thù hận". Hoặc ông cũng chỉ trích việc Thượng nghị sĩ Bernie Sanders "lại chịu bắt tay với ác quỷ (ám chỉ bà Clinton)".
Cuộc đối đầu quyết liệt giữa 2 ứng viên chỉ kết thúc trong "hòa bình", một cách bất ngờ, khi một khán giả buộc họ phải nêu một điểm tích cực về đối thủ.
Bà Clinton nói "Tôi tôn trọng các con của Trump. Họ đều là những người tài giỏi, điều đó rất quan trọng với tôi trên cương vị một người mẹ và bà ngoại. Các con của Trump nói lên nhiều điều về ông ấy".
Ứng viên của đảng Cộng hòa cũng tỏ ra "chơi đẹp" khi ca ngợi bà Clinton là một "chiến binh". "Bà ấy không bao giờ đầu hàng, không bao giờ bỏ cuộc. Tôi cho rằng đó là một tính cách tuyệt vời".
Suốt buổi tranh luận, 2 nhà báo Anderson Cooper và Martha Raddatz trên vai trò điều phối đã phải ngắt lời để ngăn cản cuộc đấu khẩu giữa 2 ứng viên, nhắc nhở họ trả lời đúng trọng tâm câu hỏi. Có lúc Trump nói rằng: "Được lắm, chọi 3, ý nói cả 2 điều phối viên cũng thiên vị và chống lại ông.
90 phút của buổi tranh luận vẫn thống trị là những phát biểu hạ uy tín đối thủ, và một ít trao đổi về các chính sách đối nội, đối ngoại như vấn đề đạo luật chăm sóc y tế phổ thông (Obamacare), quan điểm về cuộc chiến ở Syria, chính sách thuế...
Về hình thức, Trump có thể đã chiến thắng áp đảo trong đêm tranh luận lần này khi nhiều lần khiến bà Clinton không thể đưa ra câu trả lời thuyết phục.
Người xem buổi tranh luận có thể thấy rõ những khoảnh khắc lúng túng của bà Clinton, những nụ cười từ đầu buổi đã chuyển thành nhăn nhó, chau mày. Tuy nhiên, lịch sử các buổi tranh luận giữa ứng viên tổng thống Mỹ chưa từng chứng kiến những pha công kích tới tấp như Trump mang lại.
Kết thúc buổi tranh luận, CNN giật tít nổi bật ngay trang chủ: "Một trận chiến bẩn thỉu". Bình luận viên David Brooks của New York Times nhận xét rằng Trump "giống như kẻ côn đồ" trong cuộc đụng độ.
Báo Guardian thì nhận định những nỗ lực của Trump không thể lôi kéo thêm được cử tri mới nào. Tờ Vanity Fair cho rằng Trump đã học được bài học sau thất bại từ vòng tranh luận đầu tiên, nhưng thời điểm này đã là quá trễ.
Theo Zing News
Donald Trump có thể bị "treo" chiến dịch tranh cử do trốn thuế Vừa qua trên tờ New York Times đã tiết lộ thông thông tin gây sốc về việc ông Donald Trump đã trốn 1 tỷ USD tiền thuế thu nhập trong suốt 18 năm qua. Donald Trump có thể bị "treo" chiến dịch tranh cử do trốn thuế Nhiều người cho rằng bản báo cáo này sẽ là "tảng đá lớn" cản đường ứng...