Bộ Nông nghiệp muốn tập trung xuất khẩu gạo thơm, gạo nếp
Với kế hoạch xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch khoảng 3 tỉ USD, Bộ NNPTNT đặt mục tiêu nâng cao chất lượng, giảm dần số lượng, phấn đấu xuất khẩu gạo thơm, gạo nếp sang các thị trường tiềm năng.
Theo ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NNPTNT), 2018 là năm bội thu về mùa và giá gạo. Xuất khẩu gạo năm 2018 ước đạt 3,03 tỉ USD, tăng 16,1% về giá trị so với năm 2017.
Việt Nam đang chú trọng nâng cao chất lượng gạo, giảm dần số lượng để đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu cao hơn. Ảnh: I.T
Giá gạo xuất khẩu năm 2018 cũng tăng mạnh, từ 452 USD/tấn (năm 2017) lên 502 USD/tấn trong năm 2018, trong đó tỉ trọng gạo chất lượng cao chiếm tới 80%.
Đặc biệt, giống gạo thơm dẻo Japonica đang được thị trường thế giới ưa chuộng. Đây là giống gạo xuất xứ từ Nhật, thích hợp với điều kiện khí hậu ở Việt Nam nên cho thu hoạch tốt, được người dân trồng ở vụ Đông Xuân có điều kiện khí hậu thích hợp.
Với kết quả tích cực của năm 2018, ngành Công Thương các tỉnh ĐBSCL đang kỳ vọng xuất gạo năm 2019 sẽ đạt kết quả cao hơn. Hiện tại, tỉnh Long An dự kiến sẽ đạt kim ngạch 5,9 tỉ USD (tăng khoảng 15,7% so với 2018), TP.Cần Thơ đặt mục tiêu khoảng 2,2 tỉ USD (tăng gần 6,3% so với 2018), tỉnh An Giang cũng dự kiến sẽ đạt trên 900 triệu USD trong 2019.
Bắt đầu năm 2019, đơn hàng từ các doanh nghiệp khu vực ĐBSCL đã tăng, tập trung vào các sản phẩm gạo chất lượng cao. Để giữ vững thị trường, theo ông Trần Xuân Định, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần đầu tư công nghệ, đẩy mạnh chất lượng chế biến, chú trọng các khâu từ tách màu, đánh bóng…. để tăng giá trị gạo xuất khẩu, đặc biệt là gạo Japonica sẽ tăng giá trị tốt hơn.
Xác định được mục tiêu nâng cao giá trị gạo, năm 2019, ngành lúa gạo tiếp tục tập trung đi theo hướng sản xuất bền vững, tăng sản xuất các giống lúa chất lượng để nâng cao chất lượng, giá trị tại thị trường trong nước và xuất khẩu, trong đó lưu ý về vấn đề an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Video đang HOT
Theo Bộ NNPTNT, ngành lúa gạo phải đầu tư các cánh đồng mẫu lớn để tránh gạo bị pha tạp, chế biến và xuất khẩu theo chuỗi, giữ ổn định các thị trường đã có và mở rộng thêm thị trường chính ngạch, bởi chỉ xuất khẩu chính ngạch mới bền vững và mang về giá trị lớn cho nông sản Việt.
Theo Kh.V (Lao động)
Thủ tướng: Đưa VN vào nhóm 15 quốc gia phát triển về nông nghiệp
Tại Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mục tiêu dài hạn, ngành nông nghiệp phải khơi gợi được khát vọng của dân tộc, phải phấn đấu trong 10 năm nữa, Việt Nam lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất.
Nhìn nhận bức tranh nông nghiệp năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ngành đã đạt kết quả vượt bậc, có nhiều điểm sáng, điểm mới, có những bứt phá ngoạn mục, đạt thành tích xuất sắc, toàn diện. Và điều quan trọng nhất là đời sống người dân được nâng lên, mà theo Thủ tướng, "cái đó mới là cuối cùng".
Tái cơ cấu đúng hướng nên nhiều loại sản phẩm có sản lượng lớn đã xuất hiện ở Việt Nam. Từ đó, ngành nông nghiệp đóng góp vào xuất khẩu vượt mức kế hoạch và đứng thứ 2 Đông Nam Á về xuất khẩu nông nghiệp. Đi liền với đó là thị trường tiêu thụ được mở rộng. Đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã được củng cố và đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp lớn. Điều đáng mừng là có 18 nhà máy chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp được đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.
"Điều chúng ta cần quan tâm và đã làm được một phần quan trọng trong tổ chức là tiêu thụ trong nước. Chúng ta đã chủ động xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn", Thủ tướng nói và dẫn số liệu, có 1.096 chuỗi cho hơn 1.400 sản phẩm. Đã tổ chức nhiều diễn đàn quảng bá nông sản cho người dân. Nhiều thể chế quan trọng cho ngành nông nghiệp được sửa đổi, ban hành. Bộ đã cắt giảm 173/345 điều kiện đầu tư kinh doanh (đạt 50%), đúng với yêu cầu của Chính phủ.
Đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp, Thủ tướng biểu dương lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đã "miệng nói tay làm, kề vai sát cánh, chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, hiệu quả, đề xuất kịp thời, có quan hệ chặt chẽ với các tỉnh, thành phố, các bộ, chỉ đạo có uy tín, trách nhiệm".
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ ra các mặt tồn tại, bất cập như tỷ lệ lao động nông nghiệp còn lớn (khoảng 38%). Cơ cấu lại nông nghiệp được triển khai chưa đồng đều ở các địa phương. Các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu. Kinh tế hộ nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao. Môi trường nông thôn còn là vấn đề lớn. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch đề ra. Thất thoát sau thu hoạch còn có tỷ lệ cao.
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tổng kết hoạt động ngành NNPTNT năm 2018.
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu: Ngành nông nghiệp phải khơi gợi được khát vọng của dân tộc, phải phấn đấu trong 10 năm nữa, Việt Nam lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, riêng lĩnh vực chế biến nông sản, phải vào tốp 10 của thế giới. Phải phấn đấu trở thành trung tâm chế biến, xuất khẩu đồ gỗ, lâm sản hàng đầu thế giới, là nơi sản xuất tôm lớn của thế giới.
Thủ tướng nêu rõ, tăng trưởng nông nghiệp phải đạt cao, ít nhất là 3%, xuất khẩu khoảng 42-43 tỷ USD. "Tôi đề nghị các đồng chí tìm tòi mọi cách, phát huy mọi sáng tạo để thực hiện đạt cao hơn mục tiêu đưa ra".
Gợi ý các giải pháp để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng nhấn mạnh, việc đầu tiên là phải có thể chế pháp luật tốt, phải xóa bỏ những quy định lạc hậu để nông nghiệp Việt Nam có bước tiến.
Thứ 2 là tái cơ cấu mạnh mẽ hơn mô hình tăng trưởng nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, trong đó có việc xây dựng sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, sản phẩm chủ lực của địa phương.
Thứ 3 là làm tốt hơn nữa công tác thị trường, bao gồm cả dự báo, cả cân đối cung cầu, cả phát triển thị trường mới và đặc biệt là xây dựng thương hiệu trong nông nghiệp, từ gạo đến tôm, đến giống lúa, cá tra...
Thứ 4, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, ưu tiên công nghệ cao, công nghệ sinh học, đặc biệt là ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn, không phải nông nghiệp ở ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhấn mạnh việc xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng lưu ý, cần chú trọng tiêu chí thu nhập của người dân, "đừng bị bệnh thành tích, chỉ có hình thức mà chính là đời sống của người dân ở các vùng chúng ta xây dựng nông thôn mới như thế nào".
Xuất khẩu nông sản, trong đó có trái cây tăng trưởng ấn tượng trong năm 2018. Ảnh: IT.
Thủ tướng đề nghị, theo dõi diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động làm công tác tham mưu chỉ đạo ứng phó với thiên tai, không để bị động bất ngờ. Phải tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng về quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, khắc phục những tồn tại mà năm 2018 chúng ta chưa làm tốt.
"Về vấn đề đóng cửa rừng tự nhiên cùng với phát động trồng rừng, rất quan trọng để không những cung cấp gỗ cho chế biến lâm sản mà còn là vấn đề môi trường sống. Mỗi nhà, mỗi người, mỗi địa phương phải làm mạnh mẽ hơn việc trồng rừng, phủ xanh đất trống", Thủ tướng nói.
Cán bộ làm nông nghiệp cần có tinh thần là phải cùng nông dân, sống trong lòng nông dân để làm cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp, nông thôn. "Cán bộ nông nghiệp phải sát dân, đừng có xa dân, nắm được tâm tư nguyện vọng, nắm được nhu cầu của người dân, đừng có hời hợt trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp".
Phải phát huy vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng mạnh mẽ hơn để đưa các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Quan tâm đào tạo cán bộ khoa học công nghệ cho nông nghiệp, cán bộ quản lý nông nghiệp, cán bộ am hiểu về công nghệ chế biến, công nghệ thực phẩm, nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao...
"Với kết quả vừa qua và qua Hội nghị hôm nay, một niềm tin mới, nhận thức mới, một hành động quyết liệt vì nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, hướng về tiêu dùng, xuất khẩu để nông dân nước ta, doanh nghiệp nước ta về nông nghiệp khá hơn, giàu hơn", Thủ tướng bày tỏ. "Vì thế, tôi xin nói lại, thể chế chính sách, tạo môi trường đầu tư vào nông nghiệp cùng với hành động, chỉ đạo cụ thể, quyết liệt của cán bộ nông nghiệp các cấp sẽ đóng góp vào thành công của nông nghiệp Việt Nam năm 2019".
Theo Danviet
Thủ tướng muốn nghe 'hiến kế' gỡ nút thắt trong ngành nông nghiệp Mở đầu Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm ngoái, xuất khẩu nông nghiệp đạt 40,02 tỷ USD, là một kỷ lục, vậy năm nay hơn là bao nhiêu, chủ trương, biện pháp mới nào để tạo nên cái hơn...